QPTD -Thứ Tư, 30/11/2011, 23:55 (GMT+7)
Mấy nét về hợp tác quốc phòng, an ninh của các nước ASEAN hiện nay
Từ khi thành lập (8-1967) đến nay, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) không ngừng được phát triển cả về tầm vóc và quy mô. Từ 5 nước sáng lập ban đầu, đến nay, ASEAN đã bao gồm toàn bộ 10 nước Đông Nam Á (trừ Đông Ti-mo mới thành lập), với nền kinh tế luôn duy trì được mức tăng trưởng cao so với các khu vực khác. Uy tín, vị thế của ASEAN ngày càng được nâng cao ở khu vực và trên trường quốc tế. Nhiều tổ chức quốc tế đánh giá cao sự phát triển kinh tế của ASEAN; dự báo, ASEAN sẽ là khu vực phát triển năng động bậc nhất thế giới trong thế kỷ 21. Trải qua 40 năm xây dựng, phát triển, ASEAN đã đúc rút được nhiều bài học kinh nghiệm bổ ích, trong đó, một kinh nghiệm quý báu, đồng thời cũng được coi là định hướng chiến lược của ASEAN là, phát triển kinh tế-xã hội phải gắn liền với bảo đảm an ninh, ổn định; coi đây là hai mặt chiến lược có quan hệ gắn bó mật thiết, hỗ trợ, bổ sung cho nhau, không thể xem nhẹ mặt nào.

Hiện nay và trong vài thập kỷ tới, ASEAN đang nỗ lực phát huy những thế mạnh của mình, tăng cường hợp tác, liên kết, hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế, nhằm thực hiện các mục tiêu, chương trình phát triển kinh tế-xã hội đã được đề ra trong Tầm nhìn ASEAN 2020. Nổi bật trong đó là, cùng với việc thúc đẩy tiến trình thực hiện Thỏa thuận thương mại tự do ASEAN (AFTA), ASEAN cũng đang đàm phán, ký kết các thỏa thuận thương mại tự do ( FTA) với các đối tác, các trung tâm kinh tế lớn của thế giới, như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Mỹ, EU... Theo đó, FTA ASEAN –Trung Quốc sẽ được hình thành vào năm 2010, bao gồm 11 nền kinh tế, với hơn 1,7 tỷ dân, giá trị GDP sẽ đạt khoảng trên 2000 tỷ USD, kim ngạch thương mại đạt hơn 1.200 tỷ USD mỗi năm. FTA ASEAN –Hàn Quốc hình thành vào năm 2009; FTA ASEAN–Nhật Bản hình thành vào năm 2012; đặc biệt, FTA ASEAN-EU khi hình thành sẽ bao gồm 37 nền kinh tế..., làm cho quá trình liên kết, hội nhập kinh tế quốc tế của ASEAN càng thêm phong phú và năng động. ASEAN cũng đang tích cực triển khai các biện pháp nhằm xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015, dựa trên ba trụ cột là cộng đồng an ninh (ASC), cộng đồng kinh tế (AEC), cộng đồng văn hoá-xã hội (ASCC). Đây được coi là bước phát triển mới về chất hết sức quan trọng trong quan hệ hợp tác giữa các nước thành viên, tạo cơ sở để phấn đấu hoàn thành các mục tiêu của Tầm nhìn ASEAN 2020. Phải nói rằng, với sự lớn mạnh về tổ chức, tiềm năng dồi dào, trình độ phát triển kinh tế cao, uy tín và vị thế ngày càng quan trọng ở khu vực và trên thế giới; quan hệ hợp tác kinh tế rộng mở theo hướng đa dạng hoá, đa phương hoá, hội nhập khu vực và quốc tế, với các chương trình, kế hoạch có quy mô lớn, phù hợp với trình độ và khả năng phát triển ngày càng cao của ASEAN, với xu thế hội nhập khu vực và quốc tế về kinh tế..., đang tạo ra cho ASEAN những thời cơ, điều kiện thuận lợi to lớn cho sự hợp tác phát triển tiếp theo; nhưng cũng đặt ra nhiều vấn đề mới, thách thức mới, đòi hỏi ASEAN phải tiếp tục tăng cường, mở rộng hợp tác bảo đảm an ninh trên tất cả các lĩnh vực. Nếu như trước đây, mối đe dọa đối với an ninh của ASEAN tập trung chủ yếu ở lĩnh vực quân sự, thì nay đã xuất hiện nhiều mối đe dọa mới trên tất cả các mặt kinh tế, chính trị, quân sự, quốc phòng, an ninh, đối ngoại..., nhất là các nguy cơ đó có thể từ bên ngoài tới và cũng có thể từ những nguyên nhân nội tại trong từng nước thành viên và của Hiệp hội. Hơn nữa, trong xu thế toàn cầu hoá, hội nhập khu vực và quốc tế về kinh tế đang diễn ra mạnh mẽ, sự xuất hiện của nhiều vấn đề toàn cầu mới, như hoạt động khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, sự suy thoái môi trường, thiên tai, dịch bệnh,... mà không một quốc gia nào có thể tự mình giải quyết được, thì tăng cường mở rộng quan hệ hợp tác với các nước để bảo đảm an ninh khu vực, quốc tế trở thành nhân tố vô cùng quan trọng, không thể thiếu được. Hay nói cách khác, trong bối cảnh hiện nay, sức mạnh quốc phòng của mỗi quốc gia là sức mạnh tổng thể của quốc gia đó cộng với hiệu quả hợp tác khu vực và quốc tế về quốc phòng, an ninh, để đối phó với những thách thức, nguy cơ từ bên ngoài và bên trong, bảo vệ an ninh đất nước; đồng thời, phải góp phần cùng tạo dựng và giữ vững môi trường hoà bình, ổn định của khu vực và quốc tế. ASEAN chủ trương kết hợp giữa việc từng nước thành viên tăng cường đảm bảo quốc phòng, an ninh nước mình với tăng cường mở rộng hợp tác quốc phòng, an ninh trong nội bộ khối và giữa các nước ASEAN với các nước bên ngoài khối, trên nguyên tắc đồng thuận, thống nhất trong đa dạng, tin cậy, hiểu biết lẫn nhau, tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp công việc nội bộ của nhau, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ giữa các nước; giải quyết mâu thuẫn, bất đồng bằng đối thoại hoà bình, bình đẳng; tăng cường hợp tác vì mục tiêu chung là bảo vệ an ninh, ổn định và phát triển. Hợp tác an ninh của ASEAN mang tính chất “phối hợp an ninh”, mà giới phân tích quốc tế gọi là “đặc sắc ASEAN”, “bản sắc ASEAN”, hoàn toàn khác với hình thức an ninh tập thể dựa trên các liên minh quân sự, như ở một số nước, một số khu vực trên thế giới đang làm. Hình thức hợp tác an ninh của ASEAN có thể là song phương, đa phương giữa các nước trong Hiệp hội và giữa Hiệp hội với các nước, các tổ chức bên ngoài, nhất là với những nước lớn có ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh khu vực. Các hợp tác khu vực về an ninh tiêu biểu của ASEAN hiện nay, như Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam á (TAC), vừa qua với việc ký kết với Băng-la-đét và Xri Lan-ca, đã nâng tổng số quốc gia ngoài khu vực tham gia TAC là 14 nước; Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), đến nay đã kết nạp 27 thành viên, bao gồm cả Mỹ, Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, EU...; Hội nghị sau hội nghị ngoại trưởng ASEAN (PMC), Hội nghị ASEAN với các bên đối thoại (ASEAN + 3)..., có uy tín và vai trò ngày càng quan trọng trong việc bảo vệ an ninh, ổn định khu vực và quốc tế, thu hút ngày càng nhiều nước trong và ngoài khu vực tham gia. Điểm nổi bật trong hợp tác khu vực về an ninh của ASEAN là trong bối cảnh khu vực, quốc tế còn diễn biến phức tạp, tồn tại nhiều mâu thuẫn dân tộc, tôn giáo, chủ nghĩa ly khai, khủng bố, can thiệp từ bên ngoài; nhiều “điểm nóng” tiềm tàng nguy cơ gây ra xung đột, chiến tranh, ASEAN tích cực hợp tác cùng các bên liên quan phát triển các kênh đối thoại, ngoại giao phòng ngừa, thông qua các biện pháp tăng cường hiểu biết, xây dựng sự tin cậy lẫn nhau, giải quyết hoà bình các xung đột, mâu thuẫn, ngăn chặn đối đầu, chiến tranh; hoặc phối hợp để cùng tìm ra các biện pháp thích hợp đối phó với các nguy cơ an ninh chung, trên nguyên tắc độc lập, tự chủ về an ninh, kiên quyết phản đối bên ngoài lợi dụng vấn đề “dân chủ, nhân quyền, tôn giáo” để can thiệp nội bộ ASEAN, hoặc lợi dụng hợp tác để áp đặt quyền ảnh hưởng, thực hiện các ý đồ chiến lược riêng; coi các hành động đó chỉ làm cho tình hình phức tạp, cản trở tiến trình hợp tác phát triển của ASEAN, không có lợi cho an ninh khu vực và thế giới. ASEAN khuyến khích mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác toàn diện, phát huy vai trò tích cực, đề xuất và thực hiện nhiều sáng kiến quan trọng, góp phần xây dựng và bảo vệ hoà bình, ổn định ở Đông Nam Á, châu Á-Thái Bình Dương và quốc tế. Trong hợp tác về quốc phòng, quân sự, một số hình thức hợp tác quan trọng được ASEAN chú trọng: Thứ nhất, đối thoại cấp cao về quốc phòng, an ninh, thông qua các diễn đàn, các cuộc hội đàm, hội thảo, các cuộc thăm viếng cấp cao... Hình thức này có tác dụng tích cực trong việc nâng cao sự hiểu biết lẫn nhau về quan điểm, đường lối, chính sách quốc phòng, an ninh, tăng cường sự tin cậy, thúc đẩy quan hệ hợp tác phát triển. Thứ hai, hợp tác nghiên cứu phát triển khoa học nghệ thuật quân sự, khoa học công nghệ quân sự hiện đại, thành lập các cơ sở hợp tác nghiên cứu, sản xuất vũ khí, trang bị quân sự công nghệ cao, các cơ sở huấn luyện -đào tạo phối hợp,v.v. Thứ ba, thành lập các trung tâm chỉ huy-kiểm soát phối hợp, nhằm thực hiện các biện pháp cùng tuần tra, kiểm soát khu vực biên giới chung trên bộ, trên biển, lập kế hoạch diễn tập, trao đổi thông tin, hiệp đồng đối phó với các nguy cơ chung. Bên cạnh đó, ASEAN cũng triển khai nhiều hình thức hợp tác quốc phòng, an ninh khác, như tập trận phối hợp phòng chống khủng bố, bảo vệ an ninh khu vực; trao đổi sách trắng quốc phòng, tăng cường các hoạt động giao lưu văn hoá, thể dục, thể thao..., thông qua đó để lực lượng vũ trang các nước thêm hiểu biết, tin cậy lẫn nhau, tăng cường quan hệ hợp tác, giữ vững môi trường hoà bình, ổn định cho phát triển.

Là thành viên ASEAN, trong khi đang nỗ lực xây dựng, phát triển kinh tế-xã hội của đất nước vì mục tiêu dân giầu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, Việt Nam cũng tăng cường mở rộng quan hệ hợp tác, hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế, với đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hợp tác và phát triển; chính sách đối ngoại rộng mở, đa dạng hoá, đa phương hoá các quan hệ quốc tế; chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế; đồng thời, mở rộng hợp tác quốc tế trên các lĩnh vực khác. Việt Nam là bạn, đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế, tham gia tích cực vào tiến trình hợp tác quốc tế và khu vực, nhằm giữ vững môi trường hoà bình, tạo các điều kiện quốc tế thuận lợi cho công cuộc đổi mới, đẩy mạnh CNH, HĐH, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN; đồng thời, góp phần vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Đảng, Chính phủ và nhân dân Việt Nam đặc biệt coi trọng và không ngừng phát triển quan hệ hợp tác hữu nghị, toàn diện với các nước ASEAN. Từ khi gia nhập ASEAN (1995) đến nay, với thiện chí, tinh thần trách nhiệm cao, Việt Nam đã không ngừng củng cố, nâng quan hệ hợp tác với các nước ASEAN phát triển cả bề rộng và chiều sâu; tham gia và đóng góp tích cực, hiệu quả vào các công việc của ASEAN; nhất là, đề xuất nhiều sáng kiến, chương trình hành động quan trọng, được các nước thành viên đánh giá là những định hướng chiến lược cho sự phát triển của ASEAN, cho bảo vệ an ninh, ổn định, nâng cao uy tín, vị thế của ASEAN ở khu vực và trên trường quốc tế. Thời gian vừa qua, Việt Nam đã tích cực cùng với các nước láng giềng đàm phán phân định biên giới chung trên đất liền, trên biển, tiến tới xây dựng biên giới quốc gia thành biên giới hoà bình, hợp tác, phát triển. Trên Biển Đông, Việt Nam và Ma-lai-xi-a đã ký kết Hiệp định cùng quản lý, khai thác vùng biển chồng lấn khoảng 2.800 km2. Việt Nam và Thái Lan; Việt Nam và Căm-pu-chia đã ký kết Hiệp định cùng tuần tra chung trên khu vực biển chồng lấn. Việt Nam cùng với các nước thành viên ASEAN đã ký kết với Trung Quốc “Tuyên bố của các bên về cách ứng xử ở Biển Đông” (DOC). Đây là một bước quan trọng để tiến tới việc ký kết “Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông” (COC), nhằm giải quyết triệt để “điểm nóng” này, được dư luận khu vực và quốc tế hết sức hoan nghênh, đánh giá cao, coi đây là đóng góp tích cực cho hoà bình, ổn định khu vực và quốc tế. Thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy vai trò tích cực của mình, tăng cường hợp tác mọi mặt với các nước thành viên, phấn đấu xây dựng Cộng đồng ASEAN hoà bình, thịnh vượng.
Đồng Đức
 

Ý kiến bạn đọc (0)