QPTD -Thứ Tư, 07/12/2011, 23:05 (GMT+7)
Mấy giải pháp chủ yếu nâng cao chất lượng đào tạo cán bộ chỉ huy-tham mưu binh chủng hợp thành cấp phân đội ở Trường sĩ quan Lục quân I

Trường sĩ quan Lục quân I (SQLQI) là một trung tâm mạnh về đào tạo sĩ quan cấp phân đội, có bề dày hơn 60 năm xây dựng và phát triển. Hơn 60 năm qua, Nhà trường vừa huấn luyện vừa xây dựng và chiến đấu, đã đào tạo được trên 8 vạn cán bộ, sĩ quan, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nói chung, xây dựng và phát triển đội ngũ sĩ quan quân đội nói riêng.

Những năm gần đây, quán triệt, thực hiện Nghị quyết 93 của Đảng ủy Quân sự Trung ương (ĐUQSTƯ) về “Tiếp tục đổi mới công tác đào tạo đội ngũ cán bộ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật và xây dựng nhà trường chính quy”, công tác giáo dục-đào tạo của Nhà trường có bước chuyển biến quan trọng, toàn diện. Chất lượng đào tạo cán bộ ở tất cả các đối tượng được nâng lên rõ rệt, đáp ứng được mục tiêu, yêu cầu đề ra. Học viên ra trường đều có bản lĩnh chính trị vững vàng, có năng lực lãnh đạo, quản lý, chỉ huy, huấn luyện bộ đội, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ theo chức vụ ban đầu, có tiềm năng phát triển lâu dài. Vị thế của Trường SQLQI được nâng lên một bước; được Đảng, Nhà nước, quân đội và nhân dân tin cậy. Để đạt được những kết quả đó, cần có giải pháp đồng bộ, khoa học và liên hoàn. Dưới đây, xin nêu mấy giải pháp chủ yếu mà Nhà trường đã và đang tập trung giải quyết có hiệu quả.

1- Đổi mới, hoàn thiện quy trình, chương trình, nội dung và phương pháp giáo dục-đào tạo, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đào tạo cán bộ chỉ huy-tham mưu binh chủng hợp thành cấp phân đội.

Quán triệt phương hướng nhiệm vụ, quan điểm chỉ đạo của ĐUQSTƯ về nâng cao chất lượng đào tạo cán bộ, Nhà trường đã tích cực nghiên cứu, xây dựng quy trình đào tạo, sử dụng cán bộ, tạo được mối liên kết chặt chẽ giữa đào tạo tại trường và bồi dưỡng tại đơn vị. Những năm đầu thực hiện Nghị quyết 93/ĐUQSTƯ, Nhà trường thực hiện đào tạo theo quy trình 2 giai đoạn: giai đoạn 1 đào tạo đại cương, giai đoạn 2 đào tạo chuyên ngành. Việc thực hiện quy trình đào tạo 2 giai đoạn đã tạo được sự thống nhất về quy trình, chương trình, nội dung đào tạo đại học đại cương của các học viện, nhà trường quân đội, hòa nhập với hệ thống giáo dục-đào tạo của Nhà nước. Tuy nhiên, thực hiện đào tạo theo quy trình này cũng bộc lộ những nhược điểm, nhất là thi “vượt rào” đã trở thành kỳ thi đại học thứ hai. Để khắc phục điều đó, Nhà trường đã nghiên cứu thực hiện quy trình đào tạo 1+1,5+2,5 (một năm đào tạo dự bị sĩ quan, 1,5 đào tạo đại cương và 2,5 năm đào tạo chuyên ngành), không tổ chức thi kết thúc giai đoạn đào tạo đại cương. Từ năm 1998, Nhà trường thực hiện đào tạo 1 giai đoạn, với quy trình 1+4 (năm thứ nhất đào tạo nội dung cơ bản về quân sự, chính trị tại Đơn vị 36, Đoàn B.08, Binh đoàn Quyết Thắng, từ năm thứ 2 trở đi đào tạo chuyên ngành theo chương trình, nội dung của Nhà trường). Trên cơ sở quy trình đào tạo được xác định, Nhà trường đã tích cực triển khai xây dựng chương trình, nội dung cho các đối tượng đào tạo theo phương châm “cơ bản hệ thống, thống nhất, chuyên sâu”, bảo đảm tính cân đối giữa các khối kiến thức, phù hợp với chuyên ngành đào tạo, đạt chuẩn mặt bằng kiến thức theo quy định của Nhà nước; phản ánh được tính đặc thù của quá trình đào tạo sĩ quan phân đội. Chương trình, nội dung đào tạo của Nhà trường được xây dựng với 2 khối kiến thức cơ bản: giáo dục đại cương và giáo dục chuyên ngành. Chương trình, nội dung giáo dục đại cương gồm các nhóm kiến thức cơ bản, cơ sở, vận dụng theo chương trình khung nhóm ngành V (khoa học xã hội và nhân văn) của Bộ Giáo dục-Đào tạo, có điều chỉnh một số nội dung cho phù hợp với đặc thù quân đội. Khối kiến thức chuyên ngành được biên soạn lại trên cơ sở chương trình đào tạo cao đẳng, có nghiên cứu bổ sung một số nội dung cho phù hợp với yêu cầu mới. Quá trình thực hiện, Nhà trường luôn bám sát sự chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, các Bộ, ngành Nhà nước và những phát triển mới của khoa học-công nghệ, yêu cầu tác chiến trong chiến tranh hiện đại, thực tiễn huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu của quân đội để kịp thời điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện chương trình, nội dung đào tạo, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đào tạo và thực tiễn xây dựng, phát triển của quân đội.

Để học viên sau khi ra trường đạt trình độ học vấn đại học, thành thạo kỹ thuật, chiến thuật chuyên ngành, biết tổ chức, chỉ huy huấn luyện phân đội của mình trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Nhà trường đã có những đổi mới về phương pháp giáo dục-đào tạo. Tổ chức nhiều cuộc hội thảo cấp khoa về phương pháp đào tạo bậc đại học, kết hợp phương pháp dạy-học tích cực với phương pháp dạy-học truyền thống, lấy phương pháp dạy-học tích cực làm chính, khuyến khích và tạo điều kiện cho học viên phát triển tư duy độc lập, sáng tạo và khả năng vận dụng kiến thức tổng hợp, từng bước biến quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo. Trong giảng dạy và học tập, gắn lý thuyết với thực hành, lấy thực hành làm chính, tạo cho học viên có khả năng tư duy khoa học quân sự cao và khả năng chỉ huy, thực hành giỏi; bố trí xen kẽ các môn học, coi trọng hướng dẫn và vận dụng thực tập cương vị trung đội trưởng ở Trường và cương vị trung đội trưởng ở các đơn vị đủ quân sẵn sàng chiến đấu. Chú trọng huấn luyện cơ bản và ứng dụng, cả ban ngày và ban đêm; kết hợp chặt chẽ giữa huấn luyện kỹ thuật với chiến thuật; kết hợp rèn luyện thể lực với diễn tập vòng tổng hợp cuối năm, nhằm nâng cao thể lực của học viên, phù hợp với thực tế chiến đấu, quản lý và huấn luyện phân đội trong mọi hoàn cảnh. Phương pháp tổ chức thi, kiểm tra thường xuyên cũng như thi tốt nghiệp quốc gia được cải tiến và tổ chức điều hành chặt chẽ, nghiêm túc; chú trọng cả thi viết và thi thực hành, tăng cường thi thực hành có thực binh ở các môn học chuyên ngành, giúp học viên rèn luyện phong cách chỉ huy, sát thực tế chiến đấu. Nhờ vậy, việc đánh giá kết quả và chất lượng học tập của học viên, cũng như công tác đào tạo của Nhà trường được thực chất và chính xác hơn.

Trong thời gian tới, Nhà trường tiếp tục nghiên cứu đổi mới quy trình, chương trình, nội dung, tổ chức phương pháp giáo dục-đào tạo. Tập trung giải quyết tốt mối quan hệ giữa đào tạo học vấn và đào tạo chức vụ; nâng cao hơn nữa năng lực quản lý, điều hành và chất lượng giáo dục-đào tạo. Phấn đấu các khóa học 100% học viên tốt nghiệp, trong đó có 65-70% tốt nghiệp loại khá và giỏi (có 1-2% tốt nghiệp loại giỏi). Khi ra trường, học viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, có năng lực tổ chức chỉ huy, quản lý, huấn luyện bộ đội, hoàn thành tốt chức vụ ban đầu, có khả năng phát triển lâu dài, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng quân đội trong tình hình mới.

2- Kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý giáo dục, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ giáo dục-đào tạo ngày càng phát triển.

Đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý giáo dục đóng vai trò quyết định đến kết quả, chất lượng giáo dục-đào tạo của mọi nhà trường. Đối với các trường đào tạo sĩ quan cấp phân đội, nơi đào tạo những người chỉ huy “miệng nói tay làm” thì vai trò người giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục càng quan trọng hơn. Vì vậy, Nhà trường rất coi trọng việc kiện toàn tổ chức, bồi dưỡng và nâng cao trình độ mọi mặt, cả trình độ chuyên môn, phẩm chất chính trị, phương pháp sư phạm, quản lý bộ đội cho đội ngũ này. Với phương châm tự đào tạo là chính, trong những năm qua, lãnh đạo, chỉ huy Nhà trường đã chỉ đạo các khoa, bộ môn và đơn vị xây dựng quy hoạch, kế hoạch đào tạo và sử dụng giảng viên, cán bộ quản lý dài hạn và trung hạn. Trên cơ sở quy hoạch và kế hoạch đó, Nhà trường kết hợp chặt chẽ giữa động viên tinh thần tự học, tự rèn của cán bộ, giảng viên với tổ chức các lớp đào tạo tại chức, đào tạo ngắn, tích lũy học phần, chứng chỉ sau đại học; tích cực tuyển lựa những cán bộ, giảng viên trẻ, có triển vọng phát triển gửi đi đào tạo chính quy ở các cơ sở đào tạo của quân đội và Nhà nước theo chỉ tiêu của Bộ; liên kết đào tạo với các học viện, nhà trường trong và ngoài quân đội. Coi trọng việc gắn công tác đào tạo, bồi dưỡng với quy hoạch, sử dụng cán bộ, giảng viên; kịp thời bổ sung một số chính sách đối với cán bộ, giảng viên, ưu tiên bố trí, sắp xếp, bổ nhiệm những đồng chí có trình độ học vấn cao, năng lực công tác tốt, những đồng chí có thành tích, cống hiến cho sự nghiệp giáo dục-đào tạo vào các cương vị lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý dạy-học, tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ, giảng viên yên tâm, gắn bó lâu dài với sự nghiệp giáo dục-đào tạo của Nhà trường. Thường xuyên quan tâm bồi dưỡng kinh nghiệm thực tiễn quản lý, chỉ huy, huấn luyện cho đội ngũ cán bộ, giảng viên bằng các hình thức thích hợp: đi thực tế ở các đơn vị; luân chuyển công tác để cán bộ, giảng viên được đảm nhiệm các cương vị khác nhau trong Trường; tổ chức bồi dưỡng kinh nghiệm chiến đấu, kinh nghiệm dạy-học, quản lý, huấn luyện bộ đội bằng các hình thức tập huấn, hội thảo, nói chuyện chuyên đề. Các cơ quan, khoa, đơn vị tích cực tổ chức các hoạt động phương pháp dạy-học, thi chọn giảng viên dạy giỏi từ cơ sở đến toàn Trường, tham gia các kỳ thi do Bộ Quốc phòng tổ chức; cung cấp các ấn phẩm, các thông tin về phương pháp dạy-học, đáp ứng yêu cầu nghiên cứu, học tập cho đội ngũ cán bộ, giảng viên... Nhờ thực hiện nhiều biện pháp thiết thực, đến nay Nhà trường có đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục khá mạnh, cơ cấu hợp lý, cân đối, đảm bảo sự kế thừa và phát triển; trình độ năng lực toàn diện được nâng lên, nhất là trình độ học vấn (100% giảng viên có trình độ đại học, trong đó gần 30% có trình độ sau đại học). Trong thời gian tới, Nhà trường tiếp tục chỉ đạo kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý giáo dục; phấn đấu đến năm 2010, 100% cán bộ, giảng viên có trình độ đại học; riêng đội ngũ giảng viên có 40-45% trình độ sau đại học, 6-8% là tiến sĩ, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục-đào tạo trong thời kỳ mới.

3- Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học của đội ngũ cán bộ, giảng viên và học viên phục vụ trực tiếp cho công tác giáo dục-đào tạo.

Xuất phát từ yêu cầu nâng cấp đào tạo từ bậc cao đẳng lên đại học, Nhà trường đã chỉ đạo tập trung nghiên cứu nhiều đề tài khoa học (cấp Bộ, cấp ngành và cấp Trường), hướng vào phục vụ sự nghiệp giáo dục-đào tạo, nâng cao chất lượng dạy-học. Các đề tài khoa học nghiên cứu về đổi mới, hoàn thiện quy trình, chương trình, nội dung, tổ chức phương pháp giáo dục-đào tạo đã và đang được ứng dụng có hiệu quả trong công tác giáo dục-đào tạo và điều hành các hoạt động của Nhà trường. Việc nghiên cứu, biên soạn, hoàn thiện hệ thống giáo trình, tài liệu, giáo khoa theo yêu cầu đào tạo bậc đại học đã được triển khai tích cực, đáp ứng yêu cầu nghiên cứu, giảng dạy của cán bộ, giảng viên và học tập của học viên. Từ năm 1994 đến nay, Nhà trường đã hoàn thành biên soạn 274 tài liệu, giáo trình, trong đó có 155 tài liệu, 119 giáo trình về chiến thuật bộ binh, bộ binh cơ giới, trinh sát, binh chủng, kỹ thuật bắn súng, quân sự chung, thể thao, giáo dục quốc phòng... Chất lượng các giáo trình, tài liệu, giáo khoa đảm bảo tính khoa học, trình bày có hệ thống, cập nhật được những thông tin mới, phát triển mới của khoa học nghệ thuật quân sự; hình thức trình bày thống nhất, chính quy, tiện cho việc khai thác sử dụng. Nhà trường còn đẩy mạnh nghiên cứu xây dựng các giảng đường chuyên dùng cho dạy-học các chuyên ngành Trinh sát, Công binh, Bắn súng, Xe máy, Bộ môn công tác Đảng, công tác chính trị; xây dựng các phòng thí nghiệm Vật lý, Hóa học; xây dựng một số bãi tập, thiết bị kỹ thuật chiếu sáng; phát huy sáng kiến cải tiến trang thiết bị, đồ dùng dạy-học, đưa vào sử dụng, đạt hiệu quả tốt. Những việc làm cũng như kết quả đạt được trong công tác nghiên cứu khoa học của Nhà trường trong những năm qua, nhất là từ khi được Nhà nước giao nhiệm vụ đào tạo bậc đại học, đã góp phần quan trọng nâng cao chất lượng giáo dục-đào tạo, xây dựng Nhà trường chính quy và tạo cơ sở để phát triển trong thời gian tới.

 

Trung tướng Nguyễn Hữu Hạ

Hiệu trưởng Nhà trường

 

Ý kiến bạn đọc (0)