QPTD -Thứ Năm, 01/12/2011, 22:06 (GMT+7)
Lực lượng vũ trang tỉnh Quảng Ninh phát huy vai trò nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân

Nhằm tăng cường quốc phòng-an ninh (QP-AN), bảo vệ vững chắc Tổ quốc XHCN trong thời kỳ mới, Nghị quyết Đại hội X của Đảng đã xác định: "Xây dựng nền quốc phòng toàn dân (QPTD) và an ninh nhân dân vững mạnh, toàn diện" . Đây là quan điểm cơ bản, mang tính định hướng, thể hiện tư duy mới của Đảng ta về bảo vệ Tổ quốc (BVTQ) trong thời kỳ đẩy mạnh CNH,HĐH, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, hội nhập sâu, rộng vào nền kinh tế quốc tế; đặc biệt là trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, các thế lực thù địch đẩy mạnh chiến lược "Diễn biến hòa bình", kết hợp với bạo loạn lật đổ hết sức nguy hiểm, thâm độc.

Thấu suốt quan điểm của Đảng và trên cơ sở nhận thức đúng tình hình, nhiệm vụ quốc phòng, những năm qua, Quảng Ninh đã tích cực xây dựng nền QPTD theo hướng: vững mạnh toàn diện, từng bước hiện đại; với phương châm: thiết thực, hiệu quả, sát với đặc điểm địa bàn, nhiệm vụ quốc phòng, phù hợp với khả năng thực tế của địa phương trong tiến trình phát triển. Trên thực tế, Quảng Ninh đã đạt được kết quả khá toàn diện; nổi bật là, đã tăng cường một bước tiềm lực quốc phòng; xây dựng thế trận QPTD gắn với thế trận an ninh nhân dân ngày càng vững chắc; xây dựng khu vực phòng thủ có sự phát triển về chiều sâu; chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của lực lượng vũ trang (LLVT) địa phương được nâng cao... Qua đó, bảo đảm giữ vững chủ quyền, an ninh biên giới, biển đảo, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế- xã hội.
Quảng Ninh là tỉnh biên giới, ven biển, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, có diện tích 6.100 km2, số dân trên 1 triệu người, gồm 28 dân tộc, chủ yếu là dân tộc Kinh (chiếm 87%); có đường biên giới trên bộ với Trung Quốc dài 132,8 km, vùng biển rộng với trên 2.000 đảo lớn nhỏ, bờ biển dài 250 km. Đặc điểm đó cho thấy, Quảng Ninh có vị trí quan trọng về nhiều mặt, nhất là QP-AN trong thế phòng thủ của Quân khu 3 và cả nước. Vì thế, đối với Quảng Ninh, xây dựng nền QPTD là yêu cầu khách quan, có ý nghĩa thực tiễn cao trong thực hiện nhiệm vụ BVTQ thời kỳ mới.
 Mục tiêu cao nhất của nền QPTD là không ngừng tăng cường tiềm lực quốc phòng, bao gồm các tiềm lực: kinh tế, chính trị- tinh thần, quân sự, an ninh, văn hóa, khoa học- công nghệ; bảo đảm cho địa phương có đủ khả năng và sức mạnh cần thiết, đối phó hiệu quả với mọi tình huống trong thời bình và thời chiến. Để thực hiện được mục tiêu, yêu cầu trên, trong quá trình xây dựng nền QPTD, Tỉnh đã phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức, lực lượng và toàn dân, trong đó LLVT địa phương đóng vai trò nòng cốt. Điều đó được thể hiện trong các hoạt động quốc phòng, hoặc hoạt động liên quan đến quốc phòng ở địa phương, cơ sở. Biểu hiện rõ nhất, bao trùm nhất là cơ quan quân sự các cấp đã thực hiện tốt chức năng tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền địa phương lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng nền QPTD, thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng. Qua đó, góp phần khẳng định và đưa cơ chế "Đảng lãnh đạo, chính quyền điều hành, cơ quan quân sự và các ban, ngành, đoàn thể làm tham mưu theo chức năng" đi vào chiều sâu, nền nếp, hiệu quả. Trong mỗi giai đoạn và hằng năm, Thường vụ Tỉnh ủy, Đảng ủy Quân sự Tỉnh, Uỷ ban nhân dân Tỉnh đều có Nghị quyết chuyên đề, chỉ thị về thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, xây dựng chương trình hành động, kế hoạch thực hiện nghiêm túc, chất lượng, hiệu quả.
Giáo dục quốc phòng (GDQP) là mặt công tác quan trọng hàng đầu của sự nghiệp xây dựng nền QPTD, được Tỉnh thường xuyên coi trọng. Từ năm 2001 đến nay, quán triệt và thực hiện Chỉ thị 62-CT/TƯ, Chỉ thị 12-CT/TƯ của Bộ Chính trị và Nghị định 15/2001/NĐ-CP của Chính phủ, công tác GDQP của Tỉnh có sự chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện, được triển khai sâu rộng tới mọi đối tượng: cán bộ, đảng viên, học sinh, sinh viên và các tầng lớp nhân dân. Năm 2006, toàn Tỉnh đã mở 153 lớp bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho hơn 11 ngàn cán bộ, đảng viên. Trong đó, đối tượng 2: 2 lớp, 71 đồng chí; đối tượng 3: 5 lớp, 432 đồng chí; đối tượng 4: 12 lớp, 1.058 đồng chí; đối tượng 5: 127 lớp, 9.221 đồng chí; 1 lớp cho 168 đồng chí chuyên viên cấp huyện; 5 lớp cho 410 già làng, trưởng bản; 1 lớp cho 44 chức sắc, chức việc tôn giáo. GDQP cho 52.949 học sinh, sinh viên của 55 trường trung học phổ thông, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề. Ngoài các đối tượng trên, năm 2007 Quảng Ninh còn bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho chủ hộ gia đình ở biên giới và nhân dân ở các làng chài ven biển, đảo được 760 người và phóng viên đài, báo được 66 người. Tỉnh còn chỉ đạo thành phố Hạ Long, thị xã Cẩm Phả, thị xã Uông Bí và huyện Đông Triều tổ chức hội thao quốc phòng cho học sinh, sinh viên của các trường trên địa bàn. Nhờ thực hiện tốt công tác GDQP, nhận thức, ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên, học sinh, sinh viên và nhân dân đối với sự nghiệp củng cố quốc phòng, BVTQ đã có sự chuyển biến sâu sắc.
Với nhận thức, LLVT vừa là chủ thể- nòng cốt của nền quốc phòng, vừa là khách thể, là một đối tượng mà trong quá trình xây dựng nền QPTD cần được quan tâm đúng mức, Tỉnh hết sức chú trọng xây dựng LLVT vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức; nâng cao chất lượng tổng hợp, trình độ sẵn sàng chiến đấu, bảo đảm hoàn thành tốt nhiệm vụ trong mọi hoàn cảnh, cả thời bình và thời chiến.
Lực lượng dân quân, tự vệ (DQTV)  của Quảng Ninh, về cơ bản được xây dựng theo quy định của Pháp lệnh về DQTV, nhưng có sự vận dụng linh hoạt, phù hợp với đặc điểm, tình hình địa bàn và khả năng thực tế của mỗi địa phương, cơ sở, doanh nghiệp. Chủ trương chỉ đạo của Tỉnh là: coi trọng xây dựng cả lực lượng cơ động, thường trực và lực lượng rộng rãi, lấy lực lượng cơ động, thường trực là chính; coi trọng xây dựng cả dân quân và tự vệ; cả DQTV trong nội địa và vùng biên giới, biển đảo. Hằng năm, Tỉnh chỉ đạo thực hiện nghiêm túc việc kiểm tra, rà soát, củng cố lực lượng, nhằm bảo đảm cho lực lượng DQTV có số lượng đủ, chất lượng cao, trước hết là chất lượng chính trị. Sau nhiều lần củng cố, hiện nay lực lượng DQTV bảo đảm ổn định, tổ chức chặt chẽ, đạt tỷ lệ 1,9- 2,9% so với số dân (tùy theo mỗi vùng); trong đó, lực lượng dân quân đạt từ 1,6- 1,8%, lực lượng tự vệ từ 6- 15%; vùng đồng bằng, thành thị đạt tỷ lệ từ 1- 1,6% và vùng biên giới, hải đảo nơi cao nhất là trên 5%. Đối với tự vệ, quy mô tổ chức đến cấp tiểu đoàn bộ binh, đại đội binh chủng; tập trung xây dựng các đơn vị tự vệ trong các doanh nghiệp quốc doanh; đồng thời, nghiên cứu, từng bước tổ chức tự vệ trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (đã xây dựng được đại đội tự vệ công ty quốc tế Hoàng Gia và công ty Âu Lạc). Đối với dân quân, tổ chức phổ biến là cấp trung đội (bộ binh), phân đội, tiểu đội binh chủng. Trong tổ chức xây dựng lực lượng dân quân, Quảng Ninh có hai điểm nổi bật, một là: lực lượng dân quân cơ động được tổ chức cả ở cấp xã và cấp huyện theo hướng tổ chức ở cấp nào thì do cấp đó quản lý, chỉ huy. Đến nay, toàn Tỉnh đã xây dựng được 20 trung đội dân quân cơ động ở 14 huyện (thị xã, thành phố); 186 xã (phường, thị trấn) đều có từ tiểu đội đến 1 trung đội. Thực tiễn hoạt động cho thấy, mô hình này rất phù hợp đối với Tỉnh, bảo đảm cho các cấp (nhất là cấp huyện) luôn có lực lượng tại chỗ chủ động xử lý kịp thời, hiệu quả các tình huống phức tạp xảy ra trên địa bàn. Hai là: tổ chức tổ, tiểu đội dân quân tại thôn, bản, khu phố theo phương châm: “dân bàn, dân cử, dân chăm lo”. Xét về mặt tổ chức, có thể coi đây là mô hình mới, được thực hiện trên cơ sở vận dụng sáng tạo quan điểm của Đảng về xây dựng LLVT quần chúng là phải bảo đảm tính “rộng khắp, vững chắc”, với nguyên tắc: ở đâu có dân, có tổ chức sản xuất, có tổ chức đảng, ở đó có DQTV. Với cách làm trên, từ nhiều năm qua, Tỉnh đã chấm dứt được tình trạng thôn, bản “trắng" dân quân; hiện tại đã xây dựng được 1.511 tổ, tiểu đội dân quân tại các thôn, bản, khu phố, hoạt động hiệu quả, góp phần giữ vững an ninh, chính trị ngay từ cơ sở. Từ kết quả đạt được, năm 2003 Bộ Quốc phòng đã chọn mô hình này của Quảng Ninh để tổ chức Hội nghị dân quân toàn quốc, nhằm phổ biến, trao đổi kinh nghiệm rộng rãi giữa các địa phương.
Xây dựng lực lượng dự bị động viên vững mạnh, hùng hậu là vấn đề chiến lược và cũng là một nội dung cơ bản của nền QPTD ở địa phương, vì thế, được Tỉnh hết sức chú trọng. Bằng những biện pháp đồng bộ, công tác này được thực hiện ngày càng có nền nếp, hiệu quả; thực hiện đúng quy trình: tạo nguồn, đăng ký, quản lý, sắp xếp nguồn vào các đơn vị dự bị động viên, giáo dục huấn luyện, bảo đảm chế độ chính sách… Hằng năm, Uỷ ban nhân dân Tỉnh ra chỉ thị, hướng dẫn các địa phương thực hiện phúc tra, đăng ký, quản lý nguồn dự bị (bao gồm cả người và phương tiện kỹ thuật). Đồng thời, các địa phương thường xuyên phối hợp chặt chẽ với đơn vị nhận nguồn động viên, để thống nhất sắp xếp nguồn vào các đơn vị theo biên chế; kịp thời phát hiện, bổ sung số quân nhân dự bị đã giải ngạch. Sắp xếp biên chế các đơn vị đạt tỷ lệ 99,76% so với chỉ tiêu, bảo đảm chất lượng, nhất là chất lượng chuyên nghiệp quân sự, thực hiện tốt phương châm “gần gọn địa bàn, quân đâu cán đó”. Năm 2006, Tỉnh chỉ đạo các địa phương tiến hành động viên kiểm tra sẵn sàng chiến đấu được 12.611 quân nhân dự bị, trong đó giữ lại 2.489 đồng chí để huấn luyện, đạt 152% so với chỉ tiêu, huấn luyện chuyển hạng dự bị 2 lên dự bị 1 cho 98 đồng chí. Năm 2007, Tỉnh tự chi ngân sách để đào tạo 1 lớp sĩ quan dự bị cho 60 đồng chí (thời gian 3 tháng). Đến nay, các huyện, thị xã, thành phố đã xây dựng, bổ sung, điều chỉnh xong văn kiện động viên thời chiến, được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Một nội dung quan trọng của nền QPTD được Tỉnh tập trung chỉ đạo thực hiện, đó là: xây dựng thế trận QPTD vững chắc gắn với thế trận an ninh nhân dân. Địa bàn Quảng Ninh đa dạng, phức tạp; Tỉnh lại đang trong quá trình CNH,HĐH, phát triển toàn diện; các khu công nghiệp, cơ sở kinh tế, cơ sở hạ tầng phát triển nhanh đã và đang tác động trực tiếp đến việc xây dựng thế trận QPTD. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, Tỉnh đã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức, lực lượng phối hợp chặt chẽ với nhau, tập trung đầu tư các công trình quốc phòng, khu vực phòng thủ then chốt, căn cứ hậu phương, căn cứ hậu cần,… bảo đảm yêu cầu vững chắc, liên hoàn giữa các khu vực, địa bàn, cụm địa bàn, cả trong nội địa và trên tuyến biên giới, biển đảo, phục vụ tốt cho các lực lượng hoạt động thực hiện nhiệm vụ QP-AN trong thời bình, đặc biệt là tác chiến bảo vệ địa phương khi có chiến tranh. Cơ quan quân sự các cấp đã nhanh nhạy, bám sát tình hình thực tiễn, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương có sự điều chỉnh phù hợp trong quá trình xây dựng thế trận quốc phòng. Trong đó, trọng tâm là điều chỉnh, bổ sung phương án, kế hoạch tác chiến, bố trí LLVT, gồm bộ đội chủ lực (của Bộ, Quân khu 3), bộ đội địa phương và DQTV hợp lý. Những năm gần đây, trên cơ sở nền tảng phát triển kinh tế, kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng, xây dựng khu vực phòng thủ, thế trận QPTD trên địa bàn Tỉnh được củng cố, bảo đảm liên hoàn, vững chắc cả trên đất liền và biển đảo. Các dự án kinh tế với nhiều hạng mục công trình mang tính lưỡng dụng kinh tế- quốc phòng, quốc phòng- kinh tế như hệ thống cảng biển, cầu, thông tin liên lạc,… được triển khai ngày càng nhiều, nhất là trên tuyến biên giới, biển đảo đã phục vụ tốt cho cả phát triển kinh tế và củng cố thế trận QPTD trên địa bàn Tỉnh.
Những kết quả mà quân và dân Quảng Ninh đạt được trong sự nghiệp xây dựng nền QPTD có ý nghĩa hết sức quan trọng. Với truyền thống 60 năm xây dựng, phát triển cùng với sự nỗ lực không ngừng, tin rằng LLVT Quảng Ninh sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương trong thời kỳ mới.
Đại tá Trần Thành
Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy
Chỉ huy trưởng BCHQS Tỉnh

 

 

Ý kiến bạn đọc (0)