QPTD -Chủ Nhật, 04/12/2011, 23:34 (GMT+7)
Lực lượng vũ trang tỉnh Quảng Nam thực hiện vai trò nòng cốt xây dựng nền quốc phòng toàn dân ở địa phương

Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp và thường xuyên của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân Tỉnh, lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh Quảng Nam đã cùng với toàn dân nỗ lực phấn đấu thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng-quân sự địa phương, tạo bước chuyển biến quan trọng trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân (QPTD), thế trận QPTD gắn với thế trận an ninh nhân dân, thế trận biên phòng toàn dân trên địa bàn Tỉnh. Kết quả nổi bật là Tỉnh đã triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 62/CT-TƯ ngày 12-02-2001 của Bộ Chính trị về Tăng cường công tác giáo dục quốc phòng (GDQP) toàn dân trước tình hình mới và Nghị định số 15/2001/NĐ-CP của Chính phủ về GDQP, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện, vững chắc, cả khâu chỉ đạo, quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện. Chỉ tính từ năm 2001 đến tháng 8-2005, Tỉnh đã tổ chức 12 lớp bồi dưỡng kiến thức quốc phòng cho 864 cán bộ đối tượng 3; chỉ đạo các huyện, thị xã tổ chức 29 lớp bồi dưỡng kiến thức quốc phòng cho 2.397 cán bộ đối tượng 4 và 1 lớp 65 cán bộ, đảng viên đối tượng 5; chỉ đạo hệ thống nhà trường GDQP cho 238.410 lượt học sinh, sinh viên; GDQP cho đông đảo quần chúng nhân dân được tiến hành bằng nhiều hình thức, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, các lễ hội, các cuộc giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao,... đạt hiệu quả thiết thực.

Các nội dung xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, huyện (thị xã) được triển khai tích cực theo hướng “cơ bản, liên hoàn, vững chắc”, lấy xây dựng về chính trị làm cơ sở, xây dựng kinh tế, văn hóa, xã hội là then chốt, xây dựng quốc phòng-an ninh là trọng tâm, xây dựng cơ sở xã, phường vững mạnh toàn diện là trọng điểm. Đặc biệt là trong xây dựng về chính trị, các đơn vị LLVT trong Tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương chăm lo củng cố, xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở xã, phường, nhất là địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng biên giới, hải đảo, bảo đảm nâng cao chất lượng, sức chiến đấu, hiệu quả lãnh đạo của tổ chức Đảng, đủ sức tập hợp, động viên quần chúng hăng hái tham gia công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ quê hương; nâng cao năng lực quản lý nhà nước của chính quyền; củng cố và phát huy vai trò Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ... trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng-an ninh. Thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, tạo điều kiện để “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” và tham gia vào công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, xây dựng LLVT ở địa phương, cơ sở. Triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 58/TTg của Thủ tướng Chính phủ về Tăng cường xây dựng cơ sở xã, phường vững mạnh toàn diện đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng-an ninh trong tình hình mới; phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành rà soát, khảo sát đánh giá đúng thực trạng tình hình cơ sở, lập kế hoạch củng cố cơ sở một cách toàn diện, tập trung vào các xã, phường trọng điểm có nhiều khó khăn, phức tạp, các xã vùng sâu, vùng xa, biên giới và vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đến nay toàn Tỉnh đã có 81,8% xã, phường, thị trấn đạt vững mạnh toàn diện và vững mạnh về quốc phòng-an ninh, trong đó có 47,55% đạt vững mạnh toàn diện.
Một kết quả đáng ghi nhận nữa là, chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu của LLVT địa phương được nâng lên, đáp ứng yêu cầu làm nòng cốt xây dựng dựng nền QPTD và đấu tranh quốc phòng, nhất là phòng chống âm mưu, thủ đoạn trong chiến lược “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới, vùng biển đảo. Thực hiện Chỉ thị 16-CT/TƯ của Ban Bí thư Trung ương Đảng về Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với lực lượng dân quân, tự vệ và lực lượng dự bị động viên trong tình hình mới, Tỉnh đã chấn chỉnh, củng cố, xây dựng theo Pháp lệnh Dân quân tự vệ, có tỷ lệ hợp lý, chất lượng tốt: quân số đạt tỷ lệ 1,9% so với tổng số dân, tỷ lệ đảng viên đạt 16,7%, đoàn viên đạt 45,7%; cán bộ xã, phường đội trưởng 100% là đảng viên, có 74,4% tham gia cấp ủy, 100% là thành viên ủy ban. Lực lượng dự bị động viên được quản lý, đăng ký chặt chẽ, bảo đảm biên chế, sắp xếp vào các đơn vị đạt 100,3% kế hoạch, trong đó sắp xếp sĩ quan dự bị đạt 84,7% nhu cầu động viên; tỷ lệ đảng viên trong quân dự bị đạt 4,73%, đảng viên trong sĩ quan dự bị đạt 26,7%. Các đơn vị LLVT địa phương luôn duy trì nghiêm chế độ trực sẵn sàng chiến đấu, thường xuyên rà soát, bổ sung hoàn chỉnh các kế hoạch chiến đấu, kế hoạch bảo vệ mục tiêu trọng yếu, kế hoạch phòng chống bão lụt, tìm kiếm cứu nạn của Tỉnh và các đơn vị; tích cực tham gia giúp dân xóa đói, giảm nghèo, phòng chống và khắc phục hậu quả lũ lụt, cứu hộ, cứu nạn...; hoàn thành tốt các mặt công tác được giao. Những việc làm và kết quả đó đã phản ánh sự nỗ lực cao của Đảng bộ và nhân dân Quảng Nam, trong đó LLVT địa phương làm nòng cốt, góp phần quan trọng vào công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH,HĐH), xây dựng và bảo vệ địa phương.
Trong những năm tới, sự nghiệp củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc của đất nước nói chung, của quân và dân Quảng Nam nói riêng đang đặt ra những yêu cầu rất cao, những nhiệm vụ hết sức nặng nề. Vì vậy, để tiếp tục làm tốt vai trò nòng cốt trong xây dựng nền QPTD trên địa bàn, trước hết cơ quan quân sự các cấp và các đơn vị LLVT trong Tỉnh cần tiếp tục quán triệt sâu sắc các chỉ thị, nghị định của Đảng, Nhà nước về nhiệm vụ củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền và phối hợp với các ban, ngành liên quan tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt hơn nữa công tác GDQP cho toàn dân, nhất là cho cán bộ chủ chốt các cấp, các ngành, đoàn thể và học sinh, sinh viên. Công tác tuyên truyền, giáo dục phải làm cho mọi người, mọi tổ chức nhận thức đúng đắn, thấy rõ trách nhiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ quốc phòng ở địa phương, bảo đảm GDQP là một vũ khí sắc bén góp phần làm thất bại âm mưu, thủ đoạn trong chiến lược “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch. GDQP phải được tiến hành một cách toàn diện, nhưng có trọng tâm, trọng điểm, nội dung, phương pháp phù hợp với từng đối tượng. Tiếp tục kiện toàn, củng cố Hội đồng GDQP Tỉnh, đề nghị bổ sung cán bộ lãnh đạo Sở Công an vào Hội đồng; chỉ đạo củng cố Hội đồng GDQP cấp huyện, thị xã, Ban GDQP cấp xã, phường, thị trấn đi vào hoạt động có nền nếp, chất lượng. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đôn đốc duy trì thực hiện tốt công tác GDQP của Hội đồng GDQP và cơ quan chức năng theo phân cấp. Triển khai thực hiện tốt công tác bồi dưỡng kiến thức quốc phòng cho cán bộ chủ chốt theo phân cấp, chú ý đội ngũ cán bộ trực tiếp ở cơ sở như Bí thư chi bộ, trưởng thôn, bản, ấp, khu phố; tổ chức rà soát phân loại đối tượng, xây dựng kế hoạch bồi dưỡng kiến thức quốc phòng cho cán bộ theo chương trình mới ban hành; phấn đấu từ nay đến năm 2010, 100% cán bộ thuộc đối tượng 1,2,3 được bồi dưỡng kiến thức quốc phòng ở Trung ương, Quân khu và Tỉnh, 70-80% cán bộ, đảng viên thuộc đối tượng 4 và 5 được bồi dưỡng kiến thức quốc phòng ở các trung tâm chính trị huyện, thị xã. Chú trọng nâng cao chất lượng GDQP cho học sinh, sinh viên, kết hợp chặt chẽ giữa việc giới thiệu qua bài giảng với việc tổ chức các hoạt động như hội trại quốc phòng, về nguồn, tìm địa chỉ đỏ, gặp gỡ nhân chứng lịch sử, tham quan bảo tàng, thăm hỏi các đơn vị quân đội...
Hai là, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền và phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể cùng toàn dân thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ xây dựng thế trận QPTD gắn với thế trận an ninh nhân dân, thế trận biên phòng toàn dân, không để xảy ra những "điểm nóng" về an ninh, trật tự xã hội trên địa bàn. LLVT của Tỉnh, nhất là cơ quan quân sự các cấp phải làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền và phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể tập trung củng cố, xây dựng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở, nhất là trên các địa bàn trọng điểm về quốc phòng-an ninh, địa bàn miền núi, biên giới, vùng sâu, vùng xa; phấn đấu đến năm 2010, toàn Tỉnh có 90-95% xã, phường, thị trấn đạt vững mạnh toàn diện và vững mạnh về quốc phòng-an ninh, trong đó có 50% đạt vững mạnh toàn diện, không còn xã, phường yếu, kém. Thường xuyên kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ chế lãnh đạo, quản lý quốc phòng ở địa phương. Vận dụng nhuần nhuyễn quan điểm, tư tưởng chỉ đạo kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh, đối ngoại trên cơ sở quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội của Tỉnh đến năm 2010. Tham gia thẩm định các dự án phát triển kinh tế-xã hội gắn với bảo đảm an ninh-quốc phòng, nhất là trên các địa bàn trong điểm. Quản lý chặt chẽ đất quốc phòng trên địa bàn Tỉnh.
Đồng thời thực hiện tốt chức năng tham mưu và hướng dẫn, phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành cùng toàn dân thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng thế trận QPTD gắn với thế trận an ninh nhân dân, thế trận biên phòng toàn dân, trên cơ sở xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, huyện, thị xã theo hướng “cơ bản, liên hoàn, vững chắc”, đi vào chiều sâu. Tăng cường luyện tập, diễn tập theo các phương án tác chiến đã được xác định. Kịp thời bổ sung, điều chỉnh hệ thống kế hoạch phòng thủ phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của Tỉnh. Coi trọng bố trí kết hợp chặt chẽ kinh tế-xã hội với quốc phòng-an ninh, đáp ứng sự phát triển của tình hình và yêu cầu nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng-an ninh của địa phương. Tập trung đầu tư xây dựng công trình sở chỉ huy thời chiến của Tỉnh, lập dự án xây dựng sở chỉ huy dự bị, các sở chỉ huy bổ trợ, căn cứ chiến đấu, căn cứ hậu cần, các khu tập kết, tập trung lực lượng, phương tiện kỹ thuật của Tỉnh. Kết hợp ngân sách quốc phòng với ngân sách địa phương xây dựng các trận địa pháo trên hướng phòng thủ chủ yếu. Bảo quản, bảo dưỡng các công trình chiến đấu trên tuyến biên giới. Duy tu và cải tạo một số hang động thiên nhiên có giá trị quân sự và quản lý chặt chẽ. Trong công tác an ninh, các LLVT của Tỉnh phải luôn luôn đề cao cảnh giác, chủ động nắm chắc mọi diễn biến tình hình biên giới, vùng biển đảo, nội địa, nắm chắc dân, quản lý chặt chẽ địa bàn, phát hiện kịp thời và đánh giá đúng mọi âm mưu, thủ đoạn của địch. Chủ động phối hợp chặt chẽ với các lực lượng, nhất là lực lượng Công an theo quy chế, xử lý đúng, có hiệu quả mọi tình huống xảy ra, giữ vững an ninh chính trị trên địa bàn.
Ba là, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền và tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng LLVT địa phương vững mạnh toàn diện, đủ sức làm nòng cốt cùng toàn dân xây dựng nền QPTD, giữ vững an ninh chính trị trên địa bàn. Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, LLVT nói chung, trong đó có LLVT Quảng Nam, không chỉ là lực lượng bảo vệ, chống thù trong, giặc ngoài, mà còn là chủ thể tích cực và trực tiếp tham gia vào sự nghiệp xây dựng, phát triển của địa phương. Vì vậy, lực lượng bộ đội thường trực của Tỉnh phải được tiếp tục chấn chỉnh tổ chức biên chế theo hướng “đủ, gọn, mạnh, hợp lý”, đáp  ứng yêu cầu nhiệm vụ thời bình và sẵn sàng phát triển mở rộng lực lượng khi có chiến tranh, chú trọng các đơn vị ở đảo và các đơn vị cơ động. Tập trung nâng cao chất lượng toàn diện, trong đó đặc biệt coi trọng nâng cao chất lượng chính trị, bản lĩnh chính trị và trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu của LLVT địa phương. Phối hợp giữa địa phương với đơn vị để đăng ký, quản lý chặt chẽ số lượng, chất lượng lực lượng dự bị động viên, bảo đảm tỷ lệ đảng viên trong quân dự bị đạt 5% trở lên so với tổng số lực lượng dự bị động viên. Thường xuyên phúc tra, điều chỉnh, sắp xếp quân dự bị vào các đơn vị đạt 100% chỉ tiêu và có dự phòng từ 15-20% quân số. Hằng năm tổ chức kiểm tra sẵn sàng động viên bảo đảm quân số 95% trở lên. Xây dựng lực lượng dân quân, tự vệ theo hướng có số lượng hợp lý, nâng chất lượng và độ tin cậy; phấn đấu duy trì thường xuyên tỷ lệ dân quân, tự vệ ở mức 1,9-2% so với số dân; tỷ lệ đảng viên trong dân quân, tự vệ đạt 17% trở lên; chú trọng xây dựng dân quân biển, dân quân các xã biên giới, vùng tôn giáo và tự vệ trong các cơ quan trọng yếu của tỉnh, huyện, thị xã, các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp liên doanh với nước ngoài. Tiếp tục củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của chi bộ quân sự ở các xã, phường, thị trấn; phấn đấu xây dựng 45% chi bộ có cấp ủy. Xây dựng đội ngũ cán bộ xã, phường đội bảo đảm số lượng, 100% xã, phường đội trưởng là đảng viên, cơ cấu vào cấp ủy địa phương và được đào tạo theo chương trình chuẩn quốc gia.
 
Đại tá Ngô Quý Đức
Phó chỉ huy trưởng-Tham mưu trưởng
Bộ chỉ huy Quân sự Tỉnh
 

Ý kiến bạn đọc (0)