QPTD -Thứ Sáu, 26/08/2011, 21:21 (GMT+7)
Mấy suy nghĩ về kết hợp an ninh với quốc phòng trong điều kiện mới

An ninh và quốc phòng là hai thành tố biểu trưng cho sức mạnh của Tổ quốc XHCN, nhằm mục tiêu đánh thắng thù trong, giặc ngoài, giữ vững ổn định chính trị, môi trường hoà bình để xây dựng và phát triển đất nước. Vì vậy, kết hợp an ninh với quốc phòng cần tiếp tục được nghiên cứu và triển khai thực hiện chặt chẽ, đồng bộ và toàn diện cả về nhận thức và nội dung ở từng cấp độ.

Kết hợp an ninh1 với quốc phòng là yêu cầu khách quan và trở thành quy luật tất yếu đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhất là trong bối cảnh hiện nay, tình hình thế giới, khu vực còn nhiều diễn biến phức tạp, khó lường; nước ta tiếp tục phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng; các thế lực thù địch ráo riết đẩy mạnh chiến lược “Diễn biến hoà bình”, bạo loạn lật đổ chống phá cách mạng nước ta trên tất cả các lĩnh vực hòng xoá bỏ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và chế độ XHCN của nhân dân ta. Vì vậy, kết hợp an ninh với quốc phòng nhằm phát huy tối đa sức mạnh tổng hợp  để bảo vệ Tổ quốc là vấn đề có tầm quan trọng chiến lược, quyết định tới thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, để sự kết hợp hai lĩnh vực này có hiệu quả, cần có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, toàn diện trên tất cả các mặt; trong đó và trước hết, phải quán triệt sâu sắc từ nhận thức tư tưởng đến nội dung của mối kết hợp quan trọng này.  

1. Về nhận thức, an ninh chính trị được hiểu là nội dung chủ yếu của an ninh quốc gia, bao gồm: sự ổn định chính trị, nền tảng tư tưởng, thể chế chính trị và quyền lãnh đạo của Đảng… Bảo vệ an ninh chính trị là các hoạt động phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hành động của các thế lực thù địch, phá hoại sự ổn định và phát triển bền vững của chế độ chính trị. Như vậy, nội dung cốt lõi của an ninh chính trị là bảo đảm sự ổn định và phát triển bền vững của chế độ XHCN, hay nói cách khác: an ninh chính trị đồng nghĩa với chế độ XHCN, bảo vệ an ninh chính trị là bảo vệ sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và toàn xã hội. Đến đây, ba thuật ngữ: “an ninh chính trị”, “chế độ XHCN” và “vai trò lãnh đạo của Đảng” có nội hàm (ý nghĩa) tương đồng. Do đó, bảo vệ an ninh chính trị, vai trò lãnh đạo của Đảng và chế độ XHCN có nội dung chủ yếu như nhau.

Đối với quốc phòng, được hiểu là tổng thể các hoạt động đối nội và đối ngoại trên các lĩnh vực quân sự, chính trị, kinh tế, văn hoá, khoa học… của Nhà nước và nhân dân để phòng thủ đất nước, giữ gìn hoà bình, ngăn ngừa chiến tranh và khi kẻ thù gây hấn hoặc gây chiến thì ngăn chặn, chiến đấu mà nòng cốt là lực lượng vũ trang nhân dân để bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Từ những vấn đề trên cho thấy, bảo vệ Tổ quốc về mặt chủ quyền, lãnh thổ và bảo vệ chế độ XHCN luôn gắn chặt với nhau, tác động, bổ sung cho nhau trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và được thể hiện một cách đầy đủ, sâu sắc ở mối quan hệ giữa an ninh với quốc phòng. Đây là hai thành tố trọng yếu của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, biểu trưng sức mạnh của Tổ quốc Việt Nam XHCN, tuy có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, nhưng an ninh và quốc phòng vẫn là hai thực thể khác nhau, luôn tồn tại, phát triển độc lập tương đối với nhau. Trước đây, trong chiến tranh giải phóng, các thế lực xâm lược, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc bao giờ cũng là nhà nước ngoại bang, nên đối tượng đấu tranh chủ yếu của nhân dân ta lúc đó là đội quân xâm lược nước ngoài. Tất nhiên, để thực hiện hành động gây hấn hoặc xâm lược, chúng cũng phải thu thập thông tin về ta từ nhiều nguồn; trong đó, có các lực lượng tay sai làm nội ứng ở bên trong, nhưng lực lượng này thường chỉ đóng vai trò hỗ trợ thứ yếu, còn chủ yếu vẫn là đội quân xâm lược. Ngày nay, trước bối cảnh tình hình thế giới, khu vực và trong nước còn nhiều diễn biến phức tạp, mặc dù các thế lực bên ngoài vẫn giữ vai trò quan trọng trong các cuộc đảo lộn chính trị ở các nước2, nhưng ở những thời điểm, địa bàn và thời cơ nhất định, các lực lượng chống đối bên trong cũng rất nguy hiểm và là lực lượng trực tiếp tạo ra các cuộc bạo loạn chính trị, lật đổ chế độ. Vì thế, sự kết hợp giữa an ninh và quốc phòng càng có ý nghĩa rất quan trọng. Trong Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XI, Đảng ta đã xác định: “Bố trí thế trận quốc phòng, an ninh phù hợp với tình hình mới. Gắn kết quốc phòng với an ninh. Kết hợp chặt chẽ quốc phòng, an ninh với phát triển kinh tế-xã hội trên từng địa bàn lãnh thổ”3. Đây là những chủ trương rất đúng đắn, sáng tạo, phù hợp với đòi hỏi của thực tiễn. Tuy nhiên, do đối tượng đấu tranh khác nhau, việc sử dụng chiến thuật, nghệ thuật của quốc phòng và an ninh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ cũng khác nhau. Do đó, việc sử dụng động từ “gắn kết” quốc phòng, an ninh là không phù hợp cả về nhận thức lý luận và hoạt động thực tiễn, mà nên sử dụng động từ “kết hợp” thay cho động từ “gắn kết” thành kết hợp nhiệm vụ quốc phòng với nhiệm vụ an ninh, có thể viết gọn là: kết hợp quốc phòng với an ninh hoặc an ninh với quốc phòng (tuỳ theo hoàn cảnh).

2. Về nội dung kết hợp giữa an ninh với quốc phòng bao hàm trên phạm vi rộng, gồm nhiều lĩnh vực, nhiều mặt hoạt động, trong đó nổi lên ba vấn đề lớn sau.

Một là, kết hợp an ninh với quốc phòng trong quá trình thu thập, xử lý thông tin liên quan đến nhiệm vụ an ninh, quốc phòng. Đây là mặt rất quan trọng trong kết hợp an ninh với quốc phòng; bởi lẽ, những thông tin phục vụ nhiệm vụ an ninh, quốc phòng là những vấn đề rất hệ trọng, liên quan đến tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, nhất là các lĩnh vực trọng yếu của quốc gia. Điều đó đòi hỏi phải có sự kết hợp, hiệp đồng chặt chẽ giữa các cấp, các lực lượng trong Công an nhân dân, Quân đội nhân dân và các lực lượng khác để thu thập, phân tích, xử lý, dự báo tình hình liên quan phục vụ cho nhiệm vụ an ninh, quốc phòng; trong đó, những vấn đề về chiến lược, chính sách của các nước có quan hệ trực tiếp, gián tiếp đến an ninh và quốc phòng của Việt Nam là mảng thông tin quan trọng, cần thiết. Cùng với đó, những nhân tố khách quan, chủ quan cả ở trong và ngoài nước đã và đang tác động trực tiếp đến sự phát triển của nền kinh tế, sự đồng thuận trong xã hội, lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, sức chiến đấu của Đảng và hiệu lực quản lý của Nhà nước theo cả hai chiều thuận, nghịch là những vấn đề cốt yếu cần được thu thập đầy đủ, kịp thời, phân tích, xử lý một cách khoa học để làm cơ sở cho Đảng, Nhà nước nhận định, đánh giá và hoạch định quyết sách quốc gia một cách đúng đắn, phù hợp. Đây là một công việc to lớn, phức tạp và khó khăn mà một cơ quan, một lực lượng khó lòng thực hiện và khó tránh khỏi cách nhìn phiến diện, nên rất cần sự kết hợp chặt chẽ giữa an ninh và quốc phòng ở nội dung quan trọng này.

Hai là, kết hợp an ninh với quốc phòng trong việc phân tích, đánh giá, xác định đối tác, đối tượng và các mối đe dọa đối với an ninh, quốc phòng. Thực tiễn những năm đổi mới vừa qua cho thấy, việc xác định đối tác, đối tượng, phân biệt bạn, thù của cách mạng luôn là vấn đề khó nhất của sự kết hợp an ninh với quốc phòng, nhất là trong bối cảnh hiện nay, toàn cầu hoá, khu vực hoá và sự tồn tại đan xen lợi ích đang là xu thế lớn của thời đại. Vì thế, kết hợp an ninh với quốc phòng trong phân tích, đánh giá, xác định đúng đối tác, đối tượng và các mối đe dọa đối với an ninh, quốc phòng ở từng giai đoạn, thời kỳ là nội dung quan trọng trong hoạch định đường lối đối nội và đối ngoại của đất nước. Trước đây, trong chiến tranh giải phóng dân tộc (1945-1975), ranh giới, phân tuyến giữa ta và địch tương đối rõ ràng; sự đàn áp tàn bạo của kẻ thù đối với đồng bào ta đã khắc sâu lòng căm thù và khơi dậy lòng yêu nước ở mỗi người dân, nên việc nhận định, đánh giá đối tượng đấu tranh và xác định bạn, thù không mấy khó khăn và dễ đi đến thống nhất. Ngày nay, trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng, đối tác, đối tượng tồn tại đan xen và chuyển hoá lẫn nhau, nên việc xác định đâu là đối tượng, đối tác rất khó khăn, phức tạp. Hơn nữa, tính chất đối tượng đấu tranh của quốc phòng, an ninh còn được che dấu, ngụy trang kín đáo bằng các quan hệ kinh tế, thương mại với bề ngoài thân thiện, hữu hảo. Thậm chí, khi đang có hành động xâm phạm chủ quyền và lợi ích quốc gia, dân tộc, họ vẫn rao giảng những điều tốt đẹp trong quan hệ. Vì nhiều lẽ, khó có thể xác định họ là kẻ thù, càng không thể công khai nói lên điều đó cho mọi người dân biết. Đó là một nghịch lý lớn trong nhận thức và thực hiện nhiệm vụ an ninh, quốc phòng hiện nay. Chính vì vậy, trong mọi trường hợp, hoàn cảnh, việc kết hợp an ninh với quốc phòng trong xác định đối tác, đối tượng phải đặt lợi ích quốc gia, dân tộc, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc và vai trò lãnh đạo của Đảng lên trên hết; đồng thời, phải coi đó là điểm tựa, nguyên tắc để đưa ra nhận định, đánh giá cả thời cơ, thách thức và nguy cơ đối với an ninh, quốc phòng của đất nước. Trên cơ sở đó, Công an và Quân đội phối hợp làm tham mưu cho Đảng, Nhà nước trong hoạch định và chỉ đạo thực hiện chiến lược, chính sách đối nội và chiến lược, chính sách đối ngoại nhằm bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc và vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và toàn xã hội.

Ba là, kết hợp chặt chẽ an ninh với quốc phòng ở từng cấp độ khác nhau. Theo chúng tôi, có ba cấp độ kết hợp an ninh với quốc phòng cần được xác định và thực hiện đầy đủ, triệt để. Thứ nhất, kết hợp an ninh với quốc phòng ở cấp độ hoạch định và chỉ đạo thực hiện quyết sách quốc gia (cấp 1). Đây là vấn đề hệ trọng và khá nhạy cảm trong quan hệ chính trị đối nội và quan hệ chính trị đối ngoại, nên cần thực hiện trong một phạm vi nhất định, chủ yếu là ở cấp cao. Theo đó, chủ trì việc kết hợp an ninh với quốc phòng là tập thể Ban Chấp hành Trung ương, trực tiếp là Bộ Chính trị. Thay mặt Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ chủ trì, chỉ đạo việc thực hiện kết hợp an ninh với quốc phòng. Nói cách khác, Thủ tướng Chính phủ chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị về việc kết hợp an ninh với quốc phòng ở cấp độ quốc gia. Thứ hai, kết hợp an ninh với quốc phòng ở cấp tổ chức thực hiện (cấp 2). Ở cấp độ này, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Bộ trưởng Bộ Công an phối hợp xây dựng kế hoạch, chương trình, đề án thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ về kết hợp an ninh với quốc phòng. Sự kết hợp ở cấp độ này xét đến cùng là hiện thực hoá đường lối, chủ trương và quyết sách quốc gia. Kết quả kết hợp ở cấp độ này còn có ý nghĩa phát hiện những bất cập cả trong chủ trương, chính sách, cả trong bố trí thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân để bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp. Thứ ba, kết hợp an ninh với quốc phòng ở cấp tham mưu và tổ chức thực hiện (cấp 3). Tại đây, việc triển khai kết hợp được thực hiện trên bình diện rộng lớn, với nhiều biện pháp hết sức đa dạng, phong phú. Đó là, kết hợp trong thu thập, xử lý thông tin, nhận định, đánh giá tình hình trong và ngoài nước liên quan đến an ninh, quốc phòng; nghiên cứu, triển khai các chương trình, kế hoạch, dự án phát triển khoa học-kỹ thuật; đào tạo, huấn luyện cán bộ; hợp tác đối ngoại và trong kết hợp quốc phòng, an ninh với kinh tế… Thực hiện tốt sự kết hợp an ninh với quốc phòng ở các cấp độ này sẽ góp phần chủ động bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và toàn xã hội.

Thiếu tướng, PGS, TS. LÊ VĂN CƯƠNG

Viện Chiến lược và Khoa học Công an, Bộ Công an

_______________

1- Trong bài viết này, an ninh được hiểu là an ninh chính trị
2- Sự sụp đổ của hệ thống XHCN ở Liên Xô và Đông Âu trong những năm cuối thập niên 80, đầu thập niên 90 của thế kỷ XX, các cuộc “cách mạng màu” ở Gru-di-a, U-crai-na... đều có sự hậu thuẫn và hỗ trợ mọi mặt của các thế lực bên ngoài.

3- ĐCSVN- Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XI của Đảng (Tài liệu sử dụng tại Đại hội Đảng cấp cơ sở, tháng 4-2010), Nxb. CTQG, H. 2010, tr. 37

 

Ý kiến bạn đọc (0)