QPTD -Thứ Sáu, 02/09/2011, 00:28 (GMT+7)
Mấy kinh nghiệm xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ chính ủy, chính trị viên trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước

Thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (KCCM,CN) đã đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của Quân đội ta; trong đó, vai trò của công tác đảng, công tác chính trị (CTĐ, CTCT), của đội ngũ chính ủy, chính trị viên (CU,CTV) các cấp có vị trí đặc biệt quan trọng. Để bảo đảm sự lãnh trực tiếp, tuyệt đối về mọi mặt của Đảng đối với quân đội, Đảng ta đã tập trung xây dựng đội ngũ CU,CTV vững mạnh về mọi mặt và phát huy tốt vai trò của họ trong xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, góp phần to lớn vào thắng lợi của cuộc KCCM,CN. Những kinh nghiệm xây dựng và phát huy vai trò của CU,CTV trong thời kỳ đầy thử thách này vẫn còn có giá trị thời sự sâu sắc đối với quá trình xây dựng quân đội trong giai đoạn hiện nay. Xin nêu ra một số vấn đề cơ bản sau:

Một là, giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, phát huy hiệu quả hoạt động CTĐ, CTCT là điều kiện tiên quyết bảo đảm cho CU,CTV phát huy vai trò của mình trong xây dựng quân đội. Sự ra đời, hình thành, phát triển chế độ CU,CTV trong quân đội bắt nguồn từ sự lãnh đạo của Đảng với quân đội. Trong suốt cuộc KCCM,CN, Đảng ta, mà trực tiếp là Bộ Chính trị đã lãnh đạo quân đội theo nguyên tắc: tuyệt đối, trực tiếp, toàn diện; tập trung xây dựng Đảng bộ Quân đội trong sạch, vững mạnh, đủ sức lãnh đạo toàn quân hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ trong mọi tình huống. Thực hiện phương châm “vừa chiến đấu, vừa xây dựng, vừa phát triển lực lượng, lấy xây dựng về chính trị làm cơ sở”, mục tiêu đặt ra cho Đảng bộ Quân đội là phải kiện toàn, nâng cao năng lực lãnh đạo của hệ thống tổ chức đảng, hệ thống chỉ huy, cơ quan chính trị các cấp, nhất là các đơn vị làm nhiệm vụ ở các chiến trường B, C, K...; tập trung xây dựng chi bộ "4 tốt" ở đại đội, bảo đảm chi bộ có chi uỷ; xây dựng trung đoàn, sư đoàn mạnh; xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh toàn diện, thực sự là hạt nhân lãnh đạo mọi mặt ở đơn vị. Trong điều kiện chiến đấu rất khẩn trương, khó khăn, gian khổ, ác liệt, để thực hiện tốt những mục tiêu trên, Đảng bộ Quân đội đã tập trung làm tốt công tác phát triển đảng, nhất là ở những đơn vị mới thành lập, kịp thời phân bố đảng viên, bảo đảm trung đội có tổ đảng, tiểu đội và bộ phận có đảng viên (chỉ riêng trong giai đoạn từ năm 1965 đến 1968 toàn quân: 91,6% đại đội có chi bộ, 96,3% chi bộ có chi uỷ, 96,3% trung đội có tổ đảng, 85% tiểu đội có đảng viên, tỷ lệ lãnh đạo giữ ở khoảng 30%); quan tâm củng cố, tổ chức Đoàn Thanh niên để xây dựng lực lượng hậu bị vững chắc của Đảng; tổ chức chỉnh huấn chính trị, chỉnh đốn công tác chi bộ... Nhằm góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động CTĐ,CTCT, trong giai đoạn từ năm 1958 đến 1962, Tổng cục Chính trị đã xây dựng, ban hành dự thảo Điều lệ công tác chính trị, Sổ tay chính trị viên; sách "công tác bí thư Đảng uỷ", "công tác chính trị đại đội"... làm cơ sở cho hoạt động thực tiễn của CU,CTV và cơ quan chính trị, kịp thời đáp ứng yêu cầu xây dựng quân đội về chính trị.

Cùng với tinh thần cả nước tập trung đánh thắng giặc Mỹ xâm lược,  CTĐ, CTCT thời kỳ này đã phát triển lên một bước mới, phong phú về nội dung, hình thức, biện pháp, góp phần xây dựng tổ chức và con người vững mạnh, đủ sức giải quyết những vấn đề đặt ra trong thực hiện nhiệm vụ chiến đấu. Về mặt tư tưởng, CTĐ,CTCT đã tập trung vào các vấn đề cơ bản như: phát huy cao độ tính ưu việt của miền Bắc XHCN và sức mạnh truyền thống đấu tranh kiên cường, bất khuất của nhân dân miền Nam “Thành đồng Tổ Quốc”; tinh thần làm chủ khoa học - kỹ thuật quân sự hiện đại, xây dựng phương pháp tư duy quân sự cách mạng và khoa học; giải quyết đúng đắn các mối quan hệ giữa con người và vũ khí, giữa chính trị và kỹ thuật, giữa dân chủ - kỷ luật và đoàn kết... CTĐ,CTCT còn tập trung vạch rõ tính chất phi nghĩa của chiến tranh xâm lược và góp phần ngăn ngừa, vô hiệu hóa chiến tranh tâm lý của địch; phê phán tâm lý sợ Mỹ, mơ hồ, ảo tưởng; xây dựng ý chí chiến đấu kiên cường, niềm tin tất thắng, tinh thần dám đánh, biết cách đánh thắng địch, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh, nêu cao tinh thần đoàn kết một lòng, lập công tập thể, phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng, sáng tạo nhiều cách đánh độc đáo để thắng Mỹ. Hiệu lực của CTĐ, CTCT trong thời kỳ này đã góp phần khẳng định sự lãnh đạo của Đảng luôn là nhân tố quyết định sức mạnh chiến đấu của quân đội ta. Thông qua quá trình thực hiện nhiệm vụ, chức trách, đội ngũ CU,CTV đã góp phần tích cực trong xây dựng, giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội; vai trò của CU,CTV đã ngày càng được khẳng định và nâng cao.

Hai là, phát huy vai trò CU,CTV trong xây dựng quân đội về chính trị, trên cơ sở thực hiện chế độ Đảng ủy lãnh đạo, cá nhân phân công phụ trách. Chế độ đảng ủy trong quân đội được Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa II) cụ thể hóa thành Nghị quyết 07/NQ-TW ngày 20 tháng 5 năm 1952 "Về tổ chức đảng trong bộ đội chủ lực" theo quy định của Điều lệ Đảng, xác định ở mỗi cấp có người chỉ huy trưởng (đoàn trưởng, đội trưởng) và CU,CTV. Mối quan hệ giữa đoàn trưởng, đội trưởng với CU,CTV là quan hệ đồng cấp, phối hợp công tác, đặt dưới sự lãnh đạo của cấp ủy cùng cấp, phân công thực hiện theo chức trách, nhiệm vụ. Cơ chế đó đã xác định rõ vị trí, vai trò của CU,CTV; đồng thời, đặt ra yêu cầu cao và tạo điều kiện thuận lợi cho CU,CTV phát huy nhiệt tình, trách nhiệm và năng lực trong tiến hành CTĐ, CTCT, xây dựng đơn vị. Trong thực tiễn chiến đấu, người CU,CTV luôn coi trọng tập thể, tôn trọng, trao đổi, bàn bạc, thống nhất với người chỉ huy; giữ vững mối đoàn kết nội bộ và lấy mục đích hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị làm tiêu chí để phấn đấu. Bởi vậy, dân chủ được phát huy, đặc biệt là phát huy trí tuệ tập thể tìm ra cách đánh hay, hiệu quả cao; khắc phục được biểu hiện của căn bệnh gia trưởng. Cơ chế lãnh đạo này đã tạo dựng "Một trụ cột trong lãnh đạo, chỉ huy": cấp ủy đảng - chính ủy, chính trị viên - chỉ huy trưởng. Thực tế ở nhiều đơn vị lúc bấy giờ, trạng thái chính trị - tinh thần của đơn vị phụ thuộc vào sự vững vàng của trụ cột - tam giác lãnh đạo, chỉ huy này, và là chỗ dựa vững chắc để mọi cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị củng cố ý chí chiến đấu, vượt qua mọi gian khổ, hy sinh, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Vai trò của CU,CTV rất quan trọng ở chỗ: vừa là người đứng đầu tổ chức đảng, vừa là người chủ trì CTĐ, CTCT trong đơn vị.

Cơ chế Đảng lãnh đạo tập thể, cá nhân phân công tổ chức thực hiện theo chức trách đã phát huy hiệu lực cao. Điều đó đã góp phần hết sức quan trọng để nâng cao sức mạnh chiến đấu, đảm bảo cho quân đội luôn luôn xứng đáng là lực lượng nòng cốt cùng toàn dân lập nên những chiến công vang dội. Trong thực tiễn, quân, dân miền Nam đã lần lượt đánh bại các chiến lược "Chiến tranh đặc biệt", "Chiến tranh cục bộ", "Việt Nam hoá chiến tranh" của đế quốc Mỹ, với chiến thắng vang dội của Bình Giã, Đồng Xoài... và ở miền Bắc là trận quyết chiến chiến lược "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không", buộc Mỹ phải ký kết Hiệp định Pa-ri (01-1973) về "chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam"; đỉnh cao là đại thắng Xuân 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Thắng lợi của cuộc KCCM,CN cho thấy vai trò của CU,CTV chỉ có thể phát huy trong điều kiện tổ chức đặt họ vào đúng vị trí và trao cho họ vai trò đúng với tư cách là "Người đại diện Đảng trong quân đội".

Ba là, coi trọng xây dựng đội ngũ CU,CTV về phẩm chất và năng lực, nhất là phẩm chất chính trị; lựa chọn và bồi dưỡng CU,CTV từ thực tiễn xây dựng và chiến đấu. Trong suốt cuộc KCCM,CN, Đảng, Bác Hồ luôn  quan tâm, chăm lo và coi xây dựng đội ngũ cán bộ là trung tâm. Với phương châm kết hợp giữa nhà trường với chiến trường và biện pháp luân phiên đi chiến trường, quân đội đã đào tạo, xây dựng được một đội ngũ cán bộ ở nhiều quân, binh chủng, trên các hướng, đáp ứng yêu cầu của chiến trường đề ra. Chỉ tính từ tháng 8 năm 1954 đến hết năm 1964, đã đào tạo, bổ túc được 41.375 cán bộ các loại. Riêng đội ngũ cán bộ chính trị thời kỳ này, được bố trí hoàn chỉnh ở các cấp theo cơ chế và quy chế lãnh đạo của Đảng đối với quân đội (so với lúc kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, tổng số cán bộ chính trị tăng lên gấp 4,1 lần).

Trong xây dựng đội ngũ cán bộ, các tổ chức đảng luôn kiên định “phương hướng giai cấp’’; đặc biệt, đối với cán bộ chính trị, phẩm chất chính trị được đặt lên hàng đầu; phương châm lựa chọn, sử dụng CU,CTV lúc bấy giờ là hướng vào các cán bộ ưu tú, trung kiên, tiên phong gương mẫu về nhận thức, tư tưởng, có thái độ và hành động đúng, được trưởng thành từ thực tiễn; đồng thời, kiên quyết thải loại những cán bộ vi phạm tiêu chuẩn ra khỏi đội ngũ cán bộ chính trị. Do đó, trong cuộc kháng chiến thần thánh chống đế quốc Mỹ xâm lược, lớp lớp những thế hệ cán bộ quân đội nói chung, CU,CTV nói riêng đã thể hiện rõ được phẩm chất cao quý: trong bom đạn ác liệt, giữa cái sống và cái chết, người CU,CTV đã thực sự thể hiện là  "đại diện của Đảng", của tổ chức, tiêu biểu cho tinh thần “còn người còn trận địa”, “bám thắt lưng địch mà đánh’’, “Quyết chiến, Quyết thắng!". Nhờ có họ, nhiều đơn vị trong những trận đánh ác liệt, tổn thất, thương vong lớn, nhưng còn người, còn lãnh đạo, còn chỉ huy, tiếp tục tổ chức đánh lui nhiều đợt phản kích của địch đông gấp nhiều lần. Đó là sự thành công trong công tác lựa chọn, bồi dưỡng CU,CTV từ thực tiễn xây dựng và chiến đấu của quân đội ta.

Bên cạnh đó, trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ cũng như trong sinh hoạt cá nhân, người CU,CTV thời kỳ chống Mỹ, cứu nước luôn luôn tự ý thức chính trị cao. Với họ, làm gì và ở đâu, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng luôn suy nghĩ và hành động đúng với tư cách: là "người chị, người anh, người bạn của bộ đội", có trọng trách giữ vững trạng thái chính trị - tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ. Họ làm mọi việc trước hết là vì đồng đội, vì đơn vị, vì thắng lợi của cuộc kháng chiến. Tổ quốc trên hết, nhiệm vụ chiến đấu trên hết, đó là mệnh lệnh từ trái tim của mỗi CU,CTV. Hình ảnh chính trị viên Nguyễn Viết Xuân dù đã bị thương nặng nhưng vẫn kiên cường chỉ huy đơn vị “Nhằm thẳng quân thù, bắn!’’, đã hằn sâu trong ký ức bao lớp cán bộ, chiến sĩ quân đội cho đến tận hôm nay. Những cống hiến hết mình vì sự nghiệp chung đã tạo dựng uy tín tốt, hình ảnh đẹp của người CU,CTV; và chính sự yêu quý tôn vinh của cán bộ , chiến sĩ toàn quân đối với cán bộ chính trị đã tiếp thêm nguồn sức mạnh để CU,CTV phấn đấu tốt hơn, hoàn thành nhiệm vụ tốt hơn để không phụ lòng tin cậy của Đảng, quân đội, nhân dân và cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị.

Uy tín của CU,CTV còn phụ thuộc rất nhiều ở sự gương mẫu về đạo đức, lối sống và tác phong công tác. Trong mỗi đơn vị, hình ảnh về người CU,CTV thường được mọi cán bộ , chiến sĩ xem như một biểu tượng mẫu mực về những gì cao quý, thiêng liêng của Đảng, của quân đội. Mỗi tổ chức đảng khi bầu CU,CTV vào cương vị bí thư cũng thường đem theo kỳ vọng về một con người tiêu biểu cho tập thể, mẫu mực về đức độ, tài năng, lấy đó làm tấm gương để giáo dục, xây dựng đơn vị. Vì thế, người CU,CTV cần luôn phấn đấu để xứng đáng với niềm tin tưởng và kỳ vọng đó. Đây cũng chính là cơ sở vững chắc để CU,CTV phát huy tốt vai trò trong xây dựng quân đội về chính trị.

 Ngày nay, nhiệm vụ mới đã và đang đặt ra những yêu cầu cao, rất toàn diện với người CU,CTV: "trọng trách lớn lao, vị thế quan trọng, tính chủ động cao, tầm bao quát rộng, độ ảnh hưởng sâu". Yêu cầu đó đòi hỏi người CU,CTV phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu để luôn khẳng định được “tư cách’’, “uy tín’’ của mình, xứng đáng là “đại diện Đảng trong quân đội’’.

Đại tá, PGS, TS. PHẠM XUÂN HẢO

 

Ý kiến bạn đọc (0)