QPTD -Chủ Nhật, 04/12/2011, 22:57 (GMT+7)
Lực lượng vũ trang Kon Tum tham gia công tác dân vận ở vùng dân tộc thiểu số, tôn giáo
Kon Tum là một tỉnh vùng cao, nằm ở cực bắc Tây Nguyên, diện tích tự nhiên gần 10 nghìn km2, dân số 36,5 vạn người, bao gồm 27 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó 50,7% là người các dân tộc thiểu số. Tỉnh cũng được coi là thủ phủ của tôn giáo trên miền Tây Nguyên, hiện đang tồn tại 4 tôn giáo chính, với 151.253 giáo dân, chiếm 40,7% dân số; trong đó: Thiên chúa giáo chiếm 30%; Phật giáo: 7,5%; Tin lành: 3,1%; Cao đài 0,1%. Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, những năm qua Kon Tum đã đạt nhiều thành tựu vững chắc trên các lĩnh vực. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi của một vùng đất giàu tiềm năng và truyền thống cách mạng, quá trình triển khai thực hiện các mục tiêu kinh tế-xã hội (KT-XH) và quốc phòng-an ninh (QP-AN) của Tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, phức tạp. Tốc độ phát triển kinh tế chậm, thu nhập bình quân đầu người thấp (khoảng 298 USD/năm); tỷ lệ đói nghèo cao (38,6% theo tiêu chí mới); sự chênh lệch trình độ hiểu biết xã hội, văn hóa cũng như đời sống kinh tế giữa các vùng còn lớn; phong tục, tập quán nhiều vùng còn lạc hậu. Gần đây, các đạo giáo trên địa bàn hoạt động mạnh và có chiều hướng gia tăng về số lượng tín đồ, nhất là ở những xã vùng sâu, vùng xa, vùng có đồng bào dân tộc thiểu số. Trong khi đó, năng lực hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở của Tỉnh chưa đồng đều; một số xã còn yếu kém, nắm bắt tình hình trong nhân dân chưa kịp thời, chưa giải quyết thấu đáo, có lý, có tình những bức xúc trong nội bộ nhân dân theo đúng phương châm của Đảng. Lợi dụng những khó khăn, yếu kém trên các mặt, bọn phản động trên địa bàn ra sức cấu kết với các thế lực bên ngoài đẩy mạnh thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ; chúng núp dưới các chiêu bài “dân tộc”, “tôn giáo”, “dân chủ”, “nhân quyền” để tuyên truyền tư tưởng ly khai, đòi thành lập “Nhà nước Đề-ga độc lập”, kích động, cưỡng ép một số người dân tộc thiểu số nhẹ dạ cả tin vượt biên trái pháp luật, chia rẽ khối đại đoàn kết các dân tộc, tôn giáo, phá hoại sự ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội ở địa phương.

Do đó, thực hiện tốt công tác dân vận nhằm không ngừng phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc vào sự nghiệp đổi mới là một trong những nhiệm vụ vừa mang tính cơ bản, lâu dài, vừa là đòi hỏi cấp bách, trước mắt của tất cả các cấp, các ngành, các lực lượng trên địa bàn Kon Tum.

Là một bộ phận trong hệ thống chính trị của Tỉnh – LLVT Kon Tum luôn nhận thức rõ vị trí, chức năng, nhiệm vụ của mình là công cụ sắc bén bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền và nhân dân, đồng thời cũng là một lực lượng quan trọng tham gia thực hiện công tác dân vận. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu, cũng như sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành kịp thời của cấp ủy, chính quyền các cấp của Tỉnh, cán bộ, chiến sĩ LLVT Tỉnh đã phát huy bản chất, truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ” của dân, do dân và vì dân, tích cực tham gia công tác dân vận, đạt nhiều thành tích đáng phấn khởi, thiết thực góp phần củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc trên địa bàn, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai thực hiện có hiệu quả các mục tiêu KT-XH của địa phương.
Nét nổi bật trong công tác dân vận của LLVT Tỉnh là, đã thường xuyên tham gia làm tốt công tác tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc, các tôn giáo chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tích cực lao động, sản xuất, phát triển KT-XH, đẩy lùi đói nghèo, bệnh tật, xây dựng đời sống văn hóa tốt đẹp, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương. Trên cơ sở thực hiện chương trình phối hợp hành động với 6 tổ chức đoàn thể, hằng năm LLVT Tỉnh đã thường xuyên liên hệ với các địa phương tổ chức nhiều buổi tuyên truyền, nói chuyện với nhân dân, giúp nhân dân hiểu được những thành tựu của công cuộc đổi mới đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng; nhận thức đúng đắn quan điểm, chính sách của Đảng, Nhà nước ta về vấn đề dân tộc, tôn giáo; về việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, về quyền và nghĩa vụ công dân; phân biệt rõ giữa tôn giáo với tà giáo, từ đó nhận rõ bộ mặt thật của Tin lành Đề-ga và một số tổ chức khác đội lốt tôn giáo, lợi dụng niềm tin tôn giáo và sự nhẹ dạ của một bộ phận đồng bào, hoạt động theo ý đồ chính trị của các thế lực phản động từ bên ngoài, hòng phá hoại chính sách đại đoàn kết dân tộc của Đảng, gây mất ổn định ở cơ sở. Để công tác tuyên truyền dễ thấm sâu vào quần chúng, các đơn vị đã tổ chức nhiều hình thức hoạt động phong phú, đa dạng như: tổ chức thăm hỏi, động viên những gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh khó khăn; giao lưu văn hóa, văn nghệ giữa bộ đội với nhân dân; kết nghĩa giữa từng đại đội, cơ quan quân sự với nhà trường, chi đoàn địa phương. Chấp hành Chỉ thị 773/CT-QP của Bộ Quốc phòng về đẩy mạnh công tác dân vận của dân quân, tự vệ trong tình hình mới, cơ quan quân sự các cấp đã chỉ đạo lực lượng dân quân, tự vệ các địa phương tích cực tham gia công tác tuyên truyền, vận động quần chúng, trực tiếp làm công tác tư tưởng ngay từ trong mỗi gia đình, bà con họ hàng đến làng xóm, khu dân cư, góp phần giải quyết kịp thời những bức xúc trong nhân dân từ cơ sở, đồng thời ngăn chặn có hiệu quả hoạt động tuyên truyền, kích động, lôi kéo vượt biên trái pháp luật của những phần tử xấu.
Thấm nhuần sâu sắc tư tưởng của Bác Hồ: muốn cho dân tin thì cán bộ phải thật thà nhúng tay vào công việc, “miệng nói phải đi đôi với tay làm”, lãnh đạo, chỉ huy các cấp trong LLVT Tỉnh hết sức quan tâm đến những hoạt động thiết thực của bộ đội giúp dân vượt qua khó khăn về kinh tế, đẩy mạnh sản xuất, nâng cao dân trí, khắc phục hậu quả thiên tai,... Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, thường xuyên của cấp ủy, chỉ huy, cơ quan quân sự các cấp, các đội công tác 123 của LLVT Tỉnh đã khắc phục mọi khó khăn, tích cực hoạt động, vừa làm tốt chức năng tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương về công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, vừa tích cực bám, nắm cơ sở, thực hiện 4 cùng với nhân dân, trực tiếp tham gia cùng các lực lượng ở địa phương triển khai thực hiện các chương trình phát triển KT-XH, QP-AN đối với các xã, thôn, làng vùng sâu, vùng xa như: tham gia xóa đói, giảm nghèo; phổ biến kỹ thuật canh tác, chăn nuôi; hỗ trợ giống, vốn cho đồng bào; đẩy mạnh công tác giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương. Hằng năm, theo kế hoạch và địa bàn được phân công, các đơn vị của LLVT Tỉnh đều tổ chức cho bộ đội hành quân dã ngoại về nguồn, đến với nhân dân các xã, thôn, làng khó khăn nhất của Tỉnh, kết hợp công tác tuyên truyền với các hoạt động giúp dân cải tạo đường sá, kênh mương, vệ sinh phòng dịch, khám chữa bệnh miễn phí cho đồng bào. Từ đầu năm 2005 đến nay, LLVT Tỉnh đã tổ chức lao động giúp dân được 8.120  ngày công; rào vườn cho 140 hộ; khai hoang, phục hóa 8 ha lúa nước; làm  mới 9 km đường liên thôn; tổng dọn vệ sinh 3 trường học và 4 khu vực nhà rông; nạo vét 4,5 km kênh mương; giúp dân thu hoạch 15 ha hoa màu; đào đắp 1 con đập ngăn nước với 65 m3 đất đá;... Các đơn vị đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền và đoàn thể các địa phương tham gia vận động di dời nhà ở khu vực ngập lòng hồ thủy điện PLei KRông được 156 hộ sang vị trí mới. Các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” ngày càng đi vào nền nếp và có chiều sâu, thể hiện rõ đạo lý truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc. Bằng nhiều việc làm cụ thể, thiết thực như: xây “Nhà tình nghĩa” cho gia đình chính sách; quyên góp tiền, vật chất giúp đỡ các địa phương còn nhiều khó khăn hoặc gặp thiên tai; xây dựng quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”;... cán bộ, chiến sĩ LLVT Tỉnh đã góp phần cùng các lực lượng khác củng cố lòng tin của đồng bào các dân tộc, các tôn giáo trên địa bàn vào Đảng, chế độ, chính quyền ở cơ sở, thắt chặt thêm quan hệ truyền thống máu thịt giữa quân đội với nhân dân, đồng thời vô hiệu hóa những luận điệu tuyên truyền, vu cáo của các thế lực thù địch về bản chất của Đảng, Nhà nước và quân đội ta.    
Một nhiệm vụ khác của công tác dân vận cũng được LLVT Tỉnh thường xuyên quan tâm làm tốt là tham gia xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh. Thực tế ở Kon Tum những năm qua cho thấy, bên cạnh những xã, phường, thị trấn vững mạnh, vẫn còn một số địa phương, cơ sở chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị không đồng đều, kém hiệu lực, biểu hiện rõ nhất là năng lực điều hành của chính quyền và vai trò của các tổ chức quần chúng chưa được phát huy đầy đủ. Nhận rõ điều đó, lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị LLVT Tỉnh đã chủ động liên hệ với cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể quần chúng ở cơ sở, tham mưu và đề xuất nhiều biện pháp giúp cơ sở củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của từng bộ phận trong hệ thống chính trị. Trọng tâm là giúp các xã, phường dần nâng cao năng lực lãnh đạo của tổ chức Đảng, năng lực quản lý kinh tế, quản lý xã hội, chấp hành Quy chế dân chủ ở cơ sở của chính quyền và năng lực tập hợp quần chúng, tạo sự đồng thuận trong nhân dân của Mặt trận và các đoàn thể địa phương. Quán triệt Nghị quyết 01 của Tỉnh ủy Kon Tum về việc đỡ đầu, hỗ trợ cho các xã vùng 3 – là những địa bàn trọng điểm, đặc biệt khó khăn về KT-XH, đồng thời cũng là những “điểm nóng” về truyền đạo trái pháp luật, vừa qua, BCHQS Tỉnh đã tham gia ký kết 4 đơn vị với Tỉnh Đoàn Kon Tum, Đoàn Đắk Tô (Binh đoàn Tây Nguyên) và Công an Tỉnh, cử cán bộ cùng về 1-2 xã, tập trung đẩy mạnh hoạt động của các tổ chức trong hệ thống chính trị. Với cách làm đó, LLVT Tỉnh đã góp phần nhanh chóng đưa nhiều cơ sở từ yếu kém (Ngọc Tụ, Gia Xia) trở thành những cơ sở vững mạnh.
Hiện nay, trong các yếu tố tiềm ẩn gây mất ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội ở Kon Tum, vấn đề dân tộc, tôn giáo vẫn là nhạy cảm nhất. Nhận thức của đồng bào tuy được nâng lên đáng kể, nhưng lòng tin vào Đảng, chế độ ở một bộ phận nhân dân chưa thực sự vững chắc. Nguyên nhân sâu xa là đời sống của một bộ phận không nhỏ dân cư còn rất khó khăn; tốc độ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Tỉnh còn chậm. Nguyên nhân trực tiếp là việc triển khai thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở còn nhiều bất cập, hệ thống chính trị ở một số địa phương còn yếu kém. Hơn nữa, các thế lực thù địch ngày càng áp dụng những thủ đoạn chống phá tinh vi, xảo quyệt hơn; chúng triệt để lợi dụng những khó khăn về kinh tế để mua chuộc, lôi kéo đồng bào tham gia các hoạt động tôn giáo không lành mạnh hoặc chống đối chính quyền trong quá trình triển khai thực hiện các chương trình phát triển KT-XH của Tỉnh.
Với chức năng của “đội quân chiến đấu”, “đội quân lao động, sản xuất”, đồng thời cũng là “đội quân công tác”, hơn bao giờ hết, LLVT Kon Tum phải tiếp tục tham gia làm tốt hơn nữa công tác dân vận trong tình hình mới. Trước mắt, cần tiếp tục làm tốt chức năng tham mưu cho cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể địa phương về những nội dung, biện pháp tiến hành công tác vận động quần chúng phù hợp, đạt hiệu quả cao. Công tác tuyên truyền cần chú trọng hơn giáo dục truyền thống yêu nước, khơi dậy niềm tự hào của dân tộc Việt Nam, trong đó có đồng bào các dân tộc Tây Nguyên; tích cực tuyên truyền về những thành tựu của công cuộc đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng; động viên phong trào thi đua yêu nước, đoàn kết góp phần thực hiện có hiệu quả các chương trình phát triển KT-XH, củng cố QP-AN của địa phương. Đồng thời với việc duy trì, nâng cao trách nhiệm, phương pháp và tác phong công tác của cán bộ, chiến sĩ các tổ, đội làm công tác vận động quần chúng, cơ quan quân sự các cấp cần tiếp tục phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với các ban, ngành chức năng của địa phương, có những biện pháp thiết thực góp phần củng cố, nâng cao năng lực hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở, trong đó cần tập trung ưu tiên cho việc xây dựng các tổ chức Đảng ở xã, phường trong sạch, vững mạnh, có sức chiến đấu cao; phát huy vai trò của Mặt trận và các tổ chức thành viên trong việc tập hợp quần chúng, khắc phục những mâu thuẫn, bức xúc trong nhân dân, tạo đồng thuận xã hội, cùng hướng tới mục tiêu xây dựng Tỉnh mạnh về KT-XH, vững về QP-AN.
 
Đại tá Võ Thanh Chín
Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy
Chỉ huy trưởng BCHQS Tỉnh

 

Ý kiến bạn đọc (0)