QPTD -Thứ Ba, 29/11/2011, 01:02 (GMT+7)
Mấy suy nghĩ bước đầu về nghiên cứu, xây dựng Chiến lược quốc phòng, Chiến lược quân sự hiện nay
Công cuộc đổi mới toàn diện đất nước do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo đã thu được những thành tựu to lớn, trong đó đổi mới tư duy bảo vệ Tổ quốc là một nội dung quan trọng. Bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chế độ ngày nay phụ thuộc trước hết vào sự ổn định chính trị-xã hội, tăng trưởng kinh tế, phát triển khoa học-công nghệ theo định hướng XHCN. Để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng và Nhà nước ta đã xây dựng, triển khai thực hiện nhiều chủ trương chiến lược, trong đó Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH), Chiến lược bảo vệ Tổ quốc là hai chiến lược quốc gia do cơ quan lãnh đạo tối cao hoạch định, làm cơ sở để các bộ, ngành nghiên cứu, hoạch định chiến lược chuyên ngành và từng bước cụ thể hoá, đưa vào thực hiện trong cuộc sống. Nghị quyết Đại hội X của Đảng đã chỉ rõ: "Khẩn trương chỉ đạo xây dựng và ban hành các chiến lược quốc gia: Chiến lược Quốc phòng, Chiến lược An ninh và các chiến lược chuyên ngành khác". Do vậy, nghiên cứu xây dựng Chiến lược Quốc phòng (CLQP), Chiến lược Quân sự (CLQS) là yêu cầu cấp thiết, một nhiệm vụ quan trọng của quân đội ta hiện nay; trước hết, là trách nhiệm của cơ quan Tham mưu chiến lược, của các nhà khoa học quân sự và của lãnh đạo, chỉ huy cấp chiến dịch, chiến lược. Quốc phòng, quân sự là lĩnh vực đặc thù, chịu sự chi phối của nhiều nhân tố biến động, đòi hỏi tính cơ mật, tính dự báo cao, cần lượng thông tin lớn, cập nhật và chuẩn xác, nên việc triển khai nghiên cứu, xây dựng CLQP, CLQS phải rất công phu, cẩn trọng, tốn nhiều thời gian, công sức. Để góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác nghiên cứu, xây dựng CLQP, CLQS trong tình hình mới, chúng tôi xin nêu một số suy nghĩ bước đầu để cùng nghiên cứu, trao đổi.
1- Thống nhất nhận thức về cấp độ, phạm vi, mối quan hệ của CLQP, CLQS. Theo quan điểm của Đảng ta, quốc phòng là công cuộc phòng thủ quốc gia, gồm tổng thể các hoạt động đối nội, đối ngoại của cả nước về quân sự, chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, khoa học..., trong đó sức mạnh quân sự là đặc trưng, lực lượng vũ trang (LLVT) đóng vai trò nòng cốt. Còn quân sự là lĩnh vực hoạt động đặc biệt của xã hội, liên quan đến đấu tranh vũ trang, chiến tranh và quân đội. Vì thế, quốc phòng và quân sự là hai lĩnh vực không hoàn toàn đồng nhất với nhau, có cấp độ khác nhau, trong đó CLQP là chiến lược quốc gia, còn CLQS là chiến lược chuyên ngành.
 CLQP, CLQS tuy có tính đặc thù, nhưng đều chịu sự chi phối và phục tùng mục tiêu của Chiến lược phát triển KT-XH, Chiến lược bảo vệ Tổ quốc. Do vậy, nghiên cứu và hoạch định CLQP, CLQS cần nắm vững mục tiêu, bước đi, giải pháp của hai chiến lược này; đồng thời, có sự phối hợp, kế thừa và sử dụng đúng đắn kết quả nghiên cứu của các chiến lược chuyên ngành khác. Cũng do tính đặc thù mà CLQP, CLQS lại đề ra yêu cầu cho các chiến lược khác, nhất là Chiến lược phát triển KT-XH, văn hoá, khoa học-công nghệ, giáo dục-đào tạo... Các yêu cầu đó được thể chế thành pháp lệnh, tạo ra sự ràng buộc trách nhiệm và gắn kết giữa các chiến lược, bảo đảm tính hệ thống, thống nhất, tạo thành sức mạnh tổng hợp quốc gia nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ của cách mạng. Mặt khác, giữa CLQP và CLQS có những điểm chung, có mối quan hệ hữu cơ, đan xen và quy định lẫn nhau, nhưng bản thân từng chiến lược lại có tính độc lập tương đối, có nội dung, phạm vi nghiên cứu riêng, có mối liên hệ, tác động sâu sắc đến các mặt của đời sống xã hội, nên việc nghiên cứu, xây dựng CLQP, CLQS vừa phải đặt trong mối quan hệ tổng thể của các chiến lược, vừa phải phân định rõ về mục tiêu, khả năng và hoạt động của từng lĩnh vực. Mục tiêu của CLQP là giữ vững môi trường hoà bình, ổn định, tạo môi trường thuận lợi để xây dựng, phát triển đất nước; trong đó, quan trọng hàng đầu là làm thất bại âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hoà bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch, sẵn sàng đánh bại chiến tranh xâm lược của chúng. Mục tiêu của CLQS là ngăn ngừa, đẩy lùi nguy cơ chiến tranh, đánh thắng các loại hình, quy mô chiến tranh của các thế lực hiếu chiến xâm lược nếu chúng liều lĩnh gây ra. Về khả năng quốc phòng, thường tồn tại ở hai dạng: thực lực (đã có) và tiềm lực (khả năng tiềm tàng), cả về chính trị-tinh thần, kinh tế, khoa học-công nghệ và quân sự..., ẩn chứa trong nhân dân, trong các ngành kinh tế có thể huy động cho nhiệm vụ quốc phòng, quân sự. Còn khả năng quân sự, bao gồm LLVT, phương tiện chiến tranh hiện có và tiềm lực quốc phòng sẽ được huy động để tăng cường lực lượng và sức mạnh cho hoạt động quân sự. Về hoạt động quốc phòng, biểu hiện tập trung ở việc xây dựng và đấu tranh toàn diện trên tất cả các mặt chính trị, kinh tế, quân sự, đối ngoại..., diễn ra trong thời bình là chủ yếu, nhằm giữ gìn môi trường hoà bình, ổn định, để phát triển KT-XH và tạo thế, tạo lực cho hoạt động quân sự. Còn hoạt động quân sự cũng diễn ra trong thời bình, nhưng hoạt động đó phải hướng tới chuẩn bị lực lượng, đẩy lùi nguy cơ chiến tranh và quan trọng nhất là giành thắng lợi trong trường hợp chiến tranh xảy ra. Những phân tích trên cho thấy, quan hệ giữa CLQP với CLQS là mối quan hệ giữa tổng thể và bộ phận, giữa chỉ đạo và phục tùng, giữa tổ chức, chuẩn bị tiềm lực và nghệ thuật biến tiềm lực thành lực lượng, sức mạnh giành thắng lợi trong chiến tranh.
2- Nghiên cứu, xây dựng CLQP, CLQS phải xuất phát từ điều kiện kinh tế của đất nước. Khi bàn về chiến tranh và quân đội, Ph.ăng-ghen đã khẳng định: “Vũ trang, biên chế, tổ chức, chiến lược, chiến thuật phụ thuộc trước hết vào trình độ mà sản xuất đạt được”. Trong lịch sử dân tộc ta, các nhà hoạch định, thực thi chiến lược từ cổ đại đến hiện đại đều đã khái quát sự phụ thuộc của quân sự, quốc phòng vào kinh tế thành quy luật: “Quốc phú binh cường”, “Tiên phú quốc, hậu cường binh”, “Thực túc binh cường”. Vì vậy, trong nghiên cứu, xây dựng CLQP, CLQS cũng phải xuất phát từ khả năng của nền kinh tế, từ mục tiêu phát triển KT-XH để xác định mục tiêu, bước đi, giải pháp xây dựng, sử dụng sức mạnh quốc phòng, quân sự cho phù hợp, bảo đảm tính cân đối, đồng bộ, tạo dựng nền quốc phòng thật sự vững mạnh. Ngược lại, mặc dù lĩnh vực kinh tế có những quy luật riêng, nhưng phương hướng phát triển kinh tế cũng phải căn cứ vào khả năng, phương hướng của CLQP, CLQS để lựa chọn con đường phát triển KT-XH cho phù hợp. Đặc biệt, trong tình huống nguy cơ chiến tranh tăng lên hoặc khi chiến tranh xảy ra, thì nhiệm vụ phát triển kinh tế phải phụ thuộc vào yêu cầu, nhiệm vụ của CLQS. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị: "Phải tập trung hết thảy nhân lực, vật lực, tài lực vào công cuộc kháng chiến thì thực lực kháng chiến của ta mới được đầy đủ, mạnh mẽ để đạt tới thắng lợi cuối cùng". Tuy nhiên, mối quan hệ của quân sự, quốc phòng với kinh tế nhìn bề ngoài cũng có mặt mâu thuẫn, đó là mâu thuẫn giữa sản xuất ra của cải, vật chất cho xã hội với tiêu tốn của cải của xã hội. Để giải quyết mâu thuẫn này, tạo ra được sức mạnh quốc phòng, quân sự, cần có sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành ở tầm vĩ mô, sự nỗ lực phấn đấu của cả nước, của các cấp, các ngành, các địa phương..., thông qua một chiến lược thống nhất.
3- Xác định hợp lý kết cấu, nội dung của CLQP, CLQS. Về CLQP, trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng cần trả lời được những câu hỏi lớn về bối cảnh, xu thế phát triển của tình hình quốc tế, khu vực và trong nước; nguy cơ đe dọa đến quốc phòng-an ninh của nước ta, bao gồm cả nguy cơ bên trong và bên ngoài; tiềm lực chính trị-tinh thần, kinh tế, khoa học-công nghệ, quân sự... có thể huy động để bảo vệ Tổ quốc; đối tượng, đối tác chiến lược hiện tại và trong tương lai, khả năng chuyển hoá giữa đối tượng, đối tác; âm mưu, thủ đoạn, biện pháp chiến lược mà các thế lực thù địch đang và sẽ sử dụng để chống phá cách mạng nước ta... Từ đó xác định mục tiêu, nhiệm vụ quốc phòng; cụ thể hoá các giai đoạn, bước đi, đề xuất quan điểm, hệ thống giải pháp tăng cường tiềm lực; củng cố thế trận quốc phòng, gắn thế trận quốc phòng toàn dân với thế trận an ninh nhân dân; tổ chức hệ thống phòng thủ dân sự; xây dựng hậu phương quốc gia, cơ sở hạ tầng quốc phòng, giải pháp kết hợp kinh tế với quốc phòng; phát triển khoa học quân sự, công nghiệp quốc phòng; đấu tranh quốc phòng... 
Về CLQS, phải căn cứ vào kết quả nghiên cứu của CLQP, phân tích tình hình thế giới, khu vực và các nhân tố trực tiếp liên quan đến lĩnh vực quân sự, chiến tranh để đưa ra dự báo chiến tranh có thể xảy ra hay không và xảy ra trong những điều kiện, hoàn cảnh nào, trong khoảng thời gian nào; mục đích, tính chất của chiến tranh; đối tượng tác chiến chiến lược chủ yếu và đối tượng có liên quan ở các mức độ khác nhau, cả bên trong và bên ngoài; quy mô lực lượng, phương tiện, loại hình, phương thức tiến hành chiến tranh, hướng tiến công chiến lược chủ yếu; các biện pháp chiến lược mà kẻ địch sử dụng, các hoạt động tiến công phi vũ trang phối hợp với hoạt động quân sự… Trên cơ sở mục tiêu của Chiến lược bảo vệ Tổ quốc, đánh giá thực trạng tình hình, khả năng lực lượng, thế trận chiến lược của ta, năng lực động viên của nền kinh tế bảo đảm cho chiến tranh; xác định mục tiêu tổng quát, mục tiêu từng giai đoạn; đề xuất mưu lược, kế sách, phương châm, tư tưởng chỉ đạo, phương thức tiến hành chiến tranh, các biện pháp tổ chức xây dựng LLVT; chuẩn bị cơ sở vật chất kỹ thuật, chuẩn bị chiến trường, xây dựng căn cứ hậu phương, căn cứ chiến lược, xây dựng các kế hoạch chiến lược chuyển đất nước từ thời bình sang thời chiến; điều chỉnh chiến trường, điều chỉnh thế bố trí của LLVT, nhất là các binh đoàn chủ lực cơ động, hệ thống phòng không quốc gia; tổ chức chỉ huy, điều hành các hoạt động tác chiến chiến lược, các biện pháp đấu tranh phối hợp. Từ dự báo chiến tranh, hoạt động tác chiến chiến lược, CLQS phải cung cấp thông tin về các nhu cầu của chiến tranh, dự báo tổn thất về người, kinh tế, trang thiết bị quân sự, nhu cầu bổ sung, cung cấp cơ sở vật chất-kỹ thuật, nguồn nhân lực cho chiến tranh; đề xuất các biện pháp bảo vệ các mục tiêu kinh tế trọng điểm, các biện pháp đấu tranh làm suy yếu kinh tế của địch để các bộ, ngành chủ động trong chuẩn bị và phối hợp đấu tranh, bảo đảm cho hoạt động quân sự giành thắng lợi.
4- Đổi mới tư duy, quan tâm đầu tư thích đáng cho nhiệm vụ nghiên cứu, xây dựng CLQP, CLQS. Quốc phòng, quân sự là hai lĩnh vực rộng lớn, liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, địa phương và toàn dân; là một trong những nhân tố quyết định đến vận mệnh quốc gia, dân tộc. Do đó, cần có quan điểm, nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của công tác nghiên cứu CLQP, CLQS. Trên cơ sở đó có sự quan tâm đầy đủ về mọi mặt đối với công tác này; phải thường xuyên cung cấp thông tin, làm cho cơ quan nghiên cứu nắm vững chỉ thị, chủ trương của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Đảng uỷ Quân sự Trung ương và Bộ Quốc phòng. Coi trọng việc xây dựng đội ngũ cán bộ nghiên cứu có bản lĩnh chính trị vững vàng, giàu tâm huyết, có tri thức khoa học, năng lực tư duy, kinh nghiệm hoạt động ở tầm chiến lược, có tác phong làm việc khoa học, đủ phương tiện cần thiết phục vụ cho công tác nghiên cứu chiến lược. Đổi mới cơ cấu tổ chức, hợp nhất hoặc liên kết chặt chẽ các cơ quan nghiên cứu, mở rộng tầm hoạt động nghiên cứu chiến lược trên cả phương diện lý luận và thực tiễn; tăng cường hoạt động giao lưu, phối hợp với các viện nghiên cứu chiến lược của các bộ, ngành, các cơ sở kinh tế, khoa học, quân sự, quốc phòng trong và ngoài nước. Tích cực đổi mới tư duy trong nghiên cứu, nhất là tư duy về đối tượng, đối tác, nhận rõ sự đan xen, chuyển hoá lẫn nhau giữa chúng cũng như sự thay đổi trong các biện pháp chiến lược của địch. Trong quân sự, cần đổi mới tư duy trên một số vấn đề cụ thể như: thắng-thua trong chiến tranh; không gian-thời gian; tiến công-phòng ngự; chiến lược-chiến dịch- chiến thuật; tổ chức lực lượng, vấn đề huấn luyện, bảo đảm.
Đại tá  Nguyễn Đồng Thụy
Viện Chiến lược Quân sự  - Bộ Quốc phòng
 
 
Ý kiến bạn đọc (0)