QPTD -Chủ Nhật, 14/08/2011, 23:23 (GMT+7)
“Lo giữ nước từ lúc nước chưa nguy” - tư tưởng chủ động giữ nước của Tổ tiên ta

Tư tưởng chủ động giữ nước, bảo vệ nền độc lập dân tộc ngay trong thời bình - khi đất nước chưa xảy ra chiến tranh xâm lược là một di sản quý báu mà Tổ tiên ta để lại cho muôn đời con cháu. Tư tưởng đó được hình thành và phát triển qua các triều đại phong kiến Đại Việt. Trước lúc lâm chung, vua Lý Nhân Tông đã căn dặn Thái tử cùng quần thần: “Nên sửa sang giáo mác để phòng việc bất ngờ1. Thượng tướng Trần Quang Khải khi chỉ đạo quân dân Đại Việt chuẩn bị kháng chiến chống Nguyên - Mông lần thứ hai (1285), đã thể hiện tư tưởng này qua câu thơ: “Thái bình tu trí lực/ Vạn cổ cựu giang san2 (Thái bình nên gắng sức/ Non nước vững nghìn thu). Giành lại nền độc lập dân tộc và sự toàn vẹn lãnh thổ từ tay quân xâm lược nhà Minh sau 10 năm gian lao kháng chiến, dù phải tập trung mọi nỗ lực vào công cuộc khôi phục, xây dựng đất nước sau chiến tranh, vua Lê Thái Tổ luôn đau đáu ý thức phòng bị đất nước. Khi đi kinh lý vùng biên, Ông đã thể hiện rõ tư tưởng đó của mình bằng bài thơ cho khắc trên vách núi đá Thác Bờ (Hòa Bình) rằng: “Biên phòng hảo vị trù phương lược, xã tắc ưng tu kế cửu an3 (Biên phòng cần có phương lược tốt, đất nước nên có kế lâu dài”. Cho đến lúc cuối đời, vua Lê Thái Tổ cũng không quên di chúc lại cho con cháu: “Lo giữ nước từ lúc nước chưa nguy4. Giữa thế kỷ XV, trước nhiệm vụ giữ nước còn rất nặng nề, vua Lê Thánh Tông đã nhắc nhở: “Phàm có nhà nước tất có võ bị5,và ra chỉ dụ khuyên các tướng sĩ phải biết quý trọng gìn giữ, bảo vệ từng thước núi, tấc sông do cha ông để lại, năng luyện rèn sẵn sàng đối phó với giặc ngoài.

Như vậy, lịch sử dân tộc đã cho thấy: Lo giữ nước từ lúc nước chưa nguy tư tưởng chiến lược, mang tính chủ động rất cao, đã trở thành một quy luật trong sự nghiệp giữ nước của dân tộc ta. Nội hàm của nó rất rộng, được biểu hiện trên nhiều phương diện, mà tiêu biểu là:

Một là, phát triển kinh tế làm cho quốc phú binh cường. Đánh tan ngoại xâm, bảo vệ nền độc lập tự chủ, trước hết là thành tựu của “võ công”, sức mạnh quân sự. Tuy nhiên, thành tựu ấy có được, trước hết là nhờ vào sức mạnh tổng hợp của cả nước, của hậu phương với quá trình chuẩn bị lâu dài, ngay từ trong thời bình, trong đó yếu tố kinh tế giữ vai trò nền tảng. Ngay từ thời Văn Lang, khi bắt đầu đặt nền móng xây dựng một quốc gia độc lập, Tổ tiên ta đã có ý thức phát triển kinh tế gắn với giữ gìn quốc gia. Thục Phán An Dương Vương vừa động viên trăm họ phát triển cây lúa nước, vừa huy động toàn dân đắp thành Cổ Loa, sửa sang giáo mác, rèn đúc tên đồng để sẵn sàng chống ngoại xâm, bảo vệ đất nước. Trong thời kỳ Đại Việt (Lý - Trần), nước ta luôn ở vào thế bị đe dọa xâm lược từ cả hai đầu. Cùng với việc tổ chức lực lượng vũ trang, sẵn sàng phòng thủ đất nước, Nhà nước hết sức quan tâm đến việc khuyến khích phát triển nông nghiệp, phát triển công thương, mở mang giao thông vận tải... kết hợp chặt chẽ với quốc phòng, hướng về quốc phòng, và đó đã “trở thành chủ trương mang tính chiến lược trong kế sách giữ nước thời Lý - Trần”6 và các triều đại kế tiếp. Nhờ đó, đã tạo nền tảng cơ sở vật chất và tiềm lực quân sự ngày càng lớn cho chủ động trong giữ nước ngay từ khi chưa có họa ngoại xâm.

Hai là, vua tôi đồng lòng, cả nước chung sức chống thù trong, giặc ngoài. Cùng với chuẩn bị sức mạnh về vật chất, việc chuẩn bị về sức mạnh chính trị - tinh thần cho nhân dân các dân tộc (trước hết là trong dòng tộc) cũng được Tổ tiên ta hết sức coi trọng, và xem như là nhân tố then chốt của kế sách chủ động giữ nước. Tiêu biểu cho sức mạnh đó là việc thực thi tư tưởng “Vua tôi đồng lòng, cả nước chung sức”. Vì quyền lợi của quốc gia, trăm họ trước nguy cơ xâm lược của ngoại bang, Thái hậu Dương Vân Nga chủ động trao quyền trị vì đất nước, thống lĩnh quân đội cho Thập đạo tướng quân Lê Hoàn. Nhờ hành động dũng cảm, cao cả vì sự nghiệp chung của Thái hậu mà Lê Hoàn đã quy tụ lòng quân và tinh thần trăm họ, động viên được cả nước đánh tan giặc Tống. Thời Trần, Trần Quốc Tuấn đã vì nghĩa lớn mà đặt việc nước lên trên việc nhà, một lòng phò tá các vua Trần trong sự nghiệp chống Nguyên - Mông. Trong cuộc kháng chiến chống quân Minh, lời nguyện ở Hội thề Lũng Nhai: “Dù bể kia có cạn, núi nọ có bằng cũng không quên chư tướng”, cùng hành động “dốc hết cửa nhà để khoản đãi tân khách” của Lê Lợi đã đoàn kết thống nhất được bộ chỉ huy nghĩa quân Lam Sơn và cả triều đình sau này, tạo nên sức mạnh đoàn kết, cả nước chung sức đánh giặc, xây dựng vào bảo vệ vững chắc non sông Đại Việt... Đó là những hành động cao cả, biểu hiện sinh động tư tưởng cố kết trong nội bộ lãnh đạo đất nước, sẵn sàng và chủ động trong công cuộc giữ nước.

Cùng với tư tưởng cố kết trong nội bộ lãnh đạo, Tổ tiên ta cũng thực hành xây dựng quân đội theo tư tưởng “phụ tử chi binh (quân đội cha con) nhằm tạo sự đoàn kết, thống nhất ý chí trong chống giặc ngoại xâm. Trước nguy cơ xâm lược của quân Nguyên - Mông, nhà Trần đã mở Hội nghị Bình Than, “bàn kế đánh phòng và chia quân giữ nơi hiểm yếu”. Hội nghị đã thống nhất được tinh thần - ý chí, chiến lược và chiến thuật đánh giặc trong toàn quân. Đặc biệt, tại cuộc hội quân ở Đông Bộ Đầu, Trần Quốc Tuấn  lại ra tiếp “huấn thị” nhằm củng cố sự thống nhất lòng quân: “Các vương hầu và tướng sĩ, ai nấy phải đồng lòng hết sức, chớ thấy thua mà ngã lòng, chớ thấy được mà sinh hợm... Tướng với quân phải như cha con một nhà thì mới đánh được giặc”. Như vậy, có thể thấy, cùng với các vấn đề quân sự, việc xây dựng khối đoàn kết toàn quân, toàn dân đánh giặc là một nội dung đặc biệt quan trọng của tư tưởng chủ động giữ nước.

Ba là, đối sách mềm dẻo, bang giao phòng ngừa. Đây là một nội dung chiến lược mà Tổ tiên ta đã vận dụng có hiệu quả, nhằm chủ động giữ nước khi nước chưa nguy. Nội dung sinh động của nó được thể hiện trên các vấn đề như: ngoại giao tại biên, ngăn chặn các âm mưu phản loạn từ ngoài biên giới; ngoại giao thăm dò đối phương, nêu cao khí phách của ta; hòa giảng trên thế thắng; ngoại giao sau chiến thắng...

Việc Lê Hoàn đặt lệ buộc các sứ nhà Tống chỉ được trao công văn, giấy tờ tại biên giới, không đến Hoa Lư là để ngăn ngừa hoạt động do thám của lân bang; hay “nhiều lần gửi thư sang đòi nhà Tống bắt trả bọn Văn Dũng” (kẻ phản bội, đào tẩu) là để tỏ thái độ bình đẳng trong quan hệ... Rồi việc “dụng kế biện sĩ bàn hòa, không nhọc tướng tá, khỏi tốn xương máu mà bảo toàn được tông miếu” của Lý Thường Kiệt sau chiến thắng Như Nguyệt, không chỉ buộc giặc Tống phải rút quân, mà còn lấy lại được những đất đã mất. Hay thái độ khảng khái của Đỗ Khắc Chung trước Ô Mã Nhi khi được vua Trần cử đi dò xét tình hình địch, đã buộc tướng giặc phải thốt ra rằng: “Người này ở vào lúc bị uy hiếp mà lời lẽ vẫn tự nhiên, không hại chủ là chính, không nịnh ta là nghiêm, giỏi ứng đối có thể nói là không nhục mệnh vua. Nước này có những người như thế chưa dễ đã chiếm được”7; và nhất là việc các vua Trần đẩy mạnh các quan hệ ngoại giao, cử các sứ bộ sang bang giao, thả 5 vạn tù binh, tỏ thái độ nhân nhượng cho nhà Nguyên đỡ mất thể diện, cố gắng ngăn chặn một cuộc chiến tranh báo thù... Tất cả đều là những việc làm sáng tạo trong thực hiện chính sách đối ngoại nêu trên. Đó vừa là những hoạt động đối ngoại mềm dẻo, vừa là những bài học bang giao phòng ngừa mang tính điển hình, giúp cho việc giữ nước một cách chủ động và có hiệu quả nhất trong lịch sử dân tộc.

Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, Đảng ta định ra đường lối “Mở rộng quan hệ đối ngoại, chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế. Trong đó, việc xác định nhiệm vụ của công tác đối ngoại là giữ vững môi trường hòa bình, tạo điều kiện quốc tế thuận lợi cho công cuộc đổi mới, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, CNH, HĐH đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” là sự kế thừa và phát huy tư tưởng giữ nước mang tính chủ động cao của cha ông ta trong điều kiện mới. Nó không chỉ đẩy lùi các nguy cơ, tận dụng thời cơ, mà còn giảm thiểu và chuyển hóa đối tượng, tăng cường đối tác, bảo đảm thực hiện thắng lợi mục tiêu độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển của đất nước.

Bốn là, phát hiện từ sớm, tuần phòng từ xa, ngăn ngừa ý định xâm lược. Đây là một nội dung rất quan trọng của tư tưởngLo giữ nước từ lúc nước chưa nguy mà Tổ tiên ta đã thực hiện. Sử cũ chép rằng, năm 972, trước sức ép của nhà Tống, cùng với những biện pháp khéo léo trong quan hệ bang giao, Đinh Tiên Hoàng đã ra sức chỉnh đốn quân đội, quan lại, dân ấp, đẩy mạnh việc tuần phòng nơi biên ải... Nhờ đó, mà dù nhân khi Đinh Tiên Hoàng qua đời, quân giặc có mở cuộc tiến công “chớp nhoáng” qua biên giới, nhưng chúng đã bị quân dân Đại Cồ Việt, dưới sự chỉ huy của Lê Hoàn, đánh bại (năm 981). Tiếp sau chiến thắng, “Lê Hoàn dốc sức chăm lo xây dựng và bảo vệ đất nước. Bên trong, chống cát cứ, xây dựng cơ sở của nền kinh tế. Đối với bên ngoài, thi hành chính sách ngoại giao mềm dẻo, khôn khéo nhưng kiên quyết bảo vệ nền độc lập của đất nước”8; mặt khác, “Các tướng trong triều được cử đi tuần xét núi sông và kiểm tra việc biên phòng”. Năm 1001, Lê Hoàn sai Từ Mục đi tuần cõi Hải Tây (Thanh - Nghệ), Ngô Tử An đi tuần cõi Bắc xem xét tình hình biên giới. Đối với phía Tây, “cho xây dựng phòng tuyến chủ yếu bằng ràng buộc các dân tộc thiểu số, bắt họ phục tùng”9... Nhờ đó mà đẩy lùi các nguy cơ xâm lược, phản loạn.

Lo giữ nước ngay từ lúc nước chưa nguy là tư tưởng chiến lược chủ động giữ nước đặc sắc của Tổ tiên ta. Tiếp tục nghiên cứu, vận dụng và phát triển những tư tưởng chiến lược đó vào công cuộc đổi mới là rất cần thiết; nó không chỉ giúp cho đất nước ta phát triển bền vững mà còn bảo đảm sự chủ động  ngăn ngừa chiến tranh và sẵn sàng đối phó thắng lợi với chiến tranh xâm lược. Đương nhiên, việc thực hiện phải trên cơ sở quán triệt sâu sắc quan điểm tư duy mới của Đảng về bảo vệ Tổ quốc trong bối cảnh đất nước chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế.

Đại tá, TS. NGUYỄN VĂN QUANG

Viện KHXHNVQS-BQP

 __________

1, 2 - Ngô Sĩ Liên - Đại Việt sử ký toàn thư, Tập 1,  Nxb VH-TT, H.2006, tr. 328; tr. 471.

3, 4 - Viện LSQS VN - Lịch sử quân sự Việt Nam - Tập1: Buổi đầu dựng nước, http://lichsuvn. info/forum/ showthread.php? =7366

5 - Viện LSQS VN- Binh chế Đại Việt thế kỷ XI-XV, http: //lichsuvn.info/forum/showthread.php? t=4721.

6 - Viện LSQS VN - Kế sách giữ nước thời Lý - Trần, Nxb CTQG, H.1994, tr. 124.

7 - Viện LSQS VN - Lịch sử Quân sự Việt Nam, Tập 4, Nxb QĐND, H.1999, tr. 273.

8 - Quỳnh Cư - Các triều đại Việt Nam, Nxb Thanh Niên, H. 2006, tr. 73.

9 - Nguyễn Đức Châu - Cha ông ta bảo vệ biên giới quốc gia, Nxb CAND, H.1994, tr. 28.

 

Ý kiến bạn đọc (0)