QPTD -Chủ Nhật, 04/12/2011, 01:00 (GMT+7)
Lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ quốc phòng ở Phú Thọ trước yêu cầu mới của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay đã và đang đặt ra cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta những yêu cầu mới rất nặng nề. Chúng ta phải đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, huy động và sử dụng tốt mọi nguồn lực để phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) theo hướng CNH,HĐH; đồng thời, chú trọng đầy đủ tới việc củng cố, tăng cường quốc phòng-an ninh (QP-AN), giữ vững ổn định chính trị-xã hội, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch. Những yêu cầu đó đã được Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân (HĐND), ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Phú Thọ quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm túc trong những năm qua cũng như hiện nay đang được từng bước triển khai trong quá trình thực hiện Nghị quyết Đại hội X của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tỉnh lần thứ XVI (nhiệm kỳ 2005-2010). Riêng lĩnh vực quốc phòng, trên cơ sở quán triệt, nắm vững đường lối, quan điểm đổi mới của Đảng, Tỉnh ủy, HĐND, UBND Tỉnh đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương; đồng thời, đề ra các chủ trương, biện pháp thiết thực, bảo đảm thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ này trong tình hình mới. Có thể nêu một số nội dung cơ bản về nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương đã và đang được cấp ủy, chính quyền các cấp ở Phú Thọ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện, bước đầu đạt được những kết quả quan trọng.

Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng (GDQP) cho các đối tượng, đặc biệt là đối tượng cán bộ chủ chốt trong hệ thống chính trị của Tỉnh. Quán triệt và tổ chức thực hiện Chỉ thị 62-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa VIII), Nghị định 15/2001/NĐ-CP của Chính phủ về GDQP, Tỉnh ủy, HĐND, UBND Tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành, đoàn thể địa phương thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, bước đầu đạt được những kết quả tích cực và đi vào chiều sâu, đảm bảo chất lượng. Từ năm 2002-2006, toàn tỉnh đã mở 286 lớp bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho 20.889 cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị; thực hiện tốt chương trình GDQP ở các Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện và Trường chính trị tỉnh cho 274 lớp tập huấn, bổ túc cán bộ đảng, chính quyền, đoàn thể với 18.905 lượt người; riêng năm 2006, Tỉnh mở 1 lớp bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho 42 người là chức sắc tôn giáo. Năm 2007, Tỉnh tiếp tục đẩy mạnh bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho các đối tượng cán bộ, trọng tâm là hướng về cơ sở; trong đó đã mở 1 lớp cho 63 người thuộc đối tượng 3, 1 lớp cho 57 người là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn; chỉ đạo các huyện, thành phố, thị xã mở 68 lớp cho 4.903 người thuộc đối tượng 4 và 5; chỉ đạo thành phố Việt Trì, huyện Cẩm Khê mở 2 lớp cho các chức việc tôn giáo, tổng số 103 người. Công tác GDQP cho học sinh, sinh viên và toàn dân cũng được thực hiện có nền nếp hơn, với nhiều hình thức, biện pháp tiến hành chặt chẽ, chú trọng cả bề rộng và chiều sâu. Nhờ thực hiện tốt công tác GDQP, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, nhất là đội ngũ cán bộ chủ chốt trong hệ thống chính trị của Tỉnh đã có những hiểu biết cần thiết về quan điểm, đường lối, chủ trương xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới của Đảng. Thấy được thời cơ và thách thức đối với cách mạng nước ta; những âm mưu, thủ đoạn chống phá cuộc sống lao động hòa bình và chế độ XHCN mà Đảng và nhân dân ta đang thực hiện. Nắm được nội  dung cơ bản của nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương, của Luật Nghĩa vụ quân sự, Pháp lệnh Dân quân tự vệ (DQTV) và Pháp lệnh về lực lượng Dự bị động viên (DBĐV). Khắc phục được những biểu hiện về nhận thức và việc làm chưa đúng như: chạy theo mục đích kinh tế thuần túy, coi nhẹ yêu cầu bảo đảm QP-AN; tách rời QP-AN với KT-XH, hoặc coi công tác QP-AN là trách nhiệm riêng của cơ quan quân sự và công an. Đó là những cơ sở quan trọng, góp phần nâng cao trách nhiệm, ý thức chính trị cũng như năng lực tổ chức thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ quân sự, QP-AN ở địa phương, cơ sở. 

Để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục, bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho các đối tượng theo tinh thần Chỉ thị 12/CT-TW của Bộ Chính trị (khóa X) và Nghị định 116/2007/NĐ-CP của Chính phủ, mới đây, ngày 10 tháng 9 năm 2007, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ra Chỉ thị số 13-CT/TU “Về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác giáo dục QP-AN trong tình hình mới”. Trong đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã xác định rõ việc phổ cập và tăng cường giáo dục, bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho các đối tượng cán bộ và toàn dân là nhiệm vụ chung của các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức và toàn xã hội. Công tác này phải được lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện chặt chẽ, thống nhất từ tỉnh đến cơ sở bằng các hình thức phù hợp với từng đối tượng. Kết hợp giáo dục thường xuyên với giáo dục tập trung có trọng điểm. Đồng thời, yêu cầu các cơ quan chức năng phải có sự phối hợp chặt chẽ, rà soát lại đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp chưa qua lớp bồi dưỡng kiến thức QP-AN theo cương vị công tác để lập kế hoạch bồi dưỡng từng năm; phấn đấu trong nhiệm kỳ công tác, cán bộ chủ chốt trong hệ thống chính trị của Tỉnh đều được bồi dưỡng kiến thức QP-AN theo chương trình quy định. Các cấp, các ngành, đoàn thể địa phương cần coi việc tham gia học tập, nâng cao kiến thức QP-AN là tiêu chuẩn bắt buộc đối với cán bộ, đảng viên và là một trong những tiêu chí để xem xét, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ.
Tích cực củng cố, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân (QPTD) gắn với thế trận an ninh nhân dân; tăng cường tiềm lực về mọi mặt của khu vực phòng thủ tỉnh, huyện. Tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành, đoàn thể và toàn dân trong Tỉnh quán triệt, thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị của Đảng và Nhà nước về nhiệm vụ quốc phòng, quân sự, nhất là Nghị quyết 02 của Bộ Chính trị (khóa VI) về xây dựng tỉnh (thành phố) thành khu vực phòng thủ vững chắc, Nghị quyết Trung ương 8 (khóa IX) về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới và những định hướng cơ bản về xây dựng nền QPTD, thế trận QPTD gắn với thế trận an ninh nhân dân được xác định trong Nghị quyết Đại hội X của Đảng. Đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở vững mạnh toàn diện theo tinh thần Chỉ thị 58/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, bao gồm các khâu: xây dựng cơ sở chính trị-xã hội; xây dựng “thế trận lòng dân”; thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở; phát triển KT-XH, xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân; củng cố khối đại đoàn kết toàn dân từ cơ sở, góp phần bảo đảm an ninh nông thôn, giữ vững ổn định chính trị, đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn trong chiến lược “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch từ cơ sở. Thực hiện tốt việc kết hợp KT-XH với QP-AN, bảo đảm mỗi bước phát triển KT-XH, củng cố QP-AN là một bước tăng cường tiềm lực về mọi mặt của khu vực phòng thủ tỉnh, huyện. Sự kết hợp này phải được thể hiện ngay trong quy hoạch, kế hoạch xây dựng phát triển tổng thể của Tỉnh 5 năm và từng năm, trong phương án sản xuất, kế hoạch hoạt động của các ngành kinh tế và trong các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng KT-XH. Dựa trên những định hướng về nhiệm vụ quốc phòng, quân sự của Bộ Quốc phòng và Quân khu, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ra chỉ thị lãnh đạo thực hiện công tác quốc phòng, quân sự địa phương hằng năm; UBND Tỉnh có kế hoạch chỉ đạo cụ thể từng mặt công tác bảo đảm cho các hoạt động quốc phòng, quân sự địa phương. Những văn bản trên là cơ sở mang tính pháp lý để cán bộ lãnh đạo, chủ trì phụ trách từng mặt công tác thuộc Tỉnh ủy, UBND Tỉnh, các ngành, đoàn thể xác định kế hoạch thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, quân sự theo chức năng. Căn cứ vào tình hình địa phương và chỉ đạo của cấp trên, năm 2007, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND Tỉnh đã ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo các ngành, địa phương, cơ sở thực hiện tốt các chỉ thị, pháp lệnh, nghị định... của Đảng và Nhà nước về công tác quốc phòng, quản lý, sử dụng đất quốc phòng và xây dựng lực lượng vũ trang (LLVT) địa phương. Giao cho Bộ chỉ huy Quân sự Tỉnh chủ động nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung quyết tâm tác chiến phòng thủ, các kế hoạch sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ), kế hoạch phòng chống khủng bố, phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn, chống cháy nổ, cháy rừng. Tiếp tục điều tra khảo sát, cải tạo một số hang động tự nhiên bảo đảm bí mật, an toàn; triển khai xây dựng các công trình phòng thủ như sở chỉ huy thời chiến của Tỉnh, căn cứ hậu phương, căn cứ hậu cần-kỹ thuật ở một số địa bàn trọng điểm. Tích cực chuẩn bị chu đáo về mọi mặt để bảo đảm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ diễn tập khu vực phòng thủ Tỉnh theo kế hoạch, sát với thực tế, thiết thực, hiệu quả, an toàn, tiết kiệm.
Tập trung nâng cao chất lượng tổng hợp, khả năng SSCĐ của các LLVT Tỉnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Những năm qua, việc nâng cao chất lượng tổng hợp và khả năng SSCĐ của các LLVT, cả cơ quan quân sự, đơn vị bộ đội địa phương, lực lượng DQTV và DBĐV ở Phú Thọ đã được thực hiện nghiêm túc theo đúng các quy định, hướng dẫn của cấp trên, nhằm đảm bảo các lực lượng này thật sự trở thành nòng cốt trong xây dựng nền QPTD và thực hiện các nhiệm vụ quân sự địa phương. Trong đó, chuyển biến khá tích cực là cấp ủy, chính quyền các cấp đã quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 16/CT-TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa IX) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với lực lượng DQTV và lực lượng DBĐV trong tình hình mới. Tỉnh đã tập trung chỉ đạo củng cố, kiện toàn các Ban chỉ huy Quân sự xã, phường, thị trấn, Ban chỉ huy Quân sự các cơ quan, tổ chức trực thuộc Tỉnh, bố trí đủ 3 cán bộ theo quy định; cán bộ trong quy hoạch chỉ huy trưởng quân sự xã, phường, thị trấn được tuyển chọn, cử đi đào tạo tại Trường Quân sự Tỉnh. Từ năm 2004 đến nay, Tỉnh đã tổ chức được 3 lớp học, với 204 cán bộ chỉ huy quân sự xã, phường, thị trấn, kết quả đạt khá. Sau khi ra trường, cán bộ được phong quân hàm sĩ quan dự bị, được sắp xếp, bổ nhiệm đúng chức danh, có khả năng hoàn thành tốt cương vị, chức trách được giao. Lực lượng DQTV được tổ chức xây dựng theo phương châm “vững mạnh, rộng khắp”, có số lượng, cơ cấu hợp lý, bảo đảm ở đâu có dân, có tổ chức sản xuất, có tổ chức đảng thì ở đó nhất thiết phải có tổ chức DQTV. Chú trọng nâng cao chất lượng tổng hợp, nhất là chất lượng chính trị, bảo đảm lực lượng DQTV có tỷ lệ lãnh đạo ngày càng cao; cán bộ, chiến sĩ DQTV có bản lĩnh chính trị vững vàng, trung thành với Đảng và nhân dân, mà trực tiếp là cấp ủy, chính quyền, nhân dân ở cơ sở. Đến nay, 2.830 thôn, bản, khu dân cư trên toàn Tỉnh đã tổ chức lực lượng DQTV (đạt 100%); tỷ lệ dân quân năm 2007 đạt 1,87% (so với số dân), tự vệ đạt 14% (so với tổng số cán bộ, công nhân viên chức); tỷ lệ đảng viên trong lực lượng DQTV năm 2002 là 15,5%, hiện nay tăng lên 22,9%. Đối với lực lượng DBĐV, Tỉnh đã chỉ đạo các huyện, thành phố, thị xã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị nhận nguồn tổ chức sắp xếp quân nhân dự bị vào các đơn vị DBĐV theo phương châm “xếp đúng chuyên nghiệp quân sự là chính, kết hợp với gần, gọn địa bàn một cách hợp lý”, ưu tiên đơn vị của Bộ, đơn vị làm nhiệm vụ SSCĐ. Đội ngũ cán bộ được sắp xếp, bổ nhiệm cho các đơn vị DBĐV đủ tiêu chuẩn về chính trị, có kiến thức và năng lực hoàn thành chức trách, nhiệm vụ. Đến nay, toàn Tỉnh đã sắp xếp quân nhân dự bị vào các đơn vị DBĐV đạt 98,2% chỉ tiêu được giao; trong đó, xếp đúng chuyên nghiệp quân sự 73,7%, gần đúng chuyên nghiệp quân sự 15,97%. Qua nhiều lần động viên huấn luyện, động viên kiểm tra, phần lớn quân nhân dự bị đều chấp hành nghiêm túc và hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ.
Lực lượng DQTV và DBĐV có vị trí chiến lược trong sự nghiệp giải phóng dân tộc trước đây, cũng như trong bảo vệ Tổ quốc, xây dựng đất nước ngày nay. Vì vậy, để tạo điều kiện cho các địa phương thực hiện tốt công tác này, đề nghị Chính phủ có văn bản pháp quy thống nhất xếp chức danh xã đội phó là cán bộ chuyên trách hay kiêm nhiệm, tạo thuận lợi cho việc tổ chức thực hiện. Đề nghị Đảng ủy Quân sự Trung ương và Bộ Quốc phòng chỉ đạo các đơn vị quân đội tích cực bồi dưỡng kết nạp Đảng, đào tạo sĩ quan dự bị cho số quân nhân hoàn thành nghĩa vụ quân sự để tạo nguồn cán bộ cơ sở và nguồn cán bộ sĩ quan dự bị cho các đơn vị DBĐV. Khi Bộ Quốc phòng và Quân khu giao chỉ tiêu động viên huấn luyện và kiểm tra quân dự bị, chỉ nên tập trung vào những đơn vị SSCĐ để tiết kiệm ngân sách, kinh phí quốc phòng của Nhà nước và địa phương.
Ngô Đức Vượng
Ủy viên BCHTƯ Đảng
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND Tỉnh
 

Ý kiến bạn đọc (0)