QPTD -Thứ Hai, 05/12/2011, 23:01 (GMT+7)
Mấy biện pháp đẩy mạnh thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở Trường Sĩ quan Tăng Thiết giáp

Trường Sĩ quan Tăng Thiết giáp có nhiệm vụ đào tạo sĩ quan tăng thiết giáp có bản lĩnh chính trị vững vàng, năng lực chỉ huy, tham mưu và tác chiến giỏi, nắm vững và sử dụng thành thạo các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật, góp phần trực tiếp vào việc xây dựng Binh chủng Tăng Thiết giáp vững mạnh, xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, đáp ứng yêu cầu cao của nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Hiện nay, Nhà trường đã xây dựng và tổ chức thực hiện được 14 chương trình đào tạo; 100% giáo viên có trình độ đại học và sau đại học, trong đó 7 đồng chí được phong tặng danh hiệu “Nhà giáo ưu tú”; hằng năm tỷ lệ học viên tốt nghiệp ra trường đạt 100%, trong đó có 60-70% tốt nghiệp loại khá, giỏi (riêng năm 2005 có 455 học viên tốt nghiệp, trong đó 81% tốt nghiệp loại khá, giỏi).

Cùng với lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả cao nhiệm vụ chính trị trung tâm là huấn luyện, đào tạo, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường luôn coi trọng xây dựng Nhà trường vững mạnh toàn diện theo những tiêu chí của Bộ Quốc phòng và Binh chủng Tăng Thiết giáp đề ra, trong đó công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) được quan tâm, tổ chức thực hiện nghiêm túc, có kết quả cao, thiết thực góp phần hoàn thiện nhân cách của học viên trong quá trình đào tạo, đồng thời củng cố kỷ luật, xây dựng nền nếp chính quy, môi trường sư phạm trong sạch, lành mạnh, giữ an toàn cho người và phương tiện trong nhiều năm liền.
Nhằm lãnh đạo, chỉ đạo tốt công tác PBGDPL, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường đã tổ chức quán triệt sâu sắc trong toàn Đảng bộ, từng khoa giáo viên, các tiểu đoàn học viên và các bộ phận phục vụ: Chỉ thị số 32/CT-TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác PBGDPL, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân; Quyết định số 13/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình PBGDPL từ năm 2003-2007; Chỉ thị số 21/2003/CT-BQP của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về triển khai công tác PBGDPL trong Quân đội và dân quân, tự vệ, lực lượng dự bị động viên từ năm 2003-2007 và kế hoạch triển khai công tác PBGDPL hằng năm của Bộ Quốc phòng. Từ năm 2003 đến nay, Đảng ủy Nhà trường đều có nghị quyết chuyên đề để lãnh đạo chặt chẽ công tác này; hằng quý, hằng tháng, các cấp ủy cơ sở trong Đảng bộ đều đưa nội dung PBGDPL vào nghị quyết lãnh đạo của cấp mình, coi trọng việc đánh giá, rút kinh nghiệm những mặt làm được, chưa làm được và đề ra phương hướng, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác này trong quá trình đào tạo, quản lý cơ quan, đơn vị. Do đó, nhận thức của mọi đối tượng về vị trí, ý nghĩa của công tác PBGDPL và trách nhiệm của từng phòng, khoa, ban đối với công tác này ngày càng được khẳng định rõ hơn.
Nét nổi bật trong công tác PBGDPL của Nhà trường là đã thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức nghiên cứu, học tập nghiêm túc, có chất lượng chương trình, nội dung giáo dục pháp luật cho các đối tượng, bảo đảm để mọi người từ cán bộ, giáo viên, học viên đến công nhân viên, hạ sĩ quan, chiến sĩ đều theo học đủ chương trình, nội dung giáo dục theo quy định hằng năm của Bộ Quốc phòng và Tổng cục Chính trị. Đối với đối tượng học viên đào tạo cơ bản theo chương trình chính khóa có 90 tiết học về pháp luật; với học viên đào tạo sĩ quan dự bị và các đối tượng đào tạo khác học 35 tiết; cán bộ khung, giáo viên và công nhân viên quốc phòng học 18 tiết; hạ sĩ quan, chiến sĩ học 9 tiết. Riêng đối tượng học viên, chương trình, nội dung học được tích hợp giữa hệ thống kiến thức cơ bản về nhà nước và pháp luật - một bộ phận quan trọng trong các kiến thức khoa học xã hội và nhân văn quân sự – với các chuyên đề theo quy định chung. Để nâng cao chất lượng đào tạo nói chung, giáo dục pháp luật nói riêng, Nhà trường coi trọng cả 3 khâu: bảo đảm đủ tài liệu học tập; nâng cao chất lượng bài giảng, năng lực sư phạm của đội ngũ giáo viên và các hoạt động bổ trợ; kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của người học. Về tài liệu học tập, do đối tượng học đông, tài liệu do trên đảm bảo có hạn, cơ quan chính trị Nhà trường chủ động phối hợp với phòng Đào tạo nhân bản tài liệu do trên cấp, để các tổ học tập đều có đủ tài liệu nghiên cứu. Đối với đội ngũ giáo viên, Nhà trường thực hiện nghiêm túc quy trình giảng bài: nghiên cứu, xây dựng giáo án, thông qua giáo án, giảng thử, dự giảng, rút kinh nghiệm và thực hành giảng. Những kiến thức cơ bản về nhà nước và pháp luật trong chương trình, giáo viên môn này trực tiếp đảm nhiệm; còn những chuyên đề khác, chủ yếu là giới thiệu các luật cụ thể như: Luật Thanh tra, Luật Khiếu nại, tố cáo; Luật An ninh Quốc gia; Luật Quốc phòng;... Nhà trường mời cán bộ chuyên ngành thuộc các cơ quan trong quân đội và ngoài quân đội giảng hoặc nói chuyện dưới hình thức ngoại khóa. Ngoài ra, để việc học tập, tìm hiểu pháp luật không bị nhàm chán, dễ tiếp thu, hằng năm cơ quan chính trị còn phối hợp với các khoa, hệ tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật, kết hợp các hoạt động văn hóa, văn nghệ để tuyên truyền về pháp luật. Sau thời gian học tập, riêng đối tượng học viên được kiểm tra kiến thức theo quy trình đào tạo, còn các đối tượng khác đều tổ chức rút kinh nghiệm, kiểm điểm thái độ, trách nhiệm của từng tập thể và cá nhân trong học tập một cách chu đáo. Qua học tập, sự hiểu biết của mọi đối tượng trong nhà trường về pháp luật, điều lệnh quân đội đã được nâng lên rõ rệt, ý thức chấp hành luật pháp, kỷ luật quân đội có chuyển biến tích cực.
Với quan điểm nhận thức luôn gắn chặt với hành động, hiểu biết về pháp luật của cán bộ, giáo viên, học viên, chiến sĩ, công nhân viên phải được biểu hiện cụ thể thông qua hành vi tôn trọng và tự giác chấp hành nghiêm pháp luật Nhà nước, kỷ luật quân đội. Tuy nhiên, sự chuyển hóa từ nhận thức sang hành động là cả một quá trình. Để thực hiện điều đó, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường tiến hành nhiều biện pháp đồng bộ, trong đó thường xuyên coi trọng kết hợp phổ biến, tuyên truyền về pháp luật với rèn luyện, quản lý kỷ luật, xây dựng nền nếp chính quy, xây dựng môi trường sư phạm mẫu mực trong Nhà trường. Những yêu cầu về chấp hành pháp luật, điều lệnh quản lý bộ đội, nhất là chấp hành Luật Giao thông đường bộ thường xuyên được nhắc nhở trong các buổi chào cờ hằng tháng, giao ban hằng tuần và trên loa truyền thanh nội bộ của Nhà trường. Đội ngũ cán bộ khung, cán bộ các khoa, phòng, ban luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc uốn nắn, nhắc nhở học viên, quân nhân, đồng thời cũng thể hiện là tấm gương mẫu mực về chấp hành lễ tiết, tác phong, nền nếp chính quy trong nhà trường cũng như thái độ, tính tự giác khi ở ngoài doanh trại. Đối với những tập thể học viên, qua nắm tình hình thấy có khả năng vi phạm kỷ luật cao, Nhà trường cử những cán bộ khung có kinh nghiệm trong chỉ huy, quản lý trực tiếp làm khung để từ đó dần dần uốn nắn đơn vị vào nền nếp. Để hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực từ mặt trái của kinh tế thị trường đến tình hình chấp hành kỷ luật của bộ đội, Nhà trường tăng cường quan hệ với cấp ủy, chính quyền địa phương nơi đóng quân, phối hợp cùng các ban ngành, đoàn thể địa phương làm tốt công tác PBGDPL, thông báo tình hình trật tự trị an, tai nạn, tệ nạn xã hội cho nhau, để cùng nhau chủ động giải quyết. Vừa qua, bằng công sức và nỗ lực của cán bộ, học viên, Nhà trường đã xây mới hơn 1km tường bảo vệ và hệ thống ao cá xung quanh phạm vi đóng quân với khối lượng vật tư chi phí lên đến hơn 1 tỷ đồng. Những việc làm đó đã góp phần khắc phục về cơ bản tình trạng một số phần tử xấu ở bên ngoài lợi dụng các mối quan hệ lôi kéo học viên, quân nhân trong Trường tham gia vào các tệ nạn xã hội, chấm dứt tình trạng học viên tham gia đánh lô, đề và các quan hệ không lành mạnh khác. Ngoài ra, những năm gần đây, mỗi kỳ học viên về nghỉ hè, nghỉ Tết, Nhà trường đều tổ chức cho học viên làm giấy cam kết, trong đó có nội dung chấp hành pháp luật Nhà nước và quy định của địa phương; sau khi nghỉ phép có giấy xác nhận của chính quyền địa phương và gia đình, nhờ đó 100% học viên khi về phép đều không vi phạm pháp luật, trả phép đúng thời gian quy định.
Kinh nghiệm của Nhà trường mấy năm gần đây trong công tác PBGDPL là lấy thuyết phục làm chính đi đôi với tăng cường các biện pháp quản lý hành chính, duy trì thực hiện nghiêm điều lệnh, điều lệ và các chế độ, nền nếp chính quy; yêu cầu cao luôn đi đôi với chăm lo tới con người, tạo điều kiện nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, học viên, chiến sĩ, công nhân viên trong Nhà trường; chú trọng xây dựng môi trường văn hóa trong sạch, lành mạnh gắn với đẩy mạnh các phong trào thi đua chấp hành nghiêm pháp luật Nhà nước và kỷ luật quân đội. Năm 2005, Nhà trường đã phát động nhiều phong trào thi đua xây dựng đơn vị chính quy, hướng vào các chủ đề lớn: “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”; “Toàn quân hành động theo Điều lệnh”; “Xây dựng Nhà trường chính quy, mẫu mực, chất lượng cao, an toàn tốt”; “Quản lý, khai thác, sử dụng vũ khí, trang bị tốt, bền, an toàn, tiết kiệm và An toàn giao thông”;... Trong bình xét thi đua, việc chấp hành pháp luật, kỷ luật quân sự, yêu cầu an toàn về người và phương tiện được Hội đồng Thi đua - khen thưởng Nhà trường coi là một điểm thi đua ưu tiên với hệ số 2. Đối với những tập thể, cá nhân có thành tích trong học tập, công tác, rèn luyện và chấp hành nghiêm túc, tự giác pháp luật và kỷ luật được tập thể bình xét dân chủ từ cơ sở, Nhà trường có hình thức khen thưởng phù hợp. Đơn vị, cá nhân để mất an toàn hoặc xảy ra vụ việc nghiêm trọng sẽ bị xử lý kỷ luật theo mức độ vi phạm và dù nhiệm vụ chính trị trung tâm có thực hiện tốt cũng không được xếp loại cao... Với cách làm đó, trong 2 năm liên tục vừa qua Nhà trường không để xảy ra bất kỳ một trường hợp mất an toàn nào; số vụ việc vi phạm kỷ luật thông thường giảm đáng kể. Đó cũng là một trong những yếu tố góp phần đem lại vinh dự to lớn cho Nhà trường trong năm 2004 và 2005 vừa qua: Nhà trường được nhận Cờ của Thủ tướng Chính phủ.
Từ những kết quả đã đạt được có thể khẳng định, công tác PBGDPL đang được Trường Sĩ quan Tăng Thiết giáp triển khai đúng hướng, có hiệu quả, góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng đào tạo, duy trì kỷ luật, xây dựng nền nếp chính quy, xây dựng Nhà trường vững mạnh toàn diện, xứng đáng là một trung tâm đào tạo cán bộ, sĩ quan, nhân viên kỹ thuật có uy tín, chất lượng cao của quân đội. Tuy nhiên, trước yêu cầu tiếp tục xây dựng Binh chủng Tăng Thiết giáp vững mạnh, xây dựng Quân đội nhân dân theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, đáp ứng với yêu cầu chiến tranh bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Nhà trường cần tiếp tục đổi mới, nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác này, tạo sự chuyển biến từ nhận thức đến ý thức chấp hành nghiêm pháp luật Nhà nước, kỷ luật quân đội của từng cán bộ, giáo viên, học viên, công nhân viên, hạ sĩ quan, chiến sĩ trong Nhà trường, góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị của Nhà trường trong thời kỳ mới.
 
Đại tá Hoàng Trung Kiên
Hiệu trưởng Nhà trường
 

Ý kiến bạn đọc (0)