QPTD -Thứ Tư, 07/12/2011, 00:03 (GMT+7)
Mấy suy nghĩ về quán triệt, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về chống quan liêu, tham nhũng trong tình hình hiện nay
Ngay sau khi nước nhà mới giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thường xuyên quan tâm đến phòng, chống tệ quan liêu, tham nhũng (QLTN). Theo Người, tệ quan liêu và nạn tham nhũng luôn đồng hành và gắn bó với nhau, cùng nhau làm hư hỏng cán bộ, làm suy yếu bộ máy của Đảng và Nhà nước, làm giảm lòng tin của nhân dân đối với sự nghiệp cách mạng. Người chỉ rõ: “Vì những người và những cơ quan lãnh đạo từ cấp trên đến cấp dưới không sát công việc thực tế, không theo dõi và giáo dục cán bộ, không gần gũi quần chúng. Đối với công việc thì trọng hình thức mà không xem xét khắp mọi mặt, không vào sâu vấn đề. Chỉ biết khai hội, viết chỉ thị, xem báo cáo trên giấy, chứ không kiểm tra đến nơi, đến chốn… thành thử có mắt mà không thấy suốt, có tai mà không nghe thấu, có chế độ mà không giữ đúng, có kỷ luật mà không nắm vững… Thế là bệnh quan liêu đã ấp ủ, dung túng, che chở cho nạn tham ô, lãng phí. Vì vậy, muốn trừ sạch nạn tham ô, lãng phí, thì trước mắt phải tẩy sạch bệnh quan liêu”1. Nguyên nhân sâu xa làm nảy sinh tệ QLTN trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh là do “cá nhân chủ nghĩa”. “Do cá nhân chủ nghĩa mà ngại gian khổ, khó khăn, sa vào tham ô, hủ hoá, lãng phí, xa hoa. Họ tham danh trục lợi, thích địa vị quyền hành. Họ tự cao, tự đại, coi thường tập thể, xem khinh quần chúng, xa rời thực tế, mắc bệnh quan liêu, mệnh lệnh”2. Từ thực tế đó, Người đòi hỏi “phải kiên quyết quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng”. Đồng thời, cán bộ, đảng viên phải luôn luôn tu dưỡng, phấn đấu sao cho xứng đáng với cương vị, chức trách được nhân dân gửi gắm; phải “thực hành chữ liêm trước, để làm kiểu mẫu cho dân”; phải xây dựng Đảng thực sự trong sạch; phải dựa vào dân mà chống QLTN và coi chống QLTN cũng cần kíp như đánh giặc trên mặt trận. Theo Người, “nếu chiến sỹ và nhân dân ra sức chống giặc ngoại xâm mà quên chống giặc nội xâm, như thế là chưa làm tròn nhiệm vụ của mình"3. Tư tưởng của Người về chống QLTN đến nay vẫn còn nguyên giá trị cả về lý luận và thực tiễn đối với công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng trong thời kỳ mới của cách mạng.

           

Ngày nay, tệ QLTN đang là một thách thức lớn đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân ta trong sự nghiệp đổi mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đảng ta coi QLTN như là một "quốc nạn", một thứ “giặc nội xâm”, chứa chấp tiềm tàng khả năng “tự  diễn biến”, một nguy cơ trực tiếp liên quan đến sự sống còn của hệ thống chính trị, làm suy giảm lòng tin của nhân dân. Trước tình hình đó, việc quán triệt, học tập, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về chống QLTN trong tình hình hiện nay càng có ý nghĩa thiết thực và cấp thiết. Thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, biện pháp chống QLTN trên cả phương diện chủ trương, pháp luật, cơ chế, chính sách, cũng như trong hành động, thể hiện quyết tâm cao của Đảng và Nhà nước đối với tệ nạn này. Đại hội IX của Đảng đã chỉ rõ,“nạn tham nhũng và tệ quan liêu” vẫn đang là một trong bốn nguy cơ tồn tại ở xã hội ta và nhấn mạnh: “tình trạng tham nhũng và sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên đang cản trở việc thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, gây bất bình và làm giảm lòng tin trong nhân dân”4.
           
Thế nhưng, để chống tham nhũng thì cần hiểu rõ tham nhũng là gì và nguyên nhân nảy sinh tệ tham nhũng ở nước ta, từ đó tìm ra hình thức, phương pháp đấu tranh chống lại tệ nạn đó. Có thể nói, QLTN là tệ nạn một số cán bộ của Đảng, Nhà nước lợi dụng chức vụ và quyền hạn được giao để tìm cách ăn cắp của công, ăn cắp cá nhân hoặc ăn cắp tập thể; nhận hối lộ của cá nhân hoặc đơn vị, rồi giải quyết hoặc tạo điều kiện giải quyết công việc có lợi cho người hối lộ: nhanh hơn, nhiều hơn người khác hoặc đáng lẽ không được giải quyết nhưng vẫn giải quyết. Phần lớn các trường hợp là nhận hối lộ rồi thì người nhận hối lộ làm sai chủ trương, chính sách, pháp luật Nhà nước... hoặc là không sai luật, không sai chủ trương, chính sách thì cũng sách nhiễu đương sự, tỏ ra làm ơn chạy chọt cho họ để có phần “bồi dưỡng”. ỷ vào quyền lực sử dụng lãng phí tiền bạc, tài sản của Nhà nước vào những việc có lợi riêng cho mình hoặc tập thể, hoặc có khi không trực tiếp ăn cắp nhưng được hưởng lợi do sự lãng phí ấy. Những hành vi thường thấy là sử dụng tiền của Nhà nước một cách tùy tiện không đúng chế độ, tiêu chuẩn, tùy tiện đặt ra các chế độ, tiêu chuẩn riêng trái với những qui định chung của các chế độ, chính sách, pháp luật Nhà nước. Đặc biệt, tệ quan liêu, lãng phí, tham nhũng, hối lộ, “ăn chặn”, “ăn chia”, bòn rút tài chính, tài sản công, vốn đầu tư nước ngoài, lối sống xa hoa, trụy lạc diễn ra ở một số cán bộ, với các mức độ khác nhau, dưới nhiều màu sắc tinh vi và phát triển ngày càng nghiêm trọng; có trường hợp thành đường dây “liên minh ma quỷ” giữa các “cánh hẩu”, “sân sau” với nhau trong các dự án, tự tung tự tác, móc nối trên dưới, trong ngoài, gây bất bình trong xã hội. Điều đáng nói là tình trạng tiêu cực cũng đã xảy ra ở một số cơ quan giám sát thực thi pháp luật gây bất bình trong quần chúng nhân dân. Trong khi đó, nhiều nơi vẫn tồn tại tình trạng quản lý lỏng lẻo, lối làm việc quan liêu, vô trách nhiệm, trao quyền thiếu sự giám sát, kiểm tra; lãnh đạo không quản lý và nắm bắt hết được tình hình cơ quan, đơn vị mình, để cho các “trung tâm tiêu cực” thoả sức lộng hành; tính chiến đấu của các tổ chức Đảng, đảng viên ở nhiều cơ quan, đơn vị trực tiếp liên quan đến QLTN rất yếu kém, thậm chí có nơi có thể nói là tê liệt, để hiện tượng tiêu cực xảy ra đã lâu nhưng không được phát hiện và ngăn chặn kịp thời... Những biểu hiện trên là hoàn toàn xa lạ với bản chất cách mạng của Đảng, là trái với đạo đức cách mạng theo tư tưởng Hồ Chí Minh, nếu không được khắc phục kịp thời sẽ làm suy giảm đáng kể uy tín, vai trò lãnh đạo, đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ. Điều này, Bác Hồ đã dạy chúng ta là: “Cần phải nêu những đồng chí đã ăn hối lộ ra để cho dư luận quở trách và cần phải đuổi họ ra khỏi Đảng. Phải lập tức đề nghị một đạo luật để trừng trị những vụ hối lộ”2. Quán triệt quan điểm đó, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX khẳng định: “tiếp tục đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống tham nhũng trong bộ máy nhà nước và toàn bộ hệ thống chính trị, ở các cấp, các ngành từ trung ương đến cơ sở. Gắn chống tham nhũng với chống lãng phí, quan liêu, buôn lậu, đặc biệt chống các hành vi lợi dụng chức quyền để làm giàu bất chính”5. Trong Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X, một lần nữa Đảng ta khẳng định quyết tâm chống nạn QLTN: “Thời gian tới sẽ xử lý kiên quyết, kịp thời, công khai người tham nhũng bất kể ở chức vụ nào, đương chức hay đã nghỉ hưu, tịch thu, sung công tài sản có nguồn gốc từ tham nhũng, xử lý nghiêm những người bao che cho tham nhũng hoặc lợi dụng việc tố cáo tham nhũng để vu khống , làm hại người khác. Có cơ chế khuyến khích và bảo vệ những người tích cực đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, biểu dương và nhân rộng những gương cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”. 
           
Có thể nói ở nước ta tình trạng QLTN trước hết do sự giảm sút phẩm chất cách mạng và đạo đức của một bộ phận cán bộ của Đảng, Nhà nước. Đây là khuyết điểm trong công tác giáo dục, công tác kiểm tra, quản lý cán bộ của Đảng, Nhà nước, cần nhận thức sâu sắc nguyên nhân này, không thể đổ lỗi cho nguyên nhân khách quan trong vấn đề QLTN. Hai là do những thiếu sót, sơ hở trong quản lý của Nhà nước. Hiện nay khi xem xét lại chúng ta thấy có những chính sách, chế độ, qui định còn sơ hở, tạo điều kiện cho các hành vi tham nhũng, hối lộ. Ví như trước đây, chế độ bao cấp đẻ ra chênh lệch giá, tạo điều kiện cho người ta lợi dụng kiếm lời hết sức dễ dàng; thì nay với quyền tự chủ sản xuất kinh doanh, cạnh tranh theo cơ chế thị trường trong khi các biện pháp kiểm soát còn nhiều hạn chế, kém hiệu quả để một số cán bộ lợi dụng chiếm đoạt tài sản của Nhà nước, của tập thể. Chưa có lực lượng thanh tra Nhà nước đủ mạnh nên công tác này làm chưa được thường xuyên, thiếu chủ động... nên nhiều vụ việc không phát hiện được hoặc phát hiện nhưng xử lý chậm. Các cơ quan lãnh đạo, quản lý chưa có thái độ kiên quyết, nghiêm minh đối với người phạm tội, không ít cán bộ còn nể nang, nương nhẹ, còn ngại va chạm phản ứng. Vì vậy, chậm phát hiện những vụ xảy ra, hoặc phát hiện rồi mà không kết luận, xử lý ngay để tồn đọng và dồn lên Trung ương. Thiết nghĩ, muốn chống có hiệu lực, hiệu quả tệ QLTN, chúng ta cần phải khắc phục bằng được hai nguyên nhân trên. Đồng thời, công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân phải được coi trọng. Trong tình hình hiện nay, cần phải giáo dục để không ngừng nâng cao lập trường chính trị, đạo đức cách mạng của chủ nghĩa Mác- Lê nin, tư  tưởng Hồ Chí Minh, để cán bộ, đảng viên kiên định trước những cám dỗ, cạm bẫy vật chất tầm thường và những chiêu bài mua chuộc hết sức tinh vi của các thế lực thù địch.Trong đó, cần phải nhận thức đầy đủ và hành động đúng theo lời dạy của Bác Hồ: “1.Các sự hy sinh khó nhọc thì mình làm trước người ta, còn sự sung sướng, thanh nhàn thì mình nhường người ta hưởng trước; 2.Các việc đáng làm thì khó mấy cũng quyết làm cho kỳ được; 3. Ham làm những việc ích quốc lợi dân. Không ham địa vị và công danh phú quý; 4. Đem lòng chí công vô tư mà đối với người, đối với việc; 5. Quyết tâm làm gương về mọi mặt, siêng năng, tiết kiệm, trong sạch; 6. Chớ kiêu ngạo, tự mãn, nên nói ít làm nhiều, thân ái, đoàn kết". Kết hợp tăng cường giáo dục cho mọi người thấm nhuần đạo đức con người mới XHCN, những điều qui định cán bộ, đảng viên không được làm; tổ chức học tập, quán triệt các nghị quyết của Đảng, Luật chống tham nhũng, Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí… Trên cơ sở đó, khơi dậy ý thức đạo đức lành mạnh ở mọi người, để ai cũng có thể tự nhận thấy được trách nhiệm của mình, tự giác, kiên trì phấn đấu với tinh thần cầu thị, tiến bộ. Trong khi xây dựng, bồi dưỡng những phẩm chất đạo đức mới, phải kiên quyết chống lại cái xấu, cái sai, cái vô đạo đức; chống bệnh quan liêu, hình thức, cửa quyền, hách dịch, vô cảm, thiếu tinh thần trách nhiệm với công việc, chức trách được giao. Điều quan trọng là phải phát hiện sớm những biểu hiện của tệ QLTN, xử lý nghiêm khắc, đúng người, đứng tội, bất kể người đó là ai và phải hướng mọi người vào cuộc đấu tranh để chống lại chúng, xây dựng sự trong sạch, lành mạnh về đạo đức cách mạng.
   Vấn đề chủ yếu trong cuộc đấu tranh chống QLTN hiện nay là phải tiếp tục thực hiện Cuộc vận động xây dựng và chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng. Trong đó, phải kiện toàn cấp uỷ, kiên toàn đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt từ Trung ương đến các cấp bộ Đảng cơ sở, có đầy đủ phẩm chất, năng lực, có uy tín trước quần chúng nhân dân, trong sạch về lối sống, không QLTN và phải có ý thức, quyết tâm chống QLTN và các tệ nạn khác. Qúa trình kiện toàn phải tuân thủ theo đúng qui trình công tác cán bộ, từ việc đánh giá, qui hoạch, bổ nhiệm, đến bồi dưỡng, sử dụng... đều phải chặt chẽ, đúng nguyên tắc, tiêu chuẩn, không cảm tính, không thiên vị và cần lưu ý đến khâu lấy tín nhiệm quần chúng trước khi bổ nhiệm, đề bạt cán bộ. Đề cao trách nhiệm quản lý cán bộ, đảng viên từ chi bộ, từ tổ chức cơ sở, trong từng cơ quan, đơn vị; trách nhiệm quản lý cán bộ của cấp ủy và cơ quan tham mưu, chống quan liêu, chủ nghĩa hình thức và các biểu hiện tiêu cực khác trong công tác cán bộ. Trong sinh hoạt của các tổ chức Đảng, phải giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ; khắc phục tình trạng lấy cớ “đề cao dân chủ”, người đứng đầu cấp uỷ, cán bộ chủ chốt không dám đứng ra chịu trách nhiệm, không dám quyết đoán, dựa dẫm vào tập thể hoặc nhân danh tập thể, lấy tập thể làm “bình phong” để ra nghị quyết, quyết định trái với nghị quyết của cấp trên, làm các việc sai trái, vi phạm pháp luật Nhà nước. Các tổ chức Đảng phải thường xuyên dành nhiều thời gian và tâm sức để bàn về công tác xây dựng Đảng; làm tốt công tác quản lý, giáo dục, rèn luyện đảng viên cả ở nơi làm việc, cũng như ở nơi cư trú; vũ khí tự phê bình và phê bình phải được phát huy thường xuyên và đầy đủ trong kiểm điểm, đấu tranh chống mọi biểu hiện QLTN ở đơn vị, cơ quan mình. Phải khuyến khích việc nói thẳng, nói thật, thẳng thắn phê bình, khắc phục tình trạng nể nang, né tránh, dĩ hoà vi quý. Phát huy vai trò của người đứng đầu, của bí thư cấp uỷ đối với việc lãnh đạo, quản lý mọi mặt đơn vị. Khi đơn vị có các vụ việc tham nhũng, tiêu cực người đứng đầu phải hoàn toàn chịu trách nhiệm, trường hợp nghiêm trọng phải kỷ luật và thay ngay chứ không thể vô can.          
Cuộc đấu tranh chống QLTN hiện nay là một công việc hệ trọng và rất khó khăn, phức tạp. Nó đòi hỏi sự cố gắng rất cao của toàn bộ hệ thống chính trị, trước hết là cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, các đoàn thể chính trị - xã hội và của toàn dân. Do vậy, phải phối hợp đồng bộ, thống nhất, hiệu quả của toàn bộ hệ thống chính trị, nhất là các phương tiện thông tin đại chúng, nâng cao vai trò giám sát của nhân dân, tạo thành sức mạnh tổng hợp để đấu tranh, ngăn ngừa với các tệ nạn QLTN. Đồng thời, phải kiên quyết thực hiện nghiêm túc, đầy đủ Qui chế dân chủ ở cơ sở, để nhân dân kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên về thực hiện chính sách, pháp luật Nhà nước, về đạo đức, lối sống. Kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục và kỷ luật, giữa dân chủ và tập trung, giữa cấp trên và cấp dưới trong rèn luyện đạo đức cách mạng, chống QLTN của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Phải có qui chế bảo vệ lẽ phải, bảo vệ những người tích cực chống QLTN; làm tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ, tăng cường công tác kiểm tra của Đảng, thanh tra của Nhà nước; phát huy hiệu lực của công luận với vai trò là “diễn đàn”, là một mũi tiến công lợi hại chống QLTN ở nước ta hiện nay.
Phòng, chống tệ QLTN là cuộc đấu tranh sống còn của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, là biện pháp thiết thực xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; xây dựng Nhà nước thực sự của dân, do dân, vì dân; xây dựng đội ngũ cán bộ “vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ trung thành của nhân dân"; củng cố niềm tin của nhân dân đối với chế độ, theo đúng như ước nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
 
Đỗ Hồng Lâm
 
1- Hồ Chí Minh- Toàn tập, Tập 6, Nxb CTQG, H. 2000, tr. 489 - 490.
2- Hồ Chí Minh - Về phê bình và tự phê bình, Nxb ST, H. 1976, tr. 74.
3- Sdd, Tập 6, tr. 495.
4- Sđd, Tập 6, tr. 496.
5- Đảng Cộng sản Việt Nam - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb CTQG, H. 2001, tr. 135 - 136.
 

Ý kiến bạn đọc (0)