QPTD -Chủ Nhật, 11/12/2011, 22:31 (GMT+7)
Mấy giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ quân sự - quốc phòng ở huyện Năm Căn

Năm Căn là huyện được chia tách từ huyện Ngọc Hiển, chính thức đi vào hoạt động từ ngày 01 tháng 01 năm 2004. Địa bàn Huyện được thiên nhiên “ban tặng” cho hệ thống sông rạch chằng chịt, cùng hệ sinh thái rừng ngập mặn rộng lớn, tạo môi trường lý tưởng cho hệ động vật, thực vật phát triển, nhất là rừng ngập mặn và các loài thủy sản. Huyện còn có đường giao thông huyết mạch Quốc lộ 1A chạy qua, đường hàng không đến sân bay Năm Căn, đường biển đến cảng Năm Căn; là điểm “tập kết” của các nơi về khu du lịch sinh thái Mũi Cà Mau. Trước đây, trong chiến tranh, khu vực này đã từng là căn cứ kháng chiến của tỉnh Cà Mau, Khu 9 và Trung ương Cục miền Nam. Những đặc điểm đó đặt ra cho Đảng bộ, quân và dân huyện Năm Căn trong tiến trình phát triển của mình, cùng với việc tập trung mọi nguồn lực để phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH), còn phải hết sức chú trọng thực hiện tốt nhiệm vụ quân sự-quốc phòng (QS-QP), an ninh, đáp ứng yêu cầu bảo vệ địa phương trong mọi tình huống. Dưới đây, chúng tôi xin nêu mấy kinh nghiệm, cũng là những giải pháp mà Năm Căn đang tập trung giải quyết, nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ QS-QP địa phương trong thời kỳ mới.

Một là, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị-tư tưởng, giáo dục quốc phòng, nâng cao nhận thức, quyết tâm và trách nhiệm của toàn dân, trước hết là đội ngũ cán bộ các cấp, các ngành về nhiệm vụ QS-QP, bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ địa phương trong tình hình mới. Là một huyện mới được chia tách, nhiệm vụ QS-QP trên địa bàn có nhiều thay đổi, phát triển. Hầu hết các kế hoạch quốc phòng (cả kế hoạch phòng thủ cơ bản, kế hoạch chiến đấu trị an, kế hoạch bảo vệ vùng biển, vùng trời, phòng chống khủng bố, phòng chống bão lụt, cháy nổ) đều phải điều chỉnh, bổ sung những nội dung mới cho phù hợp với nhiệm vụ QS-QP cấp trên giao và quy hoạch, kế hoạch phát triển KT-XH theo tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH) ở địa phương. Yêu cầu đặt ra đối với Đảng bộ, quân và dân Năm Căn là phải có nhận thức đúng đắn, sâu sắc về nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ địa phương trong tình hình mới. Do đó, công tác giáo dục chính trị-tư tưởng, giáo dục quốc phòng cho các đối tượng, nhất là đội ngũ cán bộ các cấp, các ngành từ huyện đến cơ sở xã, thị trấn, ấp, khóm luôn được Huyện quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện tích cực. Bằng nhiều hình thức và biện pháp, phát huy mọi khả năng của các đoàn thể, các tổ chức chính trị-xã hội, hệ thống giáo dục các cấp và phương tiện thông tin tuyên truyền của Huyện, công tác tuyên truyền, giáo dục cho các đối tượng đã tập trung vào quán triệt sâu sắc và nhận thức rõ những quan điểm, tư tưởng đổi mới về nhiệm vụ xây dựng nền quốc phòng toàn dân (QPTD), xây dựng thế trận QPTD gắn với thế trận an ninh nhân dân, đặc biệt là xây dựng “thế trận lòng dân” được xác định trong Nghị quyết Trung ương 8 (khóa IX) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới và Nghị quyết Đại hội lần thứ X của Đảng; tạo sự thống nhất nhận thức về đối tượng và đối tác, ý thức cảch giác trước âm mưu, thủ đoạn thâm độc của các thế lực thù địch chống phá ta về chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh... Trên cơ sở đó, nâng cao tinh thần trách nhiệm, quyết tâm của mọi người trong thực hiện nhiệm vụ QS-QP, bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ địa phương. Kiên quyết khắc phục những nhận thức không đúng như chỉ quan tâm đến kinh tế, phát triển sản xuất, chỉ chú ý đến lợi nhuận kinh tế đơn thuần mà lơi lỏng nhiệm vụ QS-QP, an ninh; không thấy mối quan hệ biện chứng giữa hai nhiệm vụ chiến lược đó, không quán triệt tư tưởng và quan điểm của Đảng ta là trong khi đặt lên hàng đầu nhiệm vụ xây dựng đất nước, nhân dân ta phải luôn luôn nâng cao cảnh giác, củng cố quốc phòng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc và các thành quả cách mạng.
Hai là, huy động mọi nguồn lực, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế để đẩy mạnh tốc độ phát triển KT-XH, tạo điều kiện thuận lợi thực hiện nhiệm vụ QS-QP, xây dựng nền QPTD, xây dựng thế trận QPTD gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc trên địa bàn. Chúng tôi quan niệm rằng, để thực hiện tốt nhiệm vụ QS-QP, xây dựng nền QPTD, xây dựng thế trận QPTD gắn với thế trận an ninh nhân dân ngày càng vững chắc, trước hết phải ổn định và phát triển KT-XH theo định hướng XHCN, cải thiện không ngừng mức sống của nhân dân. Bởi một trong những nguy cơ làm mất an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội từ bên trong là bắt nguồn từ sự trì trệ về phát triển kinh tế, công bằng xã hội không được bảo đảm, đời sống của đại bộ phận nhân dân lao động khó khăn, dẫn đến tình hình phức tạp, mất lòng tin của nhân dân với Đảng, chính quyền. Đó là mảnh đất tốt, thời cơ tốt để các thế lực thù địch bên ngoài lợi dụng, móc nối với lực lượng phản động nội địa thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ, xóa bỏ chế độ XHCN trên đất nước ta. Từ nhận thức đó, Năm Căn đã xác định phải huy động mọi nguồn lực, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế để đẩy mạnh tốc độ phát triển kinh tế; tiếp tục chuyển đổi cơ cấu sản xuất theo hướng CNH,HĐH; tập trung đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn; thực hiện các mô hình canh tác đa dạng, ứng dụng khoa học-kỹ thuật để nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích. Do có chủ trương đúng đắn, trong hơn hai năm qua, tình hình kinh tế của Huyện có sự chuyển biến tích cực, tốc độ tăng trưởng cao, bình quân hằng năm đạt 10,65%; thu nhập bình quân đầu người năm 2005 đạt 8,58 triệu đồng (tăng hơn 2 lần so với năm 2000). Trên cơ sở phát triển kinh tế, Huyện có điều kiện để thực hiện tốt các mục tiêu về văn hóa-xã hội, đặc biệt là thực hiện có hiệu quả chương trình xóa đói giảm nghèo gắn với giải quyết việc làm cho người lao động, giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 17,25% xuống còn 5,56% (theo tiêu chí cũ), 3 xã đạt tiêu chí thoát nghèo; gần 600 lao động được dạy nghề, trên 700 lao động được tập huấn chuyển giao kỹ thuật sản xuất ; giải quyết việc làm cho trên 5.800 người, 68,75% số dân trong độ tuổi có việc làm ổn định; thực hiện tốt việc chi trả chế độ, chăm sóc, phụng dưỡng các đối tượng chính sách, giải quyết tồn đọng sau chiến tranh... Bên cạnh đó, hệ thống kết cấu hạ tầng KT-XH trên địa bàn Huyện cũng được đầu tư xây dựng, phát triển, nhất là hệ thống lộ giao thông, thủy lợi, trường học, trạm y tế, lưới điện, nước sạch, chợ,... tạo điều kiện thuận lợi để phát triển KT-XH và xây dựng thế trận phòng thủ bảo vệ địa phương. Phát huy những thành tựu đạt được, từ nay đến năm 2010, Năm Căn xác định mục tiêu phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm từ 12-13%; thu nhập bình quân đầu người đạt 13 triệu đồng/năm; giảm tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 5% (theo tiêu chí tại thời điểm 2010). Để thực hiện những mục tiêu đề ra, Huyện xác định cơ cấu kinh tế là: ngư nghiệp-lâm nghiệp, công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp và xây dựng, thương mại-dịch vụ, trong đó thủy sản là ngành kinh tế mũi nhọn. Huyện chủ trương huy động mọi nguồn lực, của cả địa phương và trong nhân nhân, cùng với nguồn vốn đầu tư của Nhà nước tăng cường xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là quy hoạch xây dựng thị trấn Năm Căn thành trung tâm thương mại-dịch vụ-công nghiệp của vùng kinh tế trọng điểm Đất Mũi, đạt tiêu chuẩn đô thị loại 4; xây dựng và nâng cấp các tuyến đường chính từ Năm Căn đến Tam Giang Đông, Đầu Chà, từ Hàm Rồng đến Cái Keo; xây dựng các công trình thủy lợi phục vụ sản xuất nuôi trồng thủy sản gắn với quy hoạch, điều động, sắp xếp dân cư một cách đồng bộ. Trên cơ sở, nền tảng phát triển KT-XH được tạo lập bền vững, Năm Căn có điều kiện thuận lợi để thực hiện có hiệu quả hơn nhiệm vụ QS-QP địa phương, xây dựng nền QPTD, thế trận QPTD vững chắc trên địa bàn.
Ba là, nâng cao hiệu quả hoạt động cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với nhiêm vụ quốc phòng và chăm lo xây dựng lực lượng vũ trang địa phương vững mạnh, đủ sức làm nòng cốt thực hiện tốt nhiệm vụ QS-QP ở địa phương. Có thể khẳng định, những kết quả đạt được trong thực hiện nhiệm vụ QS-QP ở Năm Căn trong những năm qua một phần quan trọng quyết định là do vận hành có hiệu quả cơ chế Đảng lãnh đạo, chính quyền điều hành, cơ quan quân sự phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể làm tham mưu và hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ theo chức năng. Việc quán triệt và triển khai vận hành cơ chế lãnh đạo quốc phòng đã đi vào cuộc sống, xuống tận cơ sở, thông qua nghị quyết của các cấp lãnh đạo, hoạt động của các tổ chức Đảng, chính quyền và đoàn thể chính trị-xã hội, đoàn thể quần chúng. Đảng ủy Quân sự Huyện thường xuyên theo dõi việc tổ chức thực hiện cơ chế, rút kinh nghiệm, thường xuyên củng cố, kiện toàn tổ chức. Đặc biệt coi trọng chỉ đạo các xã, thị trấn làm tốt việc vận hành cơ chế, nâng cao trách nhiệm và hiệu lực lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy và chính quyền cơ sở đối với nhiệm vụ QS-QP; tiến hành diễn tập theo phương án phòng thủ và phương án chiến đấu bảo vệ an ninh chính trị ở cơ sở, qua đó nâng cao trình độ, khả năng lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ QS-QP, an ninh, xử lý tốt các tình huống phức tạp xảy ra ở địa phương, cơ sở.
Cùng với việc làm trên, Năm Căn đã chấp hành nghiêm chỉnh các chỉ thị về tổ chức xây dựng, huấn luyện nâng cao chất lượng tổng hợp lực lượng vũ trang địa phương của Tỉnh và Quân khu. Sau khi Huyện được chia tách, Ban chỉ huy Quân sự Huyện đã khẩn trương ổn định tổ chức, tập trung vào xây dựng cơ quan vững mạnh toàn diện, nhất là nâng cao năng lực làm tham mưu cho cấp ủy, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ QS-QP; thực hiện tốt chức năng giúp ủy ban nhân dân Huyện quản lý nhà nước về quốc phòng; chủ trì phối hợp cùng các các ban, ngành, đoàn thể tham mưu cho Huyện ủy, ủy ban nhân dân Huyện ban hành các văn bản thực hiện nhiệm vụ QS-QP và chỉ đạo, hướng dẫn cơ sở thực hiện. Xuất phát từ đặc điểm tình hình địa bàn và nhiệm vụ cấp trên giao, Ban chỉ huy Quân sự Huyện đã tập trung chỉ đạo và triển khai lực lượng nắm chắc tình hình địch, tình hình an ninh chính trị trên địa bàn, nâng cao cảnh giác, kịp thời phát hiện, ngăn chặn mọi âm mưu, thủ đoạn phá hoại của các lực lượng phản động, thù địch. Tập trung xây dựng, bổ sung, điều chỉnh các văn kiện tác chiến phòng thủ, tác chiến trị an, phòng chống khủng bố, phòng chống bão lụt, cháy nổ... phù hợp với đặc điểm của huyện mới thành lập. Tiến hành khảo sát xác định căn cứ chiến đấu, căn cứ hậu phương và khu vực phòng thủ then chốt của Huyện để lập kế hoạch đầu tư xây dựng có trọng điểm. Thực hiện tốt công tác giáo dục quốc phòng cho các đối tượng, kết hợp với xây dựng “thế trận lòng dân”, nhất là trên tuyến ven biển, các cụm đông dân cư ở các xã, thị trấn, các khu vực có tình hình chính trị-xã hội phức tạp, không để phát sinh “điểm nóng”, khiếu kiện đông người, vượt cấp. Thực hiện tốt công tác đăng ký, quản lý và huấn luyện lực lượng dự bị động viên theo quy định của Pháp lệnh. Đối với dân quân, tự vệ, được cấp ủy, chính quyền thường xuyên chăm lo xây dựng, bảo đảm số lượng 2% so với dân số hiện nay, nâng cao chất lượng, nhất là độ tin cậy về chính trị và hiệu quả hoạt động ở địa bàn sông nước, bị chia cắt... Trong thời gian tới, Huyện tiếp tục rà soát, xây dựng lực lượng dân quân, tự vệ có số lượng hợp lý, chất lượng cao, bảo đảm tổ chức vững mạnh, rộng khắp, gọn, tinh, chú ý các xã ven biển, các xã nằm trong hướng phòng thủ chủ yếu và các địa bàn trọng điểm của Huyện. Tập trung xây dựng, nâng cao chất lượng chính trị, trình độ và khả năng sẵn sàng chiến đấu các đơn vị dự bị động viên của Huyện, nhất là đại đội bộ binh “cơ động nhanh”, bảo đảm sẵn sàng huy động nhanh nhất để giải quyết các tình huống phức tạp xảy ra trên địa bàn.
 
Lê Anh Tuấn
Bí thư Huyện ủy
   
 

Ý kiến bạn đọc (0)