Thứ Bảy, 23/11/2024, 12:47 (GMT+7)
Ấn phẩm tạp chí in
Tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược nước ta lần thứ hai, thực dân Pháp xác định Tây Bắc là một trong những địa bàn trọng yếu không chỉ đối với chiến trường miền Bắc Việt Nam mà còn có ý nghĩa chiến lược trong mục tiêu, kế hoạch xâm chiếm, bình định Bắc Đông Dương của chúng. Chính vì thế, ngay thời gian đầu (23-9-1945), đồng thời cùng với việc cho quân núp bóng quân đội Anh dưới danh nghĩa quân đội Đồng Minh gây hấn ở Sài Gòn, chúng đã cho một số tên sĩ quan thực dân nhảy dù xuống Tây Bắc và Lào. Tiếp đó, vào tháng 11-1945, hai tiểu đoàn quân Pháp chạy trốn quân đội Nhật trước đây, từ Vân Nam (Trung Quốc), đem theo tên phản động người Thái là Đèo Văn Long, kéo vào Lai Châu. Đây là cuộc xâm nhập đầu tiên của quân Pháp vào miền Bắc sau khi ta giành được chính quyền. Đầu năm 1946, sau khi chiếm đóng Lai Châu, được tăng viện, địch đánh rộng ra với ý đồ chiếm toàn bộ Tây Bắc, cô lập căn cứ Việt Bắc về phía tây, uy hiếp đồng bằng Bắc Bộ, làm bàn đạp xâm nhập Thượng Lào, khóa chặt đoạn biên giới Việt -Trung.
Đứng trước tình hình ấy, Hội nghị Quân sự lần thứ nhất (tháng 1-1947) đã nhận định: “Căn cứ địa rừng núi miền Tây Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có một giá trị chiến lược rất quan trọng đối với miền Tây Bắc Việt Nam và cả miền Bắc Đông Dương”1. Bởi vậy, phải đẩy mạnh công tác vũ trang tuyên truyền, “tiến tới chiến tranh nhân dân, xây dựng căn cứ địa để mở rộng khu vực tự do”2. Chấp hành Nghị quyết Hội nghị, trong khi đang tích cực chỉ đạo, chỉ huy quân và dân Hà Nội, Nam Định, Huế, Đà Nẵng... vây hãm quân địch cùng quân và dân các địa phương ráo riết đề phòng địch tiến công mở rộng vùng chiếm đóng, Bộ Tổng Chỉ huy quyết định mở Mặt trận miền Tây (Tây Tiến). Mở Mặt trận Tây Tiến, Bộ Tổng Chỉ huy xác định khu vực hoạt động là miền biên giới giáp Lào thuộc các tỉnh Bắc Trung Bộ và Tây Bắc, đồng thời phối hợp cùng lực lượng của bạn đánh địch ở Sầm Nưa; mục đích tác chiến là tiêu hao, tiêu diệt một bộ phận quân địch, phá thế uy hiếp của chúng đối với miền Tây Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Do vậy, hoạt động của các lực lượng vũ trang là vừa tác chiến vừa tuyên truyền vận động nhân dân, giải thích và vạch rõ âm mưu của thực dân Pháp, củng cố tình đoàn kết Việt-Lào, củng cố và mở rộng cơ sở quần chúng, động viên nhân dân kháng chiến, đào tạo cán bộ địa phương cấp tỉnh, châu, xã…, đồng thời thực hiện phân hóa bọn phản động người Việt và ra sức thuyết phục các thủ lĩnh người dân tộc thiểu số tham gia kháng chiến. Phương châm hoạt động của bộ đội ta trên đất bạn là vừa đánh địch vừa vũ trang tuyên truyền nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Hội nghị Quân sự lần thứ nhất, đã xác định. Các lực lượng được Bộ Tổng Chỉ huy điều lên Mặt trận Tây Tiến (tiền thân của Trung đoàn 52 Tây Tiến sau này) gồm có: Tiểu đoàn 212, một trong năm tiểu đoàn chủ lực của Chiến khu 11 Hà Nội. Sau Tết Nguyên đán 1947, Tiểu đoàn nhận lệnh tập kết tại Xuân Mai thuộc Hà Đông và được đồng chí Vương Thừa Vũ, Khu trưởng chiến khu 11, trực tiếp giao nhiệm vụ. Đến đây, đơn vị mang phiên hiệu mới: Tiểu đoàn 150. Tiểu đoàn 90 là một tiểu đoàn chủ lực của Chiến khu 3, làm nhiệm vụ bảo vệ ngoại vi thành phố Hải Phòng, trên địa bàn Cát Bi, Đồ Sơn, Kiến An trong đội hình Trung đoàn 41 (sau đổi thành Trung đoàn 42). Sau Tết Nguyên đán 1947, Tiểu đoàn nhận được lệnh hành quân lên Mặt trận Tây Tiến và mang phiên hiệu mới: Tiểu đoàn 157. Các đơn vị Vệ quốc đoàn của tỉnh Hòa Bình, được biên chế thành một tiểu đoàn chủ lực thuộc Trung đoàn 37, Chiến khu 2. Đến tháng 3-1946, bổ sung thêm nhiều thanh niên các dân tộc ở địa phương cùng một số đơn vị và cán bộ được điều động từ Mặt trận Hà Nội và các nơi khác, Tiểu đoàn mang phiên hiệu mới: Tiểu đoàn 60 . Tiểu đoàn 145 vốn là một tiểu đoàn chủ lực của Chiến khu 11 Hà Nội, chiến đấu tại mặt trận phía Bắc (Hà Nội). Đến tháng 3-1947, Tiểu đoàn chiến đấu tại Mặt trận Vân Đình - Hà Đông trong đội hình Trung đoàn 48, được điều động lên Mặt trận Tây Tiến, mang phiên hiệu mới là Tiểu đoàn 164. Đội vũ trang tuyên truyền Tây Tiến là một đơn vị mới được thành lập của Chiến khu 2, theo yêu cầu của nhiệm vụ mới. Đội gồm nhiều cán bộ, chiến sĩ ở vùng đồng bằng Bắc Bộ, lại có cả một trung đội quân nhạc đi cùng. Đến Mai Châu, Hòa Bình, Đội gặp Đội vũ trang tuyên truyền Pa-thét-Lào vừa từ Lào hành quân sang Việt Nam để phối hợp hoạt động. Đến đây, hai đội vũ trang tuyên truyền của hai nước anh em sáp nhập trở thành: Đội vũ trang tuyên truyền Tây Tiến của Liên quân Việt – Lào. Các đơn vị trên đây vừa hành quân chiến đấu, tiến công, đánh chặn địch, vừa xây dựng các cơ quan và đơn vị trực thuộc... hình thành một trung đoàn bộ binh hoàn chỉnh, đó là Trung đoàn 52 - Tây Tiến (thành lập ngày 27-2-1947 theo quyết định của Bộ Tổng Chỉ huy). Trong thư gửi cán bộ, chiến sĩ của Trung đoàn Tây Tiến, Bộ Tổng Chỉ huy nêu rõ tầm quan trọng của nhiệm vụ mà Trung đoàn đảm nhiệm: “Miền Việt –Tây đối với nước ta có một vị trí chiến lược rất quan trọng. Hùng cứ được vùng đó, không những quân địch ở vào cái thế “cứ cao lâm hạ” có thể uy hiếp hậu phương của chúng ta, mà chúng lại mong thực hiện cái âm mưu ác độc “dĩ Việt chế Việt”, chia rẽ các dân tộc thiểu số, lập bộ đội người Việt thiểu số để tiến đánh chúng ta. Mỗi tấc đất miền Tây là một tấc đất của Tổ quốc Việt Nam. Mỗi một đồng bào miền Tây là một người dân nước Việt. Bảo vệ được lãnh thổ và nhân dân miền Tây tức là gián tiếp bảo vệ được đại hậu phương của chúng ta, góp một phần quan trọng vào thắng lợi cuối cùng”.
Chấp hành mệnh lệnh của Bộ Tổng Chỉ huy, tại Mặt trận miền Tây, ta bố trí một lực lượng nhỏ kiềm chế địch ở Sơn La; các lực lượng còn lại tập trung tiến công địch ở Sầm Nưa. Bộ đội ta từ Nghệ An, Thanh Hóa sang, từ Tây Bắc khép vào, hình thành hai gọng kìm kẹp chặt quân địch tại Sầm Nưa, cắt đứt sự liên hệ của chúng với đồng bọn ở Bắc Lào. Các cuộc tiến công của bộ đội Tây Tiến phát triển tương đối thuận lợi. Cuối tháng 2-1947, các đơn vị đồng loạt nổ súng đánh vào các vị trí Ba Dom, Chiềng Công, Sốp Nao, Mường Pun và tiếp đó đã đánh các vị trí Mường Nao, Sầm Tớ, nhanh chóng làm chủ tuyến sông Mã và Sầm Tớ. Trong tháng 3-1947, ta thọc sâu vào bao vây Sầm Nưa. Nhân dân Lào tham gia tiếp tế, tải thương, dẫn đường, nắm địch, hết lòng giúp đỡ bộ đội ta đánh giặc. Bộ đội Việt Nam mang tình cảm quốc tế vô sản trong sáng, chấp hành đầy đủ chính sách, giữ nghiêm kỷ luật, được các tầng lớp nhân dân Lào yêu thương, quý mến, đùm bọc. Qua đó càng bồi đắp sâu sắc hơn tình hữu nghị, liên minh chiến đấu. Để gỡ thế bị uy hiếp nghiêm trọng cho các lực lượng ở Sầm Nưa, ngày 15-4-1947, địch mở các cuộc hành quân nhằm mở rộng phạm vi chiếm đóng, nối liền vùng chiếm đóng ở Tây Bắc Bộ với Hà Nội. Cuộc hành quân được tiến hành theo hai hướng: từ Hà Nội lên và từ Sơn La, Yên Châu xuống. Đồng thời, quân Pháp nhảy dù xuống Mộc Châu. Các lực lượng vũ trang ta tổ chức nhiều trận phục kích trên đường số 6 và số 12, đánh địch ở Dốc Cun, phục kích địch ở Lương Sơn, gây cho chúng nhiều thiệt hại. Đến tháng 5-1947, địch điều quân giải vây cho Sầm Nưa. Do không đủ lực lượng để giữ cả một vùng rộng lớn, ta buộc phải rút khỏi Chợ Bờ, Lương Sơn nhằm tập trung lực lượng phá vỡ âm mưu mới của địch (đánh lên Việt Bắc – Thu Đông 1947).
Cuộc chiến đấu của bộ đội ta trên Mặt trận Tây Tiến những năm đầu kháng chiến chống Pháp gặp phải rất nhiều khó khăn và thử thách to lớn. Do xa hậu phương, địa thế miền Tây hiểm trở, rừng núi trùng điệp, dân cư thưa thớt, nguồn bổ sung tiếp tế tại chỗ rất ít, chiến sĩ ta phần đông từ đồng bằng, thành phố lên, lần đầu hoạt động trên chiến trường rừng núi, không quen với khí hậu, thời tiết khắc nghiệt của vùng cao nên đau ốm nhiều. Những cuộc hành quân vào mặt trận thật gay go, gian khổ, nhiều cán bộ, chiến sĩ vừa đi vừa phải chống chọi với cơn sốt rét. Có đại đội đến 70% quân số bị đau ốm mà thuốc chữa bệnh lại không có. Nhưng với tinh thần yêu nước nồng nàn, đức hy sinh và lòng quả cảm, sự giúp đỡ tận tình, lòng yêu thương vô bờ bến của bà con các dân tộc thiểu số, bộ đội ta đã vượt lên tất cả để giành thắng lợi. Cuộc hành quân đánh địch của Bộ đội Tây Tiến thể hiện tinh thần tích cực, chủ động tiến công nhằm giành quyền làm chủ ở một địa bàn chiến lược quan trọng, đã gây cho địch nhiều khó khăn, lúng túng, nhất là lúc chúng đang bị giam chân ở thành thị. Bằng những thắng lợi mới giành được trong các cuộc chiến đấu, chúng ta đã thiết thực tạo thêm điều kiện để bạn Lào xây dựng cơ sở, phát triển lực lượng kháng chiến.
Bài học kinh nghiệm của bộ đội ta trên Mặt trận Tây Tiến trong cuộc kháng chiến chống Pháp là hết sức quý giá, hữu ích cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Đấy là, cần phát hiện sớm và kịp thời những âm mưu, thủ đoạn chống phá của địch trên các địa bàn chiến lược trọng điểm; kịp thời điều hành, bố trí chiến lược, vị trí đứng chân của các lực lượng; làm tốt nhiệm vụ vừa sẵn sàng chiến đấu vừa xây dựng cơ sở chính trị; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc thiểu số không ngừng xây dựng, củng cố và bảo vệ những địa bàn chiến lược quan trọng, đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng-an ninh vùng sâu, vùng xa của đất nước. Đặc biệt, các lực lượng làm công tác dân vận tham gia xây dựng cơ sở địa phương vững mạnh toàn diện phải hướng vào củng cố thực lực chính trị, nâng cao hiệu lực và hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền, hoạt động của các tổ chức chính trị-xã hội; bồi dưỡng, đào tạo nguồn cán bộ, đảng viên, lực lượng cốt cán cho cơ sở. Tích cực tham gia các chương trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xóa đói giảm nghèo, phòng chống thiên tai, xây dựng cơ sở hạ tầng, thực hiện chính sách xã hội, ổn định và nâng cao đời sống, dân trí của nhân dân. Thông qua công tác dân vận nắm vững tình hình địa bàn, xây dựng vành đai, địa bàn, cụm địa bàn an toàn tại các cơ sở địa phương nơi đóng quân và địa bàn được phân công, góp phần củng cố quốc phòng-an ninh, xây dựng các phương án tác chiến, xây dựng khu vực phòng thủ địa phương, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, trước hết là “thế trận lòng dân”. Chủ động tham gia ngăn ngừa và giải quyết có hiệu quả các vụ việc phức tạp, mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, giữ vững ổn định tình hình chính trị - xã hội, làm thất bại âm mưu “Diễn biến hòa bình”, bạo loạn, lật đổ, ly khai lãnh thổ của các thế lực thù địch; bảo vệ Đảng, chính quyền và nhân dân trên từng địa bàn, từng cơ sở và bảo vệ vững chắc Tổ quốc XHCN trong mọi tình huống.
Hà Thành
Trao đổi ý kiến giữa Tạp chí quốc phòng toàn dân với bạn đọc, cộng tác viên Quân khu 5 12/12/2011
Nghệ thuật tổ chức, sử dụng lực lượng quân sự trong những ngày đầu kháng chiến toàn quốc 12/12/2011
“Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” với việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay 12/12/2011
Một số vấn đề về nghệ thuật chiến dịch phòng ngự trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 12/12/2011
Hưng Yên không ngừng nâng cao hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng 12/12/2011
Kết quả và kinh nghiệm tiến hành công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của lực lượng vũ trang Quân khu 5 12/12/2011
Đoàn B.90 nâng cao chất lượng xây dựng lực lượng dự bị động viên - một số kinh nghiệm bước đầu 12/12/2011
Trường Quân sự Binh đoàn Cửu Long phấn đấu nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và huấn luyện 11/12/2011
Kết hợp kinh tế với quốc phòng, tạo lập thế trận phòng thủ vững chắc trên địa bàn tỉnh ven biển Thái Bình 11/12/2011
Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga phát huy nội lực, mở rộng hợp tác, nâng cao hiệu quả hoạt động 11/12/2011