QPTD -Chủ Nhật, 04/12/2011, 02:54 (GMT+7)
Lực lượng vũ trang nhân dân tham gia xây dựng cơ sở chính trị-xã hội trên vành đai biên giới phía Tây của Tổ quốc*
II- Nội dung, giải pháp chủ yếu và kết quả bước đầu
Gắn bó máu thịt với nhân dân, thường xuyên thực hiện tốt công tác dân vận (CTDV) vốn là một nét đẹp thuộc về bản chất, truyền thống của lực lượng vũ trang (LLVT). Những năm qua, quán triệt các quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về CTDV và xây dựng, phát triển các địa bàn trọng yếu, Đảng ủy Quân sự Trung ương (ĐUQSTƯ) và Bộ Quốc phòng (BQP) đã thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo LLVT tăng cường CTDV, tham gia xây dựng cơ sở chính trị-xã hội (CT-XH) với những yêu cầu, nội dung, phương thức mới, nhằm tạo ra hiệu quả toàn diện, cơ bản, thiết thực hơn. Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ VII và lần thứ VIII đã xác định CTDV, tham gia xây dựng cơ sở CT-XH trên các địa bàn miền núi, biên giới, vùng sâu, vùng xa là một nội dung quan trọng thuộc về nhiệm vụ chính trị thường xuyên của LLVT. Chỉ thị số 137 của ĐUQSTƯ "Về tăng cường CTDV trong tình hình mới" đã xác định những nhiệm vụ, mục tiêu cơ bản là: phát huy truyền thống tốt đẹp về quan hệ "cá nước" quân dân, tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; giúp đỡ nhân dân trong sản xuất và đời sống; thực hiện nghiêm chỉnh lời dạy của Bác Hồ về kỷ luật trong quan hệ với dân; thực hiện toàn quân tham gia xây dựng địa phương, xây dựng cơ sở chính trị vững mạnh nhằm góp phần đẩy mạnh toàn diện sự nghiệp đổi mới.

Quán triệt các quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, của ĐUQSTƯ và BQP; căn cứ vào đặc điểm, chức năng, nhiệm vụ cụ thể của mình, các đơn vị LLVT trên địa bàn biên giới nói chung, trên vành đai biên giới phía Tây nói riêng đều có kế hoạch tổ chức thực hiện CTDV, tham gia xây dựng cơ sở CT-XH một cách cụ thể, thiết thực. Để nâng cao hiệu quả CTDV, các đơn vị đã phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền và các tổ chức, đoàn thể CT-XH trong hệ thống chính trị các cấp. Trên cơ sở các Nghị quyết liên tịch và Chương trình phối hợp hoạt động giữa Quân đội nhân dân Việt Nam với 6 tổ chức, đoàn thể CT-XH cấp Trung ương, cơ quan quân sự các tỉnh, thành phố, huyện trên địa bàn đều ký kết với các tổ chức thành viên tương ứng ở địa phương chương trình phối hợp tổ chức thực hiện CTDV. Các cơ quan, đơn vị quân đội đóng quân nơi đâu cũng đều tổ chức kết nghĩa, xây dựng, thực hiện các quy chế phối hợp công tác với chính quyền, cơ quan, đoàn thể, lực lượng chức năng trên địa bàn để tiến  hành CTDV.

CTDV, tham gia xây dựng cơ sở CT-XH của các LLVT trên địa bàn tập trung góp phần giải quyết những khó khăn, bất cập tích tụ bởi các yếu tố địa lý, lịch sử, xã hội cộng với những phức tạp nảy sinh trong quá trình phát triển của từng địa phương. Hình thức, phương pháp thực hiện cụ thể có thể khác nhau, song mục đích đều thống nhất nhằm góp phần tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nhất là các chính sách về dân tộc, tôn giáo; về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; củng cố QP-AN địa phương; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của đồng bào dân tộc trước các âm mưu, thủ đoạn phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc của các thế lực thù địch; củng cố các tổ chức, đoàn thể trong hệ thống chính trị cơ sở; củng cố thế trận QP-AN cơ sở và tích cực giúp dân xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; phòng chống và khắc phục thiên tai...
Các LLVT tham gia xây dựng cơ sở CT-XH trên địa bàn biên giới nói chung, trên vành đai biên giới phía Tây nói riêng chủ yếu bao gồm: bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, bộ đội biên phòng, dân quân, tự vệ và các đơn vị quân đội làm nhiệm vụ kinh tế-quốc phòng (KT-QP). Trong thực hiện CTDV, các LLVT trên địa bàn đã chú trọng kết hợp, phát huy các phương thức dân vận truyền thống với các phương thức mới. Một số phương thức mới đã có hiệu quả tốt là: kết hợp giữa hành quân huấn luyện dã ngoại với làm CTDV; tổ chức các tổ, đội công tác tăng cường cơ sở; tổ chức các khu KT-QP trên các địa bàn trọng yếu; đối với Bộ đội Biên phòng còn là tăng cường phối hợp với lực lượng chức năng của 2 nước bạn Lào và Cam-pu-chia cùng xây dựng địa bàn biên giới hòa bình, ổn định, phát triển.
Từ năm 2000, thực hiện Chỉ thị 773 của BQP, các đơn vị quân đội trên địa bàn đều tổ chức hành quân dã ngoại làm CTDV. Hình thức hành quân dã ngoại làm CTDV thường được tổ chức ở cấp đại đội, tiểu đoàn. Thời gian thực hiện hằng năm được BQP quy định thống nhất đối với từng lực lượng. Do tập trung lực lượng, chủ động xác định địa bàn, công việc nên hình thức này đã góp phần thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ kinh tế, xã hội nổi lên trong một khoảng thời gian ngắn, trên một địa bàn rộng. Thông qua hoạt động này, các đơn vị đã tham gia thường xuyên, có hiệu quả vào việc hướng dẫn đồng bào trên địa bàn về làm lúa nước, chuyển đổi vật nuôi, cây trồng để tăng giá trị kinh tế, cùng đồng bào cải tạo đường giao thông, làm thủy lợi, phòng chống dịch bệnh; trồng, chăm sóc rừng, phá bỏ cây thuốc phiện; tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động đồng bào thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; tổ chức các hoạt động văn hóa, tinh thần...
Ngày 16 tháng 9 năm 2002, Bộ trưởng BQP ra Chỉ thị số 123 Về việc củng cố, kiện toàn tổ chức và hoạt động của các tổ, đội công tác tăng cường cho các cơ sở trên địa bàn trọng yếu. Đây là một chủ trương đúng đắn, có ý nghĩa rất thiết thực đối với sự ổn định và phát triển của địa bàn vành đai biên giới phía Tây; là sự đổi mới, làm phong phú thêm nội dung, hình thức thực hiện chức năng đội quân công tác của quân đội. Thực hiện quyết định trên, các đơn vị trên địa bàn đã có nghị quyết, chỉ thị lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện; phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương khảo sát địa bàn, thống nhất quy chế hoạt động; tổ chức 224 đội công tác, tăng cường về hoạt động ở 245 xã trọng điểm, thuộc 114 huyện của 29 tỉnh, thành phố. Địa bàn hoạt động của các đội công tác hầu hết là các buôn, làng đặc biệt khó khăn, điều kiện kinh tế, văn hóa còn thấp kém, tập tục sản xuất, sinh hoạt lạc hậu, hiệu quả hoạt động của các tổ chức, đoàn thể CT-XH còn nhiều bất cập. Lợi dụng những khó khăn, bất cập đó, các phần tử thù địch đã len lỏi hoạt động, xuyên tạc, kích động, nhằm gây mất ổn định về an ninh CT-XH. Cán bộ, chiến sĩ các đội công tác tăng cường cho cơ sở đã phát huy phẩm chất, bản chất, truyền thống "Bộ đội Cụ Hồ", thực hiện 4 cùng (cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc) với đồng bào ở các buôn làng nơi đến công tác để làm CTDV. Trong tuyên truyền, vận động nhân dân, các đội công tác đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền và phối hợp với các cơ quan, đoàn thể, lực lượng trên địa bàn tập trung quán triệt, nâng cao ý thức cảnh giác trước những âm mưu, thủ đoạn kích động, lôi kéo đồng bào dân tộc thiểu số tham gia bạo loạn, vượt biên trái phép, di dịch cư tự do; vạch rõ bản chất, âm mưu, thủ đoạn của các tổ chức phản động như Phun-rô, "Nhà nước Đề Ga", "Tin lành Đề Ga" ở Tây Nguyên; "Vương quốc người Mông tự trị" ở Tây Bắc và tuyến biên giới Việt - Lào; "Nhà nước Khơ me Crôm" ở Tây Nam bộ. Các đội công tác dọc tuyến biên giới phía Tây đã tuyên truyền, vận động hàng ngàn hộ đồng bào không theo đạo trái phép, không di dịch cư tự do. LLVT làm CTDV trên địa bàn phía Tây Quân khu 4 đã vận động đồng bào các dân tộc thực hiện tốt việc: không chứa chấp, tiếp tay cho người vượt biên trái phép; không bán hàng hóa, lương thực cho các đối tượng thuộc vùng phỉ bên kia biên giới. Các đội công tác trên địa bàn Tây Nguyên đã thuyết phục hàng trăm hộ đồng bào không nghe theo kẻ xấu lôi kéo, ép buộc tham gia cuộc biểu tình, bạo loạn tháng 4 năm 2004; vận động, cảm hóa 253 đối tượng từng theo tổ chức phản động Phun rô trở về sống lương thiện với gia đình. Các đội công tác trên địa bàn Quân khu 9 đã vận động có hiệu quả các tín đồ Phật giáo Hòa Hảo, đồng bào dân tộc Khơ me không nghe và làm theo các thủ đoạn kích động, chia rẽ của các phần tử tôn giáo phản động, dân tộc cực đoan, thù địch.
Gắn bó trực tiếp, thường xuyên với cấp ủy, chính quyền và nhân dân ở cơ sở, các đội công tác của LLVT đã có nhiều giải pháp thiết thực để củng cố, kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức đảng, chính quyền và các tổ chức quần chúng; kịp thời giải quyết những vấn đề bức xúc, tồn đọng của cơ sở. Hoạt động của các đội công tác đã chú trọng vào việc bồi dưỡng, phát triển đội ngũ cán bộ, đảng viên là người dân tộc thiểu số địa phương và đội ngũ cán bộ thôn, bản; tập trung vào các địa bàn cơ sở mà hệ thống chính trị còn yếu kém, những địa bàn hiện đang gặp nhiều khó khăn, phức tạp, những thôn, bản "trắng" đảng viên. Tính đến giữa năm 2006, các đội công tác của LLVT đã phối hợp củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động cho 1865 tổ chức đảng, 1805 tổ chức chính quyền, 3144 tổ chức đoàn thể quần chúng trên địa bàn công tác; xóa tình trạng "trắng" đảng viên ở 164 thôn, bản. Các đội công tác cơ sở đã tham gia tích cực cùng địa phương triển khai các chương trình xóa đói, giảm nghèo, phát triển KT-XH, xây dựng cơ sở hạ tầng, thực hiện các chính sách xã hội. Nhiều đội công tác đã tổ chức làm điểm, làm mẫu về kỹ thuật canh tác, chăn nuôi cho đồng bào địa phương học tập. Các đội công tác của Quân khu 2 đã hướng dẫn đồng bào trồng 320 ha ngô lai cao sản, 60 ha thảo quả; các đội công tác của Quân khu 5, Binh đoàn Tây Nguyên thực hiện hướng dẫn đồng bào làm mô hình kinh tế VAC; các đội công tác của Quân khu 9 hướng dẫn đồng bào nuôi trồng nấm rơm, chăn nuôi bò thịt, trồng rừng... Trong 3 năm đầu hoạt động, các đội công tác cơ sở của LLVT đã trực tiếp hướng dẫn giúp 12.617 hộ dân xóa đói, giảm nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn hoạt động của các đội công tác của Binh đoàn Tây Nguyên đã giảm từ 5 đến 7%. Đã có hơn 5 vạn lượt đồng bào các dân tộc được khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí. Các đội công tác còn tham gia phổ cập giáo dục, xóa mù chữ cho hơn 1,2 vạn con em đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn...
Các đơn vị làm nhiệm vụ KT-QP có vai trò rất quan trọng trong tham gia xây dựng cơ sở CT-XH trên vành đai biên giới phía Tây Tổ quốc. Tháng 2 năm 1985, Chính phủ đã quyết định thành lập Binh đoàn 15, thực hiện nhiệm vụ KT-QP trên địa bàn Tây Nguyên. Năm 1998, một số khu KT-QP lần lượt được tổ chức và đi vào hoạt động theo tinh thần Nghị quyết số 150 của ĐUQSTƯ. Sau đó, theo yêu cầu phát triển của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới, ngày 31 tháng 3 năm 2000, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định phê duyệt Đề án tổng thể quân đội tham gia xây dựng, phát triển KT-XH các xã đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa gắn với xây dựng các khu QP-AN trên địa bàn chiến lược, mở ra một phương thức mới để LLVT tăng cường tham gia xây dựng cơ sở CT-XH trên các địa bàn trọng yếu của đất nước. Tính đến hết 2003, quân đội đã tổ chức được 17 khu KT-QP, phần lớn các khu KT-QP đó nằm trên địa bàn vành đai biên giới phía Tây. Các khu KT-QP có ý nghĩa kinh tế, chính trị, xã hội, QP-AN hết sức quan trọng đối với các địa bàn chiến lược nói riêng, đối với yêu cầu ổn định và phát triển của cả nước nói chung. Trong các khu KT-QP, quân đội có vai trò nòng cốt trong tổ chức dân cư, tổ chức sản xuất, tạo dựng tiềm lực và thế trận KT-QP. Gắn chặt với địa bàn dân cư, các khu KT-QP còn tham gia tích cực vào việc tăng cường QP-AN, phát triển KT-XH; xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng hệ thống chính trị trên địa bàn. ở các khu KT-QP, điều kiện sản xuất, sinh sống rất khó khăn, khí hậu khắc nghiệt, mật độ dân cư thưa, có nơi ban đầu không có dân sinh sống. Thông qua gây dựng cơ sở hạ tầng đảm bảo đời sống và sản xuất, tăng cường vận động đồng bào các dân tộc trên địa bàn và tổ chức đón nhận đồng bào từ một số địa phương khác trong cả nước theo dự án di dân của Nhà nước vào lập nghiệp, các đơn vị KT-QP đã tạo lập nên nhiều khu dân cư tập trung. Sự ra đời của các khu dân cư mới là tiền đề cho việc phát triển sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng, tổ chức các hoạt động chính trị, văn hóa, xã hội, QP-AN trên những địa bàn chiến lược mà nhiều năm trước còn trong tình trạng hoang sơ. Từ năm 1992 đến hết năm 2003, các khu KT-QP của quân đội đã đỡ đầu, đón nhận được 72.203 hộ dân. Riêng trong năm 2002, Binh đoàn 16 đã đón nhận 600 hộ dân thuộc tỉnh Bến Tre đến sinh sống ổn định tại khu vực Ea súp (Đắc Lắc); 296 hộ đồng bào dân Mông di cư tự do vào sản xuất, định cư trong vùng dự án của Binh đoàn... Hơn 22 năm thực hiện nhiệm vụ KT-QP dọc theo hơn 300 cây số thuộc tuyến biên giới tiếp giáp với 2 nước bạn Lào và Cam-pu-chia, thực hiện phương châm "Vườn cây phát triển tới đâu, xây dựng cụm điểm dân cư đến đó" và "Binh đoàn gắn với tỉnh, huyện; công ty gắn với huyện, xã; đội sản xuất gắn với buôn, làng"; Binh đoàn 15 đã góp phần rất tích cực về phát triển KT-XH, ổn định chính trị, QP-AN trên địa bàn. Binh đoàn đã khai hoang trồng hơn 2,6 vạn ha cây cao su, cà phê; vận động, tổ chức cho 9.471 hộ với hơn 13.000 lao động vào sinh sống, làm việc; trong số đó có 4.280 lao động là đồng bào dân tộc tại chỗ. Tạo việc làm ổn định, có thu nhập theo kết quả lao động; được cấp đất, hướng dẫn kỹ thuật và hỗ trợ giống, vốn để làm kinh tế vườn hộ là cách thức cơ bản mà các đơn vị KT-QP đã thực hiện có hiệu quả để tham gia xóa đói, giảm nghèo đối với đồng bào các dân tộc trên địa bàn.
Các khu KT-QP không những làm chỗ dựa cho nhân dân trên địa bàn về đẩy mạnh sản xuất, cải thiện đời sống mà còn là chỗ dựa cho chính quyền địa phương về an ninh chính trị. Các khu KT-QP: Mường Chà, Sông Mã, Kỳ Sơn, Binh đoàn 15, Binh đoàn 16... đã có nhiều giải pháp tốt trong vận động quần chúng xây dựng địa bàn vững mạnh về QP-AN. Trong vụ bạo loạn chính trị đầu năm 2001 ở Tây Nguyên, toàn bộ 4.030 hộ đồng bào dân tộc vào làm việc trong Binh đoàn 15 và 104 buôn, làng thuộc vùng dự án của Binh đoàn đã không có ai nghe theo sự kích động, lôi kéo của kẻ xấu.
Tăng cường, đổi mới CTDV, tham gia xây dựng cơ sở CT-XH là một nhiệm vụ quan trọng của hệ thống chính trị và của toàn quân, toàn dân ta trong giai đoạn hiện nay. Với tình cảm biết ơn sâu sắc đối với sự quan tâm của Đảng, sự giúp đỡ, đùm bọc của nhân dân, LLVT đã tổ chức thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ đó với những nội dung, phương thức mới. Những kết quả tích cực cũng như hạn chế, bất cập trong thực hiện CTDV, tham gia xây dựng cơ sở CT-XH của LLVT trong cả nước nói chung, trên địa bàn vành đai biên giới phía Tây của Tổ quốc nói riêng trong những năm qua là cơ sở thực tế; đồng thời, là kinh nghiệm quý báu để LLVT tiếp tục tăng cường thực hiện công tác này toàn diện, có hiệu quả hơn.
Khắc Thường - Học Từ - Minh Sơn
* Xem: Tạp chí Quốc phòng toàn dân, số 11-2007.
(Số sau: III. ý nghĩa, bài học kinh nghiệm và phương hướng tiếp theo)
 

Ý kiến bạn đọc (0)