QPTD -Thứ Sáu, 19/08/2011, 23:08 (GMT+7)
Luật Quốc phòng - bước phát triển quan trọng trong xây dựng thể chế pháp quyền bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa

Xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc là hai nhiệm vụ chiến lược trọng yếu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, đã được xác định trong Cương lĩnh, nghị quyết của Đảng qua các kỳ đại hội, được thể chế hóa trong Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam năm 1992 và trong toàn bộ hệ thống pháp luật của Nhà nước. Những năm qua, cùng với việc tập trung đầu tư hoàn thiện hệ thống pháp luật để đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, Đảng và Nhà nước luôn chú trọng xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật phục vụ cho nhiệm vụ tăng cường quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc; nhất là, hoàn thiện các luật, pháp lệnh về tổ chức, hoạt động của lực lượng vũ trang (LLVT); các văn bản của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các lệnh, pháp lệnh; các văn bản quy phạm pháp luật về tổ chức xây dựng lực lượng, chính sách đối với LLVT và các lĩnh vực liên quan ... Các văn bản đó đã phản ánh đúng những yêu cầu bức thiết của sự nghiệp quốc phòng, bảo vệ an ninh quốc gia, thể hiện sâu sắc sự vận dụng sáng tạo những quan điểm cơ bản của chủ nghĩa Mác- Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào điều kiện cụ thể của nước ta; góp phần hình thành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật nhằm tăng cường thể chế pháp quyền, nâng cao sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới.  

Hiện nay và trong thời gian tới, tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất ổn định. Đối với nước ta, những thành tựu đạt được trong công cuộc đổi mới, đẩy mạnh CNH, HĐH, hội nhập kinh tế quốc tế..., đã tạo nền tảng quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội, tăng cường quốc phòng-an ninh. Tuy nhiên, những nguy cơ mà Đảng ta đã chỉ ra vẫn tồn tại, có nguy cơ còn sâu sắc hơn; nhất là, các thế lực thù địch tiếp tục đẩy mạnh chiến lược "Diễn biến hòa bình" chống phá cách mạng nước ta quyết liệt, với những thủ đoạn thâm độc hơn. Mặt khác, hoạt động thực tiễn cho thấy, các vấn đề về nguyên tắc, tổ chức, biên chế, bảo đảm vũ khí, trang bị, công tác giáo dục-đào tạo, huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu; các chế độ, chính sách đối với LLVT; việc kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế; việc xây dựng tiềm lực quốc phòng, chuẩn bị cho động viên quốc phòng, xử lý các tình huống liên quan tới quốc phòng, an ninh quốc gia..., đặt ra yêu cầu phải được thể chế hóa bằng một văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực pháp lý cao, làm cơ sở cho việc thi hành. Hơn nữa, một số quy định của Hiến pháp năm 1992, như việc Quốc hội quyết định vấn đề chiến tranh và hòa bình; quy định các biện pháp đặc biệt bảo đảm cho quốc phòng, an ninh; quy định về tuyên bố tình trạng chiến tranh, ban bố tình trạng khẩn cấp; quy định nhiệm vụ, quyền hạn đặc biệt của Hội đồng Quốc phòng và an ninh, thẩm quyền của các cơ quan trong hệ thống chính trị..., đến nay cần được hệ thống hóa và hoàn thiện. Một số sắc lệnh của Chính phủ ban hành từ năm 1946 liên quan tới cơ chế chỉ huy trong quân đội và biện pháp hành chính bảo đảm quốc phòng-an ninh quốc gia, như thiết quân luật, giới nghiêm..., nay đã hết hiệu lực pháp lý, nhưng chưa có văn bản nào thay thế. Từ các yếu tố chính trị, pháp lý nêu trên, việc Nhà nước ban hành Luật Quốc phòng là rất cần thiết, nhằm cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng, các quy định của Hiến pháp năm 1992 về tăng cường quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc thành đạo luật khung về quốc phòng, làm cơ sở pháp lý thống nhất cho nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc; đồng thời, thể hiện rõ những vấn đề về nguyên tắc hoạt động và chính sách quốc phòng, xác định trách nhiệm của các cấp, các ngành và mọi công dân để chủ động, sẵn sàng đối phó có hiệu quả với chiến tranh xâm lược và các hoạt động bạo loạn, lật đổ, cũng như các tình huống khác liên quan đến công cuộc phòng thủ quốc gia. Việc ban hành Luật Quốc phòng là yêu cầu khách quan, là bước phát triển hết sức quan trọng trong tiến trình xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN - nhà nước kiểu mới "của dân, do dân và vì dân".

Luật Quốc phòng có 9 chương, 51 điều. Chương I là Những quy định chung (từ Điều 1 đến Điều 11), quy định phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, giải thích các từ ngữ: quốc phòng, nền quốc phòng toàn dân (QPTD), tiềm lực quốc phòng, khu vực phòng thủ, tình trạng chiến tranh, tổng động viên...; xác định chính sách quốc phòng; quy định nguyên tắc hoạt động quốc phòng, quyền và nghĩa vụ của công dân về quốc phòng; chỉ rõ nội dung xây dựng nền QPTD, xây dựng khu vực phòng thủ, động viên quốc phòng, kết hợp kinh tế với quốc phòng. Điểm nổi bật trong chương này là: Luật đã pháp điển hóa thuật ngữ "Quốc phòng" là công cuộc giữ nước bằng sức mạnh tổng hợp, toàn diện của toàn dân tộc, trong đó sức mạnh quân sự là đặc trưng, LLVT nhân dân làm nòng cốt (Khoản 1, Điều 3). Như vậy, công cuộc giữ nước bao hàm cả chống thù trong, giặc ngoài; là sự thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước". Luật cũng vạch rõ, LLVT nhân dân có ba thành phần cơ bản là Quân đội nhân dân (QĐND), Công an nhân dân và Dân quân tự vệ; mỗi lực lượng có chức năng, nhiệm vụ riêng theo luật định, không lực lượng nào làm thay lực lượng nào, mà chỉ phối hợp, hỗ trợ, chi viện cho nhau để đảm đương vai trò nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng. Tuy nhiên, do sức mạnh quân sự là đặc trưng của sức mạnh quốc phòng, nên Luật quy định: QĐND làm nòng cốt của LLVT trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng. Đối với vấn đề Quân đội tham gia làm kinh tế kết hợp với quốc phòng, Luật quy định: "Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ lập kế hoạch về khả năng và nhu cầu kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng thời bình và thời chiến trình Chính phủ quyết định; tổ chức, xây dựng khu kinh tế- quốc phòng được Chính phủ giao; tổ chức, quản lý hoạt động của doanh nghiệp phục vụ quốc phòng và đơn vị quân đội được giao làm kinh tế kết hợp với quốc phòng phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của Quân đội theo quy định của pháp luật" (khoản 4, Điều 11). Từ khi thành lập, nhờ tăng gia sản xuất, tham gia làm kinh tế- quốc phòng, Quân đội đã bảo đảm được hậu cần tại chỗ, góp phần giải quyết khó khăn về lương thực, thực phẩm, trang bị chiến đấu, cải thiện đời sống cho bộ đội. Hiện nay, Quân đội đang tiếp tục tham gia có hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ sản xuất, làm kinh tế kết hợp với quốc phòng; đồng thời, tham gia các chương trình xóa đói, giảm nghèo, xây dựng khu kinh tế- quốc phòng trên các địa bàn chiến lược. Việc Luật quy định phạm vi Quân đội làm kinh tế kết hợp với quốc phòng là ghi nhận về mặt pháp lý vai trò của Quân đội trong tham gia lao động sản xuất, kết hợp quốc phòng với kinh tế, kinh tế với quốc phòng trong điều kiện mới. Chương II là LLVT (từ Điều 12 đến Điều 18), quy định các thành phần của LLVT, nguyên tắc hoạt động, sử dụng LLVT; tổ chức, hoạt động, chế độ phục vụ của QĐND và Dân quân tự vệ; trách nhiệm của Công an nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng; bảo đảm cho hoạt động của LLVT. Chương III là Giáo dục quốc phòng (từ Điều 19 đến Điều 21), quy định phạm vi, đối tượng, nội dung giáo dục quốc phòng và trách nhiệm tổ chức thực hiện công tác này. Chương IV là Công nghiệp quốc phòng (từ Điều 22 đến Điều 25), quy định vị trí, nhiệm vụ xây dựng công nghiệp quốc phòng, cơ sở công nghiệp quốc phòng và trách nhiệm quản lý công nghiệp quốc phòng. Chương V đề cập vấn đề Phòng thủ dân sự (từ Điều 26 đến Điều 28). Đây là một nội dung mới; trong đó xác định rõ: "Phòng thủ dân sự là bộ phận trong hệ thống phòng thủ quốc gia, gồm các biện pháp chủ động phòng, chống chiến tranh hoặc thảm họa do thiên nhiên hoặc con người gây ra, dịch bệnh nguy hiểm; thực hiện phòng, chống, khắc phục hậu quả thảm họa, bảo vệ nhân dân, bảo vệ hoạt động của cơ quan, tổ chức và nền kinh tế quốc dân; quy định vị trí, biện pháp và trách nhiệm tổ chức, quản lý công tác phòng thủ dân sự". Trên thực tế, công tác phòng thủ dân sự đã và đang được thực hiện, nên điểm mới là Luật chế định vị trí, phạm vi, đối tượng, biện pháp, cơ chế và trách nhiệm trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ quan trọng này. Chương VI là Tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp về quốc phòng (từ Điều 29 đến Điều 36), quy định việc tuyên bố tình trạng chiến tranh, ban bố tình trạng khẩn cấp về quốc phòng; việc tổng động viên, động viên cục bộ; về thẩm quyền áp dụng các biện pháp thiết quân luật, giới nghiêm và việc bãi bỏ các biện pháp nêu trên; quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng Quốc phòng và an ninh. Theo đó, để cụ thể hóa Điều 104 của Hiến pháp 1992 (Trong trường hợp có chiến tranh, Quốc hội có thể giao cho Hội đồng Quốc phòng và an ninh những nhiệm vụ và quyền hạn đặc biệt), Luật quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng Quốc phòng và an ninh trong tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp về quốc phòng: quyết định động viên mọi lực lượng và khả năng của nước nhà để bảo vệ Tổ quốc; quyết định các biện pháp quân sự và điều động LLVT nhân dân; quyết định các biện pháp nhằm giữ ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội phục vụ quốc phòng; chỉ đạo các hoạt động tư pháp, ngoại giao thời chiến. Tuy nhiên, theo quy định của Hiến pháp, đối với những nhiệm vụ, quyền hạn đặc biệt, Quốc hội có thể giao cho Hội đồng Quốc phòng và an ninh ngoài nhiệm vụ, quyền hạn mà Luật này quy định, nên khoản 5 (Điều 34) của Luật đã quy định: Hội đồng thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đặc biệt khác khi được Quốc hội giao. Chương VII là Bảo đảm quốc phòng (từ Điều 37 đến Điều 43), quy định các biện pháp bảo đảm cho quốc phòng về: nguồn nhân lực, tài chính, tài sản, thông tin liên lạc, thông tin tuyên truyền, y tế, công trình quốc phòng, khu quân sự, giao thông. Chương VIII là Nhiệm vụ, quyền hạn của  các cơ quan, tổ chức và công dân về quốc phòng (từ Điều 44 đến Điều 49), hệ thống hóa, cụ thể hóa quy định của Hiến pháp, các luật Tổ chức bộ máy nhà nước, các quy định của Chính phủ về nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức từ Chính phủ đến các bộ, ngành, ủy ban nhân dân các cấp. Chương IX là Điều khoản thi hành (từ Điều 50 đến Điều 51), quy định  Luật Quốc phòng có hiệu lực từ 01 tháng 01 năm 2006; giao Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật.   

Theo đó, trước mắt, Chính phủ tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các pháp lệnh, các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đã ban hành cho phù hợp với quy định của Luật Quốc phòng. Về lâu dài, hoàn thiện hệ thống pháp luật giai đoạn đến 2010, định hướng đến 2020 trong chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam. Luật Quốc phòng có phạm vi điều chỉnh rộng, liên quan đến trách nhiệm thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước và hoạt động của tất cả các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị; do vậy, để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong việc ban hành cơ chế, chính sách chung phù hợp với yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thì vấn đề quan trọng quyết định là các cấp, các ngành, các địa phương phải làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, quán triệt và triển khai thực hiện đúng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đã quy định trong Luật để Luật Quốc phòng thực sự là khung pháp lý, làm cơ sở để tăng cường thể chế pháp quyền, nâng cao sức mạnh tổng hợp của cả nước đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc XHCN trong thời kỳ mới.

MINH ĐỨC

 

Ý kiến bạn đọc (0)