QPTD -Chủ Nhật, 11/12/2011, 22:18 (GMT+7)
Lâm Đồng với việc quán triệt, đẩy mạnh thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược trong giai đoạn mới

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH ở nước ta được thông qua tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng khẳng định: “Xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc là hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam. Trong khi đặt lên hàng đầu nhiệm vụ xây dựng đất nước, nhân dân ta luôn đề cao cảnh giác, củng cố quốc phòng, bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ Tổ quốc và các thành quả cách mạng”. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng tiếp tục xác định: “...phát triển kinh tế- xã hội là nền tảng để bảo vệ Tổ quốc; ổn định chính trị, củng cố quốc phòng, an ninh vững mạnh là điều kiện để phát triển kinh tế- xã hội”1. Đó cũng là quan điểm cơ bản, nhất quán của Đảng ta về hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam trong giai đoạn mới. Hai nhiệm vụ chiến lược trên được thực hiện đồng thời, kết hợp chặt chẽ với nhau, không được coi nhẹ nhiệm vụ nào; trong đó nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội (KT-XH), xây dựng đất nước là trọng tâm và giữ vai trò quyết định, là nền tảng cho việc củng cố quốc phòng- an ninh; nhiệm vụ củng cố, tăng cường quốc phòng- an ninh vững mạnh có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, nhằm giữ vững ổn định chính trị, bảo vệ Tổ quốc XHCN, tạo điều kiện thuận lợi cho đẩy nhanh phát triển KT-XH, xây dựng đất nước. Thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược là sự nghiệp trọng đại của cả hệ thống chính trị, của các cấp, các ngành, các địa phương và toàn dân, trong đó có Lâm Đồng.

           
Quán triệt tinh thần đó và nhận thức rõ vị trí quan trọng của Tỉnh về kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh... ,những năm qua, Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân Tỉnh Lâm Đồng đã lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện kết hợp hai nhiệm vụ chiến lược. Việc kết hợp đó được thể hiện rõ trong quy hoạch tổng thể, kế hoạch phát triển của các ngành, các cấp, các địa phương, nhất là trong các dự án đầu tư phát triển trên các lĩnh vực. Đặc biệt, trong công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, với sự nỗ lực của toàn Đảng bộ, nhân dân và các lực lượng vũ trang (LLVT) Tỉnh nên đã đạt được một số thành tựu quan trọng. Trong đó thành tựu bao trùm nhất là giữ vững ổn định chính trị, phát triển KT-XH, tăng cường quốc phòng- an ninh và có nhiều tiến bộ về văn hoá... Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hàng năm thời kỳ 2001-2005 (giá cố định 1994) đạt 10,7%; riêng giai đoạn 2003-2005 tăng 17,2%. Giá trị sản xuất ngành nông- lâm nghiệp tăng bình quân 7,4%/ năm, ngành công nghiệp tăng 17,9%, du lịch, dịch vụ 14%. Tỷ lệ huy động ngân sách thời kỳ 2001-2005 đạt 15,4%, tăng gấp 2,88 lần so với 2000; tổng kim ngạch xuất khẩu 5 năm đạt 381,5 triệu USD, riêng năm 2005 đạt 123 triệu USD, gấp 2,5 lần so với năm 2000... GDP bình quân đầu người năm 2005 đạt 6,1 triệu đồng. Các lĩnh vực văn hoá- xã hội có nhiều tiến bộ, nhất là cơ sở hạ tầng, giáo dục, y tế ở khu vực đồng bào các dân tộc miền núi. Nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân trên địa bàn Tỉnh không ngừng được củng cố và tăng cường. Các LLVT được chăm lo xây dựng vững mạnh, bảo đảm chất lượng chính trị, có biên chế tổ chức phù hợp, từng bước nâng cao sức mạnh và khả năng sẵn sàng chiến đấu, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ địa phương, bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới. Vì thế, trước những diễn biến phức tạp về an ninh chính trị ở các tỉnh Tây Nguyên, nhưng Lâm Đồng vẫn giữ vững ổn định chính trị, trật tự xã hội, kịp thời phát hiện và ngăn chặn các hoạt động phá hoại của các thế lực thù địch, kiềm chế sự gia tăng của các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, không để xảy ra bạo loạn chính trị, biểu tình, gây rối...
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu là cơ bản, cũng còn những hạn chế, thiếu sót, nổi bật là nhận thức của một số cán bộ, đảng viên về hai nhiệm vụ chiến lược, về âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch đối với cách mạng nước ta chưa thật sâu sắc, đầy đủ nên trách nhiệm, hiệu quả thực hiện chưa cao. Cùng với đó còn có một số hạn chế khác, cụ thể là tốc độ tăng trưởng kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của địa phương; cơ cấu kinh tế chưa chuyển được theo hướng dịch vụ; sản xuất công nghiệp còn nhỏ bé; khả năng cạnh tranh của sản phẩm và dịch vụ trên thị trường thấp. Xã hội hoá các lĩnh vực văn hoá- xã hội còn chậm; một số vấn đề bức xúc trong lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hoá chưa được đầu tư giải quyết kịp thời; đời sống của một bộ phận nhân dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn. Trên địa bàn Tỉnh vẫn còn tiềm ẩn một số nhân tố có khả năng gây mất ổn định chính trị cục bộ; các loại tội phạm, tệ nạn xã hội còn những diễn biến phức tạp. Thực trạng đó đòi hỏi Đảng bộ, nhân dân các dân tộc và các LLVT của Tỉnh phải tiếp tục quán triệt và phấn đấu thực hiện tốt hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ địa phương, bảo vệ Tổ quốc thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng ở địa phương.
Từ đó, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ VIII (nhiệm kỳ 2006- 2010) xác định: "Phát huy sự đoàn kết nhất trí trong Đảng, tạo sự đồng thuận trong xã hội; tiếp tục đổi mới toàn diện, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của từng tổ chức cơ sở Đảng và năng lực tổ chức thực hiện của bộ máy chính quyền các cấp nhằm tạo bước đột phá, tăng tốc phát triển kinh tế, nâng cao đời sống mọi mặt của nhân dân, đưa Lâm Đồng thoát khỏi tình trạng chậm phát triển... Đẩy mạnh xã hội hoá một số lĩnh vực xã hội để huy động nhiều nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, đào tạo nguồn nhân lực và nâng cao chất lượng phục vụ; kịp thời giải quyết những vấn đề bức xúc nảy sinh ngay từ cơ sở, từng bước cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, văn hoá của các tầng lớp nhân dân. Giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh”. Đây là chủ trương nhất quán, có tính định hướng cho sự phát triển toàn diện, nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển KT-XH và củng cố quốc phòng, an ninh trên địa bàn Tỉnh. Các chỉ tiêu kế hoạch chủ yếu thời kỳ 2006-2010 của Tỉnh là: tốc độ tăng GDP bình quân hằng năm 13-14%; đến năm 2010 GDP bình quân đầu người đạt 15,5-16,5 triệu đồng; tổng vốn đầu tăng 3,2-3,3 lần, kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân 14-16%/năm; giảm tỷ lệ sinh hàng năm từ 0,5-0,6%, tạo việc làm mới cho 24 ngàn đến 25 ngàn lao động/ năm; phấn đấu đến năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo trong tỉnh giảm còn dưới 14%, trong đó vùng đồng bào dân tộc thiểu số dưới 30%;bảo đảm 100% cụm xã có phòng khám khu vực, 100% xã, phường, thị trấn có bác sĩ, 80% số dân nông thôn được dùng nước sạch; phổ cập giáo dục trung học cơ sở vào năm 2007, mỗi huyện có một trung tâm giáo dục thường xuyên hoặc trung tâm hướng nghiệp dạy nghề, 25% lao động xã hội trong tỉnh được qua đào tạo nghề...Xây dựng các tổ chức Đảng ở hầu hết các thôn, buôn; có ít nhất 80% số tổ chức cơ sở Đảng đạt danh hiệu trong sạch vững mạnh. Đồng thời tăng cường quốc phòng và an ninh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội. 
Trong quá trình thực hiện nhằm đạt các mục tiêu trên, Tỉnh nhấn mạnh phải tiếp tục quán triệt quan điểm, phương châm chỉ đạo là kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng và an ninh; mỗi bước phát triển về kinh tế đều phải là một bước tăng cường về quốc phòng, an ninh; đồng thời mỗi bước tăng cường về quốc phòng, an ninh phải thiết thực tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế phát triển nhanh hơn và bền vững. Phải khắc phục nhận thức chỉ coi trọng một chiều, một mặt kinh tế hoặc quốc phòng, an ninh. Về giải pháp, Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân Tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các ngành, các cấp, các địa phương, đơn vị  khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của Tỉnh; huy động tối đa và có hiệu quả nguồn nội lực, thu hút các nguồn ngoại lực đẩy mạnh công cuộc đổi mới một cách toàn diện, nâng cao nhịp độ và chất lượng tăng trưởng, bảo đảm cho nền kinh tế phát triển nhanh, hội nhập và cạnh tranh có hiệu quả. Chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng ngành công nghiệp và dịch vụ. Phát triển ngành du lịch- dịch vụ thành ngành kinh tế động lực, chú trọng các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, hội nghị, hội thảo. Đầu tư nâng cấp các khu du lịch, danh lam thắng cảnh và di tích lịch sử, đặc biệt là các hoạt động văn hoá của các dân tộc. Xây dựng Đà Lạt và vùng phụ cận thành một  trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng của cả nước và quốc tế, trung tâm đào tạo đa ngành, trung tâm nghiên cứu khoa học, là khu vực sản xuất, chế biến, xuất khẩu rau và hoa chất lượng cao; xây dựng thị xã Bảo Lộc trở thành trung tâm công nghiệp chế biến nông lâm, khoáng sản. Tăng cường liên kết, hợp tác với các địa phương, nhất là với thành phố Hồ Chí Minh để khai thác tiềm năng, lợi thế, trọng tâm là du lịch, phát triển công nghiệp công nghệ cao, khoa học công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực. 
Tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội, ưu tiên thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp; thực hiện các dự án thuỷ điện Đại Ninh, điện Đồng Nai 3, Đồng Nai 4 và các nhà máy thuỷ điện vừa và nhỏ, tổ hợp khai thác, chế biến alumin... Phối hợp với Trung ương đẩy nhanh tiến độ các công trình giao thông nối với các tỉnh trong khu vực và hoà nhập quốc tế như sân bay Liên Khương, đường cao tốc Đà Lạt- Giầu Giây, đường Trường Sơn Đông, đường 723 Đà Lạt- Nha Trang và các tuyến đường nội tỉnh, bảo đảm đến năm 2010 nhựa hoá 30% đường giao thông nông thôn, tạo cơ sở thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội và bảo đảm quốc phòng- an ninh. Lấy công nghiệp hoá, hiện đại hoá làm nhiệm vụ trọng tâm của sản xuất nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, trong đó ưu tiên các doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp, chế biến nông- lâm sản đầu tư vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đầu tư thâm canh các vùng sản xuất nguyên liệu tập trung có năng suất, chất lượng cao, gắn với công nghiệp chế biến và sản xuất hàng xuất khẩu. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển nông nghiệp công nghệ cao và sản phẩm có tính vượt trội về giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích như rau, hoa, chè, dâu tây... Tiếp tục thực hiện chính sách phát triển nền kinh tế nhiều thành phần định hướng xã hội chủ nghĩa, trọng tâm là củng cố, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước theo đề án đã được Chính phủ phê duyệt; tập trung đầu tư cho các doanh nghiệp mà nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối. Phát triển đa dạng các loại hình kinh tế tập thể ở tất cả các ngành nghề; hướng hợp tác xã phát triển thành những tổ chức KT-XH lớn, đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Đồng thời, tiếp tục khai thác nhiều nguồn lực để đầu tư xây dựng các trung tâm thương mại, phát triển dịch vụ bưu chính viễn thông; phát triển văn hoá- xã hội, nâng cao chất lượng giáo dục- đào tạo và khoa học công nghệ, bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân, thực hiện tốt công tác dân số- gia đình và trẻ em, bảo đảm sự tiến bộ và công bằng xã hội.
Đối với nhiệm vụ quốc phòng- an ninh, Đại hội VIII của Đảng bộ Tỉnh xác định yêu cầu cấp bách, quan trọng hàng đầu là phải tiếp tục giáo dục nâng cao cảnh giác đối với âm mưu “diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch; nâng cao chất lượng bồi dưỡng kiến thức quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân cho đảng viên, cán bộ và nhân dân. Xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân gắn với nhiệm vụ phát triển KT-XH. Kết hợp chặt chẽ giữa bảo vệ an ninh quốc gia với giữ gìn trật tự an toàn xã hội... Tuy là tỉnh nội địa, nhưng Lâm Đồng là địa bàn chiến lược của Tây Nguyên. Ngoài những vấn đề chung về dân tộc, tôn giáo, nhân quyền mà các thế lực thù địch đang lợi dụng để xuyên tạc chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, nói xấu chế độ XHCN,... trên địa bàn Tây Nguyên nói chung, tỉnh Lâm Đồng nói riêng vẫn đang tiềm ẩn những vấn đề phức tạp. Hiện tượng móc nối, kích động chia rẽ dân tộc, dụ dỗ, lôi kéo đồng bào dân tộc thiểu số vượt biên; truyền đạo trái pháp luật... vẫn tiếp tục diễn ra, gây ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển KT-XH, giữ gìn trật tự trị an và củng cố quốc phòng của địa phương. Vì thế, nhiệm vụ an ninh, quốc phòng của Lâm Đồng cũng đang đặt ra những yêu cầu mới, đòi hỏi cấp uỷ, chính quyền các cấp phải tiếp tục quán triệt sâu sắc và triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội X của Đảng, Nghị quyết Đại hội VIII của Đảng bộ Tỉnh, nhất là Nghị quyết Trung ương 8 (khoá IX) về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác quốc phòng, an ninh, Thường vụ Tỉnh uỷ chủ trương đẩy mạnh công tác giáo dục quốc phòng cho các tầng lớp nhân dân, trước hết là đội ngũ cán bộ, đảng viên, các LLVT, thanh niên, học sinh, sinh viên nhằm nâng cao ý chí cách mạng, nhận thức rõ âm mưu “diễn biến hoà bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch đối với nước ta và ở địa phương. Nâng cao vai trò lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của cấp uỷ Đảng, sự quản lý, điều hành của chính quyền đối với nhiệm vụ quốc phòng, an ninh. Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, bảo đảm quốc phòng vững mạnh từ tỉnh đến cơ sở; bổ sung các phương án tác chiến trong các khu vực phòng thủ đã xác định. Kết hợp chặt chẽ phát triển KT-XH với củng cố quốc phòng, an ninh. Tập trung phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ cho nhiệm vụ quốc phòng. Chăm lo xây dựng LLVT địa phương vững mạnh, có số lượng hợp lý, chất lượng cao, trước hết là chất lượng chính trị, bảo đảm cho LLVT thực sự là chỗ dựa tin cậy của Đảng, chính quyền và nhân dân. Từng bước tạo điều kiện cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho LLVT, bán vũ trang, bảo đảm sẵn sàng chiến đấu bảo vệ địa phương trong mọi tình huống và tham gia phát triển KT-XH của địa phương. Tăng cường công tác phòng ngừa, phát hiện và đấu tranh chống các âm mưu, hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia; coi trọng và làm tốt công tác bảo vệ an ninh tư tưởng, an ninh văn hoá, an ninh kinh tế và an ninh nông thôn. Thường xuyên có kế hoạch để tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chương trình quốc gia phòng chống tội phạm và phòng chống ma tuý; kịp thời phát hiện, ngăn chặn và đấu tranh có hiệu quả với hoạt động của tội phạm có tổ chức, tội phạm kinh tế. Kiên quyết đấu tranh, xử lý những sai phạm, tiêu cực, tham nhũng, làm thất thoát tài sản nhà nước. Tập trung giải quyết tốt những mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, giải quyết dứt điểm các vụ tranh chấp, khiếu kiện, các mâu thuẫn ngay từ cơ sở, không để khiếu kiện đông người, phát sinh “điểm nóng”. Đồng thời, đẩy mạnh hơn nữa phong trào thi đua bảo vệ an ninh Tổ quốc; thường xuyên sơ kết, tổng kết và làm tốt công tác thi đua- khen thưởng, nhân rộng các điển hình tiên tiến, góp phần giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, tạo điều kiện để địa phương thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển KT-XH  thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá.
 
Nguyễn Văn Đẳng
Ủy viên BCHTƯ  Đảng, Bí thư Tỉnh ủy
 
1- ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb CTQG, H. 2006, tr. 227, 228.

 

Ý kiến bạn đọc (0)