QPTD -Chủ Nhật, 04/12/2011, 23:02 (GMT+7)
Mấy suy nghĩ về nâng cao năng lực thực hiện nhiệm vụ quốc phòng - an ninh cho đội ngũ cán bộ, công chức Nhà nước trong tình hình mới

Hiện nay, tổng số cán bộ, công chức Nhà nước  có khoảng 1.450.000 người, trong đó số cán bộ, công chức thuộc lĩnh vực hành chính và sự nghiệp là 1.400.000 người. Tỷ lệ này so với số dân cả nước thì không lớn, nhưng đó là nguồn nhân lực quan trọng của đất nước, là nhân tố có ý nghĩa quyết định sự thành bại của cách mạng, là khâu then chốt trong công tác xây dựng Đảng. Điều đáng mừng là hầu hết cán bộ, công chức Nhà nước đã được đào tạo, tôi luyện và trưởng thành trong các phong trào cách mạng, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhìn chung họ có bản lĩnh chính trị vững vàng, trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân, có tinh thần phục vụ nhân dân, tinh thần chịu đựng gian khổ, khắc phục khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, trước yêu cầu ngày càng cao và những thách thức mới của nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, củng cố quốc phòng-an ninh (QP-AN) trong xu thế toàn cầu hoá, mở cửa, hội nhập, đối tượng, đối tác đan xen khó phân biệt rõ ràng, nhất là dưới tác động mặt trái của cơ chế thị trường... thì năng lực, phẩm chất đạo đức, lối sống của cán bộ, công chức Nhà nước hiện nay đang bộc lộ những khiếm khuyết và những bất cập mới, nếu không có chủ trương và giải pháp khắc phục kịp thời sẽ ảnh hưởng lớn tới việc thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới.

Để xây dựng được đội ngũ cán bộ, công chức, trước hết là cán bộ chủ chốt các cấp có năng lực quản lý và tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ QP-AN đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN trong thời kỳ mới, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều nghị quyết, chỉ thị, bộ luật, luật, pháp lệnh, nghị định, quyết định, thông tư... về QP-AN để định hướng và tạo cơ sở pháp lý cho các cấp, các ngành, các đoàn thể quán triệt và tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ trọng đại này. Nhờ đó công tác QP-AN đã được triển khai toàn diện, sâu sắc hơn, đạt kết quả tốt hơn. Điều dễ nhận thấy là nhận thức và trách nhiệm của hầu hết cán bộ, công chức đối với nhiệm vụ QP-AN đã được nâng lên rõ rệt. Cơ chế lãnh đạo và chức năng quản lý nhà nước về QP-AN ở các cấp, các ngành, các đoàn thể được vận hành có nền nếp. Những nội dung cơ bản của nhiệm vụ QP-AN được triển khai thực hiện nghiêm túc, đạt hiệu quả thiết thực, nhất là trong xây dựng các khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố; việc kết hợp kinh tế với QP-AN và kết hợp QP-AN với kinh tế-xã hội trong phạm vi cả nước và từng địa phương đã có nhiều chuyển biến tích cực. Đến nay, chúng ta đã thiết lập được cơ chế lãnh đạo, quản lý và tổ chức điều hành nhiệm vụ QP-AN có hiệu quả, huy động được sức mạnh tổng hợp của toàn dân và phát huy được khả năng của các tổ chức, đoàn thể thực hiện tốt nhiệm vụ QP-AN trong tình hình mới... Những kết quả đó đã góp phần tăng cường củng cố nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, tạo thế và lực mới cho  đất nước ta vững bước tiến lên trên con đường xây dựng thành công CNXH và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Tuy nhiên, so với yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc XHCN ngày nay, công tác QP-AN những năm qua vẫn còn nhiều hạn chế: Nhận thức về công tác này trước yêu cầu mới chưa được đặt đúng với tầm quan trọng chiến lược của nó, trong khi đó việc chỉ đạo của các cơ quan chức năng về xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố chưa đồng bộ, kết quả một số mặt chưa cao; việc kết hợp qui hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội gắn với tăng cường tiềm lực QP-AN trên từng địa bàn, địa phương chưa chặt chẽ, chưa nhuần nhuyễn. Một số bộ, ngành, địa phương chỉ đạo triển khai xây dựng lực lượng dự bị động viên, xây dựng lực lượng dân quân, tự vệ chưa nghiêm; việc bảo đảm chính sách hậu phương quân đội, nhất là vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn; công tác giáo dục quốc phòng toàn dân tuy có nhiều chuyển biến, nhưng vẫn còn hạn chế, bất cập so với yêu cầu... Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, song theo chúng tôi, nguyên nhân chủ yếu vẫn là do nhận thức và ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức nói chung, trước hết là cán bộ chủ chốt ở một số bộ, ngành, địa phương nói riêng về công tác QP-AN chưa sâu sắc và đầy đủ; chưa nhận thức hết âm mưu, thủ đoạn "diễn biến hoà bình", bạo loạn lật đổ của các các thế lực thù địch đối với cách mạng nước ta, nên còn có những biểu hiện mất cảnh giác, xem nhẹ nhiệm vụ QP-AN; chưa kết hợp nhuần nhuyễn trong thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược của ngành, lĩnh vực, địa phương mình phụ trách.
Muốn thực hiện tốt hai nhiệm vụ chiến lược trong tình hình mới, đòi hỏi gắn chặt với việc thường xuyên giáo dục nhận thức tư tưởng, ý thức, trách nhiệm, cần phải nâng cao hơn nữa năng lực chuyên môn và phẩm chất chính trị của đội ngũ cán bộ, công chức Nhà nước. Ngoài việc coi trọng nâng cao năng lực chuyên môn theo chuyên ngành, đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác hoạch định chính sách và quản lý nhà nước về QP-AN, đặc biệt là những người đứng đầu các cấp, các ngành, các đoàn thể chính trị, xã hội cần trang bị cho mình những kiến thức cơ bản về chính trị, kinh tế, văn hoá, quốc phòng, an ninh, đối ngoại... Một trong những mục tiêu nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức theo chương trình cải cách hành chính là thay đổi nếp nghĩ và thái độ công tác từ tư duy "cai trị", quản lý hành chính chuyển sang tư duy phục vụ nhân dân theo tinh thần như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: "cán bộ là công bộc của dân". Trong quá trình thực hiện cải cách hành chính, cán bộ, công chức Nhà nước vừa là tác nhân vừa là đối tượng của cải cách. Do vậy, chính họ phải nỗ lực phấn đấu vươn lên, dám vượt qua những thách thức trước mắt để vươn tới một triển vọng tốt đẹp hơn, một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân. Chỉ làm được như vậy người dân mới tin vào cán bộ, công chức, thấy rõ bản chất ưu việt của chế độ ta mà sẵn sàng góp sức xây dựng và sẵn sàng hy sinh để bảo vệ.  Một thực tế nhức nhối là tệ tham nhũng đang nổi lên như một" quốc nạn", thêm vào đó một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức vẫn còn thái độ quan liêu, cửa quyền, hách dịch, nhũng nhiễu dân. Những hành vi đó đang làm xói mòn đạo đức, tác phong của cán bộ, công chức, làm suy giảm lòng tin của dân đối với Đảng và Nhà nước. Để làm trong sạch đội ngũ cán bộ, công chức, ngoài các biện pháp tuyển chọn, quản lý chặt chẽ và xử phạt nghiêm minh theo luật định, cần phải tăng cường giáo dục đạo đức công vụ, ý thức kỷ luật hành chính, kỷ cương và nếp sống văn minh; tăng cường tính minh bạch, công khai, tích cực đấu tranh đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực, giảm bớt quan liêu giấy tờ, thủ tục hành chính rườm rà; khuyến khích thái độ phục vụ đúng mức, lịch sự đối với nhân dân; chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức vừa có trình độ chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp cao, vừa giác ngộ chính trị, có tinh thần trách nhiệm, tận tuỵ, công tâm vừa có đạo đức, liêm khiết khi thi hành công vụ... Đó là những giải pháp quan trọng, góp phần xây dựng, củng cố " thế trận lòng dân" vững chắc trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.
Cùng với nâng cao đạo đức công vụ và phong cách làm việc của cán bộ, công chức, vấn đề quan trọng đặt ra cho các cấp, các ngành, các đoàn thể là phải tăng cường đào tạo và bồi dưỡng kiến thức quốc phòng-an ninh cho đội ngũ cán bộ, công chức, trước hết là cán bộ chủ chốt các cấp, các ngành, các đoàn thể về  nâng cao năng lực tổ chức thực hiện nhiệm vụ QP-AN trong thời kỳ mới. Mục tiêu bảo vệ Tổ quốc XHCN ngày nay đã được Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 8 (khoá IX) xác định rõ: Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ XHCN; bảo vệ sự nghiệp đổi mới, CNH,HĐH đất nước; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và nền văn hoá, giữ vững ổn định chính trị và môi trường hoà bình, phát triển đất nước theo định hướng XHCN. Như vậy, nhiệm vụ QP-AN trong tình hình mới đã có những phát triển mới rất cao, vừa mang tính toàn diện vừa đòi hỏi phải có tính đặc thù, chuyên môn cao. Vì vậy, vấn đề quan trọng đặt ra hiện nay cho các các cấp, các ngành, đoàn thể là phải tiếp tục đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị- tư tưởng, giáo dục quốc phòng, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, trước hết là cán bộ chủ chốt đối với nhiệm vụ QP-AN trong thời kỳ mới.
Những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách và giải pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho cán bộ, công chức được học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kiến thức và năng lực tổ chức thực hiện nhiệm vụ QP-AN theo từng cương vị, chức trách được giao. Đến nay hệ thống giáo dục quốc phòng, hệ thống đào tạo và bồi dưỡng kiến thức QP-AN được thiết lập tương đối hoàn chỉnh, đồng bộ từ Trung ương tới cơ sở và đã đi vào hoạt động có nền nếp. Từ tháng 6 năm 1998 đến tháng 3 năm 2005, riêng Học viện Quốc phòng đã tổ chức thành công 16 khoá bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho 924 cán bộ cao cấp thuộc đối tượng 1 và 2, trong đó có 41 đồng chí là ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng (có 1 bộ trưởng), 63 đồng chí là thứ trưởng và tương đương, 408 đồng chí lãnh đạo các tỉnh, 13 sĩ quan cao cấp trong quân đội, 92 Tổng cục trưởng, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc các tổng công ty, 307 cán bộ cấp vụ, viện và Hiệu trưởng các trường đại học. Qua học tập, các học viên đều thấy được sự cần thiết phải mở  các lớp  bồi dưỡng kiến thức QP-AN và đánh giá những nội dung học tập ở Học viện Quốc phòng là hết sức bổ  ích, thiết thực, cần thiết cho nhiệm vụ và cương vị công tác đang đảm nhiệm. Ngoài các lớp bồi dưỡng kiến thức QP-AN ở Học viện Quốc phòng, các quân khu, tỉnh, thành phố và các quận, huyện, thị xã trong cả nước đều tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt thuộc đối tượng 2, 3, 4 theo phân cấp. Đến nay, trên 90% cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt các cấp từ Trung ương đến cơ sở đã được học tập, bồi dưỡng kiến thức QP-AN, qua đó giúp cho họ có đủ trình độ, năng lực để nghiên cứu, quán triệt và tổ chức thực hiện tốt đường lối, quan điểm của Đảng ta về xây dựng nền quốc phòng toàn dân, về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới...Trên cơ sở đó nghiên cứu, quán triệt và vận dụng sáng tạo vào điều kiện thực tiễn của từng bộ, ngành, địa phương; đồng thời thấy rõ hơn những thách thức và hạn chế đang tồn tại trong phạm vi cả nước và của từng bộ, ngành, địa phương, đơn vị để xác định chủ trương và tìm giải pháp khắc phục. Thực tiễn ở một số địa phương cho thấy ở đâu cán bộ, công chức lơ là, xem nhẹ nhiệm vụ QP-AN, không chăm lo củng cố "trận địa lòng dân" thì ở đó có nhiều cán bộ vi phạm pháp luật, lòng dân không yên, nhiều vụ khiếu kiện đông người, vượt cấp, thậm chí phát sinh nhiều "điểm nóng" làm mất an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương, cơ sở. Để sớm khắc phục những tồn tại trên, nhiều địa phương đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tìm rõ nguyên nhân, xác định rõ trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức Nhà nước, nhất là cán bộ chủ chốt đối với nhiệm vụ giữ gìn an ninh chính trị ở cơ sở; tăng cường xây dựng, củng cố hệ thống chính trị các cấp, đặc biệt là cấp cơ sở trong sạch, vững mạnh, đủ sức đảm trách nhiệm vụ QP-AN theo cương vị, chức trách được giao; thường xuyên sâu sát dân, hiểu rõ tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người dân để nắm chắc tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của địa phương, cơ sở, kịp thời đề xuất, kiến nghị những chủ trương, chính sách và giải pháp tháo gỡ những khó khăn, ách tắc ở cơ sở. Tích cực giáo dục, tuyên truyền, vận động nhân dân tự giác chấp hành nghiêm chỉnh đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta về xây dựng, củng cố nền quốc phòng toàn dân vững mạnh; thường xuyên nâng cao cảnh giác cách mạng, không để các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền để kích động, phá hoại, gây rối an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương, cơ sở; coi trọng xây dựng, củng cố "thế trận lòng dân", phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo sức mạnh tổng hợp để góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN trong mọi tình huống.       
 
Hải Đăng

 

Ý kiến bạn đọc (0)