Thứ Bảy, 23/11/2024, 11:18 (GMT+7)
Ấn phẩm tạp chí in
Ngày 11-6-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc”.
Sáu mươi năm qua, “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” đã thấm sâu vào các tầng lớp nhân dân Việt Nam, biến thành sức mạnh đưa cách mạng nước ta đến những thắng lợi ngày càng to lớn hơn. Trong dịp này, chúng ta có điều kiện nhìn lại phong trào thi đua yêu nước từ ngày phát động đến nay, khẳng định ý nghĩa, giá trị của “Lời kêu gọi...” để từ đó rút ra những bài học quý báu cho ngày nay và mai sau.
Trong quá trình tồn tại và phát triển của xã hội loài người, với những hình thức, mức độ, tính chất, ý nghĩa khác nhau, việc “thi đua” giữa các cá nhân, tộc người, quốc gia đã diễn ra và là một động lực cho sự tiến bộ hợp quy luật. Đối với dân tộc Việt Nam, tinh thần yêu quê hương, đất nước được thể hiện ở việc, mọi người ra sức đóng góp xây dựng xóm làng, quê hương, đất nước ngày một tươi đẹp, giàu mạnh. Như vậy, từ trong nguồn gốc, thi đua gắn với yêu nước là xây dựng lòng tự hào chính đáng của mỗi người dân về quê hương, dân tộc.
Tiếp thụ truyền thống dân tộc, tinh hoa văn hóa nhân loại, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rõ: “Thi đua là yêu nước, Yêu nước thì phải thi đua. Và những người thi đua là những người yêu nước nhất”. Vì vậy, trong tác phẩm “Đường Cách mệnh” viết năm 1927, khi giảng giải về Công hội, Nông hội, Hợp tác xã, Nguyễn Ái Quốc đã gắn liền mục tiêu, phương thức tổ chức, cách tiến hành... với sự nỗ lực của mỗi cá nhân và mối quan hệ giúp đỡ nhau trong cộng đồng. Sự nỗ lực của cá nhân và cộng đồng được Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.
Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, trong việc xây dựng chính quyền cách mạng, bảo vệ Tổ quốc đang ở tình thế “nghìn cân treo sợi tóc” vì thù trong rắp tâm phá hoại, giặc ngoài lăm le xâm lược, việc động viên sức lực của “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”1 là điều cần thiết. Để giành thắng lợi trong cuộc đấu tranh, thì “... một cách tốt nhất là tổ chức thi đua. Người này thi đua với người khác. Nhà này thi đua với nhà khác. Làng này thi đua với làng khác. Ai hơn thì được nhân dân kính trọng và Chính phủ trọng thưởng”2.
Có thể nói, việc đề xuất “thi đua yêu nước” của Hồ Chí Minh được nêu lên lần đầu tiên năm 1947 trong tác phẩm "Đời sống mới", nhưng tinh thần, ý nghĩa của nó đã được Người nhận thức từ lâu. Sau chiến thắng Việt Bắc (Thu Đông 1947), Chủ tịch Hồ Chí Minh mới đề ra sáng kiến về tổ chức, lãnh đạo thực hiện phong trào thi đua yêu nước để giành thắng lợi to lớn hơn. Chấp thuận đề nghị của Người, ngày 27-3-1948, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra chỉ thị phát động phong trào thi đua ái quốc. Chỉ thị xác định: mục đích thi đua ái quốc lúc bấy giờ là làm sao cho kháng chiến mau thắng lợi, kiến quốc chóng thành công. Nhân dịp kỷ niệm Ngày Quốc tế lao động (1-5-1948), Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi thi đua yêu nước”, nêu rõ: “Vì vậy, bổn phận của người Việt Nam, bất kỳ sĩ, nông, công thương, binh”3, gái trai, già trẻ, toàn thể quốc dân ta, vô luận ở địa vị nào, làm công việc gì, phải ra sức tham gia cuộc thi đua yêu nước.
Ngày 11-6-1948, nhân kỷ niệm 1.000 ngày toàn quốc kháng chiến (từ 19-12-1946), Chủ tịch Hồ Chí Minh viết “Lời kêu gọi thi đua ái quốc”, chính thức phát động cuộc vận động thi đua ái quốc.
“Lời kêu gọi...” mang tính chất một lời “Hịch” để phát động một phong trào quần chúng rộng lớn, nhằm “kháng chiến và kiến quốc thành công”, nhưng đồng thời thể hiện những quan điểm cơ bản của tư tưởng Hồ Chí Minh về tổ chức, lãnh đạo một phong trào cách mạng với ý nghĩa quan trọng. Đó là quan điểm về vai trò quyết định của quần chúng nhân dân trong sự nghiệp cách mạng, về đoàn kết toàn dân, và việc thực hiện nhiệm vụ chiến lược lâu dài với những nhiệm vụ cụ thể trước mắt... Cùng với nhiều bài nói, bài viết tiếp sau của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các tài liệu, Chỉ thị của Đảng, cơ sở lý luận, quan điểm về thi đua yêu nước được hình thành. Nó đã định hướng, chỉ đạo phong trào thi đua yêu nước trong 60 năm qua, góp phần to lớn vào hoàn thành các nhiệm vụ kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược và xây dựng đất nước theo con đường XHCN.
Từ nội dung cơ bản của “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” và những bài nói, bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta có thể tổng hợp một số điểm cơ bản để tìm hiểu và đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước ngày nay.
Thứ nhất, nhận thức đúng “Mục đích thi đua ái quốc” là để thực hiện tốt nhiệm vụ chủ yếu của mỗi thời kỳ cách mạng trong tình hình và điều kiện lịch sử cụ thể. Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ thi đua yêu nước là “Diệt giặc đói. Diệt giặc dốt. Diệt giặc ngoại xâm”, để:
“Toàn dân đủ ăn, đủ mặc
Toàn dân biết đọc, biết viết,
Toàn bộ đội đầy đủ lương thực, khí giới để diệt ngoại xâm
Toàn quốc sẽ thống nhất độc lập hoàn toàn”.
Mục tiêu này đã giành được trong hai cuộc kháng chiến giải phóng đất nước khỏi ách ngoại xâm, thì mục đích thi đua yêu nước ngày nay là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN để xây dựng một nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Như vậy, mục đích thi đua yêu nước bao giờ cũng có tính chính trị, nhằm giải quyết những nhiệm vụ trước mắt và để hoàn thành nhiệm vụ chiến lược lâu dài. Do đó, thực hiện thi đua yêu nước theo tư tưởng Hồ Chí Minh là một bộ phận trong cuộc đấu tranh chính trị, bao giờ cũng gay go, phức tạp; càng gần đến thắng lợi càng phải nỗ lực phấn đấu nhiều. Trong điều kiện xây dựng hoà bình, hội nhập kinh tế quốc tế, khu vực, việc thi đua yêu nước để “sánh vai với cường quốc năm châu” đòi hỏi kết hợp nhuần nhuyễn lòng yêu nước với tinh thần quốc tế, lòng tự hào dân tộc với ý thức tiếp thụ tinh hoa văn hóa nhân loại, trung thành với lý tưởng cách mạng...
Thứ hai, thi đua yêu nước phải tiến hành một cách toàn diện; bởi nhiệm vụ cách mạng ở bất cứ thời kỳ lịch sử nào cũng được thực hiện trên tất cả các lĩnh vực để hoàn thành mục tiêu chung. Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, Người kêu gọi “Mỗi người dân Việt Nam, bất kỳ già, trẻ, trai, gái; bất kỳ giàu, nghèo, lớn, nhỏ, đều cần phải trở nên một chiến sĩ tranh đấu trên mặt trận: Quân sự, Kinh tế, Chính trị, Văn hóa”4. Điều này xuất phát từ tính chất toàn diện của cuộc kháng chiến. Ngày nay, công cuộc đổi mới đất nước cũng tiến hành trên tất cả các mặt, mà mục tiêu trước mắt là hoàn thành sự nghiệp đẩy mạnh CNH,HĐH đất nước. Vì vậy, việc thi đua yêu nước cũng phải tiến hành một cách toàn diện để tạo nên sức mạnh to lớn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN.
Thứ ba, thi đua yêu nước là nhiệm vụ cách mạng của mỗi người dân nên phong trào thi đua yêu nước phải mang tính chất toàn dân. Tính nhân dân của phong trào thi đua yêu nước được thể hiện ở việc tổ chức cho các tầng lớp nhân dân được quyền và có nghĩa vụ đóng góp vào công việc chung của đất nước, tuỳ theo sức lực của mình. Để thực hiện được mục đích thi đua, Hồ Chí Minh trong “Lời kêu gọi...” đã nêu rõ “Cách làm là: dựa vào:
Lực lượng của dân,
Tinh thần của dân, để gây:
Hạnh phúc cho dân”5.
Phương châm dựa vào dân để đạt mục đích phục vụ nhân dân đã được Đảng ta lãnh đạo thực hiện trong phong trào thi đua yêu nước thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954), nhằm phát huy sức lực của mọi người, theo lời dạy của Bác Hồ:
“Các cụ phụ lão thi đua đốc thúc con cháu hăng hái tham gia mọi công việc,
Các cháu nhi đồng thi đua học hành và giúp việc người lớn,
Đồng bào phú hào thi đua mở mang doanh nghiệp,
Đồng bào công nông thi đua sản xuất,
Đồng bào trí thức và chuyên môn thi đua sáng tác và phát minh,
Nhân viên Chính phủ thi đua tận tuỵ làm việc, phụng sự nhân dân,
Bộ đội và dân quân thi đua giết cho nhiều giặc, đoạt cho nhiều súng.
Nói tóm lại, ai cũng thi đua, ai cũng tham gia kháng chiến và kiến quốc"6.
Lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh được vận dụng sáng tạo trong công cuộc xây dựng CNXH ngày nay để huy động sức mạnh của các tầng lớp nhân dân trong nước, của kiều bào, kể cả người nước ngoài, theo mục tiêu chung đã được xác định.
Thứ tư, văn hóa thi đua là một nội dung quan trọng trong tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước. Nó thể hiện chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh, không chỉ ở xác định mục đích thi đua, cách tổ chức, quan hệ, thái độ trong thi đua yêu nước mà còn ở việc rèn luyện phẩm chất, đạo đức của mỗi người, đơn vị tham gia thi đua. Người chỉ rõ: “thi đua chứ không phải ganh đua” nên phải thân ái, đoàn kết, giúp đỡ nhau để đạt được thành tích cao, “giúp đỡ những người và những nhóm còn kém theo kịp mức cao hiện nay”. Vì vậy, theo tư tưởng của Hồ chí Minh: thi đua là đoàn kết; thi đua để tăng cường đoàn kết, có đoàn kết mới đẩy mạnh thi đua. Đoàn kết ấy là đoàn kết thật sự và rất chặt chẽ. Chiến sĩ thi đua là những người mới, những người luôn cố gắng thực hành cần, kiệm, liêm, chính, là những người tôi trung của nhân dân, con hiếu của Tổ quốc.
Tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh trong thi đua yêu nước vẫn còn nguyên giá trị trong hiện tại, khi chúng ta ra sức xây dựng và bảo vệ đất nước, song bị tác động không nhỏ của mặt trái cơ chế thị trường, sự tuyên truyền xuyên tạc, bóp méo sự thật và âm mưu phá hoại cách mạng về mọi mặt của các thế lực phản động trong và ngoài nước, nên nảy sinh nhiều suy nghĩ và hành động sai trái như: kể công, cạnh tranh không lành mạnh, “bệnh thành tích”, gian dối, làm sai pháp luật... Vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng ta đặc biệt quan tâm đến công tác thi đua - khen thưởng, đã ban hành nhiều chỉ thị về công tác này, như Chỉ thị 35-CT/TƯ; Chỉ thị 39-CT/TƯ của Bộ Chính trị (khóa VIII và IX). Trong đó, đã tập trung đổi mới một số vấn đề cơ bản như : xác định rõ vị trí, vai trò quan trọng của công tác thi đua, khen thưởng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới của cách mạng; khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng và quản lý Nhà nước đối với công tác thi đua - khen thưởng, kiện toàn và đổi mới tổ chức cán bộ của các cơ quan tham mưu về công tác thi đua khen thưởng; đổi mới nội dung và hình thức thi đua - khen thưởng... Sáu mươi năm qua, thực hiện “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cả nước đã dấy lên phong trào thi đua sôi nổi, liên tục, sâu rộng với tinh thần:
“Người người thi đua
Ngành ngành thi đua
Ta nhất định thắng
Địch nhất định thua”7
Phong trào thi đua đã tạo động lực tinh thần to lớn góp phần vào thắng lợi của công cuộc đấu tranh vì độc lập dân tộc và CNXH. Nó được phát triển mạnh mẽ trong hiện tại và trong tương lai để thực hiện những nhiệm vụ chiến lược của cách mạng nước nhà theo con đường mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân đã lựa chọn, với mục tiêu: dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
GS,TS. Phan Ngọc Liên
Đại học Sư phạm Hà Nội
__________
1- Hồ Chí Minh - Toàn tập, T. 4, Nxb CTQG, H. 1996, tr. 5.
2, 3 - Hồ Chí Minh - Sđd, T.5, tr.444.
4- Hồ Chí Minh - Sđd, T.5, tr. 444
5- Hồ Chí Minh - Sđd, T.5, tr. 445.
6- Hồ Chí Minh - Sđd, T.5, tr . 445.
7- Hồ chí Minh - Sđd, T.6, tr. 476.
Trao đổi ý kiến giữa Tạp chí quốc phòng toàn dân với bạn đọc, cộng tác viên Quân khu 5 12/12/2011
Nghệ thuật tổ chức, sử dụng lực lượng quân sự trong những ngày đầu kháng chiến toàn quốc 12/12/2011
“Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” với việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay 12/12/2011
Một số vấn đề về nghệ thuật chiến dịch phòng ngự trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 12/12/2011
Hưng Yên không ngừng nâng cao hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng 12/12/2011
Kết quả và kinh nghiệm tiến hành công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của lực lượng vũ trang Quân khu 5 12/12/2011
Đoàn B.90 nâng cao chất lượng xây dựng lực lượng dự bị động viên - một số kinh nghiệm bước đầu 12/12/2011
Trường Quân sự Binh đoàn Cửu Long phấn đấu nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và huấn luyện 11/12/2011
Kết hợp kinh tế với quốc phòng, tạo lập thế trận phòng thủ vững chắc trên địa bàn tỉnh ven biển Thái Bình 11/12/2011
Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga phát huy nội lực, mở rộng hợp tác, nâng cao hiệu quả hoạt động 11/12/2011