QPTD -Thứ Ba, 06/12/2011, 23:55 (GMT+7)
Mấy biện pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả nhiệm vụ quốc phòng ở tỉnh Bắc Giang

Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp và thường xuyên của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân Tỉnh, Đảng bộ, nhân dân các dân tộc và lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh Bắc Giang đã nỗ lực phấn đấu thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương, tạo bước chuyển biến quan trọng trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân (QPTD), thế trận QPTD gắn với thế trận an ninh nhân dân; tiềm lực quốc phòng, an ninh trong khu vực phòng thủ tỉnh được tăng cường; LLVT địa phương được xây dựng vững mạnh toàn diện... Đó là một  nhân tố quan trọng, góp phần thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới.

Từ thực tiễn chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, quân sự ở địa phương và kết quả đạt được trong thời gian qua, Bắc Giang đã rút ra một số bài học kinh nghiệm, cũng là những biện pháp quan trọng đang được các cấp, các ngành tập trung giải quyết có hiệu quả.
1- Thực hiện tốt công tác giáo dục quốc phòng (GDQP), nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhân dân và LLVT đối với nhiệm vụ quốc phòng, quân sự, bảo vệ địa phương, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Trong những năm qua, nhất là từ khi có Chỉ thị số 62/CT-TW ngày 12-02-2001 của Bộ Chính trị về Tăng cường công tác GDQP trong tình hình mới và Nghị định số 15/2001/NĐ-CP ngày 01-05-2001 của Chính phủ về GDQP, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Giang đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành tổ chức quán triệt cho cán bộ, đảng viên và tuyên truyền trong nhân dân. Bộ chỉ huy Quân sự Tỉnh kịp thời tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương thành lập Hội đồng GDQP ở các cấp. Tỉnh ủy, ủy ban nhân dân, Hội đồng GDQP Tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể của Tỉnh và các địa phương làm tốt việc xây dựng kế hoạch và tiến hành bồi dưỡng kiến thức quốc phòng cho cán bộ chủ chốt cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể từ thôn, bản đến cấp tỉnh và GDQP cho học sinh, sinh viên. Hội đồng GDQP, Bộ chỉ huy Quân sự Tỉnh phối hợp với cơ quan báo chí, cơ quan tuyên giáo mở các chuyên mục QPTD, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, GDQP trên các phương tiện thông tin đại chúng. Phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức mở các lớp bồi dưỡng kiến thức quốc phòng cho đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể từ thôn, bản đến cấp tỉnh theo phân cấp; mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng nguồn cán bộ quân sự xã, phường, thị trấn và nguồn cán bộ cơ sở là con em các dân tộc thiểu số. Từ năm 2001 đến nay, toàn Tỉnh đã có gần 11 nghìn lượt cán bộ các cấp được bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, trong đó có 210 cán bộ nguồn cơ sở là con em các dân tộc thiểu số các xã vùng sâu, vùng xa; phổ biến pháp luật, giáo dục chính trị cho 107 nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ dân quân, tự vệ, hơn 50 nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ dự bị động viên; thực hiện được 260 chuyên mục QPTD trên sóng phát thanh, 125 chuyên mục QPTD trên sóng truyền hình, hơn 10 nghìn tin, bài trên báo địa phương phản ánh về việc thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương, xây dựng LLVT trên địa bàn. Trong điều kiện các trường phổ thông trung học, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề, trường cao đẳng đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên bộ môn GDQP chủ yếu là kiêm nhiệm, Bộ chỉ huy Quân sự Tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với Sở Giáo dục và Đào tạo, Trường Chính trị Tỉnh, Trường Quân sự Quân khu 1 mở các lớp bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ giáo viên GDQP ở các nhà trường. Trong 5 năm (2001-2005), toàn Tỉnh đã tập huấn được hơn 2.000 lượt giáo viên kiêm nhiệm tham gia giảng dạy môn GDQP; 100% số trường phổ thông trung học, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề, cao đẳng với gần 284 nghìn lượt học sinh, sinh viên hoàn thành nội dung, chương trình GDQP theo quy định. Những biện pháp tích cực đó đã tạo một bước chuyển biến quan trọng, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân về quan điểm, đường lối quân sự của Đảng, nhiệm vụ quốc phòng, quân sự ở địa phương; làm cho nhân dân các dân tộc trên địa bàn Tỉnh hiểu rõ âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, đề cao cảnh giác cách mạng, tích cực xây dựng nền QPTD, thế trận QPTD gắn với thế trận an ninh nhân dân trên địa bàn ngày càng vững chắc.
Trong những năm tới, Hội đồng GDQP Tỉnh đã xác định phải tiếp tục chủ động phối hợp chặt chẽ với với các cơ quan chức năng xây dựng kế hoạch, chương trình, nội dung GDQP phù hợp với từng đối tượng; đề xuất những chủ trương mới và có nhiều giải pháp  thiết thực, đồng bộ để tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, sâu sắc về nhận thức, quan điểm, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhân dân và LLVT địa phương đối với nhiệm vụ quốc phòng, quân sự ở địa phương. Phấn đấu từ nay đến năm 2010, hoàn thành 100% chỉ tiêu, kế hoạch bồi dưỡng kiến thức quốc phòng cho các đối tượng cán bộ; 100% cán bộ chỉ huy trưởng quân sự xã, phường, thị trấn được đào tạo, bồi dưỡng tại trường, sau khi tốt nghiệp phát huy tác dụng tốt. Đối với các trường phổ thông trung học, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề, cao đẳng, bảo đảm từ 98,5%-100% số học sinh, sinh viên học xong các nội dung, chương trình GDQP theo qui định. Tiếp tục đẩy mạnh giáo dục truyền thống anh hùng của dân tộc, truyền thống tốt đẹp của địa phương nhằm khơi dậy trong mỗi người dân tinh thần tự hào dân tộc, tình yêu quê hương, đất nước, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, cùng chung sức, chung lòng  xây dựng Bắc Giang ngày một giàu về kinh tế, mạnh về quốc phòng-an ninh.
2- Đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội, tạo ra sức mạnh vật chất, tinh thần và động lực để xây dựng nền QPTD, xây dựng khu vực phòng thủ địa phương ngày càng vững chắc. Trong những năm qua, thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Bắc Giang đã phấn đấu đạt được những thành tựu quan trọng trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế-xã hội có bước phát triển nhanh, tương đối vững chắc. Sản xuất nông nghiệp đã chuyển theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích; hình thành vùng cây ăn quả tập trung quy mô lớn nhất các tỉnh phía Bắc, với diện tích gần 4,5 vạn héc-ta; chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản có chuyển biến tích cực, giá trị sản xuất chiếm trên 30% trong cơ cấu ngành nông nghiệp; công tác bảo vệ và phát triển vốn rừng được đẩy mạnh, tỷ lệ che phủ rừng đạt gần 40% diện tích. Tỉnh đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách thu hút đầu tư để phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, trong đó việc phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp Đình Tráng, Song Khê-Nội Hoàng và 11 cụm công nghiệp ở các huyện, thành phố là một trong những giải pháp quan trọng nhằm đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở địa phương. Việc xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội được chú trọng đầu tư, vừa phục vụ dân sinh, phát triển kinh tế-xã hội, vừa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương...
Phát huy những thành quả đạt được, hiện nay Bắc Giang đang tập trung thực hiện tốt 8 nhóm nhiệm vụ và 5 chương trình phát triển kinh tế-xã hội trọng tâm mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tỉnh lần thứ XVI đã đề ra: phát triển công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề nông thôn; phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hoá; xây dựng và phát triển văn hoá-thông tin; phát triển giáo dục-đào tạo và dạy nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đẩy mạnh xoá đói giảm nghèo. Phấn đấu đến năm 2010, GDP tăng bình quân hàng năm từ 10-11%; cơ cấu kinh tế trong GDP là: công nghiệp-xây dựng chiếm 34-35,5%, nông -lâm nghiệp 29,5 - 31,5%, dịch vụ 34,5-35%; GDP bình quân người/năm đạt 560 -580 USD; giảm tỷ lệ hộ đói nghèo xuống dưới 15%. Phát huy mọi nguồn lực, tập trung đầu tư chiều sâu cho xây dựng cơ sở vất chất, kỹ thuật, kết cấu hạ tầng đô thị và nông thôn; phát triển nhanh mạng lưới giao thông liên huyện, liên xã, liên thôn, ưu tiên vùng sâu, vùng xa;  phát triển và khai thác có hiệu quả hệ thống thông tin liên lạc, mạng lưới điện, thuỷ lợi phục vụ sản xuất và tiêu dùng, đáp ứng yêu cầu phục vụ quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và yêu cầu bảo đảm quốc phòng-an ninh trong tình hình mới. Cùng với đó, tiếp tục đầu tư thích đáng cho sự nghiệp phát triển văn hoá, giáo dục, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong cộng đồng các dân tộc trong tỉnh, tạo cơ sở thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và tăng cường quốc phòng-an ninh trên địa bàn. Đẩy mạnh phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư; chăm lo giữ gìn và phát triển bản sắc văn hoá dân tộc, tạo môi trường văn hoá lành mạnh, phòng chống có hiệu quả các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo gây rối an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Thực hiện tốt các mục tiêu đó, chính là tạo ra sức mạnh vật chất, tinh thần và động lực để xây dựng nền QPTD, xây dựng khu vực phòng thủ địa phương trên địa bàn ngày càng vững chắc.
3- Cơ quan quân sự thực hiện tốt chức năng tham mưu và hướng dẫn, tổ chức có hiệu quả nhiệm vụ quốc phòng, quân sự ở địa phương. Trên cơ sở quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị của Đảng và Nhà nước về nhiệm vụ quốc phòng-an ninh, nghị quyết của Đảng ủy Quân khu 1 và của Tỉnh ủy về nhiệm vụ quốc phòng, quân sự nhiệm kỳ và hằng năm; căn cứ vào vị trí địa lý, chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh của địa phương, cơ quan quân sự đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương ban hành các chỉ thị, nghị quyết đáp ứng yêu cầu lãnh đạo, chỉ đạo nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương trong tình hình mới. Chủ động đề xuất quy hoạch, kế hoạch xây dựng nền QPTD, xây dựng thế trận QPTD gắn với thế trận an ninh nhân dân, trên cơ sở xây dựng tỉnh, huyện thành khu vực phòng thủ theo hướng thiết thực, cơ bản, vững chắc, đi vào chiều sâu. Coi trọng đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội gắn với xây dựng các công trình phòng thủ; triển khai các dự án kinh tế kết hợp với quốc phòng. Đề xuất với cấp ủy, chính quyền địa phương hằng năm dành một phần ngân sách tập trung đầu tư xây dựng công trình sở chỉ huy thời chiến, căn cứ chiến đấu, căn cứ hậu phương, căn cứ hậu cần-kỹ thuật... Thực hiện tốt công tác thanh tra quốc phòng, quản lý nhà nước về quốc phòng, qui hoạch, quản lý chặt chẽ các địa hình có giá trị về quân sự, các công trình quốc phòng phục vụ cho nhiệm vụ quốc phòng, quân sự và phòng tránh, sơ tán của nhân dân khi có chiến tranh xảy ra. Tăng cường luyện tập, diễn tập theo các phương án tác chiến đã được xác định. Kịp thời bổ sung, điều chỉnh hệ thống kế hoạch phòng thủ phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tham mưu cho cấp ủy, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng LLVT địa phương vững mạnh toàn diện, đặc biệt là nâng cao chất lượng chính trị, bản lĩnh chính trị và trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu. Phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, cơ quan chức năng các huyện, thành phố đăng ký, quản lý chặt chẽ số lượng, chất lượng lực lượng dự bị động viên. Thường xuyên phúc tra, điều chỉnh, sắp xếp quân dự bị vào các đơn vị đạt 100% chỉ tiêu và có lực lượng dự phòng theo quy định. Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng lực lượng dân quân, tự vệ theo hướng có số lượng hợp lý, nâng cao chất lượng và độ tin cậy, bảo đảm các Ban chỉ huy quân sự xã, phường, thị trấn bố trí đủ 3/3 cán bộ; tỷ lệ dân quân nòng cốt chiếm 1,24% dân số toàn Tỉnh, tự vệ chiếm 11,8% cán bộ, công nhân, viên chức; ưu tiên xây dựng lực lượng dân quân cơ động, các tiểu đội binh chủng và các cơ sở quân báo nhân dân; từng bước nâng cao chất lượng xây dựng, quản lý lực lượng dân quân, tự vệ rộng khắp. Thực hiện Chỉ thị 58/TTg của Thủ tướng Chính phủ về Tăng cường xây dựng cơ sở vững mạnh toàn diện đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng-an ninh trong tình hình mới, cơ quan quân sự đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo địa phương, cơ sở đẩy mạnh xây dựng cơ sở vững mạnh toàn diện. Tập trung củng cố, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, nhất là ở địa bàn trọng điểm về quốc phòng-an ninh, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần nâng cao chất lượng, sức chiến đấu, hiệu quả lãnh đạo của tổ chức Đảng, quản lý, điều hành của chính quyền và phát huy vai trò của các thành viên hệ thống chính trị trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng-an ninh. Thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở,  phát huy quyền làm chủ của nhân dân làm tốt chính sách hậu phương quân đội, quan tâm chăm lo đối với gia đình thương binh, liệt sỹ và người có công với cách mạng; củng cố “trận địa lòng dân”, phòng chống có hiệu quả âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa hình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch từ cơ sở.
 
Đại tá Hà Ngọc Hoa
Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy
Chỉ huy trưởng BCHQS Tỉnh
 

Ý kiến bạn đọc (0)