QPTD -Chủ Nhật, 11/12/2011, 22:30 (GMT+7)
Lực lượng vũ trang Bạc Liêu tham gia công tác vận động quần chúng vùng dân tộc, tôn giáo

Nói tới Bạc Liêu, ai cũng biết đến một vùng lúa gạo và cây trái nổi tiếng của miền Tây Nam bộ; nơi ra đời của bài Dạ cổ hoài lang (vọng cổ) của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu. Mảnh đất trù phú này cũng là nơi tụ hội, gắn kết lâu đời giữa 3 dân tộc anh em (Kinh, Hoa, Khơ-me) cùng mở đất và giữ đất. Đi liền với đó là sự tín ngưỡng và tồn tại của 3 tôn giáo chính: Phật giáo; Công giáo và Cao đài. Sự giao thoa giữa các dân tộc, các tôn giáo đã góp phần hình thành ở Bạc Liêu một nền văn hóa phát triển phong phú, đa dạng, giàu bản sắc dân tộc, trong đó nổi bật và xuyên suốt nhất là truyền thống yêu nước, thương nòi, ý thức cộng đồng của người dân trong lao động sản xuất, xây dựng quê hương, đất nước, cũng như trong đấu tranh chống thiên tai, địch họa, đặc biệt là chống lại các thế lực áp bức, ngoại xâm.

Từ khi tái thành lập Tỉnh (năm 1997) đến nay, thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và lực lượng vũ trang (LLVT) Bạc Liêu đã nỗ lực phấn đấu không ngừng, khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế, khắc phục khó khăn, thách thức, đưa nền kinh tế Tỉnh nhà liên tục đạt mức tăng trưởng khá và ổn định (15-17%); bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc; đời sống nhân dân từng bước được cải thiện; nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân thường xuyên được củng cố, tăng cường. Song, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, Bạc Liêu còn gặp nhiều khó khăn như: trình độ dân trí, đời sống của một bộ phận nhân dân, chủ yếu là vùng đồng bào dân tộc Khơ-me và đồng bào có đạo còn thấp; cơ sở hạ tầng nông thôn tuy được cải thiện một bước, song chất lượng chưa cao;... Mặt khác, các thế lực thù địch lợi dụng những khó khăn đó, tăng cường các hoạt động chống phá, tuyên truyền phát tán tài liệu phản động; tổ chức truyền đạo và lôi kéo người Khơ-me qua lại Căm-pu-chia trái pháp luật; kích động một bộ phận nhân dân nhẹ dạ, cả tin, gây mâu thuẫn nội bộ nhân dân và giữa nhân dân với chính quyền các cấp. Trong khi đó, chất lượng của hệ thống chính trị ở cơ sở có lúc, có nơi chưa đáp ứng với yêu cầu phát triển của địa phương.
Với vai trò là một thành viên trong hệ thống chính trị của Tỉnh, những năm qua, LLVT Bạc Liêu luôn thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ là lực lượng nòng cốt của nền quốc phòng toàn dân – công cụ sắc bén bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền và nhân dân. Đặc biệt, các đơn vị LLVT của Tỉnh luôn phát huy bản chất, truyền thống cao đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ”, thực hiện tốt vai trò của “đội quân công tác”, tham gia có hiệu quả công tác tuyên truyền vận động quần chúng nhân dân, xây dựng cơ sở chính trị, xây dựng địa bàn vững mạnh, góp phần củng cố, tăng cường “thế trận lòng dân”, khối đại đoàn kết các dân tộc, các tôn giáo trên địa bàn, tạo điều kiện thuận lợi để Tỉnh thực hiện có hiệu quả các mục tiêu kinh tế-xã hội đã đề ra.
Nhiều năm qua, LLVT Bạc Liêu luôn làm tốt vai trò là một bộ phận xung kích trong tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, chấp hành pháp luật của Nhà nước, tích cực lao động sản xuất, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, thực hiện phong trào “Xóa đói, giảm nghèo”, giữ gìn an ninh chính trị, đẩy lùi tiêu cực, tệ nạn xã hội. Thực hiện chương trình phối hợp hành động cùng 6 ngành, đoàn thể (Đoàn Thanh niên; Hội Liên hiệp Phụ nữ; Liên đoàn Lao động; Hội Cựu chiến binh; Hội Chữ thập đỏ; Hội Nông dân), hằng năm các đơn vị LLVT của Tỉnh đã chủ động phối hợp tổ chức được hàng trăm cuộc tuyên truyền vận động trong các tầng lớp nhân dân, với hàng nghìn lượt quần chúng tham gia. Thông qua nhiều hình thức phong phú như: hành quân dã ngoại về nguồn, họp mặt, mít tinh, giao lưu văn hóa-văn nghệ,... các tuyên truyền viên đã giúp nhân dân hiểu rõ những thành tựu có ý nghĩa lịch sử mà công cuộc đổi mới đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng đã đạt được, đồng thời cũng qua đó thấu hiểu những khó khăn, lực cản mà đất nước và từng người dân còn phải tiếp tục khắc phục trên bước đường phấn đấu vì sự nghiệp dân giầu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Đối với những nơi có đông đồng bào dân tộc, đồng bào có đạo, cùng với những nội dung tuyên truyền chung, cán bộ, chiến sĩ LLVT chú trọng tuyên truyền về đường lối, chính sách dân tộc, tôn giáo nhất quán của Đảng, Nhà nước ta, làm cho nhân dân có nhận thức đúng đắn chính sách đại đoàn kết dân tộc; đồng thời phân tích, làm rõ bộ mặt thật của những kẻ xấu, lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin của một bộ phận quần chúng, tung tin bóp méo sự thật, hòng lung lạc niềm tin của nhân dân với Đảng, cách mạng, phá hoại sự đoàn kết giữa các dân tộc, các tôn giáo và giữa nhân dân với hệ thống chính trị ở cơ sở. Khi có vụ việc nảy sinh phức tạp (thường liên quan đến tôn giáo), cán bộ, chiến sĩ phối hợp cùng với các ngành, đoàn thể tiến hành công tác dân vận, một mặt tranh thủ các chức sắc tôn giáo để tuyên truyền, thuyết phục quần chúng theo đạo; mặt khác, thông qua cốt cán ở địa phương, kịp thời gặp gỡ, phân tích, làm chuyển hóa đối tượng. Do kiên trì làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục, lòng tin của nhân dân đối với Đảng và sự đồng thuận xã hội ở Bạc Liêu không ngừng được tăng lên.
Cùng với công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, LLVT Tỉnh còn tích cực góp phần xây dựng cơ sở chính trị các địa phương vững mạnh. Quan điểm của chúng tôi là, cơ sở chính trị chỉ có thể vững mạnh trên một nền tảng kinh tế-xã hội phát triển bền vững. Do đó, xây dựng cơ sở chính trị phải được thực hiện trên cả hai phương diện: một mặt, đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội; mặt khác, nâng cao năng lực hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở. Hai mặt này phải được kết hợp một cách chặt chẽ, đồng bộ trong mọi chủ trương, quyết sách của địa phương và trong từng việc làm cụ thể. Từ quan điểm đó, hằng năm, cơ quan quân sự các cấp của Tỉnh phối hợp cùng các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương tổ chức hàng chục cuộc hành quân dã ngoại, vừa huấn luyện vừa tham gia tuyên truyền, giúp dân sản xuất, xây dựng các công trình công cộng và tham gia xây dựng cơ sở chính trị vững mạnh; từ đó đã củng cố, kiện toàn được hàng trăm tổ chức hội, chi hội và tổ ở khóm ấp, phát triển hàng ngàn hội viên (Hội Nông dân, tổ Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh, tổ dân phố, đội dân phòng, tổ tự quản, tổ An ninh nhân dân,...). Riêng năm 2006, đã xây dựng, củng cố và phát triển 863 hội viên, đoàn viên ở khóm ấp. Nổi lên, 2 đội công tác 123 tăng cường cho 2 xã có đông đồng bào dân tộc, tôn giáo (xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi và xã Tân Phong, huyện Giá Rai), từ khi thành lập đến nay đã hoạt động tích cực, làm tốt chức năng tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể cơ sở tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, củng cố quốc phòng-an ninh; cùng với chính quyền cơ sở giúp nhân dân đẩy mạnh sản xuất, xóa đói giảm nghèo, tham gia làm đường giao thông nông thôn, đào đắp, sên vét kênh mương, tuyên truyền vệ sinh, phòng dịch, xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư, khóm ấp. Các đội công tác đã tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền các xã từ những chủ trương, giải pháp chung đến những việc làm cụ thể, thiết thực của địa phương. Năm 2006, đã tổ chức được 36 cuộc vận động nhân dân xây dựng đời sống văn hóa, với 98 lượt người tham gia; tham gia hòa giải 16 cuộc; họp dân và cán bộ ấp 3 cuộc, với 336 người dự; tham mưu giúp địa phương rà soát, xét cho 625 hộ nghèo được vay vốn, qua đó đã góp phần xóa nghèo cho 474 hộ. Hiện nay, tại 2 xã này đã có trên 90% số ấp có đường giao thông đến ấp và liên ấp; 14/20 ấp đạt chuẩn văn hóa. Điển hình là Đội công tác CT47 trên địa bàn xã Hưng Hội (Vĩnh Lợi) – nơi có đông đồng bào dân tộc Khơ-me, trước khi Đội xuống chỉ có 2 ấp đạt ấp văn hóa, đến nay cả 9 ấp đều đạt ấp văn hóa, với 5.687 hộ đạt tiêu chuẩn Gia đình văn hóa,v.v.
 Kinh nghiệm ở Bạc Liêu những năm vừa qua cho thấy, công tác vận động quần chúng chỉ có thể đạt hiệu quả cao khi phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng, các bộ phận trong toàn bộ hệ thống chính trị. Có thể khẳng định rằng, tham gia công tác vận động quần chúng là trách nhiệm của mọi tổ chức, mọi lực lượng, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, sâu sát của cấp ủy, chính quyền địa phương. Song, hiệu quả của công tác này đến đâu còn phụ thuộc rất lớn ở sự phối hợp đồng bộ giữa LLVT với các ban, ngành, đoàn thể. Đặc biệt, vai trò làm tham mưu của các cấp đội có ý nghĩa quyết định đến kết quả công tác vận động quần chúng của LLVT. Nếu không có sự thống nhất chặt chẽ về nội dung, thời gian, phương thức tiến hành, rất dễ dẫn đến “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”, lực lượng đông nhưng không mạnh, hiệu quả công tác hạn chế. Nhận thức rõ điều đó, thời gian qua, đồng thời với việc đề cao trách nhiệm trong quá trình triển khai chương trình phối hợp hành động cùng 6 ngành, đoàn thể địa phương, giữ mối liên hệ chặt chẽ với các lực lượng khác trên từng mặt công tác, từng địa bàn hoạt động, kết hợp công tác huấn luyện, xây dựng đơn vị, xây dựng cơ quan vững mạnh toàn diện với hành quân dã ngoại về các địa phương, nhất là những nơi khó khăn, vùng đồng bào dân tộc, tôn giáo cùng tiến hành công tác vận động quần chúng.
Thời gian qua, công tác dân vận nói chung, công tác vận động quần chúng trong đồng bào dân tộc, tôn giáo nói riêng của LLVT tỉnh Bạc Liêu luôn nhận được sự quan tâm sâu sắc của cấp ủy Đảng, người chỉ huy các cấp và được tiến hành ở mọi lúc, mọi nơi. Tuy nhiên, trước mắt và những năm tiếp theo, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng-an ninh của Bạc Liêu còn đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết, trong đó yêu cầu giữ vững ổn định chính trị, đẩy lùi tệ nạn xã hội, phòng chống có hiệu quả chiến lược “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ do các thế lực thù địch tiến hành là một nội dung trọng tâm, đòi hỏi các cấp, các ngành các lực lượng phải có sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ. Để LLVT Tỉnh tiếp tục phát huy bản chất, truyền thống tốt đẹp của “ Bộ đội Cụ Hồ”, tham gia có hiệu quả công tác vận động quần chúng, cần có sự đồng tình, ủng hộ, giúp đỡ nhiều hơn nữa của cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể và quần chúng nhân dân các địa phương. Hằng năm, việc sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm tiến hành công tác vận động quần chúng ở các địa phương, đơn vị cần được tiến hành một cách chặt chẽ, thường xuyên hơn, từ đó nhân rộng những mô hình, điển hình tiên tiến, đồng thời có cơ sở đề xuất những giải pháp tiến hành công tác phù hợp với sự phát triển mới của thực tiễn.
 
Đại tá Nguyễn Việt Hùng
Chính ủy BCHQS Tỉnh

 

Ý kiến bạn đọc (0)