QPTD -Thứ Sáu, 16/09/2011, 23:26 (GMT+7)
Lâm Đồng đẩy mạnh xây dựng lực lượng dân quân, tự vệ và dự bị động viên theo Chỉ thị 16-CT/TW của Ban Bí thư

Lực lượng dân quân, tự vệ (DQTV) và lực lượng dự bị động viên (DBĐV) là bộ phận trong lực lượng vũ trang (LLVT) của Đảng ở địa phương. Xây dựng lực lượng DQTV và DBĐV vững mạnh có ý nghĩa quan trọng và là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của các cấp, các ngành và toàn dân. Quán triệt quan điểm đó của Đảng, mà trực tiếp nhất là Chỉ thị số 16-CT/TW ngày 5-10-2002 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khoá IX) “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với lực lượng DQTV và lực lượng DBĐV trong tình hình mới”, Đảng uỷ Quân sự, Bộ Chỉ huy Quân sự (BCHQS) Tỉnh đã tham mưu cho Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân Tỉnh ra các chỉ thị, nghị quyết lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện trong toàn Tỉnh. Các cấp uỷ từ tỉnh đến cơ sở phát huy vai trò, trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng lực lượng DQTV và lực lượng DBĐV, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương. Đến nay, các đơn vị DQTV và DBĐV được củng cố, kiện toàn, ổn định về biên chế, tổ chức; bảo đảm chất lượng, nhất là chất lượng chính trị, thực sự là lực lượng quan trọng giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn. Sau 5 năm thực hiện Chỉ thi 16 của Ban Bí thư, Tỉnh đã tổ chức sơ kết, đánh giá kết quả thực hiện và đề ra một số chủ trương, biện pháp, nhằm tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với lực lượng DQTV và lực lượng DBĐV trong tình hình mới.

Tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng lực lượng DQTV có đủ số lượng, thành phần lực lượng, biên chế, tổ chức hợp lý; có chất lượng chính trị ngày càng cao. Đây là vấn đề quan trọng, bảo đảm cho lực lượng DQTV thực sự là lực lượng nòng cốt, tin cậy của Đảng, chính quyền và nhân dân, góp phần bảo đảm giữ vững ổn định chính trị, an toàn xã hội ở địa phương, cơ sở. Đối với Lâm Đồng - một tỉnh miền núi thuộc địa bàn chiến lược Tây Nguyên, điều đó càng quan trọng, cấp thiết; bởi đây là tỉnh có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, có đạo... (đồng bào tôn giáo chiếm 57%, trong đó có 79% đồng bào dân tộc thiểu số). Lâm Đồng cũng là một trong những địa bàn mà các thế lực thù địch tập trung chống phá trong âm mưu gây mất ổn định chính trị ở các tỉnh Tây Nguyên. Với mưu đồ thâm độc đó, chúng tìm cách móc nối, xây dựng lực lượng ngầm, kích động đồng bào dân tộc thiểu số vượt biên trái phép hoặc gây các “điểm nóng” trên địa bàn. Tình hình đó đặt ra yêu cầu quan trọng, cấp thiết đối với Tỉnh là phải tăng cường quốc phòng, an ninh; xây dựng lực lượng DQTV và lực lượng DBDV vững mạnh toàn diện.

Đối với lực lượng DQTV, Tỉnh tập trung xây dựng, củng cố tổ chức, biên chế, trang bị; chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ quân sự xã (phường, thị trấn). Hằng năm, BCHQS Tỉnh và cơ quan quân sự các huyện, thị xã, thành phố đều tổ chức tập huấn cho cán bộ DQTV từ tiểu đội trưởng trở lên theo chương trình quy định. Đồng thời, xây dựng kế hoạch tạo nguồn và tổ chức các lớp đào tạo chỉ huy trưởng quân sự cấp xã theo Chỉ thị 34/CT-BQP của Bộ Quốc phòng. Để tạo nguồn cán bộ người dân tộc thiểu số, Tỉnh đã cử 52 đồng chí đi học lớp đào tạo xã đội trưởng do Quân khu 7 tổ chức; phối hợp với Trường Chính trị Tỉnh mở 2 lớp đào tạo xã (phường, thị) đội trưởng tại Trường Quân sự Tỉnh cho 147 cán bộ. Tỉnh còn gắn nhiệm vụ đào tạo chỉ huy trưởng quân sự cấp xã với việc quán triệt, thực hiện đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở xã (phường, thị trấn). Hiện tại, học viên tốt nghiệp ra trường được bố trí giữ các cương vị chỉ huy trưởng, phó chỉ huy trưởng quân sự xã (phường, thị trấn) và trung đội trưởng dân quân cơ động. Đến nay, số cán bộ quân sự xã (phường, thị trấn) trên địa bàn Tỉnh đã được đào tạo, bổ nhiệm đủ số lượng, có nguồn bổ sung thay thế. Đội ngũ cán bộ DQTV có phẩm chất đạo đức tốt, có năng lực, nhiệt tình công tác, độ tin cậy cao. Trong đó, một số đồng chí đã phát triển, được bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo cấp uỷ, chính quyền cơ sở. Về cơ bản, số cán bộ được đào tạo, bổ nhiệm đúng chuyên ngành, phát huy tốt vai trò trong hoạt động thực tiễn, góp phần củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các chi bộ quân sự, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với LLVT địa phương, cơ sở.

Cùng với việc củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ quân sự cấp xã, BCHQS Tỉnh đã chỉ đạo cơ quan quân sự các cấp tập trung xây dựng lực lượng DQTV có số lượng và tỉ lệ phù hợp, bảo đảm chất lượng, trước hết là chất lượng chính trị; thực hiện đúng chế độ đăng ký, quản lý công dân trong độ tuổi DQTV theo quy định của Pháp lệnh. Do đặc thù của một tỉnh có nhiều xã, mà ở đó, đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào theo các tôn giáo chiếm tỉ lệ cao, nên Tỉnh đã chỉ đạo xây dựng dân quân “điểm” ở những xã này, như tại xã Tà Nung (Đà Lạt), Bảo Thuận (Di Linh); chỉ đạo mỗi huyện xây dựng điểm một xã để rút kinh nghiệm và từng bước nhân rộng. Tỉnh đặt chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2010 và những năm tiếp theo, lực lượng DQTV của Tỉnh có tổ chức, biên chế đủ thành phần lực lượng; duy trì tỉ lệ DQTV cấp tỉnh đạt 1,2-1,8%, cấp huyện 1,4-2% số dân; tự vệ đạt 15-20% so với cán bộ, công nhân viên chức; thực hiện tốt kế hoạch thay thế, luân phiên theo Pháp lệnh DQTV. Trong quá trình thực hiện, Tỉnh đặc biệt quan tâm nâng cao chất lượng chính trị, độ tin cậy của lực lượng DQTV; thực hiện tốt công tác giáo dục chính trị, định hướng tư tưởng, xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng và ý chí, trách nhiệm cho cán bộ, chiến sĩ DQTV. Cùng với đó, Tỉnh chú trọng công tác huấn luyện, nâng cao trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ), luyện tập phương án tác chiến trị an và diễn tập công tác phòng, tránh, khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm, cứu nạn, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở địa phương, cơ sở.

Trên cơ sở quán triệt và thực hiện Chỉ thị 16 cùng các nghị quyết, chỉ thị của cấp trên về cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với LLVT, Tỉnh uỷ Lâm Đồng đã ra Chỉ thị, xác định rõ quan điểm: Xây dựng LLVT vững mạnh toàn diện, lấy chất lượng chính trị làm cơ sở, thực hiện cơ chế Đảng lãnh đạo LLVT “tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt”; tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền các cấp, của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp,... đối với lực lượng DQTV và lực lượng DBĐV. Tỉnh uỷ chỉ đạo cấp uỷ, chính quyền các cấp ra nghị quyết và kế hoạch phát triển đảng viên trong lực lượng DQTV và DBĐV; kết nạp những đội viên, đoàn viên ưu tú vào Đảng và tạo nguồn cán bộ kế cận, nhất là người các dân tộc thiểu số, nhằm tăng cường về số lượng, chất lượng lãnh đạo của các chi bộ, tổ đảng quân sự ở cơ sở. Các đảng bộ, chi bộ cấp xã đều có nghị quyết lãnh đạo phát triển đảng viên, nâng cao chất lượng tổng hợp của lực lượng DQTV. Từ năm 2002 đến nay, Tỉnh đã kết nạp được gần 800 đảng viên trong lực lượng DQTV, nâng tỉ lệ đảng viên từ 9,28% lên 15,6%; 100% xã (phường, thị trấn) đã xây dựng và duy trì tốt hoạt động của chi bộ, tổ đảng quân sự, chi đoàn dân quân cơ động. Các chi bộ, tổ đảng quân sự đã thực sự phát huy tác dụng, luôn chủ động tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền trong việc lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương. Phấn đấu đến 2010, có 90% xã (phường, thị) đội phó, trung đội trưởng dân quân cơ động và 40% thôn đội trưởng là đảng viên, góp phần xây dựng và phát huy vai trò lãnh đạo của các chi bộ quân sự.

Công tác xây dựng lực lượng DBĐV được Tỉnh xác định là nhiệm vụ chiến lược, vừa mang tính cấp bách, vừa cơ bản của địa phương. Với chức năng, nhiệm vụ của mình, Đảng ủy Quân sự và BCHQS Tỉnh đã làm tốt công tác tham mưu giúp Ban Thường vụ Tỉnh uỷ và Uỷ ban nhân dân Tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo các địa phương, đơn vị thực hiện công tác đăng ký, quản lý, tổ chức biên chế, sắp xếp các đơn vị DBĐV và phương tiện dự bị theo chỉ tiêu, bảo đảm tốt cho việc huy động kiểm tra, huấn luyện, SSCĐ và thực hiện các nhiệm vụ theo yêu cầu của địa phương, của quân đội. Công tác này được thực hiện đúng quy trình, bảo đảm chặt chẽ, nên chất lượng tổng hợp của lực lượng DBĐV ngày càng cao, nhất là chất lượng chính trị và tỉ lệ đúng chuyên nghiệp quân sự. Tỉnh tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ chỉ huy, quản lý đơn vị DBĐV có đủ phẩm chất, năng lực và trách nhiệm đối với nhiệm vụ được giao. Trong quá trình thực hiện, Tỉnh chỉ đạo các địa phương phối hợp chặt chẽ với các đơn vị nhận nguồn thực hiện tốt phương châm “xếp gọn địa bàn” để thuận lợi trong quản lý, huy động, kiểm tra, huấn luyện, diễn tập... Các địa phương trong Tỉnh đã tổ chức đăng ký quân nhân hết hạn tại ngũ về địa phương, quân nhân dự bị từ các địa phương khác chuyển đến và đăng ký, quản lý số quân nhân dự bị hạng 2 theo đúng Pháp lệnh về lực lượng DBĐV và Nghị định 83/NĐ-CP của Chính phủ về đăng ký nghĩa vụ quân sự. Nhờ vậy, kết quả đăng ký, quản lý lực lượng DBĐV hằng năm luôn đạt chỉ tiêu, yêu cầu đề ra.

Hằng năm, trong giai đoạn tập trung huấn luyện quân nhân dự bị, Tỉnh chỉ đạo các địa phương, đơn vị thành lập các đảng bộ, chi bộ lâm thời để lãnh đạo, giáo dục cán bộ, chiến sĩ thực hiện tốt nhiệm vụ huấn luyện. Trên cơ sở đó, tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho lực lượng DBĐV, nâng cao nhận thức về âm mưu “Diễn biến hoà bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch đối với nước ta, trực tiếp là đối với địa bàn Tây Nguyên và Lâm Đồng. Qua đó để cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng DBĐV đề cao cảnh giác, xác định rõ nhiệm vụ. Đồng thời, Tỉnh chỉ đạo cấp uỷ, chính quyền và các ban ngành, đoàn thể nêu cao tinh thần trách nhiệm, thể hiện sự nhất quán trong vận hành cơ chế, quy trình huy động lực lượng DBĐV ở địa phương; xây dựng hệ thống kế hoạch động viên hằng năm phù hợp với tình hình, nhiệm vụ động viên quân đội. Thường xuyên thông báo tình hình, định hướng chính trị tư tưởng; nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ các đơn vị DBĐV trong huấn luyện, SSCĐ và tham gia các hoạt động khác của địa phương. Công tác phát triển đảng trong lực lượng DBĐV cũng được thực hiện khá tốt; đã kết nạp được 134 đảng viên, góp phần nâng cao chất lượng chính trị và khả năng SSCĐ của lực lượng DBĐV.

Công tác xây dựng lực lượng DQTV và DBĐV ở Lâm Đồng thời gian qua đã khẳng định tính đúng đắn của Chỉ thị 16-CT/TW. Đó là bước đột phá quan trọng, nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành và nhân dân trong công tác xây dựng LLVT nhân dân, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân. Kết quả hết sức quan trọng trong công tác xây dựng lực lượng DQTV, DBĐV của Tỉnh những năm qua là cơ sở để quân và dân tỉnh Lâm Đồng tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương trong thời kỳ mới.

Đại tá Trần Xuân Quang

Phó Chính uỷ BCHQS Tỉnh

 

Ý kiến bạn đọc (0)