QPTD -Thứ Tư, 07/12/2011, 23:11 (GMT+7)
Lào Cai thực hiện phối hợp công tác tư tưởng - văn hóa với công tác giáo dục quốc phòng
Nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của công tác quốc phòng-an ninh (QP-AN) và công tác tư tưởng-văn hóa (TT-VH) trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, những năm vừa qua tỉnh Lào Cai đã chú trọng đẩy mạnh thực hiện tốt hai công tác này. Đặc biệt là phối hợp chặt chẽ giữa hoạt động TT-VH với giáo dục quốc phòng (GDQP) trong quá trình xây dựng, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm QP-AN.

Tỉnh xác định sự phối hợp giữa công tác TT-VH với công tác GDQP là vấn đề quan trọng, khách quan, xuất phát từ mục tiêu, nhiệm vụ, nội dung và mối quan hệ chặt chẽ giữa công tác TT-VH với công tác GDQP. Vì thế, khi thực hiện tuyên truyền, giáo dục về QP-AN, Tỉnh chú trọng lồng ghép thích hợp những nội dung quan trọng của công tác TT-VH, và tương tự như vậy, khi tiến hành công tác TT-VH lại có những nội dung về QP-AN. Qua đó, nhằm tăng cường tiềm lực chính trị, tinh thần cho khu vực phòng thủ Tỉnh, thực hiện tốt chủ trương xây dựng nền quốc phòng toàn dân trên địa bàn. Hơn nữa, với đặc điểm về địa lý, dân cư của Lào Cai thì sự phối hợp đó càng có ý nghĩa quan trọng, nhất là đối với đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp, các ngành. Lào Cai là tỉnh miền núi, biên giới, có vị trí quan trọng cả về kinh tế-xã hội, QP-AN và đối ngoại đối với Quân khu 2 và cả nước. Dân số của Tỉnh gần 60 vạn người, gồm 25 dân tộc anh em cùng sinh sống. Tỉnh có 203 km đường biên giới với Trung Quốc; có cửa khẩu quốc tế Lào Cai là đầu mối giao lưu kinh tế quốc tế quan trọng nhất của vùng Tây Bắc và có khu du lịch Sa Pa nổi tiếng, mỗi năm thu hút khoảng nửa triệu du khách. Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, những năm gần đây kinh tế của Tỉnh phát triển với nhịp độ cao, xã hội ổn định, QP-AN được tăng cường. Tuy nhiên, do điểm xuất phát kinh tế thấp, đặc điểm địa hình vùng núi không thuận lợi, nên đời sống của một bộ phận không nhỏ nhân dân còn khó khăn, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa. Đáng chú ý là, một số phong tục, tập quán lạc hậu vẫn tồn tại; một số đồng bào còn để kẻ xấu lôi kéo theo các tổ chức hoạt động trái pháp luật...

Từ đặc điểm, tình hình trên, công tác TT-VH và công tác GDQP đã phối hợp chặt chẽ với nhau, được thực hiện sâu, rộng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Thông qua GDQP và học tập 8 chuyên đề về QP-AN ở trường Chính trị Tỉnh, cán bộ các cấp và đảng viên được trang bị kiến thức về quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; đường lối quân sự, quốc phòng của Đảng và những hiểu biết về âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch trong chiến lược “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ. Nhất là những thủ đoạn lợi dụng trình độ nhận thức còn hạn chế của đồng bào dân tộc thiểu số để kích động, lừa gạt, lôi kéo theo các tổ chức hoạt động trái pháp luật, gieo rắc tư tưởng mê tín dị đoan...
Cùng với đó, hoạt động TT-VH còn phối hợp với công tác GDQP tập trung xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Trong đó, đặc biệt coi trọng tuyên truyền, giáo dục cho đồng bào các dân tộc ở vùng sâu, vùng xa và giải quyết có hiệu quả các vấn đề về dân tộc và tôn giáo. Vì, đây là những vấn đề phức tạp và nhạy cảm, có lịch sử tồn tại lâu dài và tiếp tục diễn biến phức tạp ở Lào Cai cũng như trong đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Bắc.
Trên cơ sở phối hợp thống nhất nội dung tuyên truyền, Tỉnh còn quan tâm đổi mới hình thức, phương pháp phối hợp hoạt động. Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, sự chỉ đạo của ủy ban nhân dân, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy luôn chủ động tổ chức phối hợp giữa các ngành trong khối TT-VH, và giữa khối TT-VH với cơ quan quân sự địa phương trong công tác tuyên truyền, giáo dục. Với phương châm “gần dân, sát cơ sở”, Tỉnh đã đầu tư xây dựng, nâng cấp, hiện đại hóa cơ sở vật chất phục vụ thông tin tuyên truyền, như báo Lào Cai, đài Phát thanh- Truyền hình Tỉnh, báo Điện tử, hệ thống phát thanh ở cơ sở, nhất là các xã vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Các tin, bài viết về xây dựng nền quốc phòng toàn dân, nền an ninh nhân dân ở cơ sở luôn được chú trọng. Báo Lào Cai ra 3 số trong tuần (báo hằng ngày, báo cuối tuần, báo dành riêng cho đồng bào dân tộc thiểu số); đài Phát thanh- Truyền hình Tỉnh phát bằng 4 thứ tiếng (Mông, Dao, Dáy, Thái). Ngoài ra còn có 30 bản tin chuyên ngành của các sở, ban, ngành, đoàn thể phục vụ công tác tuyên truyền, nghiên cứu chuyên môn. Đặc biệt là “Thông tin công tác tư tưởng” của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, với 2.000 bản /tháng cung cấp cho các tổ chức cơ sở Đảng, làm tài liệu trong quá trình sinh hoạt chi bộ. Để nâng cao hiệu quả, giữ vững định hướng chính trị trong công tác tuyên truyền, giáo dục, hằng quí Ban Tuyên giáo đều duy trì hội nghị giao ban với các ngành liên quan, nhằm nắm bắt tình hình chính trị, tư tưởng trong nhân dân, đồng thời thống nhất định hướng, nhiệm vụ các hoạt động tuyên truyền, vận động quần chúng.
Cùng với việc phát huy vai trò của các ngành thuộc khối TT-VH, các phương tiện thông tin đại chúng, Ban Tuyên giáo còn phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Quân sự, Công an, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong Tỉnh đẩy mạnh phong trào "Xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư". Hiện nay, Lào Cai đã có 76% số hộ, 52% số thôn, bản đạt tiêu chuẩn văn hóa; có 14 Đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy, 30% các ban, ngành, đoàn thể trong Tỉnh tổ chức biên soạn được lịch sử của địa phương, ngành mình. Qua đó góp phần giáo dục truyền thống của quê hương, dân tộc, khích lệ lòng tự hào, tự tôn dân tộc, động viên các tầng lớp nhân dân hăng hái lao động sản xuất, phát triển kinh tế, tích cực tham gia xây dựng và bảo vệ quê hương. Ngoài ra, công tác tuyên truyền còn được lồng ghép trong các hoạt động đền ơn, đáp nghĩa, ngày hội giao quân... Đặc biệt là trong các lễ hội truyền thống của địa phương, dân tộc, bảo đảm vừa đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, phát huy, bảo tồn được những giá trị truyền thống tốt đẹp, vừa hạn chế những phong tục, tập quán lạc hậu, không phù hợp. Một biện pháp khác đạt hiệu quả cao, được Tỉnh quan tâm là đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, thể thao lành mạnh cho thanh niên các thôn bản ở vùng sâu, vùng xa; trong đó chú trọng hình thức giao lưu với các đơn vị bộ đội, bộ đội Biên phòng.
Để nâng cao hiệu quả của công tác tuyên truyền, giáo dục, thời gian vừa qua Ban Tuyên giáo còn tổ chức xây dựng đội ngũ báo cáo viên, cộng tác viên dư luận xã hội. Thực tiễn cho thấy, đây là kênh thông tin rất quan trọng trong công tác nắm bắt dư luận xã hội. Quá trình xây dựng chúng tôi luôn quan tâm phối hợp chặt chẽ với cơ quan Quân sự và Công an ở địa phương cả trong khâu tuyển chọn và tổ chức hoạt động. Đến nay, Tỉnh đã có trên 700 báo cáo viên và cộng tác viên, trong đó có 52 cộng tác viên dư luận xã hội đặc biệt. Số báo cáo viên này thường xuyên được tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về quan điểm, đường lối của Đảng, kiến thức về QP-AN và được hưởng các chế độ phụ cấp hàng tháng. Những thông tin dư luận từ đội ngũ cộng tác viên phản ánh về luôn được cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý kịp thời. Sự phối hợp hoạt động tuyên truyền đạt hiệu quả cao đã góp phần xây dựng Tỉnh không có “điểm nóng”; các vấn đề về trật tự, an toàn xã hội phát sinh hầu hết được giải quyết gọn từ cơ sở. Qua đó đã góp phần củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa; xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc.
Những năm gần đây, quan hệ buôn bán giữa hai nước Việt Nam -Trung Quốc qua cửa khẩu Lào Cai không ngừng phát triển; kim ngạch xuất, nhập khẩu tăng nhanh cả về số lượng và chủng loại hàng hóa. Thực hiện hiệp định biên giới đã được hai Nhà nước ký kết, đến nay trên địa bàn Tỉnh đã hoàn thành việc cắm mốc biên giới. Được sự hỗ trợ của Trung ương, Tỉnh đang tích cực nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng, cải thiện môi trường đầu tư, giao lưu kinh tế, tạo hành lang kinh tế quốc tế Việt Nam-ASEAN-Trung Quốc. Trên cơ sở quan điểm, đường lối đối ngoại của Đảng, công tác GDQP và công tác TT-VH đã tập trung tuyên truyền, giáo dục cho các tầng lớp nhân dân nhận thức đúng đắn về quan điểm, đường lối đối ngoại của Đảng, về nhiệm vụ xây dựng tình đoàn kết, mối quan hệ thân thiết, hữu nghị với nhân dân các dân tộc tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Đồng thời, nâng cao trách nhiệm cho các tầng lớp nhân dân về thực hiện các biện pháp giữ gìn an ninh, chủ quyền biên giới. 
Quán triệt Chỉ thị số 62-CT/TW ngày 12-02-2001 của Bộ Chính trị về “Tăng cường công tác GDQP toàn dân trước tình hình mới" và Nghị định số 15/2001/NĐ-CP ngày 01-5-2001 của Chính phủ “Về Giáo dục quốc phòng”, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, Ban Tuyên giáo đã tích cực phối hợp với Hội đồng GDQP Tỉnh xây dựng kế hoạch, thống nhất chương trình, nội dung GDQP (đồng chí Trưởng Ban Tuyên giáo là thành viên của Hội đồng GDQP Tỉnh). Một số cán bộ của Ban Tuyên giáo, trường Đảng đã tham gia giảng dạy một số chuyên đề về chính trị, tư tưởng trong các lớp bồi dưỡng kiến thức QP-AN. Trong công tác vận động quần chúng, nét nổi bật của Lào Cai là lực lượng dân quân, tự vệ, đảng viên, già làng, trưởng bản không chỉ là đối tượng tuyên truyền, GDQP mà còn tích cực tham gia tuyên truyền, vận động nhân dân, gia đình thực hiện tốt mọi chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Năm vừa qua, dân quân, tự vệ trong Tỉnh đã tổ chức tuyên truyền cho trên 18.000 lượt người, vận động hồi cư cho 8 hộ, đồng thời phát hiện, ngăn chặn nhiều hiện tượng di, dịch cư tự do. Những hoạt động phối hợp đó đã góp phần nâng cao giác ngộ chính trị, lòng yêu nước của  nhân dân, tạo ra sự thống nhất trong Đảng bộ, sự đồng thuận trong xã hội, củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc trên địa bàn Tỉnh. 
Từ thực tiễn hoạt động phối hợp công tác TT-VH với công tác GDQP trên địa bàn tỉnh Lào Cai, chúng tôi đã rút ra nhiều bài học kinh nghiệm, trong đó vấn đề có ý nghĩa quan trọng nhất là cán bộ các cấp phải quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối của Đảng về công tác TT-VH và công tác QP-AN; phải thấy rõ mối quan hệ, yêu cầu, nhiệm vụ của sự phối hợp. Thực hiện tốt nhiệm vụ GDQP là góp phần thúc đẩy công tác TT-VH và ngược lại, thực hiện tốt công tác TT-VH là góp phần GDQP cho toàn dân. Đồng thời, thấy rõ sự phối hợp là một biện pháp quan trọng của công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng và bồi dưỡng nâng cao trình độ giác ngộ chính trị cho cán bộ, đảng viên trong tình hình hiện nay. Vì vậy, đẩy mạnh sự phối hợp giữa công tác TT-VH và GDQP là trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, các cơ quan Tuyên giáo là đầu mối tham mưu cho sự phối hợp này.
Về phương pháp phối hợp, hoạt động TT-VH phải phối hợp chặt chẽ với công tác GDQP ngay từ khâu xây dựng kế hoạch, chương trình, nội dung tuyên truyền, giáo dục. Cần lựa chọn những vấn đề quan trọng, cấp thiết trong từng giai đoạn ở địa phương để chủ động phối hợp tuyên truyền, giáo dục. Đối với những vấn đề xảy ra đột xuất trên địa bàn Tỉnh, khi giải quyết phải trên cơ sở quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, lấy tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục là chính. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là ở cơ sở để giải quyết các vấn đề ngay từ khi mới phát sinh.
 
Phạm Kỳ
Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy
Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy
 

Ý kiến bạn đọc (0)