QPTD -Chủ Nhật, 27/11/2011, 00:31 (GMT+7)
Lực lượng vũ trang Thái Bình phấn đấu làm tốt vai trò nòng cốt thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương
Ngày 20-04-2007, lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh Thái Bình kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập với niềm phấn khởi, tự hào về quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của mình. Trong cuộc kháng chiến trường kỳ 30 năm chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, LLVT cùng toàn Đảng, toàn dân trong Tỉnh đã phát huy truyền thống tốt đẹp của quê hương, đoàn kết, chung sức, chung lòng vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, hy sinh, lập nên nhiều chiến công, góp phần tô thắm pho sử vàng của dân tộc. Kết thúc cuộc kháng chiến, LLVT Tỉnh cùng 85 đơn vị, địa phương (huyện, xã) và 49 cán bộ, chiến sĩ được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng LLVT nhân dân”; hơn hai nghìn bà mẹ được phong tặng và truy tặng danh hiệu “Mẹ Việt Nam anh hùng”... Bước vào thời kỳ mới của cách mạng, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 3 và dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân Tỉnh, cùng sự phối hợp, giúp đỡ có hiệu quả của các cấp, các ngành, các địa phương, LLVT Thái Bình đã triển khai tích cực, chủ động, toàn diện và sáng tạo nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, đạt được nhiều kết quả quan trọng. Liên tục nhiều năm liền được Nhà nước, Chính phủ, Bộ Quốc phòng tặng huân chương và cờ thi đua đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; 4 năm liền (1993-1996) được Bộ Tư lệnh Quân khu 3 tặng cờ luân lưu thi đua “Đơn vị dẫn đầu công tác quân sự địa phương khối các tỉnh, thành phố”; 4 năm liền (2003-2006) được Chính phủ, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Quân khu 3 tặng cờ thi đua xuất sắc do hoàn thành tốt nhiệm vụ quân sự, quốc phòng. Từ thực tiễn thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, LLVT Thái Bình đã đúc rút được những kinh nghiệm quý báu để tiếp tục nghiên cứu, vận dụng trong thời gian tới.

Chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền và phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành chức năng địa phương thực hiện tốt công tác giáo dục quốc phòng. Trong những năm qua, nhất là từ khi có Chỉ thị 62-CT/TƯ của Bộ Chính trị và Nghị định số 15/2001/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ về giáo dục quốc phòng, Thái Bình đã triển khai sâu rộng tới mọi đối tượng, trong đó tập trung trước hết vào đối tượng cán bộ các cấp, các ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở và các chức sắc, chức việc tôn giáo, thế hệ trẻ học sinh, sinh viên. Với đối tượng cán bộ, Tỉnh đã thực hiện nghiêm túc việc bồi dưỡng kiến thức quốc phòng-an ninh (KTQP-AN) theo phân cấp: cán bộ chủ chốt cấp tỉnh (đối tượng 1), thực hiện đúng theo chỉ tiêu trên giao, bồi dưỡng tại Học viện Quốc phòng; cán bộ chủ chốt cấp huyện, thành phố và trưởng (phó) ban, ngành, đoàn thể của Tỉnh (đối tượng 2), bồi dưỡng theo phương thức kết hợp “trên dưới cùng làm” tại trường Quân sự Quân khu và trường Quân sự Tỉnh; cán bộ chủ chốt cấp xã, phường, thị trấn và trưởng (phó) ban, ngành, đoàn thể cấp huyện, thành phố, giám đốc và lãnh đạo chủ chốt các doanh nghiệp (đối tượng 3) bồi dưỡng tại Trường Quân sự Tỉnh; cán bộ thôn, làng, tổ dân phố (đối tượng 4) bồi dưỡng tại các trung tâm giáo dục chính trị của huyện, thành phố. Đối với các chức sắc, chức việc tôn giáo, mặc dù đây chưa phải là đối tượng thuộc diện phải bồi dưỡng KTQP-AN theo quy định của Bộ Quốc phòng, nhưng xuất phát từ đặc điểm địa bàn là nơi có tỷ lệ đồng bào theo đạo khá cao (chiếm khoảng 12,7% dân số toàn Tỉnh) và thực hiện sự chỉ đạo của Quân khu, Tỉnh đã mở nhiều lớp bồi dưỡng cho đối tượng này tại các trung tâm giáo dục chính trị của huyện, thành phố. Với cách làm thiết thực, phù hợp với điều kiện của địa phương, công tác bồi dưỡng KTQP-AN cho đội ngũ cán bộ chủ chốt và các chức sắc, chức việc tôn giáo ở Thái Bình đã đạt được hiệu quả tốt. Đến nay, cơ bản Thái Bình đã hoàn thành việc bồi dưỡng KTQP-AN cho đội ngũ cán bộ chủ chốt thuộc đối tượng 1, 2, 3; là tỉnh đầu tiên trong toàn quốc hoàn thành việc bồi dưỡng KTQP-AN cho các chức sắc, chức việc tôn giáo (đạt 92,53%). Năm 2007, Tỉnh tiếp tục chỉ đạo mỗi huyện, thành phố mở 1-2 lớp bồi dưỡng KTQP-AN cho số cán bộ thuộc đối tượng 4 chưa được học. Đồng thời mở lớp bồi dưỡng KTQP-AN cho một đối tượng mới là cán bộ chủ chốt tổ chức công đoàn trong các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp liên doanh với nước ngoài, để làm rõ vai trò của công đoàn đối với nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) gắn với bảo đảm quốc phòng-an ninh trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Giáo dục quốc phòng cho học sinh, sinh viên cũng được Tỉnh thường xuyên quan tâm và thực hiện có nền nếp. Riêng năm 2006, Bộ chỉ huy Quân sự (BCHQS) Tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo, hướng dẫn 48 trường trung học phổ thông, trung học chuyên nghiệp-dạy nghề, đại học, cao đẳng trên địa bàn triển khai giảng dạy môn giáo dục quốc phòng trong chương trình chính khóa cho gần 76.000 học sinh, sinh viên, đạt 97,8% quân số. Kết quả kiểm tra 100% đạt yêu cầu, trong đó có 70-75,5% đạt khá, giỏi. Bên cạnh việc thực hiện nghiêm túc chương trình giáo dục quốc phòng chính khóa, các trường còn tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa như: tổ chức tham quan các di tích lịch sử, tham quan bảo tàng, nhà truyền thống và tổ chức các buổi giao lưu văn hóa, văn nghệ, tọa đàm, diễn đàn, thi tìm hiểu truyền thống LLVT..., tạo sân chơi bổ ích cho học sinh, sinh viên. Do làm tốt công tác giáo dục quốc phòng và hướng nghiệp quân sự, năm 2006 toàn Tỉnh có 1.384 học sinh đăng ký dự thi vào các nhà trường, học viện trong quân đội, trong đó có 214 học sinh trúng tuyển, đạt 15,4%. Ngoài ra, còn có gần 3.000 học sinh sau khi rời ghế nhà trường đã hăng hái lên đường nhập ngũ; hàng nghìn quân nhân hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương đã tích cực tham gia xây dựng và hoạt động trong các tổ chức Đoàn Thanh niên, lực lượng dân quân, tự vệ, làm nòng cốt trong lao động sản xuất và thực hiện nhiệm vụ quốc phòng địa phương.
Tích cực tham gia xây dựng cơ sở chính trị vững mạnh, góp phần bảo đảm an ninh, giữ vững ổn định chính trị trên địa bàn. Bảo đảm an ninh, giữ vững ổn định chính trị là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng trong thời bình và Tỉnh đã có bài học thực tiễn sâu sắc về vấn đề này. Từ năm 1997-2000, tình hình an ninh nông thôn ở nhiều địa phương, cơ sở trong Tỉnh không thật sự ổn định đã tác động xấu đến sự phát triển KT-XH trên địa bàn. Tỉnh phải mất rất nhiều công sức mới ổn định được tình hình. LLVT Tỉnh là một thành phần quan trọng góp phần bảo đảm công tác an ninh, giữ vững ổn định chính trị, nhất là ở địa bàn nông thôn, chủ động phòng chống “diễn biến hòa bình” và “tự diễn biến”. BCHQS Tỉnh đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, đặc biệt là với các cơ quan tư tưởng-văn hóa, giáo dục-đào tạo, các phương tiện truyền thông đại chúng như truyền hình, đài phát thanh, báo chí của Trung ương và địa phương để tiến hành có nền nếp, chất lượng công tác tuyên truyền giáo dục, phổ biến kiến thức, phục vụ cho nhiệm vụ phát triển KT-XH gắn với củng cố, tăng cường quốc phòng-an ninh. Tổ chức các tổ, đội công tác phối hợp cùng các cơ quan, ban, ngành xuống cơ sở nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng của dân, đẩy mạnh phát huy dân chủ ở cơ sở; củng cố hệ thống chính trị, bồi dưỡng nâng cao phẩm chất, trình độ năng lực cho đội ngũ cán bộ. Tích cực giúp cơ sở củng cố, nâng cao chất lượng lực lượng dân quân, tự vệ, nhất là chất lượng chính trị, bảo đảm lực lượng này thực sự làm nòng cốt cùng lực lượng công an bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở từng cơ sở.
Chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền và triển khai thực hiện có hiệu quả việc kết hợp kinh tế với quốc phòng, tăng cường tiềm lực hậu cần nhân dân, hậu cần địa phương. Rõ nét nhất là trên cơ sở đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, hằng năm Tỉnh đều có kế hoạch dự trữ một lượng lương thực, thực phẩm cần thiết bảo đảm cho LLVT địa phương và của cấp trên hoạt động trong các tình huống phức tạp. Tỉnh, huyện và các cơ sở đã đầu tư nhiều công sức, tiền của để kiên cố hóa gần 500km kênh mương cấp 1+2, trồng được trên 7.000ha rừng ngập mặn ven biển, kiên cố hóa trên 200km đê sông, đê biển và trồng tre chắn sóng, vừa phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, thủy sản, bảo đảm môi trường, ngăn sóng trong bão lũ, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho LLVT cơ động đánh địch trong các tình huống tác chiến phòng thủ. Trong công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, trên cơ sở quy hoạch, phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề, Tỉnh có phương án sẵn sàng chuyển một phần năng lực sản xuất của các doanh nghiệp sang sản xuất theo yêu cầu quốc phòng khi cần. Hệ thống đường giao thông liên tỉnh, liên huyện, giao thông nông thôn phát triển mạnh mẽ, đã tạo sự liên hoàn trong thế trận phòng thủ của Tỉnh và các tỉnh khác trên địa bàn Quân khu 3. Các phương tiện, trang bị kỹ thuật bảo đảm vận chuyển hàng hóa phục vụ dân sinh và quốc phòng thường xuyên được phúc tra, đăng ký. Bưu chính-Viễn thông phát triển mạnh mẽ theo hướng hiện đại kết hợp với mạng thông tin quân sự, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, phục vụ dân sinh và bảo đảm cho các hoạt động quốc phòng-an ninh. Hệ thống y tế được củng cố, tăng cường cả về trang thiết bị và cơ sở vật chất, hằng năm thực hiện tốt nhiệm vụ khám, chữa bệnh cho nhân dân và LLVT. LLVT Tỉnh còn nhận trách nhiệm triển khai dự án kinh tế-quốc phòng Cồn Vành, góp phần đẩy mạnh nuôi trồng thủy, hải sản, mở mang du lịch sinh thái và tăng cường khả năng phòng thủ trên hướng biển. Những việc làm và kết quả đó đã góp phần quan trọng phát triển KT-XH, tăng cường tiềm lực hậu cần nhân dân, hậu cần địa phương, đáp ứng yêu cầu hoạt động của LLVT trên địa bàn Tỉnh.
LLVT phối hợp với các cơ quan chức năng địa phương thực hiện tốt chính sách thương binh, liệt sĩ, góp phần thực hiện các chính sách xã hội. Trong các cuộc kháng chiến vừa qua, toàn Tỉnh có hơn 51 nghìn liệt sĩ, 32 nghìn thương binh. Số người được hưởng chế độ ưu đãi về chính sách xã hội rất lớn (chiếm 18% dân số), vượt quá khả năng của một tỉnh mà sản xuất nông nghiệp là chủ yếu. Nhưng với đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, những năm qua BCHQS Tỉnh đã chủ động phối hợp với ngành Thương binh-Xã hội tham mưu cho Tỉnh ủy, ủy ban nhân dân Tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện tốt các chính sách xã hội, nhất là chính sách thương binh, liệt sĩ, người có công, chính sách đối với quân nhân xuất ngũ. Đến nay, Tỉnh đã cơ bản giải quyết xong chính sách cho các đối tượng tồn đọng sau chiến tranh với gần 400 quân nhân mất tin, mất tích, giám định thương tật cho gần 1.000 thương binh, giải quyết khen thưởng tồn đọng 11 loại huân chương cho 35.135 trường hợp; sửa chữa nâng cấp 33 nghĩa trang liệt sĩ, 1.800 vỏ mộ liệt sĩ, xây mới và nâng cấp 30 nhà bia ghi tên liệt sĩ. Tỉnh đã phát động nhiều phong trào tương thân tương ái giúp các đối tượng chính sách trong sản xuất, xóa đói giảm nghèo. Các địa phương, các ngành, đơn vị LLVT đã tặng trên 10 nghìn sổ tiết kiệm, xây dựng và sửa chữa trên 1.000 nhà tình nghĩa cho đối tượng chính sách, trên 4.000 nhà tình thương cho hộ nghèo. Đối với quân nhân xuất ngũ, con bộ đội, thương binh, BCHQS Tỉnh đã chỉ đạo các Ban chỉ huy Quân sự huyện, thành phố phối hợp với Trường dạy nghề số 19 Bộ Quốc phòng tuyển chọn quân nhân xuất ngũ, con em các đối tượng chính sách, đào tạo nghề phù hợp với yêu cầu thị trường lao động, đơn vị đặt hàng (thợ hàn, điện nước, may công nghiệp, lái xe ô tô...). Năm 2006, Trường dạy nghề số 19 đã liên kết đào tạo nghề cho 1.603 học sinh, tư vấn giới thiệu việc làm cho 4.500 người, trong đó có 1.994 quân nhân xuất ngũ. Dự kiến năm 2007, Trường sẽ liên kết đào tạo nghề cho khoảng 1.600-1.800 học sinh, trong đó có 400-500 quân nhân xuất ngũ.
Để tiếp tục làm tốt vai trò nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, vấn đề đặt ra đối với LLVT Thái Bình hiện nay là phải tập trung sức nâng cao chất lượng toàn diện, nhất là chất lượng chính trị và bản lĩnh chính trị. Chăm lo xây dựng các tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh, xây dựng Đảng bộ Quân sự Tỉnh có sức chiến đấu cao, gắn với xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện. Quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 51/NQ-TƯ của Bộ Chính trị về tiếp tục hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng, thực hiện chế độ một người chỉ huy gắn với thực hiện chế độ chính ủy, chính trị viên trong quân đội. Củng cố, nâng cao hơn nữa năng lực làm tham mưu của các cơ quan quân sự cho cấp ủy, chính quyền trong thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng ở địa phương. Xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ, đảng viên trẻ luôn có bản lĩnh chính trị vững vàng, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Xây dựng lực lượng dân quân, tự vệ, lực lượng dự bị động viên theo quy định của Pháp lệnh đã ban hành, đáp ứng yêu cầu làm nòng cốt thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng ở cơ sở. Thực hiện tốt việc phối hợp giữa cơ quan quân sự với cơ quan công an, góp phần làm thất bại âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn toàn Tỉnh.
Đại tá Trịnh Duy Huỳnh
Ủy viên  Thường vụ Tỉnh ủy
Chỉ huy trưởng BCHQS Tỉnh
 

Ý kiến bạn đọc (0)