QPTD -Chủ Nhật, 04/12/2011, 22:53 (GMT+7)
Mấy nét về điều chỉnh chiến lược quân sự của chính quyền Mỹ hiện nay
Tháng 9-2002, Chính quyền Mỹ đã công bố chiến lược quân sự  mới- chiến lược quân sự “đánh đòn phủ đầu”. Theo các nhà phân tích quốc tế, chiến lược quân sự này đánh dấu “một bước ngoặt” trong chiến lược toàn cầu của Mỹ. Bởi, đây là lần đầu tiên Chính quyền Mỹ chính thức khẳng định tham vọng bá quyền thế giới của họ “Nước Mỹ định hình cho thế giới chứ không để thế giới định hình cho nước Mỹ”, và vấn đề cốt lõi là chiến lược “đánh đòn phủ đầu” đã vượt xa so với các chiến lược quân sự trước đây, trực tiếp tác động đến cục diện quốc tế, tình hình an ninh, ổn định của thế giới thời kỳ “hậu chiến tranh lạnh”. Tư tưởng chủ đạo của chiến lược “đánh đòn phủ đầu” là giành thế “chủ động  chiến lược”, dựa trên ưu thế tuyệt đối về sức mạnh quân sự “đánh đòn phủ đầu”, “loại bỏ các mối đe dọa trước khi chúng hình thành”, “đưa chiến tranh đến tận đất nước của đối phương”. Với chiến lược này, nước Mỹ tự cho mình quyền đơn phương tiến hành chiến tranh chống bất kỳ nước nào mà Mỹ coi là mối đe dọa, bất chấp luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc. Dư luận thế giới lo ngại, lên án chính sách quân sự đơn phương của Mỹ, bởi vì thực chất chiến lược “đánh đòn phủ đầu” là sử dụng sức mạnh quân sự để loại bỏ một tổ chức hay một quốc gia mà họ cho là khủng bố hay “thù địch”, hòng thiết lập một trật tự thế giới mới “đơn cực”, do Mỹ đóng vai trò “ông chủ”, đe dọa đến an ninh, ổn định của các nước, các khu vực và thế giới.

Tuy nhiên, những động thái xảy ra trên thế giới trong thời gian qua, nhất là tình trạng quân đội Mỹ ngày càng sa lầy trầm trọng ở I-rắc, sự phản đối ngày càng tăng trong Quốc hội và nhân dân cũng như của dư luận ở trong và ngoài nước đối với cuộc chiến tranh xâm lược I-rắc.., đã bộc lộ những khiếm khuyết, bất cập trong chiến lược quân sự “đánh đòn phủ đầu” của họ. Tình hình đó buộc giới hoạch định chính sách của Mỹ phải tiến hành những điều chỉnh chiến lược quân sự, để thích ứng với môi trường an ninh mới ngày càng phức tạp hơn. Trong “phương hướng xây dựng lực lượng vũ trang Mỹ thế kỷ 21”, được công bố mới đây, Lầu Năm Góc đã khái quát các mối đe dọa chủ yếu đối với an ninh và lợi ích quốc gia của Mỹ: Thứ nhất là mối đe dọa từ các quốc gia có tiềm lực kinh tế, quân sự hùng mạnh, đang tranh giành ảnh hưởng với Mỹ ở các khu vực chiến lược quan trọng trên thế giới; các quốc gia “bất trị” đang bí mật trang bị các loại vũ khí hủy diệt lớn, tài trợ kinh tế, tài chính, quân sự cho các lực lượng khủng bố. Thứ hai là mối đe dọa từ các nhân tố phi quốc gia, bao gồm các tổ chức khủng bố, các nhóm tội phạm xuyên quốc gia... , đang tiến hành các hoạt động khủng bố, nhằm vào các mục tiêu “nhạy cảm” về kinh tế, chính trị, quân sự của Mỹ và các nước đồng minh của Mỹ. Các mối đe dọa này hình thành trong một “vòng cung bất ổn định” trải từ Tây bán cầu qua châu Phi, Trung Đông, châu Á. Trong đó, một số địa điểm ở khu vực Trung Đông, Trung Á, Đông Nam Á được Mỹ coi là “thánh địa” của các tổ chức khủng bố, từ đây chúng xây dựng lực lượng, tổ chức các hoạt động khủng bố chống lại Mỹ. Các chiến lược gia của Mỹ cho rằng, hiện nay và trong giai đoạn tới, quân đội Mỹ vẫn là lực lượng được trang bị và có khả năng tác chiến hiện đại vào hàng bậc nhất thế giới, nhưng trong môi trường an ninh mới, để đối phó với các mối đe dọa ngày càng đa dạng, phức tạp, lực lượng vũ trang Mỹ phải có những điều chỉnh sâu sắc hơn cả về học thuyết, tổ chức biên chế và năng lực thực hành tác chiến, nhất là khả năng phản ứng nhanh, tác chiến linh hoạt trên phạm vi toàn cầu. Về tổ chức biên chế, Mỹ phải tập trung điều chỉnh để xây dựng lực lượng vũ trang có quy mô hợp lý, đáp ứng yêu cầu chiến lược “1-4-2-1”. Trong đó, số 1 đầu tiên là bảo vệ an ninh  của nước Mỹ; số 4 là khả năng răn đe, ngăn chặn các mối đe dọa ở 4 khu vực trên toàn cầu; số 2 là khả năng đánh thắng 2 kẻ thù gần như cùng một lúc; số 1 cuối cùng là đánh bại 1 trong 2 kẻ thù trên và đánh chiếm nước này nếu cần thiết. Các đơn vị chiến đấu của quân đội sẽ được tổ chức theo hướng mô-đun hóa, lấy cấp lữ đoàn làm đơn vị tác chiến cơ bản thay cho cấp sư đoàn như hiện nay. Lữ đoàn liên hợp nhất thể hóa, được trang bị hệ thống vũ khí đa năng, tự động hóa, trí năng hóa, có sức cơ động cao, hỏa lực mạnh, sẽ là lực lượng chủ lực trong các họat động tác chiến, đảm nhiệm được nhiều nhiệm vụ tác chiến chiến dịch-chiến lược. Về tác chiến, yêu cầu nhiệm vụ đặt ra là “vào chiến trường sớm nhất và hành động nhanh nhất” trong điều kiện tác chiến ngày càng bị phân tán, môi trường tác chiến phức tạp, không gian tác chiến ngày càng mở rộng cả trên bộ, trên biển, trên không, trong vũ trụ và trường điện từ. Quân đội Mỹ sẽ tập trung nghiên cứu đi đầu cuộc cách mạng trong quân sự, giành ưu thế trên các lĩnh vực tình báo, trinh sát, chỉ huy, kiểm soát, thông tin và các lĩnh vực công nghệ mũi nhọn, nâng cao trình độ và khả năng tác chiến liên quân, kết hợp các thủ đoạn kinh tế, chính trị, quân sự, ngoại giao, các hoạt động vũ trang với các hoạt động phi vũ trang, nhất là các hoạt động chiến tranh tâm lý, chiến tranh thông tin, chiến tranh “nhân đạo”..., tạo nên một “hệ thống phòng ngự có chiều sâu”, nhiều tầng, nấc, để đánh bại đối phương, bảo vệ an ninh, lợi ích toàn cầu của Mỹ.

Cùng với những điều chỉnh trên, Chính quyền Mỹ sẽ phải tiến hành  điều chỉnh bố trí quân sự trên toàn cầu, coi đây là một phần quan trọng trong chiến lược “đánh đòn phủ đầu”. Theo Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Đ. Răm- xpheo, kế hoạch 10 năm tới, Mỹ sẽ cắt giảm 35% số căn cứ quân sự ở trong và ngoài nước, nhưng sẽ bổ sung hàng loạt căn cứ quân sự khác, nhằm khống chế, kiểm soát “vòng cung chiến lược” từ Đông Nam Á tới Tây Phi. Các căn cứ quân sự ở nước ngoài sau khi được điều chỉnh sẽ đảm bảo yêu cầu nhỏ, gọn, nhưng nâng cao được khả năng cơ động, phản ứng nhanh, đủ khả năng khống chế các khu vực chiến lược được giao và đối phó được các cuộc khủng hoảng nếu xẩy ra. Các căn cứ quân sự ở nước ngoài được chia thành 3 loại: 1- Các căn cứ điểm tựa, được bố trí tại các khu vực chiến lược then chốt, như căn cứ quân sự Gu-am, căn cứ quân sự ở Anh, ở Nhật Bản. Hiện nay, quân đội Mỹ đang tích cực hiện đại hóa căn cứ quân sự Gu-am, bổ sung các loại máy bay chiến đấu tiên tiến, như  máy bay chiến đấu tàng hình F.22, máy bay vận tải chiến lược C.17; tầu ngầm hạt nhân Los Angeles; tên lửa hành trình AGM.86 C có thể tiến công chính xác bất kỳ mục tiêu nào trong bán kính 3.000 km. Theo các chuyên gia quân sự, việc hiện đại hóa căn cứ quân sự Gu-am là một phần của kế hoạch chuyển trọng tâm chiến lược sang khống chế, kiểm soát khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ. Từ Gu-am, về phía Bắc, có thể khống chế bán đảo Triều Tiên và eo biển Đài Loan; về phía Nam, có thể khống chế đường hàng hải quốc tế Ma-lăc-ca. Căn cứ Gu-am cũng có thể phối hợp với căn cứ Dieo Garcia ở Ấn Độ Dương để đối phó với các cuộc khủng hoảng ở Trung Á, Trung Đông và châu Phi. 2- Các căn cứ chiến thuật, được bố trí tại các địa điểm gần các khu vực có thể xẩy ra khủng hoảng ở Đông Âu, Trung Đông và châu Á. 3- Các căn cứ bảo đảm hậu cần, kỹ thuật cho các họat động quân sự, chiến tranh. Bên cạnh đó, Mỹ tăng cường mở rộng quan hệ hợp tác quân sự với các nước, bằng nhiều hình thức như viện trợ quân sự, tập trận chung, xây dựng quan hệ đối tác chống khủng bố, thăm viếng cấp cao, v.v., nhằm tăng cường ảnh hưởng, tạo các “chân rết” có lợi cho chiến lược khu vực của Mỹ. Đối với các nước đồng minh, nhất là khối quân sự NATO, liên minh quân sự Mỹ-Nhật Bản, Mỹ đang mở rộng quy mô, chức năng, phạm vi họat động, biến các tổ chức này thành “lực lượng xung kích” phục vụ cho chiến lược toàn cầu của Mỹ.
Đánh giá những điều chỉnh trên, nhiều chiến lược gia quân sự của Mỹ cho rằng, đây là những điều chỉnh rất quan trọng, nhưng chỉ là những điều chỉnh mang tính sách lược cho mềm mỏng, linh hoạt hơn, còn về bản chất tham vọng bá quyền, chủ nghĩa cường quyền, hiếu chiến của Mỹ vẫn không hề thay đổi. Theo họ, những điều chỉnh đó vẫn còn nhiều bất cập, chưa thể đáp ứng yêu cầu bảo đảm an ninh, đối phó hiệu quả với các mối đe dọa, nhất là mối đe dọa “vô hình” như chủ nghĩa khủng bố. Để chống khủng bố - nguy cơ của toàn nhân loại - bên cạnh nỗ lực của từng quốc gia còn cần phải có nỗ lực hợp tác khu vực, liên khu vực, quốc tế trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, quân sự, ngoại giao; đặc biệt, chống khủng bố phải chống tận “gốc rễ” gây nên khủng bố, đó là sự áp bức, bất công, sự phân biệt đối xử gây nên mâu thuẫn, tạo ra đói nghèo trên thế giới. Chiến lược quân sự “đánh đòn phủ đầu” có thể loại bỏ được một số thể chế mà Mỹ coi là “độc tài”, “chuyên chế”, tiêu diệt được các thủ lĩnh của tổ chức khủng bố Al Qaeda, kể cả trùm khủng bố khét tiếng Bin La-đen, nhưng ở một khía cạnh khác, nó khơi sâu hận thù, gây chia rẽ, kích động bạo lực; vì thế, không những không loại trừ được khủng bố, ngược lại, chỉ làm cho các họat động khủng bố ngày càng phát triển nguy hiểm hơn. Mặt khác, qua các cuộc chiến tranh mà Mỹ vừa gây ra và những diễn biến từ đó tới nay, người ta thấy rõ, nước Mỹ giầu nhưng không phải là vô hạn. Dù tiềm lực kinh tế có mạnh bao nhiêu cũng không chịu nổi mức chi phí quân sự khổng lồ hiện nay; nhân dân Mỹ không cam chịu hy sinh con em mình cho cuộc chiến tranh phi lý ở I-rắc. Kế hoạch đầy tham vọng điều chỉnh các căn cứ quân sự trên toàn cầu đang làm cho quân đội Mỹ bị “dàn mỏng”, điều đó khiến cho quân đội rất bị động trong việc tập trung sức mạnh trong các chiến dịch quân sự lớn. Mặt khác, các hoạt động quân sự ở Áp-ga-ni-xtan, ở I-rắc đang tiêu tốn ngân sách Mỹ khoảng 5 tỷ USD/ tháng. Tính đến đầu tháng 12-2005, số lính Mỹ bị thiệt mạng tại I-rắc đã là 2.150 người và con số này sẽ còn tăng trong thời gian tới, gây tâm lý hoang mang, chán nản trong binh lính Mỹ, lực lượng tác chiến chủ yếu (16 vạn quân) của Mỹ vẫn đang bị “giam chân” tại I-rắc. Tình hình đó đang gây trở ngại cho việc thực hiện chiến lược quân sự của Mỹ. Hơn nữa, việc Chính quyền Mỹ thực thi chiến lược quân sự cường quyền, bá quyền trong quan hệ quốc tế là hoàn toàn đi ngược lại xu thế thời đại hiện nay là hòa bình, hợp tác, phát triển; làm phương hại nghiêm trọng đến hệ thống luật pháp quốc tế, cơ chế an ninh tập thể lấy Liên hợp quốc làm trung tâm; gây căng thẳng trong quan hệ quốc tế. Tình hình đó làm cho mâu thuẫn giữa Mỹ với các nước, nhất là tình trạng chạy đua vũ trang, giành ưu thế quân sự trong khoảng không vũ trụ, vũ khí công nghệ cao giữa các cường quốc, nước lớn ngày càng quyết liệt, phức tạp..., đe dọa nghiêm trọng đến an ninh, ổn định của các nước, các khu vực và thế giới, mà nước Mỹ cũng không là ngoại lệ. Những kết quả thăm dò dư luận mới đây nhất, do Viện Ga-lớp, Hãng truyền thông CNN của Mỹ công bố, cho thấy, hơn 65% số người dân Mỹ được hỏi không đồng tình với chính sách quân sự mà Chính quyền Mỹ đang tiến hành hiện nay trên thế giới. Nhiều quan chức, nghị sĩ Quốc hội Mỹ đã cảnh báo, các hoạt động quân sự “tràn lan” là nguyên nhân chính làm cho ngân sách Mỹ những năm qua thâm hụt đến hơn 600 tỷ USD - mức thâm hụt kỷ lục (nước Mỹ hiện là con nợ lớn nhất thế giới) và hình ảnh của Mỹ trên trường quốc tế đang ngày càng bị xấu đi. Họ cũng mỉa mai rằng, nếu cứ tiếp tục thực hiện chiến lược quân sự bá quyền, hiếu chiến thì Chính quyền Mỹ phải tính tới việc “cùng một lúc không chỉ đối phó với hai mà phải là hàng tá cuộc chiến tranh”. Đây chính là “nghịch lý của nước Mỹ thế kỷ 21”.
                                                                
Đồng Đức - Đỗ Dũng

 

Ý kiến bạn đọc (0)