Thứ Bảy, 23/11/2024, 04:48 (GMT+7)
Ấn phẩm tạp chí in
Ngày 16 tháng 3 vừa qua, Chính quyền G.W.Bu-sơ đã công bố chiến lược an ninh quốc gia (ANQG) mới, được gọi là chiến lược ANQG 2006. Đây là chiến lược ANQG thứ hai kể từ khi Tổng thống G.W.Bu-sơ lên cầm quyền. Các quan chức Nhà Trắng cho rằng, chiến lược ANQG 2006 được chuẩn bị công phu, trên cơ sở đúc kết từ thực tiễn của “cuộc chiến chống khủng bố trên toàn cầu”, nhất là cuộc chiến mà Mỹ tiến hành tại khu vực Trung á, Trung Đông và nhiều khu vực chiến lược khác trên thế giới. Vì vậy, chiến lược này có tầm nhìn bao quát toàn diện hơn và là chiến lược đầu tiên hoàn chỉnh nhất về lĩnh vực “dân chủ”, làm cơ sở cho việc hoạch định đường lối, chính sách của Chính quyền Mỹ và trực tiếp tác động đến an ninh của các nước, các khu vực và thế giới. Chiến lược ANQG 2006 dựa trên hai trụ cột: Một là, thúc đẩy tự do tiến tới xóa bỏ các chế độ mà Mỹ cho là “độc tài” không phù hợp với lợi ích nước Mỹ. Hai là, lãnh đạo cộng đồng các quốc gia dân chủ đối phó với các thách thức, nguy cơ, xây dựng “thế giới tự do” theo các tiêu chuẩn của Mỹ và phương Tây.
Vấn đề đặt ra là, phải chăng chiến lược này đánh dấu sự chuyển hướng của Chính quyền Mỹ và thực chất của chiến lược là thế nào? Trước tiên phải thấy rằng, mục tiêu chiến lược của chiến lược ANQG 2002 và chiến lược ANQG 2006 là nhất quán, không có gì thay đổi; có chăng chỉ là về cách thức diễn đạt. Đó là bảo vệ an ninh, lợi ích quốc gia và vai trò bá chủ thế giới của Mỹ, là “nước Mỹ định hình cho thế giới chứ không để thế giới định hình cho nước Mỹ”, là “xây dựng thế giới tự do” do Mỹ lãnh đạo. Về phương châm chiến lược, cả hai chiến lược đều nhấn mạnh đến ưu thế về sức mạnh để giành thế chủ động, ngăn chặn các mối đe dọa từ xa, là “đưa chiến tranh đến đất nước đối phương”, “tiêu diệt mối đe dọa trước khi chúng hình thành. Về biện pháp, chiến lược 2002 nhấn mạnh đến học thuyết quân sự “đánh đòn phủ đầu”, theo đó, Mỹ cho mình quyền sử dụng sức mạnh quân sự, đơn phương tiến hành chiến tranh, “đánh đòn phủ đầu” các tổ chức khủng bố, các nước bị Mỹ coi là “thù địch”, “không thân thiện”, các mối đe dọa tiềm tàng, bất chấp luật pháp quốc tế. Chiến lược 2006 bảo lưu học thuyết quân sự “đánh đòn phủ đầu”, đồng thời cũng đề ra một lọat các biện pháp ưu tiên khác. Trong đó, nổi lên là biện pháp “thúc đẩy dân chủ trên toàn thế giới”, hỗ trợ các phong trào, các chế độ dân chủ phù hợp với lợi ích của Mỹ ở các nước, các khu vực. Chính quyền Mỹ đã chi hàng chục tỷ USD để thành lập các “quỹ hỗ trợ dân chủ”, các đơn vị “phản ứng nhanh”, nhằm hỗ trợ cho cái mà họ gọi là các phong trào, các lực lượng dân chủ trên thế giới. Thời gian vừa qua, “lực lượng phản ứng nhanh” của Mỹ đã hỗ trợ các lực lượng đối lập tiến hành các cuộc “cách mạng mầu sắc”, “cách mạng đường phố” ở một số nước khu vực Trung á, Trung Đông. Một biện pháp quan trọng khác là sử dụng kinh tế để thúc đẩy dân chủ. Nước Mỹ tự cho mình là một nền kinh tế lớn nhất thế giới, lại đang chi phối các tổ chức kinh tế, tài chính quốc tế, nên Mỹ có ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế các nước, các khu vực và thế giới, trong xu thế hiện nay, họ phải tận dụng lợi thế đó để thúc ép các nước tiến hành cải cách kinh tế theo hướng thị trường, tư hữu hóa nền kinh tế, mở cửa, tự do hóa thương mại... , lấy đó làm động lực để thay đổi chính trị theo ý đồ của Mỹ. Trong quan hệ quốc tế, chiến lược nhấn mạnh đến việc tăng cường phối hợp hoạt động với các nước trong cuộc chiến chống khủng bố và ngăn chặn các mối đe dọa tiềm tàng, nhất là với các nước đồng minh, các nước bè bạn, như tổ chức NATO, các liên minh quân sự Mỹ-Nhật Bản, Mỹ-Hàn Quốc, Mỹ - Ô-xtrây-li-a, Mỹ và một số nước ASEAN, v.v. Thời gian tới, Mỹ sẽ tiếp tục điều chỉnh về tổ chức, biên chế, trang bị vũ khí và chức năng, nhiệm vụ cho các liên minh quân sự này. Đồng thời, Mỹ cũng sẽ tăng cường các quan hệ “đối tác chiến lược”, “đối thoại chiến lược” với các nước, nhằm tạo các “chân rết” phục vụ cho chiến lược bá chủ khu vực và toàn cầu của mình. Về đối tượng, chiến lược đưa ra danh sách các nước: Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên, I-ran, Xy-ri, Cu-ba, Be-la-rút, Mi-an-ma, Dim-ba-bu-ê là những nước độc tài, mất dân chủ cần hết sức quan tâm. Trong số các nước này, Mỹ coi I-ran là “mối đe dọa an ninh nghiêm trọng nhất từ trước đến nay”, bởi tham vọng phát triển vũ khí hạt nhân, ủng hộ các lực lượng khủng bố và bá quyền khu vực. Mỹ sẽ kết hợp các biện pháp răn đe tiến công quân sự, lôi kéo các nước trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tiến hành trừng phạt, cấm vận kinh tế và hỗ trợ lực lượng đối lập tiến hành “cách mạng mầu sắc”, nhằm lật đổ chính quyền của Tổng thống M. At-ma Nê-giát. Chiến lược cũng đề cập đến một số cường quốc, nước lớn đang “trỗi dậy” là những thách thức tiềm tàng đối với an ninh và vị thế bá chủ thế giới của Mỹ. Để đối phó với các mối đe dọa tiềm tàng, Mỹ coi việc giành ưu thế tuyệt đối về quân sự là biện pháp quan trọng hàng đầu. Mỹ sẽ tăng chi phí quốc phòng, thúc đẩy cuộc cách mạng mới trong quân sự; nghiên cứu, phát triển các loại vũ khí công nghệ cao mới, giành ưu thế trên các lĩnh vực thông tin, chỉ huy, tình báo, vũ khí hạt nhân, vũ trụ; xây dựng quân đội số hóa, có khả năng cơ động cao, trình độ tác chiến liên hợp nhất thể hóa, đủ khả năng tung sức mạnh và tác chiến thắng lợi ở bất kỳ nơi nào trên thế giới. Đồng thời, Mỹ tiếp tục triển khai kế hoạch điều chỉnh bố trí chiến lược quân sự ở nước ngoài, chương trình xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia (TMD), hệ thống phòng thủ tên lửa chiến trường (TMT), nhằm khống chế, kiểm soát các khu vực địa-chiến lược trên toàn cầu và ngăn chặn sự trỗi dậy của các đối thủ tiềm tàng.
Chiến lược ANQG 2006 được công bố trong bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế có nhiều bất lợi cho chính quyền Mỹ. ở trong nước, tình trạng ngân sách thâm hụt ngày càng trầm trọng, do chi phí tốn kém cho các họat động quân sự và chiến tranh, nhất là chiến tranh I-rắc (chi phí cho chiến tranh I-rắc đã lên đến gần 1.000 tỷ USD, cao hơn gấp 10 lần dự tính ban đầu và chi phí này còn tiếp tục tăng cao trong thời gian tới) đang làm cho Chính phủ Mỹ đau đầu. Hơn nữa, tại chiến trường I-rắc, lực lượng tác chiến chủ yếu (khoảng 15 vạn quân) của quân đội Mỹ ngày càng sa lầy, gây tâm lý hoang mang, chán nản trong binh lính và gây nhức nhối trong dư luận. Theo thống kê của Bộ Quốc phòng Mỹ, tính đến trung tuần tháng 3-2006, đã có khoảng 2.340 lính Mỹ bị thiệt mạng tại I-rắc, hơn 12.000 lính bị thương và hơn 10.000 lính đảo ngũ. Phong trào phản đối chiến tranh, đòi Chính quyền Mỹ rút quân về nước ngày càng dâng cao. Cuộc chiến tranh I-rắc của Chính quyền Mỹ cũng đang bị dư luận các nước A-rập và thế giới vạch trần, lên án. Mang danh “giải phóng dân tộc I-rắc khỏi chế độ độc tài”, nhưng thực chất là một cuộc chiến tranh xâm lược, hòng thực hiện mưu đồ độc chiếm nguồn dầu mỏ khổng lồ ở I-rắc và biến I-rắc thành “bàn đạp”, phục vụ cho tham vọng bá quyền khu vực và thế giới. Kết quả thăm dò dư luận do hãng truyền thông CNN, “CBS New” công bố gần đây nhất cho thấy, có tới 65% số người dân Mỹ không đồng tình với chính sách I-rắc của Chính phủ, 60% cho rằng, cuộc chiến tranh I-rắc là sai lầm - mức cao kỷ lục kể từ khi cuộc chiến bắt đầu. Mới đây, Tổng thống G.W.Bu-sơ cũng đã phải thừa nhận, Mỹ đã mắc một loạt sai lầm ở I-rắc. Ông cũng thừa nhận đã rút ra bài học từ cuộc chiến I-rắc, mà giới phân tích cho đó là “cơ sở cho chiến lược ANQG 2006”; rằng “con đường duy nhất dẫn đến hòa bình bền lâu là mở rộng tự do”, “xã hội tự do là xã hội hòa bình”, v.v.
Như vậy có thể thấy, chiến lược ANQG 2006 là bước phát triển mới trong chiến lược toàn cầu của Mỹ. Chiến lược đó, bên cạnh việc sử dụng sức mạnh quân sự, cũng nhấn mạnh đến việc phát huy sức mạnh “mềm” trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, quân sự, ngoại giao, trong đó, lấy “dân chủ”, “nhân quyền” làm mặt trận tiến công chủ yếu, để đạt ý đồ chiến lược đề ra. Điều không thể phủ nhận là, dân chủ, nhân quyền có phạm trù rất rộng và là mục tiêu phấn đấu của các quốc gia, dân tộc. Chiến lược ANQG 2006 của Mỹ hướng tới mục tiêu xây dựng “thế giới tự do, dân chủ” xem ra cũng là phù hợp với ý nguyện và nỗ lực chung của nhân loại tiến bộ. Nhưng vấn đề cốt lõi và cũng là vấn đề loài người kiên quyết phản đối là Mỹ xây dựng cái “thế giới tự do, dân chủ” đó theo kiểu của Mỹ và do Mỹ lãnh đạo. Việc Mỹ sử dụng ưu thế sức mạnh của một siêu cường quốc ép buộc các nước tiến hành cải cách dân chủ theo tiêu chí của Mỹ là trái với công ước quốc tế về quyền con người, xâm phạm đến sự toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền quốc gia, quyền tự quyết của các dân tộc, can thiệp trắng trợn, thô bạo vào công việc nội bộ của nước khác. Hành động đó, tiếng là bảo vệ “dân chủ”, bảo vệ “nhân quyền”, nhưng thực chất là phản dân chủ, phản nhân quyền, không một dân tộc, một quốc gia nào có thể chấp nhận được. Vừa qua, khi trả lời giới báo chí về quan điểm của Nga trước việc Chính quyền Mỹ vu cáo, phản đối Nga đang bóp nghẹt dân chủ, Tổng thống Nga V. Pu-tin đã chỉ rõ, nước Nga xây dựng một nền dân chủ phù hợp với thực tế của đời sống Nga hiện nay, cũng như các truyền thống về lịch sử, văn hóa của đất nước. Nga tự giải quyết vấn đề dân chủ của mình. Dân chủ ở nước Nga trước tiên là đất nước có độc lập, chủ quyền, hòa bình, thịnh vượng, nhân dân được sống ấm no, hạnh phúc và nước Nga có vị trí xứng đáng trên trường quốc tế. Ông cũng khẳng định, ở nước Nga sẽ không bao giờ có một nền dân chủ như ở phương Tây. Tại hội nghị thành lập Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, tháng 3-2006, chính khách của nhiều nước đã lên án Mỹ là nước vi phạm dân chủ, nhân quyền lớn nhất thế giới. Họ cũng vạch rõ, chiến lược “dân chủ hóa thế giới” của Mỹ là chính sách thực dân kiểu mới, lấy dân chủ, nhân quyền làm phương tiện “đánh phủ đầu” chống các nước, phục vụ cho mưu đồ thống trị thế giới. Chiến lược đó là nguyên nhân chính gây chia rẽ, xung đột, đe dọa đến an ninh, ổn định của các nước, các khu vực và thế giới. Chính khách của nhiều nước cũng cảnh báo, nếu Chính quyền Mỹ không thay đổi, vẫn tiếp tục sử dụng sức mạnh để áp đặt dân chủ, nhân quyền lên nước khác, thì chỉ tự làm cho uy tín của họ suy giảm ở trong nước và trên trường quốc tế.
Để bảo vệ an ninh, lợi ích quốc gia trong tình hình mới, các nước đang ra sức phát triển kinh tế, xã hội; không ngừng cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, quyền làm chủ của nhân dân; tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh, xây dựng quân đội chính quy, tinh nhuệ, đủ khả năng đối phó với các mối đe dọa từ bên trong và bên ngoài. Đồng thời, tăng cường, mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế trong việc ngăn chặn, đối phó với các nguy cơ toàn cầu, trước hết là chủ nghĩa khủng bố, chủ nghĩa cường quyền, bá quyền, phấn đấu xây dựng một thế giới mà trong đó mọi quốc gia, dân tộc đều được bình đẳng, được sống trong hòa bình, hợp tác và phát triển.
Đồng Đức - Đỗ Dũng
Trao đổi ý kiến giữa Tạp chí quốc phòng toàn dân với bạn đọc, cộng tác viên Quân khu 5 12/12/2011
Nghệ thuật tổ chức, sử dụng lực lượng quân sự trong những ngày đầu kháng chiến toàn quốc 12/12/2011
“Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” với việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay 12/12/2011
Một số vấn đề về nghệ thuật chiến dịch phòng ngự trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 12/12/2011
Hưng Yên không ngừng nâng cao hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng 12/12/2011
Kết quả và kinh nghiệm tiến hành công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của lực lượng vũ trang Quân khu 5 12/12/2011
Đoàn B.90 nâng cao chất lượng xây dựng lực lượng dự bị động viên - một số kinh nghiệm bước đầu 12/12/2011
Trường Quân sự Binh đoàn Cửu Long phấn đấu nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và huấn luyện 11/12/2011
Kết hợp kinh tế với quốc phòng, tạo lập thế trận phòng thủ vững chắc trên địa bàn tỉnh ven biển Thái Bình 11/12/2011
Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga phát huy nội lực, mở rộng hợp tác, nâng cao hiệu quả hoạt động 11/12/2011