QPTD -Chủ Nhật, 04/12/2011, 03:02 (GMT+7)
Lực lượng vũ trang Quân khu 4 làm tốt công tác giúp dân phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai
Quân khu (QK) 4 là địa bàn có địa hình phức tạp và thời tiết diễn biến khó lường. Những năm gần đây, trước sự biến đổi của khí hậu toàn cầu, thảm họa do thiên tai gây ra đối với miền Trung có chiều hướng gia tăng cả về số lượng cũng như sức tàn phá. Đặc biệt, từ đầu năm 2007, liên tục các cơn bão, nhất là bão số 2 và số 5 đã tàn phá nặng nề, để lại hậu quả nghiêm trọng cho tất cả các địa phương  thuộc QK.

Đứng chân làm nhiệm vụ trên địa bàn, lực lượng vũ trang (LLVT) QK 4 ý thức sâu sắc rằng, cùng với việc thực hiện tốt vai trò, chức năng là lực lượng nòng cốt trong xây dựng khu vực phòng thủ, xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững chắc trên địa bàn, các đơn vị của QK phải có trách nhiệm lớn trong giúp dân phòng, chống, khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra. Đây vừa là nhiệm vụ, vừa là chức năng của LLVT trong thời bình; đồng thời, qua đó cũng thể hiện rõ bản chất, truyền thống tốt đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ”, luôn gắn bó với nhân dân, “từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu”, sẵn sàng xả thân vì cuộc sống bình yên của nhân dân.

Quán triệt tinh thần đó, trong những năm qua, Đảng uỷ, Bộ Tư lệnh QK 4 luôn coi trọng lãnh đạo, chỉ đạo các địa phương, đơn vị tiến hành công tác dân vận, giúp dân chủ động đối phó với những diễn biến phức tạp, bất thường của thời tiết, vượt qua khó khăn, ổn định đời sống. Thường vụ Đảng uỷ QK có nghị quyết lãnh đạo công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, trong đó nhấn mạnh yêu cầu các đơn vị phải coi đây là nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình; lãnh đạo, chỉ huy, cán bộ, chiến sĩ tuyệt đối không lơ là, mất cảnh giác, bảo đảm chủ động, kịp thời; mọi công tác chuẩn bị, triển khai đều phải được tổ chức chặt chẽ, chu đáo, chuẩn bị kỹ cả về tư tưởng, tổ chức, vật tư, tài chính. Đặc biệt, phải xây dựng cho cán bộ, chiến sĩ tinh thần quyết tâm, sẵn sàng hy sinh, quên mình để cứu người, cứu tài sản của nhân dân. Bộ Tư lệnh QK đã thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt, bão; phân công nhiệm vụ cho các đơn vị cụ thể, rõ địa bàn, phạm vi đảm nhiệm cùng yêu cầu về lực lượng, phương tiện - kỹ thuật, hậu cần và cơ sở vật chất bảo đảm khác. Các đơn vị chủ động xây dựng kế hoạch, làm công tác hiệp đồng với địa phương; cùng với cấp uỷ, chính quyền địa phương rà soát các tuyến đê, hồ chứa nước; xác định vị trí xung yếu để có phương án phối hợp phòng, chống và khắc phục kịp thời; dự kiến một số tình huống và luyện tập các tình huống đó theo tinh thần 4 tại chỗ (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, bảo đảm hậu cần - kỹ thuật tại chỗ và phương tiện tại chỗ), tránh bị động, bất ngờ. Tiến hành rà soát các điểm tập kết, các phương án di dời dân khi bão, lũ xảy ra, đảm bảo tính mạng và tài sản của nhân dân. Hằng năm, LLVT QK phối hợp với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và nhân dân các địa phương tiến hành diễn tập các phương án phòng, chống thiên tai. Năm 2006, QK tổ chức diễn tập, có cả lực lượng của Bộ tham gia. Qua diễn tập, các địa phương, đơn vị có bước điều chỉnh về các phương án và tăng tính thực sự, thực tế. Nhờ đó, khi bão, lũ xuất hiện, LLVT QK cùng cấp uỷ, chính quyền và nhân dân các địa phương đã chủ động phối hợp chặt chẽ, vì vậy, hạn chế nhiều thiệt hại về người và tài sản.
Để xây dựng ý thức chủ động phòng, chống thiên tai trong nhân dân, LLVT QK đã phối hợp cùng cấp uỷ, chính quyền, các ban, ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động nhân dân, quán triệt tốt mọi chủ trương, biện pháp trong phòng, chống thiên tai, xây dựng ý thức tự bảo vệ người và tài sản trước mùa mưa, lũ. Cái khó nhất trong công tác tuyên truyền, vận động là phải làm sao khắc phục được tính chủ quan với bão, lũ của nhân dân nhiều địa phương. Mặc dù các phương tiện thông tin đại chúng đã thông báo rộng rãi đến với nhân dân, kể cả vùng sâu, vùng xa; nhưng khi xảy ra bão, lũ, cấp uỷ, chính quyền, lãnh đạo đoàn thể và nhân dân một vài nơi vẫn bị bất ngờ, lúng túng. Đối với đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng cao, vùng sâu, thói quen đốt nương làm rẫy, chặt phá rừng tuỳ tiện vẫn xảy ra, làm tăng thêm nguy cơ cháy rừng và lũ quét, lũ ống. Để khắc phục điều đó, các đơn vị của QK đã quán triệt tinh thần bám dân, bám cơ sở, kiên trì thuyết phục, làm cho nhân dân thấy rõ tác hại của sự chủ quan, mất cảnh giác và hậu quả nghiêm trọng do thiên tai gây ra; đồng thời, hướng dẫn nhân dân thực hiện các phương án di dời, gia cố nhà cửa, công trình sản xuất, bảo vệ cây cối, hoa màu... khi có tình huống đột xuất xảy ra. Các đội công tác cơ sở của QK, một mặt, trực tiếp đến từng thôn, bản, gặp gỡ nhân dân để tuyên truyền, vận động; mặt khác, tích cực tranh thủ những người có uy tín trong đồng bào (già làng, trưởng bản, lão thành cách mạng, người có uy tín trong dòng họ, cựu chiến binh...) để làm công tác vận động. Lực lượng dân quân, tự vệ cũng được huy động tham gia công tác tuyên truyền, thuyết phục, nhất là đối với gia đình, anh em, họ hàng để làm gương đối với người khác. Một số đơn vị còn in tờ rơi, phát đến từng hộ gia đình để tuyên truyền, thuyết phục. Bằng nhiều cách làm đó, nhận thức và tính chủ động phòng, chống thiên tai của nhân dân các địa phương đã có chuyển biến tích cực; số hộ du canh, du cư đã giảm nhiều; tình hình chặt phá rừng, đốt nương làm rẫy được hạn chế. 
Tuy nhiên, thảm họa do thiên nhiên gây nên luôn là khó lường. Do đó, bên cạnh việc tuyên truyền, giáo dục, giúp dân sẵn sàng đối phó với thiên tai, cán bộ, chiến sĩ các đơn vị trong QK đã chủ động triển khai các phương án phù hợp, trực tiếp giúp dân đối phó khi thiên tai ập đến một cách có hiệu quả. Khi xảy ra thiên tai, ngoài duy trì sở chỉ huy thường xuyên, QK còn lập sở chỉ huy và tổ chức lực lượng, phương tiện trên từng hướng để kịp thời phối hợp với cấp uỷ, chính quyền địa phương chỉ huy tại chỗ các lực lượng ứng phó với những diễn biến nhanh chóng của thời tiết, nhằm giảm thiệt hại đến mức thấp nhất. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, cán bộ, chiến sĩ LLVT QK luôn thực hiện phương châm: “3 bám” (bám dân, bám địa bàn, bám trọng điểm) và “5 cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng bàn, cùng phòng chống và cùng khắc phục hậu quả thiên tai) với cán bộ và nhân dân các địa phương; phát huy truyền thống và phẩm chất của “Bộ đội Cụ Hồ” trong thời bình. Khi xảy ra các trận bão, lụt đe dọa đến tính mạng, tài sản của nhân dân, hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ đã nhanh chóng cơ động lực lượng, phương tiện, không quản ngày, đêm, mưa, gió, giúp dân chằng chống nhà cửa, gia cố đê điều, hồ đập, di chuyển người và tài sản đến nơi an toàn. Lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị bám sát địa bàn, trăn trở tìm cách giúp dân bảo vệ tính mạng và tài sản... trước khi bão lũ ập đến. Cán bộ, chiến sĩ dầm mình trong mưa, vật lộn với gió, bão cứu người, cứu tài sản; coi nhân dân như người thân của chính mình. Khi thiên tai qua đi, họ chính là những người cuối cùng ở lại với dân, cùng với dân khắc phục thiệt hại, vệ sinh môi trường, ổn định đời sống.
Mặc dù còn khó khăn nhiều mặt, nhưng với truyền thống “đồng cam cộng khổ”, “chia ngọt sẻ bùi”, các đơn vị trong QK đã huy động được khối lượng lớn vật tư, công sức để giúp nhân dân các vùng bị thiên tai giảm bớt khó khăn. Chỉ riêng năm 2007, QK đã huy động hàng chục nghìn lượt bộ đội và dân quân, tự vệ tham gia giúp dân phòng, chống bão, lũ; hàng trăm xe tải, xe chỉ huy; hàng chục xuồng cao tốc, ca nô; hàng chục ngàn phao cứu sinh; mấy chục tấn mì tôm, lương khô và gạo; nhiều cơ số thuốc chữa bệnh và hàng trăm triệu đồng giúp nhân dân đối phó với bão, lũ, không để dân đói, rét và dịch bệnh xảy ra và vượt qua khó khăn, sớm ổn định đời sống. Các đơn vị đã phối hợp với địa phương di dời, cứu giúp hàng trăm nghìn hộ dân trong lũ; vận chuyển hàng ngàn tấn lương thực, thực phẩm, gia súc, gia cầm về nơi an toàn; dựng được hàng ngàn ngôi nhà bị sập, tốc mái; khắc phục kịp thời sự cố của nhiều tuyến đê, đập; vệ sinh, tu sửa hàng chục trường học, trụ sở ủy ban nhân dân, điểm bưu điện - văn hóa xã; phát được hàng nghìn mét vuông cây tạo vành đai cản lửa, phòng, chống cháy rừng; thu gom hơn 30 tấn dầu tràn... Trong thử thách cam go đã xuất hiện nhiều gương tập thể và cá nhân điển hình, tiêu biểu cho chủ nghĩa anh hùng cách mạng, như tấm gương hy sinh quên mình cứu dân của Thượng uý, Liệt sĩ Phạm Hữu Huyên...; góp phần làm cho tình quân dân giữa LLVT QK với nhân dân địa phương càng thêm bền chặt, hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” thêm toả sáng. Đây là cơ sở vững chắc để LLVT QK thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước, nhân dân tin tưởng giao cho trong thời kỳ mới.
Hiện nay, tình hình thiên tai xảy ra trên địa bàn cả nước nói chung và QK 4 nói riêng vẫn diễn biến hết sức phức tạp. Sự thất thường và sức tàn phá có chiều hướng gia tăng của các hiện tượng thiên nhiên đòi hỏi các đơn vị LLVT QK phải tiếp tục tăng cường hơn nữa công tác giáo dục, tuyên truyền để cán bộ, chiến sĩ, các ngành, các cấp nhận thức đúng đắn hơn vai trò, trách nhiệm trong giúp dân phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai. Lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị và ngành Dân vận của QK cần quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng về công tác dân vận; tích cực triển khai đồng bộ các biện pháp giúp nhân dân đối phó có hiệu quả với những hiểm họa do thiên nhiên gây ra. Cán bộ, chiến sĩ các đơn vị cần tiếp tục chủ động bám dân, bám địa bàn, có những việc làm kịp thời, thiết thực. Để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác dân vận, giúp dân vượt qua mọi khó khăn, chiến thắng thiên tai, ổn định đời sống, lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị của QK cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các lực lượng trên địa bàn, tạo sức mạnh tổng hợp trong thực hiện nhiệm vụ. Đồng thời, phải tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, rút kinh nghiệm để kịp thời có sự điều chỉnh, bổ sung các biện pháp tiến hành công tác dân vận nhằm mang lại kết quả cao hơn...
Nhằm tạo điều kiện để LLVT QK triển khai có hiệu quả các biện pháp giúp dân phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, rất cần sự hỗ trợ nhiều hơn của Chính phủ và Bộ Quốc phòng cho QK về vật chất, tài chính cùng các phương tiện, nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống thiên tai xảy ra. Với sự hỗ trợ tích cực của trên, cộng với tinh thần trách nhiệm cao của cán bộ, chiến sĩ, LLVT QK 4 nhất định sẽ không phụ lòng tin tưởng của Đảng, Nhà nước và nhân dân, hoàn thành chức năng của “đội quân công tác”, xứng đáng là “Bộ đội Cụ Hồ” của dân, vì dân trong thời bình.
Đại tá Trương Đình Quý
Chủ nhiệm Chính trị Quân khu
 

Ý kiến bạn đọc (0)