QPTD -Thứ Ba, 06/09/2011, 21:28 (GMT+7)
Làm theo lời Bác, quân và dân huyện đảo Trường Sa nỗ lực phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc

Nằm cách đất liền hàng trăm hải lý, trên Biển Đông, huyện đảo Trường Sa, thuộc tỉnh Khánh Hoà có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng cả về kinh tế-xã hội (KT-XH), quốc phòng-an ninh (QP-AN) đối với đất nước. Những năm qua, thấm nhuần sâu sắc lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh:  “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng. Ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó”1, quân và dân huyện đảo Trường Sa luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, đồng cam, cộng khổ, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, không ngừng phát triển KT-XH, củng cố QP-AN; bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Được sự quan tâm lãnh đạo, giúp đỡ của Trung ương; sự chỉ đạo sát sao của Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân (UBND) Tỉnh và sự phối hợp, giúp đỡ của các cấp, các ngành và các địa phương trong cả nước, Huyện đã chủ động triển khai thực hiện nhiều giải pháp tích cực, nhằm phát huy thế mạnh của một huyện đảo; đồng thời, khắc phục có hiệu quả mọi khó khăn, xây dựng địa phương vững mạnh, đáp ứng yêu cầu bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc. Huyện đã tập trung vào việc xây dựng, củng cố tổ chức đảng và chính quyền các cấp vững mạnh, đủ sức lãnh đạo, chỉ đạo các địa phương thực hiện có hiệu quả các chương trình phát triển KT-XH, củng cố QP-AN trên địa bàn. Đến nay, hệ thống tổ chức chính quyền từ huyện đến cơ sở đã được củng cố, phát huy tốt vai trò của mình trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ; động viên mọi tầng lớp nhân dân yên tâm gắn bó với đảo, với quê hương, quyết tâm phấn đấu vươn lên, đứng vững nơi đầu sóng, ngọn gió của Tổ quốc. Vấn đề cơ bản đặt ra đối với lãnh đạo và chính quyền Huyện là phải chăm lo bảo đảm ổn định đời sống cho nhân dân; tạo điều kiện cho các gia đình có thu nhập ổn định, từng bước vươn lên làm giàu cho bản thân và cộng đồng, để mọi người gắn bó thân thiết với mảnh đất mình đang sống. Để thực hiện tốt lời dạy của Bác về xây dựng và bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của đất nước, một mặt, các cấp phải tăng cường tuyên truyền, giáo dục ý thức về chủ quyền biển, đảo cho nhân dân, đề cao trách nhiệm công dân đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc; mặt khác, phải tích cực, chủ động xây dựng các chính sách KT-XH phù hợp để động viên tinh thần bám đảo, khích lệ tinh thần lao động cần cù, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của mọi tầng lớp nhân dân. Các ngành nghề (đánh bắt, nuôi, trồng hải sản; dịch vụ nghề biển) là thế mạnh của Huyện được các địa phương chú ý phát triển. Hệ thống cơ sở hạ tầng: giao thông nội đảo, giao thông biển, trường học, trạm xá, cơ sở thông tin liên lạc… được quan tâm xây dựng đã góp phần tích cực vào nâng cao chất lượng đời sống văn hoá, tinh thần của nhân dân. Các chính sách xã hội, đặc biệt là chính sách hậu phương quân đội được thực hiện đầy đủ, phù hợp với đặc thù của Huyện; các cuộc vận động lớn của Đảng, Nhà nước, như: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”, “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”… được triển khai đạt hiệu quả thiết thực. Công tác giáo dục, nhất là giáo dục mầm non, tiểu học có bước phát triển mới; các hoạt động bảo vệ môi trường, môi sinh có nhiều tiến bộ. Công tác cải tạo đất trồng trọt phục vụ cho sản xuất, trồng cây phủ xanh các đảo, trồng rau xanh được đẩy mạnh; việc chăn nuôi gia súc, gia cầm, hải sản phát triển phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Hiện nay, ở hầu hết các đảo, nhân dân đang tích cực trồng các loại cây nhằm phủ xanh diện tích, đồng thời bảo vệ môi trường sinh thái. Các dự án nghiên cứu môi trường, môi sinh, thổ nhưỡng được triển khai tích cực.

Cùng với việc phát triển KT-XH, Huyện luôn quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt công tác quân sự, quốc phòng; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển KT-XH với củng cố QP-AN, bảo vệ Tổ quốc. Thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân trên biển không ngừng được củng cố, góp phần tích cực vào việc giữ gìn trật tự, an toàn trên biển, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế, phát huy các lợi thế biển. Các dự án phát triển kinh tế biển, đảo luôn được nghiên cứu gắn chặt với lợi ích QP-AN và được các cơ quan có thẩm quyền thẩm định chặt chẽ. Đội ngũ cán bộ các cấp của Huyện thường xuyên được bồi dưỡng kiến thức QP-AN theo đúng quy định chung, đồng thời có chú ý những yêu cầu cụ thể đặt ra đối với từng địa phương. Công tác động viên, chăm lo xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh được thực hiện có nền nếp, hiệu quả. Các lực lượng chức năng thường xuyên phối hợp với ngư dân trên biển làm tốt công tác nắm tình hình biển, đảo; công tác phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, trợ giúp ngư dân khi gặp khó khăn được các cấp hết sức quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện đạt hiệu quả thiết thực,v.v.

Hiện nay, đất nước ta đã bước vào thời kỳ đẩy mạnh CNH,HĐH với những thời cơ và thách thức không nhỏ. Để góp phần thực hiện tốt đường lối của Đảng, nhất là Nghị quyết Trung ương 4 (khóa X) về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 và xây dựng Huyện phát triển vững chắc, trước hết, Huyện phải tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền nâng cao ý thức xây dựng, bảo vệ chủ quyền biển, đảo cho mọi tầng lớp nhân dân, nhất là đội ngũ cán bộ chủ trì các cấp. Với hơn 100 đảo nhỏ, bãi ngầm, bãi san hô, trải rộng khoảng 180.000 km2, huyện đảo Trường Sa quản lý một vùng biển giàu tiềm năng, có trữ lượng hải sản, dầu khí và khí đốt tự nhiên rất lớn. Đây cũng là nơi có tuyến vận tải hàng hoá bằng đường biển rất quan trọng đối với nước ta cũng như với các nước trong khu vực và thế giới... Tuy nhiên, hiện nay khu vực này đang là nơi tranh chấp; nhiều nước đã có những tuyên bố chủ quyền hết sức phi lý. Do vậy, lãnh đạo, chính quyền, quân và dân huyện đảo Trương Sa phải nhận thức đúng đắn, đầy đủ về chủ quyền của đất nước cũng như quyết tâm bảo vệ trọn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Công tác tuyên truyền, giáo dục phải làm cho mọi người thấy rõ: Trường Sa là quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc; chúng ta có đầy đủ chứng cứ lịch sử và pháp lý về chủ quyền đối với Trường Sa cũng như Hoàng Sa; đồng thời, mỗi người phải có trách nhiệm cao nhất đối với chủ quyền của đất nước. Cần phải làm cho mọi người dân trong Huyện đảo hiểu rõ chủ trương của Đảng và Nhà nước ta giải quyết các tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ, là thông qua thương lượng hoà bình, trên tinh thần bình đẳng, hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, tôn trọng luật pháp quốc tế; chúng ta kiên quyết bảo vệ chủ quyền của mình, song không có hành động làm phức tạp tình hình... Công tác tuyên truyền, giáo dục cũng cần tập trung vào việc tuyên truyền sâu rộng chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về nhiệm vụ phát triển KT-XH, đi đôi với củng cố QP-AN. Chú trọng giáo dục tinh thần đoàn kết giữa bộ đội với nhân dân; giữa các cấp, các ngành, đoàn thể địa phương trong thực hiện nhiệm vụ. Hiện nay, các địa phương cần tổ chức thực hiện tốt Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trong các cấp, các ngành và mọi tầng lớp nhân dân; chú trọng bồi dưỡng cho mọi tầng lớp nhân dân nhận thức sâu sắc tư tưởng, đạo đức cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh; phân tích, liên hệ tư tưởng của Bác về bảo vệ chủ quyền biển, đảo của đất nước; thái độ, trách nhiệm của mỗi người trong thực hiện nhiệm vụ nặng nề nhưng hết sức vẻ vang này.

Thứ hai, tập trung xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh; chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên các cấp đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng, đủ sức lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ. Đây là vấn đề rất quan trọng, trực tiếp quyết định đến chất lượng, hiệu quả thực hiện các chương trình kinh tế, văn hóa, xã hội, QP-AN trong Huyện. Để thực hiện tốt vấn đề đó, lãnh đạo, chính quyền các cấp đã hết sức chú ý nâng cao năng lực quản lý, điều hành của cán bộ, các tổ chức trong hệ thống chính trị, nhất là của Hội đồng nhân dân, UBND các cấp. Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ về năng lực chuyên môn theo từng cương vị, chức trách đặt ra. Tăng cường bồi dưỡng phẩm chất đạo đức, lối sống; học tập và làm theo đạo đức của Bác Hồ: cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư. Làm tốt công tác phát hiện, lựa chọn những người có đủ tiêu chuẩn cử đi đào tạo tại các trường ở Trung ương, kết hợp với bồi dưỡng, tạo nguồn tại chỗ. Chú trọng làm tốt công tác phát triển đảng, nhất là trong đội ngũ cán bộ chính quyền, đoàn thể ở địa phương. Xây dựng các tổ chức đoàn thể nhân dân vững mạnh; nâng cao khả năng tập hợp quần chúng, phát huy sức mạnh toàn dân trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận chiến tranh nhân dân trên biển.

Thứ ba, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng Trung ương, địa phương tiếp tục thực hiện tốt công tác khảo sát, đánh giá việc triển khai, thực hiện các dự án, chương trình phát triển KT-XH, tăng cường QP-AN vùng biển, đảo Trường Sa của Tổ quốc. Đẩy mạnh việc triển khai các dự án cải tạo đất đai, phát triển cây xanh, nuôi, trồng thủy-hải sản, “ngọt hóa các đảo”. Tăng cường phối hợp giữa nhân dân với các đơn vị quân đội; tiếp tục củng cố, xây dựng các cơ sở hậu cần, dịch vụ biển gắn với xây dựng khu vực phòng thủ biển, đảo liên hoàn, vững chắc. Quan tâm phát triển các ngành, nghề phù hợp với từng đảo; tạo ra nhiều việc làm cho nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ, để mọi người yên tâm, gắn bó xây dựng huyện đảo ngày càng vững mạnh. Tiếp tục huy động mọi nguồn lực xây dựng hệ thống phòng thủ trên các xã, thị trấn; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân trên biển, nhất là “thế trận lòng dân” vững chắc.

Xây dựng huyện đảo Trường Sa vững mạnh là trách nhiệm nặng nề nhưng rất vẻ vang của quân và dân huyện đảo Trường Sa đối với Tổ quốc, là thể hiện tình cảm, sự biết ơn sâu sắc đối với Đảng, với Bác Hồ và sự yêu thương, đùm bọc của nhân dân cả nước. Sự phối hợp, giúp đỡ của các cấp, các ngành, các địa phương không những góp phần thiết thực nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, mà còn là nguồn động lực to lớn giúp quân và dân huyện đảo Trường Sa khắc phục khó khăn, xây dựng địa phương ngày càng vững mạnh, góp phần cùng cả nước bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Đỗ Như Phú

Chủ tịch UBND Huyện

_______________

1- Lịch sử Hải quân nhân dân Việt Nam, Nxb QĐND, H.1995, tr 71

 

Ý kiến bạn đọc (0)