QPTD -Chủ Nhật, 04/12/2011, 03:11 (GMT+7)
Lực lượng vũ trang tỉnh Lâm Đồng với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật

Trong những năm qua, tỉnh Lâm Đồng tiếp tục đạt được những thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội và quốc phòng-an ninh (QP-AN). Cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành chú trọng củng cố quốc phòng, chăm lo xây dựng lực lượng vũ trang (LLVT). Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) từ tỉnh đến huyện, thị xã thường xuyên được bổ sung, kiện toàn. Lãnh đạo, chỉ huy các cấp luôn chăm lo công tác giáo dục, quản lý, rèn luyện kỷ luật cho cán bộ, chiến sĩ, góp phần nâng cao sức mạnh tổng hợp, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ quân sự, quốc phòng.

Lâm Đồng là tỉnh có nhiều dân tộc thiểu số, nhiều tôn giáo. Tình hình địa bàn cơ bản ổn định, song vẫn tiềm ẩn những nhân tố phức tạp, khó lường do các thế lực thù địch, phản động đẩy mạnh các hoạt động chống phá bằng các thủ đoạn“diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ. Vì thế, tăng cường QP-AN nói chung, giáo dục QP-AN, giáo dục pháp luật nói riêng có ý nghĩa quan trọng. Hiện tại, đội ngũ báo cáo viên pháp luật còn mỏng, trình độ của đội ngũ tuyên truyền viên cơ sở, các phương tiện, thiết bị hỗ trợ công tác tuyên truyền PBGDPL còn nhiều hạn chế, nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả PBGDPL trong LLVT. Vì vậy, Đảng ủy, Bộ chỉ huy Quân sự (BCHQS) tỉnh Lâm Đồng đã phối hợp với cơ quan chức năng, đoàn thể địa phương triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác PBGDPL trong LLVT, góp phần nâng cao sức mạnh tổng hợp, trình độ và khả năng sẵn sàng chiến đấu của các LLVT địa phương, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới.
Một trong những biện pháp quan trọng là tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo và kiểm tra của các cấp ủy, đề cao vai trò, trách nhiệm của người chỉ huy đơn vị, của cán bộ, đảng viên trong triển khai thực hiện công tác PBGDPL. Đây là nội dung có ý nghĩa quyết định chất lượng công tác tuyên truyền PBGDPL trong LLVT. Mục tiêu của công tác PBGDPL trong LLVT là làm cho mọi cán bộ, chiến sĩ nâng cao sự hiểu biết, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật Nhà nước, kỷ luật quân đội, góp phần giảm các vụ vi phạm pháp luật, kỷ luật quân đội, giảm thiệt hại về kinh tế cũng như những mất mát, tổn thất về người, vũ khí, trang bị, ngăn ngừa các tệ nạn xã hội, giữ gìn an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội.
Đảng ủy, BCHQS Tỉnh thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo và kiểm tra các cấp ủy trực thuộc ra nghị quyết chuyên đề, lãnh đạo đơn vị triển khai công tác PBGDPL. Thông qua đó, tình hình chấp hành pháp luật Nhà nước, kỷ luật quân đội ở từng đơn vị được đánh giá một cách cụ thể, đầy đủ và kịp thời, có những giải pháp tích cực, ngăn ngừa tình trạng vi phạm kỷ luật của cán bộ, chiến sĩ. Cùng với nghị quyết chuyên đề, trong các nghị quyết thường kỳ của các Đảng bộ, chi bộ cũng có nội dung trên. Đồng thời, cấp ủy và chỉ huy các cấp gắn kết chặt chẽ công tác PBGDPL với việc thực hiện Chỉ thị 235 của Thường vụ Đảng ủy Quân khu về xây dựng chi bộ 4 tốt, đảng viên 5 tốt; xây dựng chi bộ các đại đội và xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh (TSVM), xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện (VMTD)... Tập trung quán triệt, học tập Chỉ thị 32-CT/TƯ của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PBGDPL, Chỉ thị 82/CT-QP của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về sửa đổi một số điều trong Quyết định 2530, Chỉ thị 25/CT-TM ngày 25/5/2003 của Tổng Tham mưu trưởng “Về quản lý, sử dụng xe mô tô, xe gắn máy trong quân đội”, Điều lệnh quản lý bộ đội; nội dung cơ bản về Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Phòng chống tham nhũng; Luật Giao thông đường bộ; Chỉ thị 245/CT-TL của Tư lệnh Quân khu 7 về cuộc vận động “7 không”. BCHQS Tỉnh đã phối hợp với Tòa án Quân sự Quân khu tổ chức nghiên cứu, học tập các chuyên đề về chính trị - pháp luật cho 540 lượt sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp; PBGDPL cho 98,7% hạ sĩ quan, chiến sĩ theo chương trình quy định… Đối với những đơn vị ở địa bàn có đông đồng bào dân tộc thiểu số, tôn giáo, địa bàn trọng điểm, chú trọng quán triệt, học tập các nội dung về Luật Khiếu nại, tố cáo, các chính sách về dân tộc, tôn giáo của Đảng và Nhà nước, nhằm phục vụ công tác vận động quần chúng, xây dựng địa bàn vững mạnh, an toàn.
Trong qua trình triển khai, cơ quan quân sự các cấp chú trọng kết hợp chặt chẽ công tác PBGDPL với công tác giáo dục chính trị, phát huy dân chủ, mở rộng đối thoại giữa cán bộ với chiến sĩ, giữa cấp trên với cấp dưới, để kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật Nhà nước, kỷ luật quân đội, tạo sự thống nhất cao trong tư tưởng và hành động. Chỉ đạo cơ quan, đơn vị tổ chức phòng tiếp công dân, quân nhân và mở 15 hòm thư góp ý, phản ảnh trên địa bàn đóng quân, nhằm phát huy rộng rãi quyền dân chủ của nhân dân và trong LLVT, kịp thời cung cấp những thông tin nóng về tình hình vi phạm pháp luật Nhà nước, kỷ luật quân đội của cán bộ, chiến sĩ, giúp cấp ủy, người chỉ huy sớm có giải pháp để phòng ngừa và kịp thời ngăn chặn. Quán triệt và thực hiện Chỉ thị 535 của Thường vụ Tỉnh ủy về “Giữ gìn mối quan hệ với cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương”, các đảng bộ, chi bộ quân sự đã lãnh đạo cán bộ, đảng viên trong cơ quan, đơn vị vận động gia đình gương mẫu tham gia các phong trào an ninh, bảo vệ địa bàn, tích cực tham gia cuộc vận động “Gia đình không có người vi phạm pháp luật”, “không nghiện xì ke, ma túy” do địa phương phát động… Đến nay, tuyệt đại đa số cán bộ, chiến sĩ có ý thức cao trong phòng, chống các loại tội phạm, tự giác, chủ động ngăn ngừa tiêu cực, không để tệ nạn xã hội xâm nhập vào đơn vị; nghiêm chỉnh chấp hành luật giao thông, xây dựng đơn vị an toàn; giữ nghiêm kỷ luật dân vận; không còn hiện tượng đào, bỏ ngũ, tình trạng vi phạm kỷ luật thông thường đã giảm hẳn…
Nét mới trong công tác tuyên truyền PBGDPL của LLVT tỉnh Lâm Đồng là xây dựng kế hoạch liên ngành, thành lập đội “Tuyên truyền xung kích”  triển khai hoạt động PBGDPL trên các địa bàn trọng điểm. Tỉnh Lâm Đồng hiện có 40 dân tộc, trong đó 6 xã có 100% dân cư là đồng bào dân tộc thiểu số; ở nhiều vùng căn cứ kháng chiến, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, kinh tế vẫn còn khó khăn, thiếu thốn; trình độ dân trí thấp, nên nhận thức của chiến sĩ mới, nhất là con em đồng bào người dân tộc trong LLVT có nhiều hạn chế… Vì vậy, ngoài việc đổi mới hình thức, nội dung và biện pháp tuyên truyền PBGDPL, xây dựng đề cương bài giảng phù hợp với địa bàn và đối tượng, năm 2006, Đảng ủy, BCHQS Tỉnh phối hợp cùng Sở Tư pháp thực hiện Đề án “Tăng cường PBGDPL tại các địa bàn trọng điểm; chỉ đạo Phòng Chính trị sáp nhập 3 nhóm: “Tuyên truyền viên trẻ”, “Tuyên truyền ca khúc cách mạng”, đội “Chiếu bóng lưu động” và bổ sung một số báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật để thành lập đội “Tuyên truyền xung kích” liên ngành, gồm 15 đồng chí, do đồng chí Phó Chủ nhiệm Chính trị làm đội trưởng, 2 đồng chí Trưởng ban Tuyên huấn và Trợ lý Thanh niên cơ quan BCHQS Tỉnh làm đội phó. Đây là những hạt nhân nòng cốt, có kiến thức nhất định về pháp luật và hiểu biết về xã hội, có khả năng thực hiện tốt nhiệm vụ PBGDPL trong LLVT và trong nhân dân, nhất là trên các địa bàn trọng điểm, xung yếu. Địa bàn trọng điểm để triển khai đề án gồm các huyện Đức Trọng, Đam Rông, Lâm Hà, Di Linh, Đạ Huoai và thị xã Bảo Lộc. Năm 2006, triển khai ở 5 cơ sở gồm xã N’Thôn Hạ (Đức Trọng), thị trấn Nam Ban (Lâm Hà), Đạ K’Năng, Rô Men ( Đam Rông) và phân đội 840. Năm 2007, triển khai ở 7 địa bàn gồm xã Lộc Lâm (Bảo Lâm), xã Phước Lộc, xã Đạ Ploa (Đạ Huoai), xã Định Trang Thượng (Di Linh), xã Tu Tra (Đơn Dương), xã Rô Men (Đam Rông) và phân đội 840. Đồng thời, phối hợp với các ban, ngành chức năng các cấp của địa phương, bổ sung nội dung và tăng thời lượng phát sóng các chương trình Quốc phòng toàn dân (QPTD), chương trình “Pháp luật và đời sống”, “Tìm hiểu pháp luật” trên đài phát thanh – truyền hình Tỉnh và đài truyền thanh – truyền hình các địa phương; năm 2007 đã thực hiện một chương trình “chiến sĩ miền Đông” phát trên sóng Đài tiếng nói Việt Nam; ra tờ tin nội bộ LLVT định kỳ 3 tháng 1 số. Chỉ đạo các đơn vị thường xuyên bổ sung đầu sách và có biện pháp khuyến khích cán bộ, chiến sĩ trong LLVT sử dụng có hiệu quả “Tủ sách, ngăn sách pháp luật” ở đơn vị, giúp anh em tự học tập, nâng cao kiến thức xã hội và pháp luật. Ngoài ra, các đơn vị còn tổ chức các hội thi, thông qua đó lồng ghép tuyên truyền Pháp lệnh Phòng chống HIV/AIDS; luật Giao thông đường bộ và Nghị định 152/CP của Chính phủ… cho hàng trăm lượt cán bộ, chiến sĩ. LLVT còn phối hợp với các ban ngành, đoàn thể trong tỉnh tổ chức nhân dân đấu tranh, kiểm điểm 12 đối tượng có hành vi chống người thi hành công vụ, vi phạm Luật Bảo vệ rừng, móc nối vượt biên trái phép… Nhờ đó, ở một số địa bàn trọng điểm như xã Đạ K’Năng, Rô Men (Đam Rông), xã Lộc Lâm (Bảo Lâm), xã Đạ Ploa (Đạ Huoai); xã Tu Tra (Đơn Dương), tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội đã có nhiều chuyển biến tích cực, bảo đảm ổn định, tạo điều kiện cho nhân dân tập trung đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế, cải thiện đời sống, góp phần xây dựng xã hội có kỷ cương, đẩy mạnh việc thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, xây dựng LLVT địa phương VMTD. 
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác PBGDPL trong LLVT, Tỉnh thường xuyên củng cố, kiện toàn Hội đồng phối hợp công tác PBGDPL các cấp, chú trọng bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ về kiến thức pháp luật cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên trong PBGDPL. Chấp hành sự chỉ đạo của Hội đồng phối hợp công tác PBGDPL Quân khu và Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh Lâm Đồng, BCHQS Tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo PBGDPL gồm 7 thành viên, do đồng chí Chính ủy BCHQS Tỉnh làm Trưởng ban, đồng thời là ủy viên Hội đồng phối hợp công tác PBGDPL Tỉnh; Chủ nhiệm Chính trị và Trưởng ban Tuyên huấn là báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh. Trong LLVT còn có 12 báo cáo viên cấp huyện và 24 tuyên truyền viên pháp luật, 6 đội tuyên truyền xung kích (1 đội cấp tỉnh, 5 đội cấp huyện). Quá trình thực hiện, Hội đồng và các Ban phối hợp PBGDPL căn cứ vào kế hoạch giáo dục, huấn luyện, tham mưu cho cấp ủy, người chỉ huy đơn vị tiến hành công tác PBGDPL sát với tình hình, nhiệm vụ, đặc điểm từng địa bàn và phù hợp với đối tượng tuyên truyền. Kiểm tra định kỳ và đột xuất việc triển khai thực hiện công tác PBGDPL ở cơ quan, đơn vị; kịp thời phát hiện những nhân tố tích cực để biểu dương, khen thưởng và ngăn chặn sớm những biểu hiện tiêu cực, những dấu hiệu vi phạm.
Nhận thức đúng tầm quan trọng của công tác PBGDPL, BCHQS Tỉnh lựa chọn những đồng chí đã tốt nghiệp đại học luật tăng cường cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên. Hằng năm, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật thường xuyên được cử đi dự các lớp bồi dưỡng kiến thức về pháp luật trong và ngoài quân đội; kết hợp tổ chức bồi dưỡng kiến thức pháp luật tại chỗ và khuyến khích, tạo điều kiện cho anh em tự nghiên cứu, học thêm... để không ngừng nâng cao trình độ, nghiệp vụ sư phạm về pháp luật. Mấy năm gần đây, Đảng ủy, BCHQS Tỉnh đã phối hợp với Sở Tư pháp tỉnh giúp Uỷ ban nhân dân Tỉnh Lâm Đồng tổ chức tập huấn cho 175 cán bộ chủ chốt và đội ngũ báo cáo viên pháp luật về “Luật Biên giới quốc gia” và các văn bản hướng dẫn thi hành; phối hợp thực hiện đề án “Tăng cường PBGDPL trên các địa bàn trọng điểm”; thực hiện 325 buổi tuyên truyền pháp luật, giới thiệu trên 20 văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quân sự, quốc phòng và xây dựng LLVT cho 27.750 lượt cán bộ, công chức và nhân dân… Những chuyển biến rõ rệt về chấp hành pháp luật Nhà nước, kỷ luật quân đội của LLVT Tỉnh đã góp phần nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, xây dựng nền nếp chính quy, xây dựng tổ chức đảng TSVM, đơn vị VMTD.
Đại tá Trần Xuân Quang
Phó Chính ủy
 
Ý kiến bạn đọc (0)