QPTD -Chủ Nhật, 04/12/2011, 00:43 (GMT+7)
Lý tưởng của Cách mạng Tháng Mười vẫn soi sáng đường chúng ta đi

Nhân kỷ niệm 90 năm Cách mạng Xã hội chủ nghĩa (XHCN) Tháng Mười Nga, các thế lực chống cộng lại tung ra những luận điệu phủ nhận giá trị lịch sử và thành quả to lớn của cuộc cách mạng vĩ đại này, nhằm hạ bệ lý tưởng của chủ nghĩa xã hội (CNXH) khoa học. Họ lặp lại luận điệu cho rằng, đó là “bước nhảy nhầm của lịch sử”, và do đó, chế độ XHCN ở Liên Xô- cái nôi của Cách mạng Tháng Mười- sụp đổ là tất yếu, v.v. Hiện nay, trong bối cảnh xu thế toàn cầu hóa kinh tế (do các thế lực tư bản chi phối) đang lôi cuốn nhiều quốc gia vào guồng quay của nó, không ít người đã vội tuyên bố về sự kết thúc vĩnh viễn lý tưởng của cuộc cách mạng này. Thế nhưng, lịch sử và hiện tại lại đang khẳng định điều ngược lại: lý tưởng của Cách mạng Tháng Mười vẫn tiếp tục soi sáng cuộc đấu tranh của nhân dân lao động toàn thế giới.

Những ai tôn trọng lịch sử đều thấy rằng, thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười là kết cục tất yếu của sự vận động các mâu thuẫn trong lòng xã hội Nga những năm đầu thế kỷ XX. Các mâu thuẫn xã hội và dân tộc cùng những hậu quả nặng nề của cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất đã đưa nước Nga đến tình thế cách mạng trực tiếp. Cách mạng đã được chuẩn bị đầy đủ cả về lý luận và tổ chức, lại “tập dượt” qua thời kỳ cách mạng 1905- 1907 và Cách mạng Tháng Hai- 1917, để đến ngày 7 tháng 11 năm 1917, giai cấp công nhân và nhân dân lao động Nga, dưới sự lãnh đạo của Đảng Bônsêvic, đã làm nên cuộc cách mạng XHCN đầu tiên trên thế giới, lật đổ ách thống trị của giai cấp địa chủ và tư bản Nga, mở ra cơ hội để hiện thực hóa lý tưởng của CNXH khoa học là giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội và giải phóng con người, xây dựng một chế độ xã hội mới do nhân dân lao động làm chủ. Ngay sau khi giành được chính quyền, chính phủ công- nông- binh do V. I. Lê- nin đứng đầu đã ban hành “Sắc lệnh hòa bình” và “Sắc lệnh ruộng đất”, cùng các chính sách: ngày làm 8 giờ, giáo dục và chữa bệnh không mất tiền, nam nữ bình quyền, các dân tộc có quyền bình đẳng, tự do tín ngưỡng… chứng tỏ tính triệt để của cách mạng và tính nhân bản, cao đẹp của lý tưởng mà Cách mạng Tháng Mười và những người cộng sản theo đuổi.
Chính lý tưởng cao đẹp và nhân bản đó đã khơi dậy tính năng động phi thường và sự nỗ lực đặc biệt của toàn thể nhân dân xô- viết để bảo vệ chính quyền công- nông non trẻ trước sự chống phá điên cuồng của các thế lực phản động trong nước, cùng sự can thiệp vũ trang của 14 nước đế quốc trong những năm 1917- 1921. Cũng chính sự thúc đẩy của lý tưởng đó, mà trong một thời gian không dài, nhân dân xô- viết, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, đã đưa nước Nga lạc hậu trở thành một cường quốc trên thế giới với những thành tựu ngoạn mục về phát triển kinh tế, văn hóa, khoa học- kỹ thuật và cải thiện đời sống của nhân dân lao động; cũng như trong việc tăng cường tiềm lực quốc phòng, tạo thế cân bằng giữa các lực lượng yêu chuộng hòa bình trên thế giới với các thế lực đế quốc, không cho phép chủ nghĩa đế quốc tùy tiện sử dụng sức mạnh quân sự để thống trị các dân tộc. Đi theo lý tưởng của Cách mạng Tháng Mười, toàn thể nhân dân xô-viết, mà nòng cốt là những người cộng sản, đã lao động và chiến đấu quên mình trong những năm chiến tranh thế giới lần thứ hai (1941- 1945) để bảo vệ thành quả của cách mạng và đóng vai trò chủ yếu cùng các nước Đồng minh cứu nhân loại khỏi thảm họa phát- xít, tạo thời cơ cho các dân tộc ở Đông Âu, châu Á, trong đó có Việt Nam, tiến hành thắng lợi cuộc cách mạng giải phóng dân tộc và sau đó đi lên CNXH. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười và ảnh hưởng của công cuộc xây dựng CNXH trên đất nước xô- viết đã thức tỉnh hàng triệu triệu người bị áp bức, bóc lột trên trái đất vùng lên đấu tranh giành độc lập, tự do và mưu cầu hạnh phúc, làm cho hệ thống thuộc địa rộng lớn của chủ nghĩa thực dân cũ sụp đổ, dẫn tới thắng lợi của phong trào giải phóng dân tộc ở nhiều nước trên các lục địa Á, Phi và Mỹ La-tinh trong thế kỷ XX. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Cách mạng Tháng Mười mở ra con đường giải phóng cho các dân tộc và cả loài người, mở đầu một thời đại mới trong lịch sử, thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên CNXH trên toàn thế giới”. Mặc cho những lời dối trá, xuyên tạc của các thế lực chống cộng và những kẻ cơ hội, xét lại, những thành tựu và giá trị lịch sử to lớn của Cách mạng Tháng Mười là điều không thể phủ nhận; nó vẫn hiện diện trong đời sống của các dân tộc.
Sự sụp đổ của chế độ xô- viết sau 74 năm tồn tại là một tổn thất to lớn đối với lực lượng cách mạng và yêu chuộng hòa bình trên thế giới; nó cũng tạo ra cơ hội cho những kẻ chống cộng hoan hỉ tuyên bố về “sự cáo chung của chủ nghĩa cộng sản”. Thế nhưng, thời gian trôi qua đã chứng tỏ tuyên bố đó chỉ là ảo tưởng; bởi đây không phải là sự sụp đổ của lý tưởng XHCN và sự đổ vỡ này có nhiều nguyên nhân, mà trực tiếp nhất là những sai lầm về đường lối và sự phản bội của giới lãnh đạo chóp bu, đã xa rời những nguyên lý của chủ nghĩa Mác- Lê- nin và lý tưởng của Cách mạng Tháng Mười trong xây dựng chế độ xã hội mới. Tổn thất đó không làm suy giảm ý nghĩa lịch sử to lớn và lý tưởng cao đẹp của Cách mạng Tháng Mười. Lý tưởng đó vẫn đang được nhiều nước trên thế giới cùng nhân loại tiến bộ phấn đấu để hiện thực hóa trong cuộc sống. Ngay ở nước Nga, kết quả một cuộc thăm dò dân chúng của quỹ “Dư luận xã hội” nhân 89 năm ngày nổ ra Cách mạng Tháng Mười, đã cho thấy: có tới 51% người Nga khẳng định "Đảng Cộng sản Liên Xô  mang lại nhiều lợi ích cho đất nước hơn là thiệt hại" và mong muốn quay trở lại những giá trị xô- viết; ý kiến ngược lại chỉ có 15%. Điều đó cho thấy, lý tưởng của Cách mạng Tháng Mười đâu dễ bị xóa bỏ. Bản thân A.Dinôviep- người tự nhận không phải là môn đệ của chủ nghĩa Mác- Lê- nin, đã từng là người chống đối Nhà nước xô- viết và phải ngồi tù thời còn Liên Xô, sau đó sống lưu vong tại Mỹ, trước hiện tượng Liên Xô tan rã, cũng vẫn cho rằng: Những thành tựu của thời đại chủ nghĩa cộng sản xô- viết do V.I. Lê- nin mở đầu đã thấm vào máu thịt của loài người... Nếu không có V.I. Lê- nin, không có Cách mạng XHCN Tháng Mười và sau đó là Liên bang Xô-viết thì trong lịch sử không thể xuất hiện cả một tuyến tiến hoá có quy mô ngang với tuyến mà đại diện là thế giới tư bản phươơng Tây. Tuyến tiến hoá đó có ảnh hưởng to lớn đến toàn bộ sự phát triển tiếp theo của nhân loại... Nhờ có cuộc cách mạng vô sản và tất cả những gì gắn liền với cuộc cách mạng đó mà nhân loại đã được cứu thoát khỏi sự thụt lùi đáng sợ nhất, thoát khỏi sự suy tàn, thoái hóa. Sự khẳng định đó của một người phía bên kia (mà A.Dinôviep tuyên bố là “có đầy đủ căn cứ nghiêm túc với tư cách là nhà khoa học”) cũng là một minh chứng về sức sống mãnh liệt của Cách mạng Tháng Mười. Chúng ta cũng tỉnh táo nhận thức rằng, đây chỉ là sự sụp đổ của một mô hình XHCN cụ thể (mô hình xô- viết), chứ không phải là sự sụp đổ của học thuyết Mác- Lê- nin và lý tưởng XHCN. Chính sự kiện này đã giúp cho các nước đang xây dựng CNXH, trong đó có chúng ta, nhận ra những khuyết tật của mô hình đã bị đổ, rút ra cho mình những bài học quan trọng: về đấu tranh để giữ vững chính quyền cách mạng; về xây dựng Đảng mác- xít chân chính, trong sạch, vững mạnh, gắn bó mật thiết và luôn chăm lo lợi ích thiết thực của nhân dân lao động; về thực hiện sự bình đẳng giữa các dân tộc; về xây dựng cơ chế quản lý nền kinh tế kinh tế thị trường định hướng XHCN; nhất là bài học về sự kiên định chủ nghĩa Mác- Lê- nin và mục tiêu XHCN. Trên cơ sở đó, tìm ra các phương pháp, con đường tiếp cận mới để tránh dẫm phải “vết xe đổ” của mô hình đã qua, tiếp tục tiến lên, hiện thực hóa một cách sáng tạo lý tưởng của Cách mạng Tháng Mười trong bối cảnh mới- toàn cầu hóa kinh tế. Chính những thành tựu của công cuộc cải cách, đổi mới ở Trung Quốc và Việt Nam, theo hướng phát triển kinh tế thị trường và tham gia vào quá trình toàn cầu hóa kinh tế nhưng vẫn giữ vững những nguyên tắc cơ bản của CNXH, đang gây nhiều ấn tượng tốt đẹp với thế giới, đã khẳng định xu thế đó. Thêm nữa, trong những năm đầu của thế kỷ XXI, hiện thực ở khu vực Mỹ La- tinh với những cải cách sôi động, tăng dần tính triệt để và sâu rộng trong quần chúng, hướng tới mục tiêu CNXH ở 9 nước do các Đảng cánh tả cầm quyền thực hiện; trong đó có tuyên bố của Tổng thống Hugo Chavez và Tổng thống R. Côrêa về việc tiến hành xây dựng CNXH ở Vênêzuêla và Ecuađo theo mô hình “CNXH thế kỷ XXI” đã tiếp tục khẳng định lý tưởng của Cách mạng Tháng Mười vẫn đang cuốn hút các dân tộc.
90 năm đã đi qua, mặc dù CNXH hiện thực có nhiều bước thăng trầm, nhưng con đường mà Cách mạng Tháng Mười khai phá vẫn là con đường phát triển tất yếu, hợp với quy luật tiến hóa của xã hội loài người. Đi theo lý tưởng của cuộc cách mạng đó, lãnh tụ Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam đã dẫn dắt cách mạng Việt Nam hòa vào quỹ đạo của cách mạng vô sản, làm nên thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám và hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ xâm lược, giành lại độc lập, tự do cho Tổ quốc, đưa cả nước đi lên CNXH. Đứng trước sự khủng hoảng của hệ thống XHCN thế giới những năm cuối thế kỷ XX, nhờ kiên định mục tiêu “độc lập dân tộc gắn liền với CNXH”, thực hiện sự đổi mới trên nguyên tắc không xa rời lý tưởng XHCN, Đảng ta đã vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác- Lê- nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, đưa cách mạng Việt Nam vượt qua khủng hoảng, lập nên những kỳ tích mới trong công cuộc chinh phục mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”- mục tiêu của xã hội XHCN mà chúng ta đang xây dựng. Trong hơn 20 năm qua, nền kinh tế  nước ta liên tục đạt nhịp độ tăng trưởng trên, dưới 8%/ năm (năm 2007 đạt 8,5%) và phát triển toàn diện. Công cuộc xoá đói, giảm nghèo đạt được những tiến bộ to lớn, được Liên hợp quốc xếp vị trí đứng đầu thế giới và đánh giá cao về những nỗ lực phấn đấu đạt nhiều mục tiêu Thiên niên kỷ. Nhờ đó, đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt: thu nhập bình quân đầu người vào năm 2005 tăng gấp 4 lần so với năm 1986 (dự kiến năm 2007 đạt 835 USD/ người); chỉ số phát triển con người (HDI) liên tục tăng vững chắc từ 0,618 vào năm 1990 lên 0,728 vào năm 2005, trong đó, tuổi thọ và mức độ giáo dục đóng góp đến 32- 40% (GDP chỉ góp 28%) chứng tỏ sự phát triển kinh tế đã chuyển hóa vào chất lượng cuộc sống của đa số người dân. Hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố và tăng cường; chính trị- xã hội ổn định; quốc phòng- an ninh được giữ vững, nước ta được xem là nơi an toàn nhất thế giới, là địa chỉ hấp dẫn khách du lịch và các nhà đầu tư nước ngoài. Thành công của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XII với hơn 99% cử tri đi bầu càng chứng tỏ sự đồng thuận rất cao của nhân dân với công cuộc đổi mới vì CNXH. Việc trở thành thành viên chính thức của WTO và được 183/ 190 nước thành viên Liên hợp quốc bầu là ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2008- 2009 đã khẳng định vị thế và uy tín ngày càng cao của nước ta trên trường quốc tế.
Những thành tựu đó đã tạo ra thế và lực mới để nước ta tiếp tục đi lên, hiện thực hóa lý tưởng của Cách mạng Tháng Mười; đồng thời, đó cũng là đóng góp thiết thực, to lớn của cách mạng Việt Nam vào phong trào cách mạng thế giới, khẳng định lý tưởng của Cách mạng Tháng Mười vẫn trường tồn, tiếp tục soi sáng công cuộc đổi mới của nước ta, soi sáng cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội của toàn thể nhân loại yêu chuộng hòa bình trên thế giới.
Nguyễn Ngọc Hồi
 

Ý kiến bạn đọc (0)