QPTD -Thứ Sáu, 26/08/2011, 21:50 (GMT+7)
Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam - biểu tượng của sức mạnh đại đoàn kết dân tộc vì độc lập, tự do và thống nhất Tổ quốc

Ra đời trong phong trào Đồng khởi, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam (DTGPMN) Việt Nam đã tập hợp, lãnh đạo khối đại đoàn kết của nhân dân miền Nam đứng lên đấu tranh, đánh bại từng chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ và tay sai, góp phần cùng quân và dân cả nước giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ngày nay, trong điều kiện mới của cách mạng, những bài học về tập hợp lực lượng, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân và lãnh đạo phong trào cánh mạng của quần chúng rất cần được nghiên cứu, vận dụng trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, miền Bắc được hoàn toàn giải phóng. Trong khi đó, ở miền Nam, đế quốc Mỹ đã nhảy vào thay thế quân Pháp, dựng lên chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm, chống lại cách mạng bằng hàng loạt chính sách phát xít, độc tài và tàn bạo, nhằm đàn áp các hoạt động yêu nước của nhân dân miền Nam. Trước tình hình đó, Đảng ta đã phân tích, nhận định đúng, đề ra chủ trương về Mặt trận Dân tộc thống nhất để tập hợp, đoàn kết rộng rãi các lực lượng, các tầng lớp nhân dân đấu tranh hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, thống nhất Tổ quốc, vững bước tiến vào thời kỳ quá độ lên CNXH. Thực hiện chủ trương đó và từ thực tiễn phong trào Đồng khởi của nhân dân miền Nam,  ngày 20-12-1960, tại xã Tân Lập, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh, Đại hội đại biểu các giai cấp, các tôn giáo, dân tộc miền Nam đã ra quyết định thành lập Mặt trận DTGPMN Việt Nam. Đại hội đã ra Tuyên ngôn và thông qua Chương trình hành động 10 điểm; trong đó, chủ trương đoàn kết toàn dân chống xâm lược Mỹ, đánh đổ ách thống trị của tay sai phản động, thực hiện độc lập dân tộc, dân chủ, hoà bình, trung lập, tiến tới hoà bình, thống nhất Tổ quốc. Đây là sự kiện lịch sử đánh dấu sự trưởng thành và là bước ngoặt của cách mạng miền Nam. Đánh giá sự kiện này, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Hiện nay, trong cuộc đấu tranh anh dũng chống chế độ tàn bạo của Mỹ-Diệm, đồng bào ta ở miền Nam có Mặt trận Dân tộc giải phóng với chương trình hoạt động thiết thực và phù hợp với nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Do đó, có thể đoán rằng đồng bào miền Nam nhất định sẽ thắng lợi, nước nhà nhất định sẽ thống nhất, Nam-Bắc sẽ nhất định sum họp một nhà” 1.

Ngay sau khi ra đời, Mặt trận đã tỏ rõ vai trò là ngọn cờ tập hợp, tổ chức lực lượng các giai cấp, các tầng lớp nhân dân đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược bằng nhiều hình thức: bãi công, bãi thị, mít tinh… với quy mô lớn trên khắp các vùng nông thôn và đô thị miền Nam. Ở nhiều địa phương, Uỷ ban Mặt trận được thành lập, tạo nên hệ thống tổ chức đủ mạnh để hoàn thành sứ mệnh lịch sử nhân dân giao phó.

Để tạo bước phát triển mới cho cách mạng miền Nam, tháng 2-1962, Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết lãnh đạo nhiệm vụ trước mắt đối với cách mạng miền Nam; trong đó, nhấn mạnh: phải đẩy mạnh đấu tranh vũ trang, đấu tranh chính trị và tác chiến tập trung; củng cố và mở rộng căn cứ địa, giành và giữ thế chủ động; tích cực xây dựng và củng cố lực lượng (bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích) về mọi mặt để hỗ trợ cho đấu tranh chính trị ở cơ sở; đồng thời, tăng cường các hoạt động phá “Ấp chiến lược”. Đây vừa là nhiệm vụ cấp bách trước mắt, vừa cơ bản lâu dài để từng bước đưa cách mạng miền Nam tiến lên. Trên cơ sở những định hướng của Bộ Chính trị, Đại hội Mặt trận DTGPMN Việt Nam lần thứ Nhất đã đề ra 4 chủ trương cứu nước khẩn cấp. Đó là, đế quốc Mỹ phải đình chỉ cuộc chiến tranh xâm lược ở miền Nam; giải tán toàn bộ “Ấp chiến lược”; thành lập ở miền Nam một Chính phủ liên hiệp dân tộc; thực hiện đường lối đấu tranh ngoại giao hoà bình, trung lập. Đây là những chủ trương chiến lược đúng đắn, sáng tạo, sát hợp với tình hình và thực tiễn cách mạng miền Nam.

Sau Đại hội lần thứ Nhất, Mặt trận đã tổ chức lãnh đạo nhân dân miền Nam (cả ở nông thôn và thành thị) đẩy mạnh đấu tranh quân sự, chính trị và làm công tác binh vận…, góp phần làm cho phong trào đấu tranh của quân và dân các địa phương miền Nam tiếp tục được giữ vững và phát triển lên một bước mới. Đặc biệt, từ chiến thắng vang dội ở Ấp Bắc (tháng 1-1963), phong trào “Thi đua Ấp Bắc, diệt giặc lập công” do Mặt trận phát động đã dấy lên đợt đấu tranh mạnh mẽ ở khắp chiến trường miền Nam, buộc đế quốc Mỹ và tay sai phải căng kéo lực lượng đối phó, tạo điều kiện cho chủ lực ta giành thắng lợi to lớn trên chiến trường. Cùng với đấu tranh quân sự, phá “Ấp chiến lược”, Mặt trận còn tổ chức các cuộc đấu tranh chính trị rộng lớn, thu hút mọi tầng lớp nhân dân tham gia. Chỉ tính riêng năm 1963 đã có 34 triệu lượt người thuộc mọi tầng lớp trong xã hội tham gia đấu tranh. Với sức mạnh đó, quân và dân miền Nam đã phá tan 2.895/6.164 “Ấp chiến lược” của địch; phá thế kìm kẹp và giành quyền làm chủ ở 12.000/ 17.000 thôn và giải phóng hơn 5/14 triệu dân với trên 1,5/3,5 triệu ha ruộng đất...

Trong lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân miền Nam đang dâng cao, Mặt trận DTGPMN Việt Nam tiến hành Đại hội lần thứ Hai (tháng 1-1964). Đại hội kêu gọi mọi người Việt Nam không phân biệt dân tộc, tôn giáo, đảng phái, giai cấp, tầng lớp xã hội, trong và ngoài nước, đoàn kết chặt chẽ dưới ngọn cờ cách mạng của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, kiên cường chiến đấu vì độc lập, tự do của cả nước. Đại hội xác định phương hướng trước mắt của cách mạng miền Nam: “Tiếp tục phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần vượt gian khổ, dựa vào sức mình là chính, dũng cảm tiến lên, đạp bằng tất cả trở lực, đẩy mạnh hơn nữa cuộc đấu tranh chính trị và vũ trang của quân và dân miền Nam; Ra sức củng cố khối đoàn kết toàn dân, không phân biệt tôn giáo và chính kiến dân tộc; Mọi người đều phải cống hiến tất cả sức lực, tài năng, trí tuệ vào cuộc kháng chiến thần thánh, thực hiện cuộc chiến tranh ái quốc toàn dân, toàn diện và trường kỳ”2. Nhờ đó, sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân ở miền Nam đã được nhân lên gấp bội, làm cho kẻ thù khiếp sợ, phải điều đình và chấp nhận các yêu sách của phong trào đấu tranh.

Trước sự lớn mạnh của phong trào cách mạng và nguy cơ sụp đổ hoàn toàn của ngụy quân, ngụy quyền, để cứu vãn tình thế, đế quốc Mỹ đã ồ ạt đưa quân viễn chinh vào chiến trường miền Nam, thực hiện chiến lược “Chiến tranh cục bộ”; đồng thời, mở cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân ra miền Bắc. Trước tình hình đó, Mặt trận đã chủ động tập hợp các tầng lớp nhân dân, động viên toàn dân đoàn kết một lòng, nhất tề đứng lên cầm vũ khí, giữ vững thế chủ động tiến công địch. Nhờ có khối đoàn kết toàn dân ở miền Nam ngày càng mở rộng, lại được miền Bắc chi viện đắc lực nên lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang ở miền Nam phát triển nhanh chóng, làm cơ sở cho phong trào đấu tranh của quần chúng phát triển mạnh trên các địa bàn chiến lược, tạo sức mạnh to lớn đánh bại các cuộc phản công chiến lược của địch trong hai mùa khô: 1965-1966 và 1966-1967. Đặc biệt, các cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, cuộc tiến công chiến lược năm 1972 và nổi bật là chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” (tháng 12-1972), buộc đế quốc Mỹ phải ký Hiệp định Pa-ri công nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ đối với Việt Nam. Mỹ đã “cút” nhưng nguỵ chưa “nhào”, Mặt trận DTGPMN Việt Nam tiếp tục cùng Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam và Liên minh các Lực lượng Dân tộc, Dân chủ và Hoà bình Việt Nam kêu gọi tất cả các tầng lớp nhân dân, các tôn giáo, các dân tộc và kiều bào ta ở nước ngoài hãy xoá bỏ hận thù, thực hiện hoà hợp dân tộc, cùng đồng bào cả nước kiên quyết đấu tranh củng cố hoà bình, phát huy thắng lợi, thực hiện một miền Nam Việt Nam hoà bình, dân chủ, phồn vinh tiến tới hoà bình thống nhất Tổ quốc. Khi thời cơ đã chín muồi, đáp ứng lời hiệu triệu của Đảng và Mặt trận, toàn thể nhân dân miền Nam đã đồng loạt nổi dậy tiến công địch, góp phần quan trọng làm nên chiến thắng vĩ đại của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. 

Có thể nói, trải qua 15 năm kể từ lúc ra đời cho đến khi giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, Mặt trận DTGPMN Việt Nam đã khẳng định rõ vai trò quan trọng đối với Tổ quốc và dân tộc, xứng đáng là ngọn cờ đoàn kết, tập hợp, lãnh đạo nhân dân miền Nam tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn.

Trong giai đoạn cách mạng hiện nay, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang tập trung thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đẩy mạnh sự nghiệp CNH, HĐH đất nước trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu, rộng nên việc tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc là một nhiệm vụ quan trọng, bức thiết. Vì vậy, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam3 vừa phải kế thừa, phát huy những kinh nghiệm quý báu của Mặt trận DTGPMN Việt Nam và các đoàn thể, tổ chức trong kháng chiến, vừa tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, phát huy vai trò nòng cốt trong tuyên truyền, tập hợp các tầng lớp nhân dân, các tôn giáo, dân tộc và các nhân tố khác, hăng hái tham gia các phong trào cách mạng, xây dựng và củng cố chính quyền, tăng cường pháp chế XHCN và sự đồng thuận về chính trị, tinh thần trong các tầng lớp nhân dân vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Để làm được điều đó, nhiệm vụ trọng yếu hàng đầu của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là thực hiện tốt liên minh công nông, đoàn kết chặt chẽ với trí thức và các tầng lớp nhân dân lao động; đoàn kết các dân tộc, tôn giáo, các nhân sĩ… cùng kiều bào ta đang sống và làm việc ở nước ngoài hướng về Tổ quốc, đóng góp xây dựng đất nước. Trong điều kiện mới, đại đoàn kết toàn dân tộc phải trên cơ sở giải quyết hài hoà quan hệ lợi ích giữa các thành viên trong xã hội; xoá bỏ mặc cảm, định kiến về quá khứ, thành phần giai cấp, chấp nhận những điểm khác nhau không trái với lợi ích chung của dân tộc…, để tập hợp, đoàn kết mọi người vào mặt trận chung, tăng cường đồng thuận xã hội, nhằm mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Đại tá, PGS, TS. HỒ KHANG

Phó Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự - BQP

 _____________

1- Hồ Chí Minh- Toàn tập, tập 10, Nxb CTQG, H. 2000, tr.349.

2- Mặt trận DTGPMN Việt Nam, Nxb Sự Thật, H. 1965, tr. 313-314.

3- Từ ngày 31-1 đến 4-2-1977, Đại hội Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh đã thống nhất 3 tổ chức: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Mặt trận DTGPMN Việt Nam, Liên minh các Lực lượng Dân tộc, Dân chủ và Hoà bình Việt Nam thành Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

 

Ý kiến bạn đọc (0)