QPTD -Thứ Năm, 25/08/2011, 21:09 (GMT+7)
Lạng Sơn kết hợp phát triển kinh tế-xã hội với tăng cường quốc phòng-an ninh

Lạng Sơn là tỉnh biên giới. Những năm qua, Tỉnh đã đẩy mạnh thực hiện kết hợp phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) với tăng cường quốc phòng-an ninh (QP-AN) và đã đạt được kết quả bước đầu. Qua đó, góp phần quan trọng vào việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân các dân tộc, tăng cường củng cố khối đại đoàn kết toàn dân trong Tỉnh để bảo vệ vững chắc địa bàn, chủ quyền an ninh biên giới của Tổ quốc.

Kết hợp phát triển KT-XH với tăng cường QP-AN là quan điểm, tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt của Đảng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN. Lạng Sơn là một tỉnh biên giới1 có tiềm năng to lớn về kinh tế, thương mại; đồng thời có vị trí quan trọng về QP-AN và đối ngoại, nên việc quán triệt và thực hiện tốt quan điểm của Đảng về kết hợp phát triển KT-XH với tăng cường QP-AN có ý nghĩa thiết thực, quan trọng về nhiều mặt, vừa mang tính cấp thiết, vừa cơ bản lâu dài.

Để nhận thức đó thấm sâu vào mọi tầng lớp nhân dân, nhất là đội ngũ cán bộ, đảng viên, Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo cấp uỷ, chính quyền các cấp tổ chức quán triệt sâu sắc đường lối, quan điểm của Đảng về kết hợp phát triển KT-XH với tăng cường QP-AN; đồng thời, chỉ đạo Hội đồng giáo dục QP-AN từ tỉnh đến cơ sở phối hợp với các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị triển khai thực hiện nhiệm vụ giáo dục QP-AN sát với đặc điểm, yêu cầu của địa phương và gắn với Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Công tác tuyên truyền, giáo dục được thực hiện khá toàn diện bằng nhiều nội dung, hình thức phong phú, đa dạng. Trong đó, coi trọng việc nâng cao nhận thức cho toàn dân về kết hợp phát triển KT-XH với tăng cường QP-AN. Ngoài ra, Tỉnh còn  tổ chức các phong trào: giao lưu “nghĩa tình biên giới”, “giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia”, “Vì An ninh Xứ Lạng” và mở các chuyên mục về QP-AN… trên các phương tiện truyền thông phù hợp với phong tục, tập quán, đời sống, văn hoá tinh thần của các dân tộc, nhằm làm cho cán bộ, đảng viên và mọi tầng lớp nhân dân nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của nhiệm vụ QP-AN trong tình hình mới, từ đó kiên quyết đấu tranh với các biểu hiện tư tưởng và hành động kinh tế “đơn thuần”, không gắn với QP-AN. Thông qua đó, góp phần củng cố “thế trận lòng dân”, nâng cao năng lực tổ chức thực hiện của đội ngũ cán bộ các cấp về kết hợp phát triển KT-XH với tăng cường QP-AN bảo vệ Tổ quốc trong điều kiện mới; đồng thời, nâng cao nhận thức về tinh thần yêu nước, sức mạnh khối đại đoàn kết, truyền thống dựng nước, giữ nước của dân tộc. Để phát triển KT-XH gắn với tăng cường QP-AN trước mắt cũng như lâu dài, Tỉnh uỷ Lạng Sơn đã xác định: “Đẩy nhanh phát triển KT-XH, tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng CNH, HĐH, phát huy tốt các tiềm năng, lợi thế, huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển để nhanh chóng vượt qua tình trạng tỉnh nghèo, rút ngắn dần khoảng cách so với trình độ phát triển chung của cả nước; bảo đảm an sinh xã hội, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; bảo vệ môi trường; tăng cường QP-AN, giữ vững an ninh chính trị, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, đảm bảo an ninh biên giới quốc gia, xây dựng vùng biên giới ổn định, hoà bình và phát triển; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới”2.

Trên cơ sở thống nhất nhận thức và tư tưởng về kết hợp phát triển KT-XH với tăng cường QP-AN, ngay từ đầu và trong suốt quá trình phát triển, Lạng Sơn luôn coi trọng việc lập dự án quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH theo hướng CNH, HĐH, tập trung phát triển một số ngành, lĩnh vực mũi nhọn (kinh tế cửa khẩu, khu trung chuyển hàng hoá, mở rộng và đấu nối các cửa khẩu đường bộ với Trung Quốc); mặt khác, nhanh chóng hoàn thành quy hoạch xây dựng tổng thể thị xã Đồng Đăng; quy hoạch sử dụng đất, nhất là quỹ đất sử dụng vào nhiệm vụ quốc phòng đến năm 2020; đồng thời, tích cực chuẩn bị các điều kiện nâng cấp một số thị trấn, thị tứ, ưu tiên phát triển khu vực thành phố Lạng Sơn, tạo nền tảng cơ bản xây dựng Thành phố thành đô thị loại II. Ngoài ra, còn lập các dự án xây dựng một số công trình kiên cố phục vụ cho nhiệm vụ giáo dục-đào tạo; khám, chữa bệnh và sơ tán, phòng tránh; tổ chức diễn tập khu vực phòng thủ, diễn tập chiến đấu trị an (xã, phường, thị trấn) để trực tiếp bổ sung, điều chỉnh vào các dự án phát triển KT-XH của Tỉnh.

Với mục tiêu, yêu cầu đặt ra là phát triển kinh tế nhanh, bền vững, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, Tỉnh tập trung chỉ đạo phát triển công nghiệp với tốc độ nhanh hơn, chú trọng đầu tư vào xây dựng cơ sở hạ tầng khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn, Hữu Nghị,… khu công nghiệp Hồng Phong, Đồng Bành và các cụm công nghiệp; đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp sản xuất điện, tái chế hàng xuất khẩu, bốc xếp hàng hoá, chế biến nông lâm sản, lắp ráp điện tử và hàng tiêu dùng; triển khai thực hiện nhanh (giai đoạn 2) các dự án: Nhiệt điện Na Dương, Xi măng Đồng Bành và các dự án thuỷ điện. Với yêu cầu đặt ra là, khi xây dựng các nhà máy phải tính đến khả năng bảo vệ, di dời khi cần thiết và hạn chế làm biến dạng địa hình có giá trị về phòng thủ quân sự và dân sự; tiếp tục duy trì, củng cố, nâng cấp các trạm thu, phát sóng thông tin di động, các điểm phục vụ bưu chính viễn thông, điểm bưu điện-văn hoá xã… bảo đảm phục vụ cho lãnh đạo, chỉ huy, điều hành các hoạt động trong mọi tình huống. Cùng với đó, Tỉnh còn tập trung chỉ đạo, đầu tư, nâng cấp và tu sửa các tuyến đường liên thôn, bản, xã, huyện, nhất là các tuyến giao thông dọc biên giới và trong nội địa ra các cửa khẩu… có giá trị lớn đến phát triển KT-XH (bao gồm cả một số đường nhánh ít có giá trị trong phát triển kinh tế, nhưng lại có giá trị rất cao đối với QP-AN) bảo đảm thuận lợi cho giao thông, vận chuyển, cơ động sơ tán, phòng tránh, ứng cứu trong phòng chống thiên tai, địch họa; đồng thời, tiếp tục hoàn thiện các thủ tục, chuẩn bị nhân, vật lực xây kè bảo vệ sông, suối và xây các công trình thủy lợi đầu mối, tích nước quy mô nhỏ; kiên cố hóa các công trình bảo đảm giáo dục, y tế, QP-AN, chú trọng đến vùng cao, giáp biên giới; thực hiện phân bố lại dân cư nhằm khai thác tiềm năng kinh tế kết hợp với tăng cường thế trận QP-AN và từng bước tạo ra sự phát triển đồng đều giữa các vùng. Cùng với đó, Tỉnh phải thực hiện nhiều biện pháp bảo đảm sản xuất, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ở khu định cư mới; hỗ trợ kinh phí; rà, phá bom, mìn; giao đất, giao rừng và giao cột mốc cho từng hộ gia đình quản lý; thậm chí hỗ trợ tiền làm nhà tái định cư đến từng hộ dân nhằm phát huy tính năng động, sáng tạo, bản sắc văn hoá của mỗi dân tộc, nhưng thống nhất trong sự điều hành của chính quyền các cấp. Nhờ vậy, sẽ thiết lập được một hệ thống các thôn, bản nối tiếp nhau, dọc biên giới tạo thành “phên dậu” bảo vệ Tổ quốc. 

Thực tế cho thấy, Lạng Sơn vẫn là một tỉnh nghèo, đời sống, dân trí nhiều nơi còn thấp; chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH với tăng cường QP-AN trong tình hình mới. Vì thế, Tỉnh đã chỉ đạo tập trung nâng cao chất lượng giáo dục ở tất cả các cấp học, nhất là bậc tiểu học và có chính sách hỗ trợ, cho vay; sắp xếp sử dụng lao động để con em các dân tộc có điều kiện học tập, nuôi chí hướng trở về xây dựng thôn, bản; thực hiện đa dạng hoá hình thức, phương pháp, nội dung giáo dục, nhằm nâng cao lý tưởng, đạo đức lối sống, năng lực sáng tạo, kỹ năng thực hành, tinh thần yêu nước, yêu CNXH và tinh thần sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mặt khác, tiếp tục đưa Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” đi vào chiều sâu, thẩm thấu vào mọi lĩnh vực, làm chuyển biến tích cực, hiệu quả mọi mặt của đời sống xã hội. Cùng với đó, Tỉnh coi trọng xây dựng nếp sống văn minh, lành mạnh; bảo tồn, giữ gìn và phát huy tối đa giá trị bản sắc văn hoá truyền thống của các dân tộc Lạng Sơn, góp phần làm thất bại âm mưu “Diễn biến hoà bình”, thủ đoạn “lợi dụng sự yếu kém của đồng bào các dân tộc vùng núi, biên giới” để thâm nhập, kích động đồng bào ta bạo loạn, ly khai.

Đồng thời với các biện pháp đẩy mạnh phát triển kinh tế, Tỉnh luôn chú trọng giải quyết tốt các chính sách xã hội: xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng dịch vụ, khám và điều trị của các bệnh viện tuyến huyện, phát triển các trạm dân - quân y kết hợp… tăng cường y, bác sĩ có trình độ chuyên môn cao cho các xã, huyện ở xa trung tâm, sát biên giới, bảo đảm chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân trong thời bình, sẵn sàng cho thời chiến; tăng cường công tác dự phòng, ngăn ngừa dịch bệnh và kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm; thực hiện tốt các hoạt động từ thiện, nhân đạo, chăm sóc người có công, gia đình thương binh, liệt sĩ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Cùng với đó, quan tâm bảo đảm việc làm cho thanh niên cả ở khu vực thành thị và nông thôn; cải thiện đời sống cho người dân bằng những việc làm cụ thể: phát huy thế mạnh của kinh tế đồi, rừng; chú trọng cải tạo rừng tạp, nâng cao chất lượng, hiệu quả rừng sản xuất, kết hợp bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng. Mặt khác, Tỉnh còn chỉ đạo khai thác có hiệu quả lĩnh vực du lịch-thương mại, nhất là ở các điểm di tích danh thắng, các cặp chợ đường biên thông qua hệ thống các nhà hàng, khách sạn,…

Cùng với phát triển KT-XH, Tỉnh luôn coi trọng xây dựng lực lượng dân quân tự vệ theo phương châm “vững mạnh, rộng khắp”, trước hết là vững mạnh về chính trị và tổ chức. Xuất phát từ tình hình thực tế, Tỉnh chỉ đạo lấy đảng viên ở các thôn, bản làm nòng cốt, nên đã xây dựng được nhiều cơ sở dân quân... bảo đảm số lượng hợp lý, phù hợp với từng loại hình cơ sở; coi trọng xây dựng lực lượng dân quân thường trực ở các thôn, bản dọc biên giới; tích cực bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ cán bộ xã (phường, thị trấn), già làng, trưởng bản… nhằm nâng cao chất lượng chính trị, trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu và ứng phó với các tình huống có thể xảy ra trên địa bàn. Ngoài ra, Tỉnh còn chỉ đạo Bộ chỉ huy Quân sự Tỉnh giúp đỡ các doanh nghiệp (trong và ngoài quốc doanh) xây dựng lực lượng tự vệ vững mạnh, tham gia có hiệu quả vào việc giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Để bảo đảm, duy trì lực lượng dân quân tự vệ hoạt động có hiệu quả, Tỉnh đã có chính sách ưu đãi bảo đảm đời sống, vật chất cho lực lượng này.

Với sự lãnh đạo của Đảng và sự giúp đỡ của các bộ, ban, ngành Trung ương, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong Tỉnh đang nỗ lực phấn đấu đưa Lạng Sơn phát triển nhanh, bền vững, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

VY VĂN THÀNH

Chủ tịch UBND Tỉnh

__________

 1-  Dân số trên 75 vạn người, có nhiều dân tộc thiểu số, trong đó có 26 xã, 1 thị trấn nằm trên đường biên giới dài hơn 200km với Trung Quốc, có 2 cửa khẩu quốc tế, 2 cửa khẩu quốc gia và 7 cặp chợ thương mại...

2- Tỉnh ủy Lạng Sơn - Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XV của Đảng bộ Tỉnh, tr. 15.

 

Ý kiến bạn đọc (0)