QPTD -Thứ Sáu, 19/08/2011, 21:55 (GMT+7)
Lực lượng vũ trang Quân khu 5 nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm, cứu nạn

Quân khu 5 gồm các tỉnh Nam Trung Bộ, hình thành 3 vùng: biển đảo, đồng bằng ven biển và rừng núi, có bờ biển dài 1077km. Đây cũng là khu vực có thời tiết, khí hậu, thuỷ văn diễn biến phức tạp, nhiều bão lũ nhất so với cả nước. Trung bình mỗi năm trên địa bàn có từ 3-5 đợt bão, lũ, gây hậu quả nghiêm trọng. Năm 2008, xảy ra 5 cơn bão, 8 vụ lốc xoáy, làm chết 86 người, sập đổ 874 nhà, hư hỏng 111 tàu, thuyền, hư hại gần 31 nghìn ha hoa màu... Năm 2009, bão số 9 và số 10 đổ bộ vào Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Khánh Hoà, Kon Tum… làm chết 298 người, sập đổ 14.586 nhà, sạt lở hơn 19 km đường giao thông…, tổng thiệt hại ước tính hàng nghìn tỷ đồng. Bên cạnh đó, tình hình tai nạn trong lao động sản xuất, sự cố tràn dầu trên sông, biển, cháy nổ, cháy rừng, sập đổ công trình, cũng tiềm ẩn nhiều hiểm hoạ, hằng năm gây thiệt hại lớn về người, tài sản, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển kinh tế-xã hội và đời sống của nhân dân trên địa bàn.

Nhận thức rõ tình hình đó, những năm qua, cùng với việc thực hiện tốt nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, lực lượng vũ trang (LLVT) Quân khu 5 hết sức coi trọng công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm, cứu nạn (PCTT,TKCN), góp phần giảm nhẹ hậu quả thiên tai và tai nạn lao động trên địa bàn. Năm 2009, Quân khu đã huy động 10.310 lượt bộ đội, 8.978 lượt dân quân, tự vệ, 464 lượt chiếc xe ô tô, hàng trăm ca nô, xe lội nước… tham gia ứng cứu, di dời được 119.373 người, cứu vớt 3.816 người dân bị cô lập trong lũ lụt, giúp dân thu hoạch 989,25 ha lúa và hoa màu, khắc phục 323 km đường liên thôn, vận chuyển 280,5 tấn gạo, 400 thùng mỳ tôm và nhiều vật dụng hàng cứu trợ tới nhân dân. Trước tình hình bão lụt tại Căm-pu-chia, Bộ Tư lệnh Quân khu chỉ đạo Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Gia Lai phối hợp với Bộ Chỉ huy Biên phòng, Đoàn Không quân B.72, Binh đoàn Tây Nguyên cứu 40 người dân thoát khỏi vùng lũ; tổ chức vận chuyển trên 10 tấn lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, giúp nhân dân huyện O Za Đao ổn định cuộc sống. Mặt khác, LLVT Quân khu còn quyên góp được hàng tỷ đồng hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống sau bão lũ. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, LLVT Quân khu đã thể hiện rõ vai trò là lực lượng nòng cốt, không quản ngại khó khăn, gian khổ, nguy hiểm để cứu giúp nhân dân. Kết quả đó không chỉ góp phần giảm nhẹ thiệt hại về người, vật chất, mà còn khẳng định bản lĩnh chính trị, bản chất cách mạng của LLVT Quân khu, góp phần xây dựng và phát huy truyền thống, mối quan hệ đoàn kết gắn bó quân-dân, xây dựng “thế trận lòng dân” trên địa bàn, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Để có được kết quả đó, trước hết, LLVT Quân khu đã thực hiện tốt việc quán triệt pháp lệnh, quy chế, các chỉ thị, quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu về công tác PCTT,TKCN, phòng chống cháy nổ (PCCN), cháy rừng, ứng cứu sập đổ công trình. Đồng thời, Quân khu kịp thời ban hành các chỉ thị, hướng dẫn, chỉ đạo cơ quan, đơn vị triển khai, tổ chức thực hiện. Trên cơ sở đó, các đơn vị tổ chức tốt việc quán triệt, giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sĩ, làm cho mọi người hiểu rõ đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, là “nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình của LLVT”. Đáng chú ý là, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, các đơn vị đã thường xuyên tiến hành có hiệu quả công tác đảng, công tác chính trị, phát huy được vai trò của tổ chức đảng, tổ chức quần chúng, sự gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Mặt khác, LLVT Quân khu còn tích cực phối hợp với địa phương tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức, kiến thức về phòng, chống thiên tai, tai nạn, sự cố môi trường cho quần chúng nhân dân.

Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão (PCLB),TKCN của Quân khu và các địa phương trên địa bàn được thành lập theo quy định và thường xuyên được kiện toàn, tạo thành hệ thống tổ chức chỉ đạo, chỉ huy tương đối hoàn chỉnh. Trong quá trình hoạt động, Ban Chỉ huy PCLB,TKCN các cấp đã thường xuyên theo dõi, dự kiến đúng và nắm chắc tình hình, chủ động tham mưu giúp cấp uỷ, chỉ huy đơn vị và cấp uỷ, chính quyền địa phương chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ. Hằng năm, Ban Chỉ đạo thực hiện có nền nếp chế độ kiểm tra công tác chuẩn bị lực lượng, phương tiện, huấn luyện, sẵn sàng cơ động thực hiện nhiệm vụ của các đơn vị. Năm 2009, Quân khu đã tổ chức khảo sát, kiểm tra công tác PCLB,TKCN, PCCN ở 17 huyện, quận và 21 xã, phường trọng điểm; phối hợp với cảnh sát phòng cháy, chữa cháy kiểm tra công tác PCCN ở các đơn vị kinh tế, khách sạn, nhà khách của Quân khu.

Hiện nay, Quân khu tổ chức một tiểu đoàn công binh kiêm nhiệm công tác TKCN theo quy định của Bộ Quốc phòng. Tiểu đoàn được xây dựng vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, biên chế đủ quân số theo quy định; được trang bị phương tiện tương đối hiện đại, đồng bộ, đáp ứng yêu cầu làm nòng cốt cho LLVT Quân khu thực hiện nhiệm vụ PCTT,TKCN, nhất là trong những tình huống đột xuất, phức tạp xảy ra trên địa bàn. Cùng với việc chỉ đạo các đơn vị bộ đội chủ lực, Quân khu còn quan tâm xây dựng và phát huy vai trò của lực lượng dự bị động viên và dân quân, tự vệ, thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy, lực lượng, vật chất-phương tiện và hậu cần) để xử lý, ứng phó kịp thời với các tình huống xảy ra.

Theo hướng dẫn của Bộ Tổng Tham mưu, Quân khu đã xây dựng và hoàn chỉnh kế hoạch bảo đảm trang bị, phương tiện TKCN đến năm 2015; đồng thời, chủ động triển khai thực hiện kế hoạch mua sắm một số trang bị, phương tiện cứu sập cho Đoàn Công binh H.70; từng bước hiện đại hoá trang bị, phương tiện TKCN của LLVT Quân khu, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao. Bên cạnh đó, Quân khu còn thực hiện tốt công tác tiếp nhận trang bị, phương tiện TKCN do Bộ Quốc phòng cấp; đồng thời, điều chỉnh một số trang bị, phương tiện giữa các đơn vị trong Quân khu cho phù hợp với nhiệm vụ, địa bàn. Cuộc vận động “Quản lý, khai thác vũ khí, trang bị kỹ thuật tốt, bền, an toàn, tiết kiệm và An toàn giao thông” thường xuyên được duy trì; phương tiện, trang bị TKCN được đăng ký, đăng kiểm theo đúng thủ tục quy định, góp phần nâng cao hiệu quả công tác PCTT, TKCN.

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Quân khu luôn chú trọng thực hiện tốt sự phối hợp, hiệp đồng giữa LLVT với các lực lượng khác, nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp trong công tác PCTT,TKCN. Trước mùa mưa bão hằng năm, các đơn vị chủ động phối hợp với địa phương tổ chức trinh sát thực địa, nắm tình hình địa hình, dân cư, dự kiến các tình huống; trên cơ sở đó, bổ sung, hoàn thiện phương án, kế hoạch phù hợp với địa bàn được giao. Cùng với đó, LLVT Quân khu còn duy trì chặt chẽ chế độ trực chỉ huy, trực ban và phân đội trực chiến; chấp hành nghiêm quy định về lượng dự trữ vật chất sẵn sàng cơ động, ứng cứu ở từng cấp. Các đơn vị còn thường xuyên phối hợp với địa phương nắm và quản lý hoạt động của tàu, thuyền trên biển, kết hợp với chủ động theo dõi diễn biến tình hình thời tiết qua các phương tiện thông tin đại chúng để kịp thời thông báo, hướng dẫn tàu, thuyền về nơi trú bão an toàn; đồng thời, sẵn sàng ứng cứu các tình huống xảy ra trên biển và đất liền. Điển hình là vụ ứng cứu 12 thuỷ thủ trên tàu của Căm-pu-chia bị chìm trong cơn bão số 11 (năm 2009) của Bộ đội Biên phòng Đà Nẵng.

Thiên tai, tai nạn luôn diễn ra bất thường, đòi hỏi công tác PCTT, TKCN phải hết sức khẩn trương, quyết liệt; do đó, Quân khu hết sức quan tâm chỉ đạo các đơn vị thực hiện tốt công tác chuẩn bị, chủ động trong mọi trường hợp, kể cả khi có tình huống xảy ra ngoài địa bàn được phân công. Đồng thời, từng đơn vị còn chú trọng thực hiện tốt công tác PCLB trong khu vực doanh trại, địa bàn nơi đóng quân. Công tác PCCN, cháy rừng và ứng cứu sập đổ công trình được Quân khu triển khai chặt chẽ, nghiêm túc, với phương châm “phòng ngừa là chính”. Chỉ thị 283/1998/CT-BQP của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Chỉ thị 45/CT-TM của Tổng Tham mưu trưởng về xử lý đạn dược quá hạn được các đơn vị thực hiện nghiêm túc; nhất là quy định về xây dựng vành đai an toàn kho đạn, việc phát quang, thu gom các vật liệu dễ gây cháy, nổ xung quanh doanh trại, kho tàng, nhằm ngăn chặn nguy cơ tự cháy nổ do đạn kém chất lượng hoặc sự cố cháy, nổ do môi trường gây ra. Vũ khí, trang bị, khí tài trong kho, trạm được bố trí, sắp xếp đúng quy định, có đủ các công trình, hệ thống thiết bị, phương tiện PCCN.

Công tác huấn luyện, diễn tập PCTT, TKCN được các đơn vị chấp hành nghiêm túc, thực hiện đầy đủ chương trình, nội dung, thời gian quy định hằng năm; kết hợp chặt chẽ giữa huấn luyện với giáo dục ý thức, trách nhiệm; giữa huấn luyện kỹ thuật để bộ đội sử dụng thuần thục phương tiện, trang bị TKCN với luyện tập, diễn tập theo phương án, kế hoạch, bảo đảm có lệnh là cơ động được trong thời gian nhanh nhất và làm nhiệm vụ đạt hiệu quả cao nhất. Hằng năm, Quân khu tổ chức các khoá tập huấn, bồi dưỡng chuyên sâu về sử dụng phương tiện, trang bị cứu hộ, cứu nạn cho các đơn vị trên địa bàn; năm 2009, gửi 26 đồng chí đi đào tạo về ca nô, máy đẩy ở Trường Trung cấp Hàng hải. Ngành Kỹ thuật Quân khu còn chú trọng huấn luyện nâng cao nghiệp vụ chuyên môn, kỹ thuật và kỹ năng làm việc của người lao động; nhất là, những người trực tiếp tiếp xúc với đạn dược, thuốc phóng, thuốc nổ, những người vận hành, sử dụng máy thiết bị lao động… Đồng thời, thường xuyên luyện tập các phương án, kế hoạch phòng chống, khắc phục hậu quả tai nạn lao động, sự cố môi trường, nhằm hạn chế thấp nhất hậu quả do tai nạn xảy ra. Năm 2008, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Khánh Hoà phối hợp cùng Bệnh viện Quân y 87 diễn tập thực nghiệm cấp cứu bệnh nhân trong cứu nạn; Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Đăk Lăk diễn tập cứu nạn hàng không… Năm 2009, Bộ Chỉ huy Quân sự Thành phố Đà Nẵng đã tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền chỉ đạo quận Cẩm Lệ diễn tập PCLB,TKCN đạt kết quả cao. Bên cạnh đó, các đơn vị còn tích cực tổ chức hội thao, hội thi và tham gia hội thao, hội thi về PCLB, TKCN do LLVT hoặc địa phương, ngành tổ chức. Chấp hành Chỉ thị số 28/CT-BTL của Tư lệnh Quân khu về tổ chức hội thao PCLB,TKCN, nhiều địa phương, đơn vị đã tổ chức đạt kết quả tốt, như: Quảng Nam, Bình Định, Công ty Vạn Tường,…; tổ chức thi cấp Quân khu có 33 đơn vị và hơn 800 cán bộ, chiến sĩ tham gia, đạt hiệu quả thiết thực.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đã đạt được, công tác PCTT, TKCN, PCCN của Quân khu vẫn còn có mặt hạn chế và khó khăn. Ban Chỉ huy PCLB,TKCN ở một số địa phương hoạt động hiệu quả chưa cao; việc triển khai chuẩn bị theo hướng “4 tại chỗ” chưa tốt; phương tiện, trang bị (nhất là phương tiện ứng cứu trên biển) chưa đáp ứng yêu cầu; việc phối hợp, điều hành giữa đơn vị và địa phương khi xử lý tình huống xảy ra còn lúng túng; công tác tuyên truyền, giáo dục chưa sâu, rộng, một bộ phận nhân dân còn chủ quan...

Nhận thức rõ những khó khăn, hạn chế còn tồn tại, thời gian tới, LLVT Quân khu 5 tiếp tục đẩy mạnh đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác PCTT, TKCN, hoàn thành tốt chức năng của một “đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân lao động sản xuất”, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đẩy mạnh công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN trong tình hình mới.

Đại tá KHÚC NGỌC PHƯƠNG

Phó Tham mưu trưởng Quân khu

 

Ý kiến bạn đọc (0)