QPTD -Thứ Tư, 07/12/2011, 23:27 (GMT+7)
Mấy nét về chiến lược quân sự và xây dựng lực lượng vũ trang Nga hiện nay

Ngày 10-5 vừa qua, Tổng thống Nga V.Pu-tin đã đọc Thông điệp Liên bang năm 2006. Bản Thông điệp được đánh giá là hoàn chỉnh nhất về chiến lược quốc phòng, quân sự và xây dựng lực lượng vũ trang (LLVT) Nga trong những thập kỷ đầu thế kỷ 21, thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận trong nước và quốc tế. Giới phân tích quốc tế cho rằng, bản Thông điệp Liên bang lần này chứa đựng những tư tưởng, quan điểm chiến lược hết sức quan trọng, không chỉ định hướng cho đường lối, chính sách quốc phòng, quân sự và xây dựng LLVT Nga trong nhiều thập kỷ tới, mà sẽ có tác động rất lớn đến tình hình và cục diện ở khu vực châu Âu và thế giới.

Trong bản Thông điệp, nhà lãnh đạo Nga một lần nữa khẳng định quan điểm, đường lối quốc phòng, quân sự của Nga là phòng thủ, bảo vệ đất nước. Nó được cụ thể hóa một cách nhất quán trong học thuyết quân sự, trong thực tiễn xây dựng, huấn luyện và trang bị vũ khí, kỹ thuật cho LLVT và trong đường lối đối ngoại của Nga. Nga thực hiện đường lối, chính sách quốc phòng, quân sự độc lập, tự chủ, nhằm bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, bảo vệ an ninh, lợi ích quốc gia; đồng thời góp phần bảo vệ hòa bình, ổn định và sự phát triển của thế giới. Chính phủ và nhân dân Nga luôn bày tỏ thiện chí và thực hiện các biện pháp hòa bình trong giải quyết các vấn đề quan hệ quốc tế, nhất là mở rộng hợp tác, phát triển các kênh đối thoại, tăng cường sự hiểu biết, tin cậy lẫn nhau, đàm phán hòa bình để giải quyết các bất đồng, mâu thuẫn giữa nước Nga với các nước khác trên thế giới. Trong quan hệ quốc tế, Nga luôn tuân thủ những quy định của luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc, tôn trọng nguyên tắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp công việc nội bộ của nhau. Nga kiên quyết bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước; đồng thời phát huy vai trò, trọng trách là một thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tích cực ủng hộ và đấu tranh bảo vệ dân chủ, hòa bình và sự tiến bộ của thế giới. Nga cam kết không đe dọa sử dụng hoặc sử dụng vũ lực tiến hành chiến tranh chống nước khác; coi việc sử dụng sức mạnh quân sự chỉ là một biện pháp phòng vệ bắt buộc và chỉ được sử dụng khi không còn sự chọn lựa nào khác. Đây cũng chính là phương châm chiến lược bảo vệ Tổ quốc của Nga và điều đó đòi hỏi Nga phải xây dựng LLVT tinh nhuệ, hiện đại, có trình độ và khả năng sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu cao, đủ sức bảo vệ an ninh, lợi ích quốc gia, đối phó thắng lợi với các thách thức, nguy cơ xâm lược.
Hiện nay, Nga đang bước vào một giai đoạn phát triển mới hết sức quan trọng, với nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu là phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng đất nước mạnh giầu, có vai trò và vị trí xứng đáng trên trường quốc tế. Nhiệm vụ của LLVT Nga là ngăn chặn, đẩy lùi nguy cơ chiến tranh, bảo vệ vững chắc môi trường hòa bình, ổn định cho đất nước phát triển, sẵn sàng đập tan mọi âm mưu, hành động xâm lược của các thế lực thù địch. Thời gian vừa qua, do thực hiện chính sách phát triển kinh tế-xã hội đúng đắn, sự quản lý, điều hành tập trung, thống nhất của chính phủ, mà nước Nga đã phát triển kinh tế với mức tăng trưởng cao liên tục trong nhiều năm: Năm 2000, GDP đạt 250 tỷ USD; năm 2003, GDP đạt 433 tỷ USD; năm 2004, GDP đạt 554 tỷ USD, bình quân đạt 4.000 USD/ 1 đầu ngươời. Dự trữ ngoại tệ đạt 120 tỷ USD. Đây là cơ sở hết sức quan trọng tạo thuận lợi để nước Nga tiếp tục đẩy nhanh nhịp độ phát triển theo kịp với đà phát triển của khu vực và thế giới. Chính phủ và nhân dân Nga đang nỗ lực phấn đấu để đến năm 2010, GDP của đất nước đạt 1.000 tỷ USD và đến năm 2015 GDP bình quân đầu ngơười đạt 10.000 USD, đạt trình độ của nươớc phát triển. Tuy nhiên, những diễn biến phức tạp diễn ra trên thế giới, khu vực và trong nước đang tạo ra nhiều thách thức, nguy cơ đe dọa đến an ninh và sự phát triển của Nga. Các mối đe dọa xâm lược trực tiếp bằng quân sự đối với Nga ngày càng giảm đi, nhưng các hoạt động khủng bố của các tổ chức ly khai đang là vấn đề gây nhức nhối cho xã hội Nga. Hơn nữa, chủ nghĩa can thiệp từ bên ngoài, nhất là mưu đồ và các hành động chèn ép Nga trên các lĩnh vực địa-chính trị và địa-chiến lược, phục vụ cho tham vọng cường quyền, bá quyền khu vực và thế giới..., đã đặt ra cho nhiệm vụ bảo vệ đất nước, xây dựng LLVT Nga những yêu cầu mới to lớn hơn và đòi hỏi LLVT Nga phải luôn duy trì trình độ và khả năng sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu cao. Tổng thống V.Pu-tin đã chỉ rõ, trong bối cảnh tình hình quốc tế còn nhiều phức tạp như hiện nay, nước Nga phải xây dựng một quân đội hùng mạnh, được trang bị và có trình độ tác chiến hiện đại, đủ sức đối phó hiệu quả với các mối đe dọa, bảo vệ vững chắc an ninh và sự toàn vẹn lãnh thổ của đất nước.
Có một thực tế là, nước Nga đã trải qua những giai đoạn hết sức khó khăn, do khủng hoảng kinh tế, chính trị trầm trọng và điều đó có tác động tiêu cực đến nhiệm vụ củng cố quốc phòng và xây dựng LLVT Nga. Vào thời kỳ đó, quân đội Nga không được cấp đủ kinh phí để trang bị bổ sung các vũ khí, trang bị chiến đấu mới; máy bay không được cất cánh; tầu chiến không được ra khơi; diễn tập quân sự chỉ được tiến hành trên sơ đồ; trình độ và khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội xuống thấp tới mức báo động. Chính vì thế, việc cải cách toàn diện để quân đội có đủ khả năng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thời kỳ mới và bắt kịp với trình độ phát triển quân sự của thế giới trở nên cấp bách và nặng nề hơn. Kế hoạch quân sự đến năm 2020 của Bộ Quốc phòng Nga đã tập trung vào một số hướng ưu tiên:
1- Tăng cường đầu tư cho nghiên cứu phát triển, nâng cao khả năng tác chiến của các lực lượng, nhất là lực lượng hạt nhân chiến lược. Bộ Quốc phòng Nga rất coi trọng việc đầu tư nguồn tài, lực cho công tác nghiên cứu, phát triển khoa học nghệ thuật, khoa học kỹ thuật, công nghệ, khoa học xã hội và nhân văn quân sự. Nhiều kết quả nghiên cứu khoa học đã được ứng dụng rất hiệu quả vào các họat động quân sự, góp phần nâng cao khả năng tác chiến và trang bị cho quân đội các vũ khí, trang bị kỹ thuật mới có trình độ công nghệ cao, đồng thời nâng cấp hiện đại hóa các vũ khí, trang bị hiện có, đáp ứng yêu cầu của chiến tranh hiện đại. Năm 2004 đã có 250 loại vũ khí, kỹ thuật mới được đưa vào trang bị; năm 2005 đã hoàn thành hơn 300 công trình nghiên cứu khoa học và hơn 300 loại vũ khí, kỹ thuật mới được đưa vào trang bị. Quân đội Nga đã trang bị cho lực lượng hạt nhân chiến lược tên lửa chiến lược Topon-M và tên lửa chiến lược Bulava, là những thế hệ tên lửa được đánh giá hiện đại bậc nhất thế giới, có khả năng xuyên thủng bất cứ hệ thống phòng thủ tên lửa chiến lược nào hiện nay. Quân đội Nga cũng đang nghiên cứu phát triển các tên lửa chiến lược “độc nhất vô nhị”, có khả năng cơ động và độ chính xác cao, có đường bay không thể đoán trước. Những vũ khí này cho phép Nga tạo được sự cân bằng lực lượng chiến lược trên toàn cầu. Lực lượng hải quân cũng được trang bị các tầu chiến thế hệ mới, nhất là tầu ngầm có sức cơ động cao, khả năng “tàng hình”, được trang bị các vũ khí, khí tài hiện đại. Lực lượng không quân cũng được trang bị nhiều phương tiện tác chiến hiện đại, như máy bay ném bom chiến lược TU.95 MC, máy bay chiến đấu TU. 160, máy bay chiến đấu SU. 29 M, các tổ hợp phòng không tiên tiến có khả năng phát hiện và tiêu diệt cùng một lúc nhiều mục tiêu. Lực lượng lục quân được trang bị các hệ thống tên lửa tiên tiến  I-xcan-đơ M, xe tăng hiện đại T.90, xe thiết giáp đa năng BTR.80, các hệ thống tên lửa chiến thuật tiên tiến, tên lửa “đất đối không” hiện đại, v.v. Thời gian tới, Nga tiếp tục tăng ngân sách cho nghiên cứu, phát triển trên lĩnh vực quân sự, quốc phòng. Dự chi ngân sách quốc phòng năm 2006 là 668 tỷ rúp (khoảng hơn 23 tỷ USD), trong đó, 225 tỷ rúp được dành cho nghiên cứu phát triển và mua sắm vũ khí, trang bị quân sự. Phương châm quản lý, sử dụng ngân sách quốc phòng nói chung, ngân sách cho nghiên cứu phát triển nói riêng là phải đảm bảo tính thiết thực, hiệu quả và đáp ứng yêu cầu nâng cao khả năng tác chiến, hoàn thành nhiệm vụ cho các lực lượng. Nga chủ trương thành lập một uỷ ban chuyên trách là cơ quan hoạch định chiến lược và đảm nhiệm chức năng quản lý nhà nước về việc mua sắm và cung cấp vũ khí, trang thiết bị quân sự cho quân đội.
2- Tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện biên chế tổ chức quân đội theo mô hình chuyên nghiệp hóa. Việc điều chỉnh biên chế tổ chức quân đội theo hướng chuyên nghiệp hóa là một nội dung quan trọng trong xây dựng quân đội hiện đại và được tiến hành thận trọng, tính toán kỹ lưỡng, được quản lý, điều hành chặt chẽ, theo từng giai đoạn với những bước đi thích hợp, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ quân sự, quốc phòng của đất nước và xu hướng phát triển quân sự của thế giới. Mục tiêu là xây dựng một quân đội chuyên nghiệp với quy mô hợp lý, có trình độ cơ động cao và khả năng tác chiến hiện đại, đối phó thắng lợi với bất kỳ mối đe dọa nào đến an ninh và lợi ích quốc gia của Nga. Năm 2005, Nga đã cắt giảm 12.000 quân ở các quân chủng, binh chủng; thời gian tới sẽ tiếp tục cắt giảm khoảng 100.000 quân, duy trì quân số khoảng 1 triệu người và hoàn chỉnh việc cân đối tổ chức biên chế các đơn vị trong toàn quân theo mô hình mới (3 quân chủng: Lục quân, Không quân, Hải quân). Trong đó, sẽ chuyển các bộ chỉ huy quân khu trên các hướng chiến lược thành bộ chỉ huy cụm quân khu liên quân chủng, đáp ứng yêu cầu chỉ huy tác chiến hiện đại. Tập trung xây dựng các đơn vị đặc nhiệm, được tổ chức theo hướng liên hợp, trang bị vũ khí đa năng, có khả năng phản ứng linh hoạt là lực lượng xung kích trong các tình huống quân sự đột xuất và đẩy nhanh tốc độ xây dựng quân đội chuyên nghiệp. Đến năm 2008, số quân nhân chuyên nghiệp sẽ chiếm tỷ lệ 2/3 tổng quân số và thời hạn thực hiện nghĩa vụ quân sự rút ngắn xuống còn 1 năm. Từng bước tiến tới xây dựng quân đội chủ yếu là bộ đội chuyên nghiệp.
3- Cải cách nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục-đào tạo, huấn luyện trong quân đội, công tác giáo dục quốc phòng cho nhân dân, xây dựng đội ngũ quân nhân có trình độ và tố chất cao. Các nhà quân sự của Nga cho rằng, trong chiến tranh hiện đại, vũ khí, trang bị công nghệ cao có vai trò ngày càng quan trọng, nhưng con người vẫn là nhân tố quyết định sự thành bại của chiến tranh. Thời gian vừa qua, Bộ Quốc phòng Nga đầu tư rất lớn cho việc nâng cấp hệ thống nhà trường, học viện, các trung tâm huấn luyện  của quân đội, bổ sung các trang thiết bị hiện đại, cải tiến nội dung, chương trình, kế hoạch giáo dục-đào tạo, công tác huấn luyện theo yêu cầu nhiệm vụ quân sự, quốc phòng trong giai đoạn mới. Tập trung nâng cao trình độ chỉ huy  tác chiến cho đội ngũ sĩ quan chỉ huy các cấp; năng lực, trình độ chuyên môn, làm chủ khoa học-kỹ thuật, vũ khí, trang bị cho đội ngũ nhân viên chuyên môn; trình độ hiệp đồng tác chiến của các quân chủng, binh chủng trong các chiến dịch tác chiến liên hợp và các nhiệm vụ quân sự khác trong thời bình. Năm 2005, số lần tập trận chỉ huy-tham mưu cấp chiến dịch-chiến lược tăng hơn 4%, các cuộc tập trận chiến thuật hiệp đồng quân chủng, binh chủng tăng hơn 7,5 % so với năm 2004. Điển hình là cuộc diễn tập chỉ huy - tham mưu chiến lược “Phương Đông-2005” (7-2005); cuộc diễn tập chỉ huy-tham mưu “Giới hạn-2005” với các nước thành viên tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể (ODKB); cuộc diễn tập quy mô lớn “Sứ mệnh hòa bình-2005” với Trung Quốc; cuộc diễn tập “India-2005” với ấn Độ, v.v. Thông qua các cuộc diễn tập quân sự này, quân đội Nga đã nâng cao một bước trình độ tác chiến hiện đại; góp phần củng cố quan hệ hợp tác quốc phòng, quân sự giữa Nga với các nước trong cuộc chiến chống lại những nguy cơ đe dọa an ninh chung và nâng cao uy tín, vị thế của đất nước trên trường quốc tế.
Chính phủ Nga cũng hết sức coi trọng xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực tố chất cao cho quân đội, coi đây là bộ phận quan trọng trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực của đất nước. Quốc hội và Chính phủ Nga đã thông qua luật Quốc phòng và nhiều chế tài pháp luật khác liên quan đến quốc phòng, quân sự, bảo vệ Tổ quốc; tổ chức giáo dục quốc phòng, quân sự cho toàn dân, nhất là cho tầng lớp thanh, thiếu niên trong các trường phổ thông, các trường đại học, trung học chuyên nghiệp; thực hiện các biện pháp tuyên truyền, giáo dục với nhiều hình thức và nội dụng phong phú, nâng cao ý thức trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc cho mọi tầng lớp nhân dân. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng chăm lo cải  tiến các chính sách xã hội, nhằm nâng cao vị thế của quân đội; cải thiện, nâng cao đời sống cho quân nhân và gia đình để họ yên tâm công tác, hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ mà quân đội giao cho và thu hút nguồn nhân tài của đất nước cho quân đội.
 
Đồng Đức - Đỗ Dũng
 

Ý kiến bạn đọc (0)