QPTD -Thứ Sáu, 25/11/2011, 00:25 (GMT+7)
Mấy kinh nghiệm tiến hành công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc Mông của lực lượng vũ trang huyện Quan Sơn

Quan Sơn là huyện vùng cao biên giới của tỉnh Thanh Hóa, có 64 km đường biên giới tiếp giáp với nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào; có quốc lộ 217 qua cửa khẩu quốc tế Na Mèo đi Sầm Nưa. Dân số của Huyện gần 34 nghìn người, gồm 4 dân tộc: Thái, Mường, Kinh và Mông. Đồng bào Mông trên địa bàn có 130 hộ với khoảng 1.100 người, thuộc 2 xã Na Mèo và Sơn Thuỷ. Do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan, đời sống của đồng bào Mông tại địa phương hiện nay vẫn còn rất nhiều khó khăn; chủ yếu làm nương rẫy, khai thác các nguồn lợi từ rừng để sinh sống, kinh tế phần lớn còn tự cung, tự cấp; trình độ dân trí thấp, nhiều người không biết tiếng phổ thông; phong tục, tập quán lạc hậu. Đồng bào Mông 2 bên biên giới Việt - Lào vốn có quan hệ thân tộc lâu đời, thường xuyên tự do qua lại thăm viếng lẫn nhau và coi đó là việc bình thường. Tình hình di, dịch cư tự do vẫn thường xảy ra trên địa bàn. Đầu những năm 2000, tình hình di cư từ huyện Mường Lát sang Quan Sơn (và ngược lại) diễn ra rất phức tạp, tác động lớn đến tâm lý, tình cảm của nhân dân; ảnh hưởng tới việc đăng ký, quản lý hộ tịch, hộ khẩu, quản lý đối tượng chính trị, đối tượng hình sự, và nhất là ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc bảo vệ rừng, môi sinh, môi trường và đời sống của nhân dân. Đây là kẽ hở để các phần tử thù địch lợi dụng tuyên truyền, xuyên tạc, lôi kéo, gây chia rẽ khối đại đoàn kết các dân tộc và là nguy cơ tiềm tàng dẫn đến mất ổn định chính trị ở cơ sở và đặc biệt là an ninh chính trị khu vực biên giới của đất nước. Từ thực tế của địa bàn, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của lực lượng vũ trang (LLVT) và chủ trương của cấp trên về việc tiến hành công tác dân vận, tham gia xây dựng cơ sở chính trị-xã hội, Đảng ủy và Ban chỉ huy Quân sự (BCHQS) huyện Quan Sơn đã tập trung giáo dục, quán triệt cho cán bộ, chiến sĩ, nhất là lực lượng nòng cốt và các đội chuyên trách làm công tác dân vận, xây dựng cơ sở của BCHQS Huyện, lực lượng dân quân, tự vệ ở cơ sở, phối hợp với các ban, ngành của địa phương, các lực lượng đóng quân trên địa bàn để thực hiện có hiệu quả công tác xây dựng cơ sở chính trị-xã hội.

Vấn đề được BCHQS Huyện quan tâm trước tiên là tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương đẩy mạnh phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, nhất là vùng đồng bào Mông sinh sống. Đời sống của đồng bào Mông nơi đây chủ yếu dựa vào sản xuất nông, lâm nghiệp. Do điều kiện đất canh tác ít, không có vốn, kiến thức về trồng trọt, canh tác hạn chế; một số hộ khó khăn hoặc gặp rủi ro dễ trở thành người làm thuê kiếm sống, một số thanh niên không có việc làm thường bị lôi kéo vào những tệ nạn xã hội hoặc trở thành "đội quân" làm thuê, vận chuyển hàng lậu qua biên giới. Chính vì vậy, việc đẩy mạnh phát triển kinh tế, mở mang các ngành nghề giúp đồng bào Mông có việc làm vừa là vấn đề đời sống, vừa là vấn đề xã hội cần giải quyết.
Xuất phát từ thực tiễn đó, Đảng ủy và BCHQS Huyện đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương có các chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng các chương trình, dự án phát triển kinh tế-xã hội của địa phương trong từng năm và 5 năm. Phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể các cấp tìm cách tháo gỡ những khó khăn của nhân dân như: tạo điều kiện cho các hộ vay vốn phát triển sản xuất, nhận khoán, giao đất, giao rừng theo các dự án 661, 327; đẩy mạnh chăn nuôi gia súc, gia cầm; phát triển kinh tế đồi rừng, kinh tế trang trại; mở các lớp tập huấn, phổ biến kiến thức và kỹ thuật canh tác, trồng trọt; áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào quá trình sản xuất; tuyên truyền, vận động nhân dân ổn định nơi sinh sống, làm nhà cố định. Đồng thời, có các chính sách hỗ trợ nhân dân định canh, định cư lâu dài. Qua đó đã tạo điều kiện cho hàng trăm hộ đồng bào Mông có công ăn việc làm và thu nhập ổn định. Đảng ủy và BCHQS Huyện còn tham mưu và phối hợp cùng các ngành chức năng của địa phương, lực lượng đoàn viên, thanh niên tu sửa, nâng cấp đường giao thông liên bản, liên xã, xây mới hệ thống kênh mương tưới tiêu, đập ngăn nước, tu sửa cầu, cống, hệ thống nước sinh hoạt; hướng dẫn nhân dân cải tạo và sử dụng lâu dài nguồn nước sinh hoạt của từng hộ gia đình. Những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, được trực tiếp hướng dẫn, giúp đỡ; đồng thời, BCHQS Huyện đã vận động cán bộ, chiến sĩ quyên góp, ủng hộ tiền và vật chất để giúp đỡ, tổ chức khám, chữa bệnh miễn phí, để đồng bào từng bước ổn định cuộc sống. Thực hiện Quyết định 134 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 08 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về hỗ trợ, giúp đỡ nhân dân xóa nhà dột nát, tạm bợ, Đảng ủy, BCHQS Huyện đã phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các ban, ngành, đoàn thể địa phương giúp xây dựng được 12 nhà "Đại đoàn kết" cho các hộ đồng bào Mông khó khăn nhất. Ngoài ra, trong từng đợt công tác, cán bộ, chiến sĩ các đơn vị và đội xây dựng cơ sở còn giúp nhân dân hàng trăm ngày công và bằng một phần lương, phụ cấp của từng cá nhân, thăm hỏi và tặng quà các gia đình chính sách, gia đình khó khăn, trong các dịp lễ, tết...
Để giúp đồng bào Mông xóa dần những hủ tục đã tồn tại từ lâu đời, cán bộ, chiến sĩ BCHQS Huyện đã cùng cấp ủy, chính quyền, các thành viên Mặt trận Tổ quốc, Đoàn Thanh niên, hội Phụ nữ, hội Cựu chiến binh của 2 xã Na Mèo, Sơn Thủy và đồn biên phòng Na Mèo thành lập ban tuyên truyền, vận động xuống từng thôn, bản, gia đình vận động nhân dân ăn ở hợp vệ sinh, không thả rông gia súc, bài trừ các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan... Đặc biệt, cuối năm 2005, đầu năm 2006, khi phát hiện có một số hộ người Mông tái trồng cây thuốc phiện, BCHQS Huyện đã tham mưu cho Ban Chỉ đạo xây dựng cơ sở Huyện tổ chức đoàn công tác cùng với các cấp, các ngành ở 2 xã Na Mèo và Sơn Thủy, tuyên truyền vận động để các hộ dân tự phá bỏ cây thuốc phiện. Kết quả là nhân dân đã thấy được việc làm sai trái và tự phá bỏ, cam kết không tái trồng cây thuốc phiện. Ngoài ra, BCHQS Huyện còn tham mưu giúp các thôn, bản xây dựng các cụm loa phát thanh ở nơi tập trung; xây dựng nhà văn hóa bản, vận động đưa trẻ em đến trường học, tổ chức các lớp học xóa mù, đỡ đầu học sinh có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn; vận động những gia đình có người ốm không cúng bệnh mà đến cơ sở y tế để khám, chữa bệnh; giúp địa phương xây dựng, củng cố các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao; phát triển các lễ hội truyền thống, bài trừ và đẩy lùi các tệ nạn xã hội. Đặc biệt, đã vận động địa phương (nơi có điều kiện) ngăn nước làm thủy điện nhỏ, lấy điện phục vụ cho sinh hoạt... Nhờ đó, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân các dân tộc nói chung và của đồng bào Mông nói riêng đã từng bước được cải thiện, nhận thức của nhân dân được nâng lên rõ rệt, các tệ nạn xã hội giảm đáng kể, nhất là tệ nạn chặt phá, đốt rừng bừa bãi.
LLVT Huyện đã phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể địa phương từ Huyện đến cơ sở, tuyên truyền sâu rộng các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; nhất là những chính sách về dân tộc, tôn giáo và các hiệp định, quy chế về biên giới cho mọi người dân, nhằm phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, của khối đại đoàn kết các dân tộc, tham gia giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và an ninh biên giới. Đảng ủy và BCHQS Huyện thường xuyên quan hệ và phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể bằng nhiều hình thức, biện pháp lồng ghép các chương trình phối hợp tuyên truyền để nhân dân hiểu về các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; vạch trần âm mưu, thủ đoạn lợi dụng các vấn đề "dân tộc", "dân chủ", "tôn giáo", "nhân quyền" của các thế lực thù địch để kích động, tuyên truyền, xuyên tạc gây chia rẽ khối đại đoàn kết các dân tộc. Trên địa bàn đồng bào Mông sinh sống, kẻ xấu vẫn thường lén lút xâm nhập, trà trộn để truyền đạo trái pháp luật, nói xấu chế độ, gây chia rẽ tình đoàn kết hữu nghị giữa 2 dân tộc Việt - Lào. Trước tình hình đó, cán bộ, chiến sĩ của BCHQS Huyện đã vận dụng nhiều hình thức, biện pháp đấu tranh, như dựa vào sức mạnh của quần chúng, uy tín của người già, người cao tuổi đứng ra vạch trần âm mưu đen tối của kẻ xấu, làm cho nhân dân tin vào chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, tin vào cấp ủy, chính quyền địa phương, tin vào bộ đội. Cùng với các hoạt động tuyên truyền, vận động, BCHQS Huyện còn phối hợp với cấp ủy, chính quyền các xã, thôn, bản, đồn biên phòng tổ chức cho đồng bào học tập, nhận thức rõ hơn quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về mối quan hệ đặc biệt Việt - Lào, về Hiệp định giữa hai nước và nhất là về Quy chế biên giới để mọi người dân biết và nghiêm chỉnh chấp hành; đồng thời, thành lập các tổ tuần tra biên giới, xây dựng các tổ nhân dân tự quản ở các bản giáp biên, kịp thời phát hiện những trường hợp vi phạm quy chế biên giới, vạch trần những kẻ xấu xúi dục nhân dân vượt biên trái phép... Nhờ đó nhân dân đã ý thức được trách nhiệm bảo vệ an ninh biên giới là nhiệm vụ chung của toàn dân, của cả hệ thống chính trị và tích cực tham gia. Từ những việc làm trên, tình hình an ninh chính trị trên dọc tuyến biên giới được giữ vững, nhân dân 2 bên đi lại thuận tiện, chấp hành tốt các quy định về biên giới, quan hệ hữu nghị ngày càng được thắt chặt.
Quá trình thực hiện công tác vận động quần chúng, Đảng ủy và BCHQS Huyện còn thường xuyên làm tốt việc tham mưu và kết hợp cùng cấp ủy, chính quyền các xã chăm lo công tác xây dựng Đảng, bồi dưỡng, đào tạo cán bộ tại chỗ, góp phần quan trọng vào việc xây dựng cơ sở chính trị địa bàn ổn định. Từ năm 1997 trở về trước, công tác đào tạo, bồi dưỡng, tạo nguồn phát triển đảng viên, cán bộ, nhất là người dân tộc Mông của địa phương chưa được chú trọng đúng mức, nên số cán bộ, đảng viên còn ít, có bản chưa có đảng viên, hoặc chưa có chi bộ, phải sinh hoạt ghép; có những vấn đề nảy sinh trong cuộc sống rất đơn giản, nhưng do trình độ cán bộ hạn chế, phương pháp xử lý không thích hợp nên đã trở thành phức tạp, khó giải quyết, thậm chí gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội và tình đoàn kết giữa các dân tộc sống trên địa bàn. Từ thực tiễn đó, Đảng ủy và BCHQS Huyện đã cử cán bộ nắm tình hình, tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền các xã, thôn, bản thực hiện Chỉ thị 58/TTg (nay là Chỉ thị số 36/TTg) của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường xây dựng cơ sở vững mạnh toàn diện, trong đó chú trọng tập trung vào củng cố, xây dựng các tổ chức trong hệ thống chính trị, đặc biệt là các chi bộ vững mạnh, bảo đảm các thôn, bản đều có chi bộ Đảng giữ vai trò lãnh đạo; chú trọng chọn nguồn phát triển đảng viên, cán bộ là người dân tộc Mông để giúp địa phương bồi dưỡng và chọn nguồn cán bộ, phát triển Đảng. Hằng năm, khi có chỉ tiêu đi đào tạo thiếu sinh quân, các cấp đã chú ý ưu tiên cho con em đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời, đề nghị với trên tăng số lượng nhập ngũ vào các đơn vị bộ đội, biên phòng; một mặt, để phát triển lâu dài trong quân đội; mặt khác, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, lực lượng này là nguồn cán bộ cốt cán của địa phương và cũng là tấm gương để tuyên truyền, vận động con em các gia đình đăng ký thi vào các trường quân đội... Cán bộ, chiến sĩ BCHQS Huyện còn động viên được các tầng lớp nhân dân, nhất là tuổi trẻ tham gia các tổ chức, đoàn thể ở địa phương, qua đó giúp địa phương phát hiện các nhân tố tích cực, tạo nguồn phát triển thành cán bộ, đảng viên. Ngoài ra, Đảng ủy và BCHQS Huyện còn tham mưu giúp địa phương có chính sách ưu tiên đối với những cán bộ là người dân tộc thiểu số giữ các vị trí chủ chốt, tiêu biểu hoặc công tác lâu năm, được cấp đất ở, đất sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp thuận lợi. Hằng năm, số cán bộ này được đi tham quan, du lịch, học hỏi kinh nghiệm của các địa phương khác để về phổ biến cho nhân dân ở địa phương mình. Đến nay, 100% các bản của 2 xã Na Mèo và Sơn Thủy đều đã có chi bộ; đội ngũ cán bộ cơ bản đủ về số lượng, có thể tự giải quyết các vấn đề phức tạp nảy sinh, góp phần quan trọng vào xây dựng cơ sở chính trị địa bàn vững mạnh, xây dựng tuyến biên giới hữu nghị, ổn định.
Thượng tá Hoàng Văn Hanh
Chính trị viên BCHQS Huyện
 

Ý kiến bạn đọc (0)