QPTD -Thứ Năm, 25/08/2011, 23:20 (GMT+7)
Làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, toàn quân đẩy mạnh phong trào thi đua quyết thắng (Phần II) (*)

 II. Để hiệu quả Cuộc vận động gắn kết với phong trào Thi đua Quyết thắng ngày càng lan rộng, có chiều sâu và bền vững

Việc làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ trong gần 4 năm qua đã được các cơ quan, đơn vị, cán bộ, chiến sĩ toàn quân tích cực hưởng ứng, thực hiện có hiệu quả. Ban Chỉ đạo Cuộc vận động (CVĐ) của Bộ Quốc phòng đã xét trao tặng bằng khen cho 36 tập thể, 72 cá nhân thực hiện xuất sắc CVĐ. Các tập thể tiêu biểu là: đơn vị H.09 (Quân khu 1), Lữ đoàn N.43 (Quân khu 2), Lữ đoàn B.14 (Quân khu 4), Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Tiền Giang (Quân khu 9)... Đồng hành với quá trình thực hiện CVĐ, phong trào Thi đua Quyết thắng (TĐQT) đã được đẩy mạnh; ngày càng  xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân tiêu biểu. Đại hội TĐQT lần thứ VIII của Bộ Quốc phòng được tổ chức vào tháng 6 năm 2010, cùng với tổng kết 5 năm thực hiện phong trào TĐQT gắn với CVĐ, đã biểu dương chiến công và thành tích của 44 tập thể, cá nhân được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới; gần 64 ngàn tập thể, cá nhân được tặng thưởng huân chương các loại; hơn 800 Chiến sĩ thi đua toàn quân, Chiến sĩ Thi đua toàn quốc; 62 tập thể được Bộ Quốc phòng tặng cờ Đơn vị Xuất sắc, dẫn đầu phong trào TĐQT 5 năm (2006 - 2010). Đó cũng là những đại diện xuất sắc về việc học tập và làm theo lời dạy và tấm gương hy sinh, cống hiến, đạo đức, phong cách, lối sống của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Sự bồi đắp và nhân rộng lên những nét đẹp về phẩm chất đạo đức từ mỗi cá nhân thông qua lối sống, việc làm hằng ngày mà các điển hình tiên tiến tiêu biểu chính là đảm bảo cần thiết, quyết định tới hiệu quả thực tế của CVĐ và phong trào TĐQT những năm qua. Việc gắn kết giữa CVĐ và phong trào TĐQT vừa qua đã được lãnh đạo, chỉ huy nhiều đơn vị chú trọng. Do vậy, ở hầu khắp các lĩnh vực hoạt động của quân đội đã xuất hiện nhiều điển hình ưu tú về phẩm chất đạo đức, lối sống với độ tuổi, cương vị, hoàn cảnh khác nhau. Thượng sĩ Nguyễn Thị Thu Hà, học viên của Học viện Quân y, 3 năm liên tục đạt học viên giỏi và Chiến sĩ thi đua, luôn nung nấu ý nguyện sau khi tốt nghiệp được trở thành một bác sĩ nội trú để thường xuyên chăm lo cho người bệnh, dẫu biết rằng, điều đó đồng nghĩa với khó khăn, gian khổ. Với Chị, người thầy thuốc phải luôn đặt lên hàng đầu vấn đề y đức; mà y đức không ở đâu xa, trước hết ở tinh thần hết lòng vì người bệnh. Những suy nghĩ như vậy cũng là khởi nguồn để hình thành, nuôi dưỡng, phát triển những phẩm chất đạo đức tốt đẹp đối với rất nhiều cán bộ, chiến sĩ. Trong những tấm gương được Đại hội TĐQT toàn quân lần thứ VIII biểu dương còn có Trung úy Vũ Văn Chiêm, Trạm trưởng kiểm soát Đồn Biên phòng 562, thành phố Hồ Chí Minh, trong cơn bão số 9 (năm 2006) đã không quản ngại hy sinh, gian khổ, trực tiếp cứu vớt 36 ngư dân trôi dạt, tìm kiếm được 5 nạn nhân chết đuối trên biển đưa vào bờ. Thiếu úy Nguyễn Xuân Nghiễm, trợ lý tác chiến Trung đoàn Dự bị động viên thuộc Binh đoàn 16, trong đêm tối đã cùng đồng đội cứu vớt 42 người dân thoát khỏi tử thần của dòng lũ quét vùng Easúp (Đắk Lắk) vào tháng 2 năm 2007. Thượng tá Trần Hữu Lưu, Đội trưởng Đội Quy tập hài cốt liệt sĩ 584 thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Trị đã vượt lên nỗi đau bản thân bị nhiễm chất độc da cam/điôxin, 2 con đều bị ảnh hưởng di chứng chất độc hại đó, để ròng rã suốt gần 15 năm trời lặn lội trong những cánh rừng nước bạn Lào cùng đồng đội, quy tập được 2.161 bộ hài cốt liệt sĩ. Trung úy quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Tiến Dược thuộc Phân đội 557 đóng quân trên đảo Phú Quốc với suy nghĩ: nhân tâm là phải sống có trước, có sau, phải biết sẻ chia với những người xung quanh, đã dành 48 ngày phép để  một mình khai phá, đập đá, vá đất, lấy nước ngọt cách xa hàng trăm mét, trồng hơn 2.000 m2  rau xanh hiến toàn bộ cho đơn vị, nhằm khắc phục tình trạng bữa ăn thường xuyên thiếu rau. Đại tá Nguyễn Trọng Cảnh, Giám đốc Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn (Binh chủng Công binh) đã vượt lên vô vàn khó khăn, thách thức để xây dựng thành công "Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh ở Việt Nam", góp phần bảo vệ tính mạng, tài sản, đời sống bình yên của nhân dân trên khắp mọi miền của đất nước... Cùng với đó, còn vô vàn những tấm gương tiêu biểu khác. Điểm chung nhất ở những tấm gương đó là những việc làm, lối sống có giá trị đạo đức, nhân văn cao đẹp của họ đều bắt nguồn từ suy nghĩ bình dị: sống và làm việc sao cho tốt hơn, quan tâm nhiều hơn tới mọi người xung quanh mình và góp ích nhiều hơn cho tập thể, cho xã hội. Đi liền với lẽ sống đó đồng thời còn là ý thức phấn đấu tu dưỡng tự giác và ý chí, nghị lực kiên trì, bền bỉ trong cuộc sống thường nhật.

Những tấm gương tiêu biểu trên, không những có tác dụng cổ vũ tích cực đối với cán bộ, chiến sĩ toàn quân và nhân dân, mà còn cho thấy hiệu quả của việc gắn kết giữa CVĐ với phong trào TĐQT ngày càng được tăng cường trên thực tế. CVĐ không chỉ dừng lại ở phạm vi cá nhân, với các vấn đề cụ thể về lối sống, quan hệ, tác phong..., mà còn góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm, tình cảm gắn bó với cơ quan, đơn vị, với nhân dân và xã hội; ý chí phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, thực hiện tốt nhiệm vụ, chức trách xây dựng cơ quan, đơn vị... trong cán bộ, chiến sĩ.  Điều đó còn nói lên ý nghĩa giá trị của CVĐ cũng như của phong trào TĐQT đã ngày càng đi sâu vào đời sống toàn quân, đặc biệt với việc tăng cường bản chất cách mạng quân nhân và xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị.

Thực tiễn vừa qua đã cho thấy: hiệu quả CVĐ gắn kết với phong trào TĐQT chỉ có được, một khi công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện biết khơi dậy và phát huy tốt nhận thức và hành động tự giác, tích cực trong mỗi quân nhân. Đây là vấn đề thực sự cần thiết đối với yêu cầu tiếp tục duy trì và phát huy giá trị của sự kết hợp này trong thời gian tiếp theo, ngay cả sau khi thời hạn phát động CVĐ đã khép lại. Theo đó, công tác giáo dục ý nghĩa, mục đích về việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ, xây dựng động cơ quyết tâm thi đua, ý thức tự giác phấn đấu, rèn luyện đối với quân nhân là việc cần được quan tâm tiến hành một cách tích cực, thường xuyên, liên tục, có hiệu quả. Việc xây dựng ý thức tự giác, nghị lực tự tu dưỡng, phấn đấu theo những phẩm chất đạo đức cách mạng cần được tiến hành thông qua quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị, chế độ công tác, hoạt động của các tổ chức, đoàn thể trong từng cơ quan, đơn vị; đồng thời, phát huy sức mạnh tổng hợp với nhiều lực lượng, nhiều mặt công tác, nhiều hình thức trên cơ sở tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, người chỉ huy, vai trò của cơ quan chính trị, đội ngũ chính ủy, chính trị viên để thực hiện. Cùng với đó, cần tăng cường đổi mới hình thức, phương pháp tiến hành; lấy sự chuyển hóa tự giác, tích cực trên cơ sở tự giáo dục, tự phấn đấu của mỗi quân nhân làm thước đo để đánh giá hiệu quả thực tế trong tổ chức thực hiện. Quá trình này đồng thời đòi hỏi phải kiên quyết khắc phục tình trạng đơn giản, hành chính, hình thức hóa hoặc nhất thời, "mùa vụ" trong nhận thức cũng như trong tổ chức thực hiện còn biểu hiện ở một số cơ quan, đơn vị vừa qua. Biểu hiện chung của tình trạng đó thường là nặng về việc phát động bề nổi ban đầu; thiếu sự giáo dục ý thức tự giác, xây dựng động cơ phấn đấu thường xuyên; việc hướng dẫn, kiểm tra, nhân rộng các điển hình tiên tiến trong giai đoạn sau chưa được quan tâm đầy đủ, kịp thời, dẫn tới tình trạng lúng túng, tự phát trong thực hiện...

Vấn đề đặt ra trong thực hiện CVĐ là, sau phát động giáo dục nâng cao nhận thức, việc tổ chức làm theo sẽ thế nào? Nếu chỉ tập trung vào động viên sự tích cực, tự giác của từng đảng viên, quần chúng và tuyên truyền kết quả, điển hình, thì sẽ khó tránh khỏi rơi vào tình trạng sự vụ, thiếu bề rộng, chiều sâu và độ vững chắc. Việc cấp ủy và chỉ huy các cấp bám sát chủ đề CVĐ, nhiệm vụ cụ thể của đơn vị trong từng giai đoạn để xác định rõ tiêu chí, chương trình hành động thực hiện CVĐ và kế hoạch tổ chức phong trào TĐQT, đã tạo ra cơ sở để mỗi cá nhân có thể tự định hướng phấn đấu, rèn luyện, trong đó có tu dưỡng về phẩm chất đạo đức, lối sống cách mạng. Trong suốt thời gian tổ chức thực hiện CVĐ vừa qua, cấp ủy và Ban Chỉ đạo CVĐ các cấp trong toàn quân đã chú trọng quan tâm cụ thể hóa các nội dung, tiêu chí CVĐ vào thực tế tình hình, nhiệm vụ của từng đơn vị. Trong đó, các đơn vị làm nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu đi sâu vào việc xây dựng nền nếp chính quy, rèn luyện kỷ luật. Đối với các cơ quan tham mưu, tập trung nâng cao năng lực, chất lượng phát hiện, tổng kết tình hình, tăng cường nắm bắt thực tiễn cơ sở. ở các đơn vị đảm bảo phục vụ, chú trọng nâng cao ý thức cần, kiệm, tận tụy, trung thực. Trong cơ sở đào tạo, giáo dục là việc khắc phục bệnh thành tích, thực hiện "nói không với tiêu cực"... Những nội dung, tiêu chí chủ yếu của CVĐ đã được cụ thể hóa thành chủ đề, nội dung, chỉ tiêu của phong trào TĐQT trong từng đơn vị cũng như các tổ chức quần chúng. Căn cứ vào các vấn đề cơ bản đã đề ra, các đơn vị đã xác định giải pháp phù hợp để thực hiện, trong đó chú trọng tập trung giải quyết có hiệu quả các nội dung trọng tâm, các khâu đột phá. Thực hiện "Một tập trung, hai khâu đột phá" gắn với CVĐ là một trọng tâm của phong trào TĐQT trong toàn quân. Cùng với đó, các đơn vị đã đẩy mạnh thực hiện các chương trình hành động: xây dựng nền nếp kỷ luật, chính quy; cải cách hành chính quân sự; giữ tốt, dùng bền, an toàn, tiết kiệm; xây dựng môi trường văn hóa quân sự lành mạnh... Hiệu ứng từ sự tác động lẫn nhau đó đã góp phần tăng cường hiệu quả thực tế đối với các chủ trương kết hợp CVĐ với phong trào TĐQT.

Đi liền sau chủ trương, giải pháp đúng, việc tổ chức, thực hiện đòi hỏi sự năng động, sáng tạo của cơ sở; trong đó, việc xác định, hướng dẫn những việc làm cụ thể thiết thực trong từng cơ quan, đơn vị là hết sức cần thiết. Điều này đã được nhiều đơn vị trong toàn quân chú trọng thực hiện có hiệu quả. Theo đó, Bệnh viện Quân y 5 (Quân khu 3) đã nêu ra yêu cầu thực hiện "3 không, 3 nên" khi tiếp xúc với bệnh nhân. Các đơn vị làm điểm CVĐ ở Tổng cục Kỹ thuật đã đề ra: mỗi người hằng ngày đều làm một việc tốt. Các Hội Phụ nữ cơ sở của Quân chủng Hải quân đã thực hiện hằng ngày mỗi hội viên tiết kiệm chi tiêu từ 500 đồng đến 1.500 đồng, dành cho hoạt động "Đền ơn, đáp nghĩa" và từ thiện...

Trong gần 4 năm qua, việc thực hiện CVĐ gắn kết với phong trào TĐQT đã trở thành một giải pháp quan trọng để tăng cường sức mạnh tổng hợp và khả năng hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ. Hơn thế nữa, quá trình này còn là dịp để kiểm nghiệm, tạo ra điều kiện thuận lợi để bồi dưỡng, rèn luyện phẩm chất, đạo đức cách mạng; bản lĩnh chính trị đối với mọi cán bộ, đảng viên, quần chúng trong toàn quân. Việc tiếp tục phát huy giá trị của việc làm đó có ý nghĩa hết sức quan trọng và cần thiết đối với quá trình xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; xứng đáng là lực lượng chính trị trung thành, lực lượng chiến đấu tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Để làm được điều đó, bên cạnh việc kết hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa tư tưởng, tổ chức, chính sách, điều kiện đảm bảo để thực hiện; chú trọng bồi dưỡng, nâng cao ý thức, tình cảm, nhiệt tình cách mạng; xác định các chủ trương, giải pháp tổ chức cụ thể, phù hợp thiết thực; năng động, sáng tạo trong hướng dẫn, triển khai thực hiện, vấn đề có ý nghĩa tiên quyết nhất là sự tiền phong, gương mẫu trong suy nghĩ, lời nói và việc làm của từng  cán bộ, đảng viên, trước hết là của bí thư, cấp ủy, chính ủy, chính trị viên và người chỉ huy các cấp. Đây đồng thời cũng là tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị về thực hiện CVĐ. Quan tâm đầy đủ các vấn đề trên vừa là đòi hỏi, vừa là bảo đảm quan trọng đối với việc xây dựng, củng cố nền tảng đạo đức, văn hóa, bản chất cách mạng của quân đội ta trong bối cảnh đẩy mạnh CNH,HĐH đất nước, tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay.

 KHẮC THƯỜNG - VĂN BẢY - TÁ ANH

____________

(*) Xem Tạp chí Quốc phòng toàn dân, Số 10-2010

 

Ý kiến bạn đọc (0)