Thứ Bảy, 23/11/2024, 02:48 (GMT+7)
Ấn phẩm tạp chí in
Trung tuần tháng 9-1950, trên đường đi chiến dịch Biên Giới, Chủ tịch Hồ Chí Minh ghé thăm một đơn vị Thanh niên xung phong (TNXP) đang làm đường phục vụ chiến dịch. Người làm bài thơ với nội dung: “Không có việc gì khó. Chỉ sợ lòng không bền. Đào núi và lấp biển. Quyết chí ắt làm nên” để tặng thanh niên. Từ đó, bài thơ và cũng là lời dạy của Bác trở thành kim chỉ nam hành động cho thanh niên cả nước nói chung, cho lực lượng TNXP nói riêng.
TNXP là lực lươợng thanh niên Việt Nam tự nguyện, được Đảng Cộng sản Việt Nam tập hợp, tổ chức, lãnh đạo, giáo dục, rèn luyện. Được tổ chức, biên chế chặt chẽ giống như quân đội, TNXP trực tiếp thực hiện nhiệm vụ phục vụ chiến đấu và một số nhiệm vụ khác như mở đường, sửa chữa đường, điều chỉnh giao thông, vận chuyển hàng quân sự, tải thương... Lực lượng TNXP (tập trung) được hình thành từ năm 1950 với một số đơn vị, rồi tiếp tục được củng cố, phát triển lên thành nhiều đơn vị; trong chiến dịch Điện Biên Phủ, đã có trên 5 vạn đội viên tham gia phục vụ. Lực lượng TNXP đã góp phần cùng toàn dân và toàn quân giành thắng lợi trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đặc biệt là thời kỳ 1965-1975, TNXP (tập trung) phát triển tới 15 vạn đội viên, tham gia đảm nhiệm 18 loại công việc khác nhau, tập trung ở 3 lĩnh vực: giao thông vận tải, lâm nghiệp và quốc phòng. Làm theo lời dạy của Bác Hồ, lực lượng TNXP đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, thực hiện nhiệm vụ chính trị của hậu phương lớn miền Bắc, chi viện chiến trường, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Thời kỳ 1965 -1975 là thời kỳ ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Để đánh thắng chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, rồi “ Việt Nam hóa chiến tranh” của địch trên chiến trường miền Nam và “Chiến tranh phá hoại” của chúng trên miền Bắc XHCN, cuộc chiến tranh nhân dân của ta đã phát triển lên đỉnh cao trên cả hai miền đất nước, thu hút mọi tầng lớp nhân dân tham gia. Khi ấy, trên mọi miền đất nước, từ nông thôn đến thành thị, từ miền xuôi đến miền núi, đâu đâu cũng có phong trào xung phong: xung phong vào bộ đội, xung phong đi đến những nơi xa xôi, gian khổ nhất. Lực lượng TNXP là những người xung kích của thế hệ trẻ, của nhân dân trong giai đoạn cách mạng này. Cùng với toàn dân, trong 10 năm ấy, lực lượng TNXP tình nguyện đảm nhiệm nhiều phần việc khó khăn, phức tạp, phục vụ đắc lực cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc.
Chiến tranh càng ác liệt, lực lượng TNXP càng phát triển lớn mạnh, từ vài ngàn (năm 1965) đến cuối năm 1968 đã lên đến hơn 10 vạn và vào tháng 4-1975 là 15 vạn. Bên cạnh lớp thanh niên tuổi mười bảy, đôi mươi, nhiều anh, chị em thuộc lớp người nhiều tuổi hơn cũng hăng hái gia nhập lực lượng TNXP. Nhiều người trước đây đã tham gia Đoàn TNXP trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, nay cũng tha thiết xin được trở lại đội ngũ. Nhiều thanh niên ở Yên Bái, Thái Bình, Hải Phòng vừa hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương lại tình nguyện gia nhập lực lượng TNXP. Nhiều cán bộ Đoàn có hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhưng khi được Đảng cử phụ trách các Đội TNXP đã tự thu xếp gia đình ổn thoả để lên đường nhận nhiệm vụ. Hàng nghìn cán bộ y tế, giáo viên văn hoá trẻ tuổi, tình nguyện không hưởng lương mà chỉ hưởng chế độ phụ cấp như các đội viên TNXP khác. Nhiều tỉnh được phân bổ chỉ tiêu TNXP rất lớn song vẫn hoàn thành nhanh, gọn, đảm bảo chất lượng.
Để cách mạng giành được thắng lợi, phải có Đảng Cộng sản lãnh đạo bằng đường lối đúng đắn, sáng tạo, nhưng đồng thời phải có những con người thực hiện đường lối đó. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, lực lượng TNXP (tập trung) là một tập thể những con người anh dũng, mưu trí, sáng tạo, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ để hoàn thành nhiệm vụ. Họ lấy tinh thần phục vụ lợi ích cách mạng, phục vụ lợi ích tập thể, hoàn thành nhiệm vụ làm mục đích cao nhất. TNXP đã xứng đáng với niềm tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, nhất là đã cùng với cán bộ, công nhân viên ngành Giao thông vận tải, bộ đội Công binh mở thêm những tuyến đường chiến lược quan trọng, nhiều đường vòng, đường tránh, san lấp hố bom, sửa cầu, sửa đường, đảm bảo mạch máu giao thông luôn thông suốt trong mọi tình huống, góp phần đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Trong suốt thời kỳ chống chiến tranh phá hoại, bộ đội, TNXP, công nhân viên, thanh niên nghĩa vụ và nhân dân đã xây dựng, nâng cấp, sửa chữa và sử dụng: 16.700 km đường dã chiến; 6.800 km đường trục dọc Bắc - Nam; 5.000 km đường trục ngang; 5.000 km đường vòng, đường tránh; 1.500 km đường đá; 200 km đường nhựa; 200 km đường sông; 3.500 km đường bộ đi từ Đông sang Tây; 900 km đường kín. Trong đó, đường trục chính dọc, ngang ( tính từ Thanh Hoá) có: đường bộ 1A; đường sắt, đường goòng; đường 15A, 15B, 15C (thường gọi là đường Đông Trường Sơn và Tây Trường Sơn); đường 15 C từ Tân Kỳ đến Hà Tĩnh vào đến Chơn Thành, cắt ngang các đường 10, 20 phục vụ đắc lực cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, TNXP (tập trung) có mặt trên mọi chiến trường, sát cánh cùng những đơn vị bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, không chỉ tham gia sản xuất mà còn phục vụ chiến đấu và trực tiếp chiến đấu. Họ có mặt trong các ngành Đường sắt, Lâm nghiệp, trong các cơ quan thuộc Đoàn 559 (Bộ Quốc phòng). Chỉ tính riêng năm 1968, đã có hơn 6 vạn TNXP trực thuộc Đoàn 559 làm nhiệm vụ bảo đảm giao thông, làm mới một số tuyến đường chiến lược. Ngoài ra, còn có hơn 7 vạn TNXP phục vụ trong ngành Lâm nghiệp. Ngoài các đơn vị độc lập, TNXP còn có mặt trong các đơn vị bộ đội địa phương, tỉnh, huyện làm nhiệm vụ cáng tải, cứu chữa, chăm sóc thương binh và khi cần thiết, họ cùng trực tiếp tham gia chiến đấu.
Những người làm nhiệm vụ vận chuyển hàng trên các tuyến vận tải chiến lược đòi hỏi phải có sức chịu đựng dẻo dai. Mặc dù thiếu thốn mọi bề, nhất là những cơn sốt rét hành hạ, nhưng vượt lên mọi thử thách, bằng ý chí và nghị lực của tuổi trẻ, họ đã thức trắng nhiều đêm để vận chuyển hàng cho kịp chiến dịch. Có những đêm, TNXP phải vượt qua những bãi mìn dày đặc của địch để vận chuyển lương thực đến trận địa và chuyển thương binh về tuyến sau an toàn. TNXP sát cánh cùng công nhân đường sắt, vận chuyển hàng hoá tại các nhà ga, kho hàng với ý thức trách nhiệm cao. Trong năm 1966, TNXP đã tham gia vận chuyển hơn 40.000 tấn hàng từ ga Hải Phòng vào đến Vĩnh Linh. Tại các trọng điểm địch đánh phá ác liệt, TNXP phát huy vai trò xung kích, phục vụ bộ đội chiến đấu và trực tiếp chiến đấu với địch. Nhiều đội viên TNXP đã chiến đấu dũng cảm để bảo vệ hàng hoá, vũ khí, thương binh trên đường vận chuyển hoặc trong các cuộc ném bom bắn phá mang tính huỷ diệt của địch. Năm 1968, TNXP tham gia chiến đấu trên 3.000 trận. Nhiều trận chiến đấu diễn ra nhanh, gọn, bất ngờ nhưng rất hiệu quả chính vì có sự tham gia chuẩn bị và trực tiếp chiến đấu của TNXP. Ngoài ra, TNXP còn làm rất tốt nhiệm vụ trinh sát, vận chuyển vũ khí, thuốc nổ và trực tiếp tiếp cận, tiêu diệt mục tiêu của địch.
Ngoài những khó khăn khách quan, các đội viên nữ còn gặp phải những khó khăn chủ quan về sinh lý, sức khoẻ, tình cảm... Nhưng thực hiện lời Bác Hồ dạy, với tinh thần “ Tất cả cho tiền tuyến”, với ý chí quyết tâm “ Đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, chị em đã vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ.Trong chiến đấu, công tác cứu chữa, chăm sóc thương binh là một công việc vô cùng khó khăn, vất vả. TNXP đã luôn bám sát các đơn vị bộ đội, không ngại hy sinh, gian khổ, nhiều đêm liền cùng các y bác sĩ, y tá, hộ lý thay băng, rửa vết thương, nấu cháo, giặt quần áo cho thương binh.
Để đánh thắng đế quốc Mỹ- tên đế quốc đầu sỏ có tiềm lực lớn về kinh tế, quân sự và một nền khoa học, kỹ thuật hiện đại- lực lượng TNXP không chỉ có tình cảm cách mạng, có dũng khí chiến đấu, có ý thức tổ chức kỷ luật là đủ, mà còn phải là những người ham học tập, có quyết tâm trong học tập để nâng cao hiểu biết cách mạng, nắm vững tri thức khoa học cách mạng. Họ mong muốn đạt tới đỉnh cao của khoa học-kỹ thuật để phục vụ lý tưởng cách mạng. Bằng con đường tự học tập, tự nghiên cứu, người biết kèm người chưa biết, họ đã có mặt và làm được những công việc đòi hỏi kỹ thuật cao. Hàng trăm TNXP đã ngày đêm lăn lộn trên những tuyến đường địch đánh phá ác liệt để mày mò, tìm tòi, tháo gỡ hàng nghìn quả bom nổ chậm mà đế quốc Mỹ ném xuống hòng huỷ diệt con đường, chặn đứng tiếp tế của hậu phương miền Bắc. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ phục vụ chiến đấu tại các trọng điểm, TNXP phải qua huấn luyện, tập huấn nhiều tháng, để thuần thục từ động tác cá nhân cho đến kỹ thuật tổ chức các tổ, đội, các phương án tiếp cận mặt đường sau những trận bom huỷ diệt của đế quốc Mỹ. Ngoài ra, TNXP còn phải học tập và thực hành tỉ mỉ tính năng, tác dụng của từng loại bom, súng, pháo cùng cách bố trí tháo, gỡ sao cho đảm bảo an toàn, ít thương vong. Trong chiến đấu, có nhiều tình huống bất ngờ xảy ra được các đội viên TNXP giải quyết khéo léo, thông minh, đảm bảo an toàn, bí mật. Năm 1966, Đội 241 (TNXP Nghệ An) trong khi làm nhiệm vụ phục vụ chiến dịch cho Sư đoàn 308 chiến đấu, đã vận chuyển thương binh liên tục 45 ngày đêm về hậu cứ an toàn. Đội 77 (TNXP Hải Phòng) nhiều đêm tổ chức đưa thương binh vượt tuyến qua những trọng điểm địch đánh phá ác liệt, đảm bảo an toàn, bí mật. Đội 25 (TNXP Thanh Hoá) khéo léo dùng thuyền gỗ vận chuyển hàng qua sông phục vụ các chiến dịch của bộ đội tại Quảng Trị năm 1967. Tháng 6 năm 1967, Đội 263 TNXP trực thuộc cục Vận tải đường sông làm nhiệm vụ vận chuyển hàng, đã dùng thuyền hỗ trợ bộ đội vớt nhiều tấn hàng bị địch bắn chìm xuống sông trong 7 ngày đêm. Bảy đội viên TNXP của Đội đã hy sinh anh dũng khi phá bom thuỷ lôi dưới lòng sông Mã, đảm bảo cho tàu chở hàng qua sông. Nhiều tấm gương hy sinh anh dũng của TNXP, mà 10 cô gái Ngã ba Đồng lộc là một điển hình đã góp phần tô thắm chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam trong 30 năm chiến tranh giải phóng đất nước nói chung và trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước nói riêng.
Khi đánh giá những cống hiến to lớn của lực lượng TNXP, đặc biệt là lực lượng TNXP tham gia phục vụ tại các trọng điểm địch đánh phá ác liệt, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nói, đại ý: Đường 10, đường 14, đường 20... là một kỳ công, kỳ tích, kỳ quan do ý chí vì độc lập, tự do của chiến sĩ và TNXP. TNXP thực sự xứng đáng là đội quân xung kích của cách mạng. Với thành tích đặc biệt xuất sắc và sự hy sinh vô bờ bến (Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, trong 10 năm (1965-1975) có 3.880 đội viên TNXP hy sinh anh dũng) trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, lực lượng TNXP đã được Nhà nước trao tặng danh hiệu cao quý: Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Ngày nay, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN, vận mệnh của dân tộc trong giai đoạn mới - giai đoạn đẩy mạnh CNH, HĐH, hội nhập kinh tế quốc tế- lại đặt lên vai thế hệ thanh niên Việt Nam trọng trách vinh quang, song cũng hết sức to lớn và nặng nề. “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” chính là một trong những nhân tố quan trọng giúp cho mỗi đoàn viên, thanh, thiếu niên thấm nhuần sâu sắc tình cảm của Bác, đề cao ý thức trách nhiệm với bản thân mình, với đất nước, có thái độ ứng xử văn minh, lịch sự trong cộng đồng và tập thể, cụ thể hóa bằng hành động, bằng việc làm để vươn lên giành những kỳ tích mới. Hoàn cảnh mới không đòi hỏi phải tổ chức lực lượng TNXP (tập trung) như trong chiến tranh, nhưng tinh thần xung phong không sợ khó, không sợ khổ, sẵn sàng đi bất cứ nơi nào Tổ quốc và nhân dân cần của thanh niên Việt Nam vẫn còn nguyên giá trị. Những phong trào “Mùa hè xanh”, “Trí thức tình nguyện” của thanh niên học sinh, sinh viên được tổ chức hằng năm là một trong những minh chứng đó. “ Không có việc gì khó. Chỉ sợ lòng không bền. Đào núi và lấp biển. Quyết chí ắt làm nên”, lời dạy của Bác Hồ mãi là kim chỉ nam cho mọi suy nghĩ và hành động của thế hệ trẻ hôm nay.
ThS. Trương Thị Mai Hương
Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam
Trao đổi ý kiến giữa Tạp chí quốc phòng toàn dân với bạn đọc, cộng tác viên Quân khu 5 12/12/2011
Nghệ thuật tổ chức, sử dụng lực lượng quân sự trong những ngày đầu kháng chiến toàn quốc 12/12/2011
“Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” với việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay 12/12/2011
Một số vấn đề về nghệ thuật chiến dịch phòng ngự trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 12/12/2011
Hưng Yên không ngừng nâng cao hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng 12/12/2011
Kết quả và kinh nghiệm tiến hành công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của lực lượng vũ trang Quân khu 5 12/12/2011
Đoàn B.90 nâng cao chất lượng xây dựng lực lượng dự bị động viên - một số kinh nghiệm bước đầu 12/12/2011
Trường Quân sự Binh đoàn Cửu Long phấn đấu nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và huấn luyện 11/12/2011
Kết hợp kinh tế với quốc phòng, tạo lập thế trận phòng thủ vững chắc trên địa bàn tỉnh ven biển Thái Bình 11/12/2011
Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga phát huy nội lực, mở rộng hợp tác, nâng cao hiệu quả hoạt động 11/12/2011