Thứ Bảy, 23/11/2024, 04:44 (GMT+7)
Ấn phẩm tạp chí in
II - NHỮNG GIẢI PHÁP CHỦ YẾU, KẾT QUẢ VÀ BÀI HỌC KINH NGHIỆM
Quán triệt sâu sắc quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, các nghị quyết, chỉ thị của trên về công tác tôn giáo (CTTG); căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ và đặc điểm, tình hình địa bàn đóng quân, các cơ quan, đơn vị trong toàn quân đã xây dựng kế hoạch, đề ra nhiều giải pháp cụ thể, phù hợp, tích cực tổ chức thực hiện CTTG, tham gia xây dựng cơ sở chính trị, phát triển kinh tế - xã hội (KT - XH), củng cố quốc phòng - an ninh (QP - AN) vùng đồng bào có đạo trên địa bàn cả nước một cách cụ thể, thiết thực.
Một trong những giải pháp hàng đầu được cấp ủy, chính ủy, chính trị viên, người chỉ huy các cấp trong lực lượng vũ trang (LLVT) xác định là phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với CTTG trong tình mới; coi đây là nhiệm vụ chính trị thường xuyên, quan trọng góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội (CT-XH) địa bàn đóng quân, nhất là ở những địa bàn chiến lược, trọng điểm có đông đồng bào theo đạo. Theo đó, cấp ủy các cấp đưa việc tham gia CTTG vào nghị quyết lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ quân sự, QP-AN, xây dựng nghị quyết chuyên đề lãnh đạo, chỉ đạo công tác này; cử các cấp ủy viên theo dõi, tổ chức thực hiện; cơ quan chính trị và các bộ phận chức năng lập kế hoạch, cụ thể hoá thành các chỉ tiêu phấn đấu; thực hiện tốt việc sơ kết, tổng kết, rút bài học kinh nghiệm, lấy kết quả thực hiện CTTG làm một chỉ tiêu để đánh giá kết quả thực hiện công tác dân vận, xây dựng địa bàn an toàn, xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, đơn vị vững mạnh toàn diện.
Để nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, chiến sĩ, các đơn vị đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, quán triệt các nghị quyết, chỉ thị, hướng dẫn của trên về CTTG. Nội dung tuyên truyền, giáo dục tập trung làm cho mọi người nhận thức rõ: tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân; Đảng và Nhà nước ta thực hiện nhất quán chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết tôn giáo; đoàn kết lương - giáo là một bộ phận quan trọng trong chiến lược phát huy sức mạnh dân tộc, sức mạnh thời đại của Đảng và Nhà nước ta; nội dung cốt lõi của CTTG là công tác vận động quần chúng; thực hiện CTTG là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trong đó LLVT có vai trò quan trọng; nghiêm cấm mọi hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc và sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc ta. Trong các đợt sinh hoạt chính trị, học tập, các đơn vị đã sử dụng có hiệu quả những tài liệu phục vụ giáo dục chính trị cho cán bộ, chiến sĩ về tôn giáo và công tác dân vận vùng đồng bào tôn giáo do Tổng cục Chính trị ban hành; đồng thời, căn cứ vào đặc điểm hoạt động tôn giáo trên địa bàn để phối hợp với các cơ quan, ban, ngành Trung ương và địa phương biên soạn nhiều tài liệu liên quan làm cẩm nang cho công tác vận động đồng bào có đạo. Trong công tác tuyên truyền, các đơn vị đã sử dụng, phát huy đồng bộ các hình thức, phương pháp như: tuyên truyền miệng, báo in, báo hình, hệ thống pa-nô, áp phích; kết hợp tuyên truyền rộng khắp với tuyên truyền theo chủ đề, theo từng đối tượng… phù hợp với điều kiện, đặc điểm hoạt động của từng loại hình đơn vị. Công tác tập huấn nâng cao nhận thức, trình độ về CTTG được các cấp quan tâm đúng mức. Theo định kỳ, 2 năm một lần, Tổng cục Chính trị mở các lớp tập huấn cho cán bộ chính trị, cán bộ dân vận toàn quân, với trên 1.000 lượt cán bộ tham dự; các cấp uỷ trực thuộc Đảng ủy Quân sự Trung ương mở 20 lớp tập huấn cho trên 1.500 lượt cán bộ chính trị, cấp ủy viên, cán bộ dân vận, đội công tác tăng cường cơ sở theo chỉ thị 123/CT-BQP của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Bên cạnh đó, Tổng cục Chính trị còn chỉ đạo: Quân khu 4, Quân khu 5, Binh đoàn Cửu Long tổ chức hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Chỉ thị 36/ĐUQSTW của Thường vụ Đảng ủy Quân sự Trung ương về tôn giáo, CTTG và việc LLVT tham gia thực hiện CTTG trong tình hình mới; trên cơ sở đó rút ra được những cách làm hay, những điển hình tiên tiến trong thực hiện CTTG để nhân rộng trong toàn quân; chỉ ra những hạn chế, bất cập, đề ra những giải pháp khắc phục có hiệu quả. Các học viện, nhà trường quân đội đã tích cực nghiên cứu, biên soạn tài liệu, giáo án, bài giảng về nội dung công tác dân vận vùng đồng bào tôn giáo để đưa vào chương trình giảng dạy chính thức (thời lượng 8 giờ/khóa) cho học viên; thường xuyên nâng cao chất lượng giảng dạy bộ môn Tôn giáo.
Cùng với đó, các đơn vị còn phối hợp có hiệu quả với cấp ủy, chính quyền, các tổ chức, đoàn thể CT - XH trong hệ thống chính trị các cấp thực hiện tốt công tác vận động quần chúng đối với quân nhân có đạo, gốc đạo. Việc tuyển chọn thanh niên có đạo, gốc đạo đến độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự được tiến hành theo đúng Luật Nghĩa vụ quân sự, đảm bảo về số lượng với chất lượng ngày càng cao, nhất là chất lượng về chính trị. Trong 10 năm qua (1999-2009) đã có hàng triệu thanh niên có đạo, gốc đạo nhập ngũ vào quân đội (chiếm khoảng 14% tổng số thanh niên nhập ngũ hằng năm). Lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị thường xuyên chấp hành nghiêm Điều lệnh quản lý bộ đội, thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, tăng cường đoàn kết nội bộ, nghiêm cấm mọi hành vi phân biệt đối xử, tạo điều kiện cho quân nhân có đạo, gốc đạo phấn đấu tu dưỡng, rèn luyện có đủ phẩm chất chính trị, trình độ và năng lực hoàn thành nhiệm vụ. Những quân nhân có đạo và gốc đạo chấp hành nghiêm điều lệnh, điều lệ của quân đội, có đủ tiêu chuẩn về phẩm chất chính trị, trình độ văn hoá, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ, có nguyện vọng phục vụ lâu dài trong quân đội, đều được các đơn vị quan tâm giúp đỡ và thực hiện theo đúng các quy định của trên. Trong các ngày lễ tôn giáo, lãnh đạo, chỉ huy các cấp trong toàn quân thường xuyên gặp gỡ, động viên, tổ chức hoạt động văn hóa cho quân nhân có đạo, gốc đạo phù hợp với đặc điểm, yêu cầu nhiệm vụ của đơn vị. Đặc biệt, những quân nhân có đạo và gốc đạo có đủ điều kiện phát triển Đảng theo quy định của Điều lệ Đảng, được cấp uỷ các cấp xem xét, bồi dưỡng. Việc xét kết nạp quân nhân có đạo, gốc đạo vào Đảng và việc tham gia sinh hoạt tôn giáo của đảng viên có đạo được thực hiện đúng theo quy định, hướng dẫn của trên. Đến nay, hàng nghìn quân nhân có đạo, gốc đạo đã tích cực phấn đấu, đủ điều kiện phát triển thành sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên quốc phòng; hàng trăm quân nhân có đạo, gốc đạo đã được kết nạp vào Đảng, hàng chục nghìn người theo học ở các nhà trường trong và ngoài quân đội…
Công tác dân vận vùng đồng bào có đạo luôn được cấp uỷ, chính uỷ, chính trị viên, người chỉ huy các cấp hết sức quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả. Với phương châm hướng mạnh xuống cơ sở, phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền và các tổ chức, đoàn thể CT-XH trong hệ thống chính trị, các đơn vị đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các tín đồ, nhất là chức sắc, chức việc tôn giáo “sống tốt đời, đẹp đạo”. Trong quá trình thực hiện công tác dân vận, các đơn vị tập trung tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền địa phương xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vùng có đông đồng bào theo đạo vững mạnh toàn diện. Đặc biệt, sau khi có Chỉ thị 123 “Về việc củng cố, kiện toàn tổ chức và hoạt động của các tổ, đội công tác tăng cường cơ sở trên địa bàn Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ”, các đơn vị đã lựa chọn những cán bộ, đảng viên có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt; có năng lực hoạt động thực tiễn; có kiến thức về tôn giáo, kinh nghiệm CTTG; am hiểu phong tục, tập quán địa phương; được tập huấn về kiến thức vận động quần chúng có đạo, về tổ chức phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội… vào các tổ, đội công tác tăng cường cơ sở; đồng thời, cử hàng trăm lượt tổ, đội công tác, với hàng nghìn cán bộ, đảng viên xuống các địa bàn chiến lược, trọng điểm có đông đồng bào theo đạo để tham mưu, phối hợp cùng cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể địa phương và các đơn vị đóng quân trên địa bàn xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh, phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, củng cố QP-AN, giữ vững ổn định chính trị. Chỉ tính riêng trên địa bàn 6 tỉnh Bắc Trung Bộ, trong 10 năm qua, LLVT Quân khu 4 đã tổ chức hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ tham gia huấn luyện dã ngoại làm công tác dân vận ở 98 xã thuộc vùng đồng bào có đạo; tham gia xây dựng, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của 96 chi bộ Đảng, 125 chi hội Cựu chiến binh, 138 chi hội Phụ nữ, 167 chi đoàn Thanh niên; xây dựng được đội ngũ dân quân, tự vệ và dự bị động viên chiếm tỷ lệ bình quân 1,78% dân số khu vực…
Để CTTG ngày càng có hiệu quả thiết thực, cấp uỷ, chỉ huy các đơn vị rất chú trọng tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền địa phương nơi đóng quân thực hiện tốt việc bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho chức sắc, chức việc tôn giáo và phát huy vai trò của họ trong hướng dẫn tín đồ tích cực đóng góp công sức và trí tuệ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nội dung chủ yếu của việc bồi dưỡng kiến thức QP - AN cho chức sắc, chức việc tôn giáo tập trung vào làm cho các chức sắc, chức việc nhận thức đúng về quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về CTTG, nhất là Chỉ thị 32/CT-TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân; Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương (khoá IX) về CTTG; Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo và các nghị định của Chính phủ, hướng dẫn của cơ quan chức năng về thi hành một số điều thi hành Pháp lệnh Tôn giáo… Theo thống kê của Hội đồng Giáo dục quốc phòng Trung ương, đến nay đã có 59/63 tỉnh (thành phố) tổ chức bồi dưỡng kiến thức QP - AN cho trên 34.000 chức sắc, chức việc tôn giáo. Thông qua đó, các chức sắc, chức việc tôn giáo hiểu rõ hơn về tình hình đất nước, âm mưu, thủ đoạn phá hoại của các thế lực thù địch, trách nhiệm của toàn dân nói chung, của tín đồ các tôn giáo nói riêng, trong thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, nhất là đối với thực hiện nhiệm vụ QP - AN trong tình hình hiện nay. Việc làm đó còn góp phần xây dựng “thế trận lòng dân”, khơi dậy ý thức trách nhiệm về việc đạo, việc đời, tạo sự đồng thuận giữa đồng bào có đạo với Đảng, Nhà nước; xây dựng, củng cố, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, làm thất bại âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề tôn giáo, dân tộc… chống phá sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của Đảng và nhân dân ta.
Hơn 10 năm qua, lãnh đạo, chỉ huy các cấp trong toàn quân đã quán triệt sâu sắc các quan điểm, chính sách của Đảng, Nhà nước về tôn giáo, trực tiếp là Chỉ thị 36 của Thường vụ Đảng uỷ Quân sự Trung ương; đồng thời, triển khai thực hiện có hiệu quả thiết thực. Qua đó góp phần củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở vùng tôn giáo; vận động tín đồ tôn giáo thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, cống hiến công sức, trí tuệ phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, củng cố QP-AN; tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch chống phá cách mạng nước ta. Từ hoạt động thực tiễn của LLVT tham gia thực hiện CTTG và những kết quả đã đạt được, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm sau:
Thứ nhất, cấp uỷ, chính uỷ, chính trị viên, người chỉ huy các cấp phải thường xuyên quán triệt sâu sắc các quan điểm, chủ trương, chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước; đề cao trách nhiệm, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo và coi việc thực hiện CTTG là một nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị; chú trọng xây dựng sự thống nhất về nhận thức trong mọi cán bộ, chiến sĩ, nhất là cán bộ chủ trì các cấp về tôn giáo và LLVT tham gia thực hiện CTTG trong tình hình mới. Cùng với đó, lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị cần thực hiện nghiêm điều lệnh, điều lệ quân đội, quy chế dân chủ ở cơ sở; tạo bầu không khí dân chủ, cởi mở, không phân biệt đối xử trong học tập, rèn luyện và công tác đối với quân nhân có đạo, gốc đạo, tạo điều kiện thuận lợi để họ rèn luyện, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao cũng như sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự về địa phương trở thành lực lượng chính trị nòng cốt, đội ngũ cán bộ cốt cán của cơ sở vùng đồng bào tôn giáo.
Thứ hai, bên cạnh việc tuân thủ và thực hiện nghiêm nguyên tắc, cơ chế lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, phối hợp các lực lượng, các đơn vị cần chủ động phối hợp chặt chẽ với cấp uỷ, chính quyền, các tổ chức CT-XH ở địa phương, gắn nhiệm vụ chính trị của đơn vị với nhiệm vụ của địa phương, phát huy sức mạnh tổng hợp để tổ chức thực hiện CTTG có hiệu quả; trong đó chú ý thực hiện tốt sự phối hợp giữa Quân đội và Công an theo Quyết định 107/2003/QĐ-TTg của Chính phủ trong bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, lấy xây dựng hệ thống chính trị, xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc làm trọng tâm.
Thứ ba, thường xuyên đổi mới, đa dạng hoá nội dung, hình thức công tác dân vận ở vùng đồng bào có đạo. Trong quá trình thực hiện, cần tăng cường bồi dưỡng nâng cao kiến thức, hiểu biết cho cán bộ, chiến sĩ làm công tác dân vận về tôn giáo và CTTG, cũng như phong tục, tập quán, tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân, để có phương pháp tuyên truyền, vận động quần chúng phù hợp với từng địa bàn, từng đối tượng. Tập trung tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền địa phương củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở; tích cực tham gia phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội gắn với củng cố QP-AN. Đặc biệt, hết sức chú trọng làm tốt công tác vận động, phát huy vai trò của chức sắc, chức việc, người có uy tín trong các tôn giáo để góp phần giữ vững ổn định chính trị, tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn lợi dụng tôn giáo chống phá cách mạng nước ta của các thế lực thù địch.
Thứ tư, cấp uỷ, chính uỷ, chính trị viên, người chỉ huy các cấp cần đặt nhiệm vụ thực hiện CTTG trong mối quan hệ chặt chẽ với xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận ninh nhân dân, khu vực phòng thủ vững chắc trên địa bàn. Trong tham gia giải quyết những vụ việc phức tạp ở địa bàn tôn giáo, phải thực hiện đúng pháp luật Nhà nước, quy định của Bộ Quốc phòng, nắm vững phương châm: vận động chức sắc, tín đồ tiến bộ để giải quyết việc tôn giáo; lấy quần chúng giải quyết việc nội bộ của quần chúng; bảo vệ lợi ích chính đáng, hợp pháp của quần chúng.
Phát huy những kết quả đã làm tốt trong 10 năm thực hiện CTTG, kịp thời khắc phục những hạn chế, bất cập, nắm vững quan điểm, chủ trương của Đảng về tôn giáo và CTTG, nhất là Chỉ thị 36 của Thường vụ Đảng uỷ Quân sự Trung ương, chắc chắn hiệu quả tham gia thực hiện CTTG của LLVT nhân dân ta sẽ ngày càng cao hơn.
HỌC TỪ - MINH SƠN
_________
* Xem: Tạp chí Quốc phòng toàn dân, số 9-2009.
Trao đổi ý kiến giữa Tạp chí quốc phòng toàn dân với bạn đọc, cộng tác viên Quân khu 5 12/12/2011
Nghệ thuật tổ chức, sử dụng lực lượng quân sự trong những ngày đầu kháng chiến toàn quốc 12/12/2011
“Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” với việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay 12/12/2011
Một số vấn đề về nghệ thuật chiến dịch phòng ngự trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 12/12/2011
Hưng Yên không ngừng nâng cao hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng 12/12/2011
Kết quả và kinh nghiệm tiến hành công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của lực lượng vũ trang Quân khu 5 12/12/2011
Đoàn B.90 nâng cao chất lượng xây dựng lực lượng dự bị động viên - một số kinh nghiệm bước đầu 12/12/2011
Trường Quân sự Binh đoàn Cửu Long phấn đấu nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và huấn luyện 11/12/2011
Kết hợp kinh tế với quốc phòng, tạo lập thế trận phòng thủ vững chắc trên địa bàn tỉnh ven biển Thái Bình 11/12/2011
Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga phát huy nội lực, mở rộng hợp tác, nâng cao hiệu quả hoạt động 11/12/2011