QPTD -Thứ Hai, 05/09/2011, 23:56 (GMT+7)
Lực lượng vũ trang Bắc Giang phát huy vai trò nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương

Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng và Nhà nước ta hết sức coi trọng nhiệm vụ quân sự, quốc phòng (QS, QP) ở địa phương, coi đây là một mặt công tác có tầm quan trọng chiến lược. Thực hiện nhiệm vụ này là trách nhiệm của toàn Đảng bộ, chính quyền, các cấp, các ngành, các lực lượng, đoàn thể và toàn dân trên địa bàn, trong đó lực lượng vũ trang (LLVT) địa phương giữ vai trò nòng cốt. ý thức sâu sắc điều đó, những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân (HĐND), Uỷ ban nhân dân (UBND) Tỉnh, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 1, sự phối hợp giúp đỡ của các cấp, các ngành, các địa phương và nhân dân, LLVT Bắc Giang đã tích cực, chủ động, triển khai toàn diện công tác QS, QP, đạt được nhiều kết quả quan trọng. Nổi bật là, đã phát huy vai trò nòng cốt xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân (QPTD) gắn với thế trận an ninh nhân dân (ANND) ngày càng vững chắc; xây dựng khu vực phòng thủ (KVPT) có sự phát triển về chiều sâu; chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của LLVT địa phương không ngừng được nâng cao, góp phần giữ vững ổn định chính trị, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn “Diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch, bảo vệ môi trường thuận lợi để Tỉnh tập trung đẩy mạnh CNH, HĐH, phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH), xây dựng và bảo vệ quê hương. Từ thực tiễn thực hiện nhiệm vụ QS, QP, LLVT Bắc Giang đã rút được những kinh nghiệm quý báu để tiếp tục nghiên cứu, vận dụng trong thời gian tới.

1. Chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền và phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành chức năng địa phương tổ chức thực hiện tốt công tác giáo dục quốc phòng (GDQP) cho toàn dân. Trong những năm qua, quán triệt Chỉ thị 62-CT/TW ngày 12- 2- 2001 của Bộ Chính trị về “Tăng cường công tác GDQP toàn dân trước tình hình mới” và Nghị định số 15/2001/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ về GDQP, Bắc Giang đã triển khai công tác giáo dục quốc phòng, an ninh (GDQP-AN) sâu rộng tới mọi đối tượng, nhất là bồi dưỡng kiến thức quốc phòng-an ninh (QP-AN) cho cán bộ chủ chốt các cấp, các ngành, đoàn thể, GDQP cho học sinh, sinh viên. Từ năm 2001 đến nay, Tỉnh đã tổ chức 598 lớp bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho 66.374 lượt cán bộ, đảng viên. Trong đó, đối tượng 2: 363 đồng chí; đối tượng 3: 4.342 đồng chí; đối tượng 4: 8.724 đồng chí; đối tượng 5: 52.945 đồng chí và cho 64 chức sắc, chức việc Phật giáo trên địa bàn. Qua đó, đã tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong thực hiện nhiệm vụ, đặc biệt là trong quán triệt và thực hiện các quan điểm, đường lối QS, QP của Đảng ở địa phương; nâng cao nhận thức và đấu tranh có hiệu quả với mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở địa phương. GDQP cho học sinh, sinh viên trong các nhà trường được thực hiện có nền nếp, chất lượng. Trước thực tế số lượng giáo viên GDQP trong các trường cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề, trung học phổ thông còn thiếu, chủ yếu là kiêm nhiệm, Bộ chỉ huy Quân sự (BCHQS) Tỉnh đã chủ động đề xuất với lãnh đạo Tỉnh, lãnh đạo Quân khu và phối hợp chặt chẽ với Sở Giáo dục và Đào tạo, Trường Chính trị Tỉnh, Trường Quân sự Quân khu 1 tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ giáo viên GDQP ở các nhà trường. Từ năm 2001 đến 2007, Tỉnh đã tập huấn được 2.928 lượt giáo viên kiêm nhiệm giảng dạy môn GDQP. Đến nay, 100% số học sinh, sinh viên của 66 trường cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề, trung học phổ thông đã hoàn thành nội dung, chương trình GDQP theo quy định; kết quả kiểm tra 100% đạt yêu cầu, trong đó có 76% đạt khá và giỏi. Bên cạnh việc thực hiện nghiêm túc chương trình GDQP chính khóa, các trường còn tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa bổ ích, như: tổ chức hành quân dã ngoại, tham quan, cắm trại, tổ chức nói chuyện về lịch sử, thi tìm hiểu truyền thống LLVT... Do làm tốt công tác GDQP và hướng nghiệp quân sự, trong 7 năm qua toàn Tỉnh đã có 649 học sinh trúng tuyển vào các học viện, nhà trường quân đội, hàng chục nghìn học sinh sau khi rời ghế nhà trường đã hăng hái lên đường nhập ngũ. LLVT Tỉnh đã được Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 1 đánh giá là đơn vị hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ này trên địa bàn.

Thời gian tới, quán triệt Chỉ thị 12-CT/TW của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác GDQP-AN trong tình hình mới” và Nghị định 116/2007/NĐ-CP ngày 10- 7- 2007 của Chính phủ về GDQP-AN, Tỉnh tiếp tục kiện toàn Hội đồng GDQP-AN các cấp, đưa Trung tâm bồi dưỡng kiến thức QP-AN, GDQP của Tỉnh đi vào hoạt động; tổ chức rà soát, phân loại đối tượng, hoàn chỉnh việc xây dựng kế hoạch, nội dung, chương trình bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho cán bộ các cấp, nhất là đối với đội ngũ cán bộ trực tiếp ở cơ sở, như Bí thư chi bộ, trưởng thôn, bản, khu phố. Phấn đấu từ nay đến 2010, 100% cán bộ thuộc các đối tượng được bồi dưỡng kiến thức QP-AN, 100% chỉ huy trưởng quân sự xã, phường, thị trấn được đào tạo cơ bản theo chương trình của Bộ. Chú trọng nâng cao chất lượng GDQP cho học sinh, sinh viên với nhiều hình thức và phương pháp phù hợp, bảo đảm 100% số học sinh, sinh viên hoàn thành các nội dung, chương trình GDQP theo quy định.

2. Tập trung xây dựng thế trận QPTD gắn với thế trận ANND vững chắc, trên cơ sở kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với an ninh và kinh tế. Xuất phát từ đặc thù của Tỉnh vừa có miền núi, vừa có trung du, đồng bằng, nằm bên hành lang vùng tam giác kinh tế trọng điểm phía Bắc, án ngữ trên các trục giao thông quan trọng (cả đường bộ, đường sông, đường sắt) nên Bắc Giang có một vị trí quan trọng, đặc biệt là về QP-AN đối với Quân khu 1 và cả nước. Vì vậy, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ QS, QP, Tỉnh luôn chú trọng tăng cường tiềm lực quốc phòng, xây dựng thế trận QPTD gắn với thế trận ANND, nhất là trên các khu vực và địa bàn trọng điểm, bảo đảm tính liên kết, liên hoàn vững chắc trên từng khu vực và toàn địa bàn. Những năm gần đây, cơ quan quân sự đã làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về quốc phòng ở địa phương, nhất là tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND Tỉnh ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ QS, QP ở địa phương; quản lý các công trình quốc phòng, các điểm cao, các hang động thiên nhiên có giá trị về quân sự. Tham gia khảo sát, thẩm định và giám sát việc triển khai các dự án phát triển KT-XH, kinh tế-quốc phòng của địa phương và các ngành, đảm bảo yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng, xây dựng thế trận của KVPT địa phương. Phối hợp với các cấp, các ngành kịp thời điều chỉnh, bổ sung các kế hoạch tác chiến phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát triển KT-XH và củng cố QP-AN của Tỉnh. Chú trọng đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng KT-XH gắn với xây dựng các công trình phòng thủ, triển khai các dự án kết hợp kinh tế với quốc phòng trên các khu vực, địa bàn trọng điểm. Đề xuất với cấp ủy, chính quyền địa phương đầu tư ngân sách tập trung xây dựng các công trình chiến đấu, như sở chỉ huy thời chiến, căn cứ chiến đấu, căn cứ hậu phương, căn cứ hậu cần-kỹ thuật, hệ thống đường cơ động, hệ thống trận địa phòng không, doanh trại cơ quan BCHQS Tỉnh và Ban chỉ huy Quân sự các huyện và Thành phố... Năm 2007, Tỉnh đã xây dựng và đưa vào sử dụng thao trường huấn luyện tổng hợp của cơ quan quân sự Tỉnh, rộng 5,8 ha, với tổng vốn đầu tư hơn 4,1 tỷ đồng; triển khai xây dựng thao trường huấn luyện tổng hợp, diễn tập chiến thuật có bắn đạn thật đến cấp tiểu đoàn bộ binh, rộng 120 ha, với tổng vốn đầu tư trên 19,5 tỷ đồng; đầu tư làm mới, nâng cấp 4 tuyến đường kinh tế kết hợp với quốc phòng: đường PT-01 Yên Dũng- Cảnh Thụy, dài 5,5 km (6,2 tỷ đồng); đường PT-03 ở Hiệp Hòa, dài 4,1 km (trên 5 tỷ đồng); đường PT-04 ở Tân Yên, dài 5,2 km (gần 7 tỷ đồng); đường PT-05 ở Yên Dũng, dài 10,3 km (gần 29 tỷ đồng). Các tuyến đường này vừa phục vụ phát triển kinh tế, dân sinh và cơ động lực lượng phòng chống lụt bão (PCLB), nhưng khi có tình huống chiến tranh sẽ là các đường cơ động chiến dịch, phục vụ yêu cầu tác chiến của KVPT. Năm 2008, Tỉnh chỉ đạo các huyện, thành phố hoàn chỉnh việc xây dựng các trận địa phòng không và một số hạng mục công trình quốc phòng đã được phê duyệt. Chỉ đạo cơ quan quân sự các huyện, Thành phố xây dựng kế hoạch huấn luyện, tổ chức diễn tập KVPT huyện và diễn tập tác chiến trị an xã, phường, thị trấn; diễn tập PCLB, tìm kiếm cứu nạn, phòng chống cháy nổ, cháy rừng, đảm bảo yêu cầu nhiệm vụ phòng thủ địa phương trong tình hình mới. Chủ động phối hợp với các các cấp, các ngành, các đơn vị bộ đội chủ lực đứng chân trên địa bàn, tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở, nhất là nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, chính quyền các cấp, làm hạt nhân lãnh đạo, chỉ đạo công tác QS, QP địa phương; đẩy mạnh công tác dân vận, tích cực tham gia chương trình xóa đói, giảm nghèo, xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc. Đồng thời, nâng cao hiệu quả phối hợp giữa lực lượng quân đội và công an theo Quyết định 107 của Thủ tướng Chính phủ, nhất là phối hợp giữa lực lượng dân quân, tự vệ (DQTV) với công an ở các xã, phường, thị trấn và các thôn, bản, trong quản lý địa bàn, nắm chắc diễn biến tình hình, phát hiện và xử lý kịp thời, hiệu quả mọi tình huống, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở địa phương.

3. Tham mưu cho cấp ủy, chính quyền và tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng LLVT địa phương vững mạnh toàn diện (VMTD), đủ sức làm nòng cốt thực hiện nhiệm vụ QS, QP địa phương. Những năm qua, Tỉnh thường xuyên chăm lo xây dựng LLVT vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức, nâng cao chất lượng tổng hợp, trình độ sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ), bảo đảm hoàn thành tốt nhiệm vụ cả thời bình và thời chiến. Lực lượng DQTV của Tỉnh được củng cố, xây dựng theo đúng phương châm “vững mạnh, rộng khắp”, có số lượng hợp lý, đúng quy định, giữa lực lượng cơ động, lực lượng nòng cốt tại chỗ và lực lượng DQTV binh chủng. Trong đó, chú trọng xây dựng dân quân ở các xã, thôn, bản vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và tự vệ trong các cơ quan trọng yếu của Tỉnh, các huyện và Thành phố, các doanh nghiệp nhà nước; thực hiện nguyên tắc: ở đâu có dân, có tổ chức sản xuất, có tổ chức đảng, ở đó có DQTV. Hiện nay, Tỉnh duy trì lực lượng DQTV chiếm 1,3% số dân; trong đó tỷ lệ đảng viên đạt 19,8%, đoàn viên chiếm 66,4%; 100% xã đội trưởng là đảng viên với trên 82% tham gia cấp ủy. Xây dựng lực lượng dự bị động viên (DBĐV) được Tỉnh coi trọng từ khâu tạo nguồn, đăng ký, quản lý, huấn luyện đến việc bảo đảm chính sách cho quân dự bị. Quá trình xây dựng lực lượng đã gắn chặt với công tác tuyển quân để tạo nguồn và sắp xếp đủ biên chế cho các đơn vị động viên; chú trọng đào tạo bồi dưỡng, chuyển loại binh chủng và bố trí sĩ quan dự bị trong các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể của Tỉnh, các huyện và Thành phố. Thường xuyên kiểm tra, phúc tra và tổ chức cho lực lượng DBĐV tham gia các cuộc diễn tập KVPT, diễn tập chiến đấu trị an, diễn tập PCLB, tìm kiếm, cứu nạn, nâng cao khả năng SSCĐ, kịp thời xử lý các tình huống xảy ra. Năm 2007, Tỉnh đã chỉ đạo các địa phương tiến hành động viên kiểm tra 6.143 quân nhân dự bị, đạt 100% chỉ tiêu quy định. Tiếp tục xây dựng cơ quan quân sự các cấp VMTD, có đủ số lượng, chất lượng, đủ sức làm tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ QS, QP đạt hiệu quả cao. Xây dựng bộ đội địa phương theo hướng “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”; duy trì nghiêm chế độ huấn luyện, chế độ trực SSCĐ, nhất là chế độ trực chỉ huy, trực ban, trực chiến, tuần tra canh gác; thường xuyên rà soát, bổ sung, hoàn chỉnh các kế hoạch, phương án tác chiến, kế hoạch bảo vệ mục tiêu trọng yếu..., thực sự làm nòng cốt trong xây dựng nền QPTD, xây dựng KVPT Tỉnh ngày càng vững chắc, góp phần tích cực đẩy mạnh phát triển KT-XH, củng cố QP-AN ở địa phương.

Đại tá Hà Ngọc Hoa

Ủy viên Ban  Thường vụ Tỉnh ủy

Chỉ huy trưởng BCHQS Tỉnh

   

 

Ý kiến bạn đọc (0)