QPTD -Thứ Ba, 26/07/2011, 16:21 (GMT+7)
Lại một nhận định sai lệch của Nghị viện Châu Âu về tình hình nhân quyền ở Việt Nam

Ngày 26-11-2009, Nghị viện Châu Âu mới đưa ra một nghị quyết về tình hình nhân quyền Việt Nam. Những nhận định của nghị quyết thể hiện sự thiếu khách quan, thiện chí trước tình hình thực tế và đánh giá của cộng đồng quốc tế; đi ngược lại chiều hướng đang phát triển trong quan hệ giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu.

 

Nghị quyết vẫn lặp đi, lặp lại những điệp khúc cũ với cách nhìn sai lệch và dụng ý xấu về Việt Nam. Với việc kêu gọi chính phủ Việt Nam "hạn chế vi phạm tự do ngôn luận, tự do tôn giáo và tự do hội họp"; đòi "thả vô điều kiện" người này, người khác; chấm dứt việc "đàn áp các nhà tu hành"…, nghị quyết đã thể hiện rõ cách nhìn áp đặt, méo mó về tình hình tôn giáo, dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam; đồng thời còn là sự bảo trợ, cổ súy cho những hoạt động vi phạm nghiêm trọng pháp luật của Nhà nước Việt Nam, chống phá an ninh, chính trị, xã hội của đất nước. Điều đáng quan tâm là đằng sau những nhận định sai lệch, nghị quyết còn "đưa một điều khoản bắt buộc thực hiện và cụ thể về nhân quyền, về dân chủ vào tiến trình đàm phán về Hiệp định Đối tác và Hợp tác mới với Việc Nam".

Trước sự kiện này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã tỏ rõ chính kiến "hết sức thất vọng… với những nhận định hoàn toàn thiếu khách quan, thiện chí về tình hình thực tế ở Việt Nam. Việc thông qua nghị quyết này đi ngược lại lợi ích, quan hệ giữa Việt Nam và EU và gây bất bình trong nhân dân Việt Nam".

Cộng đồng quốc tế và tất cả những ai thật sự quan tâm tới Việt Nam đều thấy rõ một điều là, trong những năm qua, mọi chủ trương, đường lối, chính sách của Việt Nam đều nhằm phấn đấu vì mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh", tất cả vì con người và cho con người. Tư tưởng và hành động nhất quán của Đảng và Nhà nước ta luôn xác định con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước; là trung tâm của các chính sách kinh tế- xã hội; chăm lo quyền con người là nhân tố quan trọng cho sự phát triển bền vững của đất nước. Những thành tựu to lớn về chăm lo đảm bảo quyền con người, gắn với điều kiện đặc thù cụ thể về lịch sử, chính trị, kinh tế-xã hội, với văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng… của đất nước ta trong những năm gần đây đã được cộng đồng quốc tế đánh giá rất cao và là một thực tế không thể phủ nhận. Điều này một lần nữa tiếp tục được khẳng định trong Báo cáo quốc gia về nhân quyền theo kiểm điểm định kỳ của Liên hợp quốc với sự tham gia đầy đủ của 192 nước thành viên, các tổ chức quốc tế và các tổ chức phi chính phủ trong phiên họp ngày 24-9-2009 tại Giơ-ne-vơ (Thụy Sỹ). Trong hội nghị, đại diện của 60 nước thành viên đã trực tiếp tham gia đối thoại. Nhiều ý kiến đánh giá Báo cáo của Chính phủ Việt Nam đã nêu bật bức tranh tổng thể, đồng thời đề cập cụ thể những vấn đề các nước quan tâm về chính sách, cam kết cũng như kết quả về bảo đảm quyền con người của Việt Nam. Nổi bật nhất là thành tựu trong công cuộc đổi mới và cam kết rõ ràng của Nhà nước Việt Nam đối với việc thúc đẩy quyền con người với sự đảm bảo về luật pháp và các chương trình, cơ chế cụ thể. Tuy đại diện cho nhiều quốc gia với các vùng địa lý, chế độ kinh tế, chính trị khác nhau, song hầu hết các ý kiến đều thể hiện rõ sự nhìn nhận tích cực và xây dựng về tình hình nhân quyền ở Việt Nam. Điều này trái ngược hẳn với những nhận định mà nghị quyết của Nghị viện Châu Âu mới đưa ra. Phần nhiều ý kiến của các nước châu Phi, có những tương đồng về điều kiện lịch sử, kinh tế với nước ta đã bày tỏ sự cảm phục về nỗ lực của một dân tộc đã phải gánh chịu những hậu quả nặng nề của chiến tranh, song đã hoàn thành vượt mức thời gian các mục tiêu phát triển của Thiên niên kỷ do Liên hợp quốc xác định, nhất là về việc bảo đảm lương thực, cung cấp dịch vụ y tế cơ sở cho người dân… Đối với họ, đó là những tiền đề cơ bản nhất của quyền con người mà nhiều quốc gia còn đang phải vất vả phấn đấu. Các nước khu vực Mỹ La-tinh đề cao những tiến bộ của Việt Nam trong phát triển, cải cách tư pháp, thực hiện bình đẳng giữa các dân tộc… Các quốc gia láng giềng ASEAN có điều kiện hiểu rõ nhất về thực tế Việt Nam đã nhấn mạnh việc chủ động, tích cực tham gia và thực hiện các điều ước quốc tế về quyền con người; tăng cường sự phối hợp, đóng góp vào việc thiết lập cơ chế nhân quyền trong khu vực và chính sách phát triển cân bằng cả về kinh tế và xã hội của nước ta. Đại biểu của Xri- Lan-ca cho rằng: sự nỗ lực phấn đấu hy sinh của nhân dân Việt Nam trong nhiều thập kỷ qua có thể coi là biểu tượng phấn đấu vì quyền con người… Ngay trong ý kiến của nhiều nước châu Âu (tiêu biểu như Nga, Na Uy, Thụy Sĩ…) cũng đều đánh giá cao về nỗ lực của Việt Nam trong nâng cao mức sống của người dân, phát triển kinh tế-xã hội; tận dụng các thành tựu thông tin để phát triển quyền con người; chủ động tranh thủ kinh nghiệm quốc tế để thực hiện nhân quyền. Đoàn Vương quốc Anh hoan nghênh sự tiến bộ của Việt Nam trong thực hiện các quyền kinh tế, xã hội và tự do tôn giáo…

Cùng với những nhận định và đánh giá khách quan, có tính xây dựng về tình hình nhân quyền ở Việt Nam của các quốc gia thành viên Liên hợp quốc, bản báo cáo toàn diện, cụ thể, có sự kiểm chứng thực tế trên nhiều lĩnh vực về vấn đề này của Chính phủ Việt Nam, nhất là về tình hình tôn giáo, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và thông tin ở Việt Nam trong Hội nghị là những bằng chứng chân xác nhất, bác bỏ những điều sai lệch mà nghị quyết của Nghị viện Châu Âu mới đưa ra về tình hình nhân quyền ở nước ta. Theo Báo cáo quốc gia về việc thực hiện quyền con người, hiện nay ở Việt Nam có khoảng 20 triệu người theo các tôn giáo khác nhau và 80% người dân có đời sống tín ngưỡng. Nhà nước Việt Nam nhìn nhận tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu chính đáng của con người và không ngừng phấn đấu đảm bảo đời sống tín ngưỡng, tôn giáo cho người dân. Tính đến 2008, ở Việt Nam có 12 tôn giáo, trong đó một số tôn giáo có đông tín đồ như Phật giáo, Công giáo, Tin lành… Các sinh hoạt tôn giáo, đặc biệt là các ngày lễ lớn hằng năm của nhiều tôn giáo được tổ chức trọng thể với hàng trăm nghìn tín đồ tham gia. Đặc biệt, Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc năm 2008 được tổ chức trong thể tại Hà Nội với sự tham dự của hơn 4.000 tăng ni, phật tử, trong đó có khoảng 2.000 chức sắc, tín đồ đến từ 74 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Các cơ sở thờ tự liên tục được cải tạo hoặc xây mới. Hoạt động đào tạo, bồi dưỡng chức sắc, nhà tu hành được duy trì và mở rộng. Nhiều chức sắc và nhà tu hành Việt Nam được cử đi đào tạo tại nước ngoài (Mỹ, Pháp, I-ta-li-a, Ấn Độ…). Các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam chủ động tham gia nhiều hoạt động y tế, văn hóa, xã hội, nhân đạo… đóng góp cho quá trình xây dựng đất nước, đồng thời có quan hệ quốc tế rộng rãi; đại diện chức sắc các tôn giáo tham gia nhiều diễn đàn quốc tế, đối thoại tôn giáo, tín ngưỡng, giao lưu học hỏi, trao đổi giáo lý, giáo luật tại các diễn đàn lớn như ASEM, ASEAN…

Quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và thông tin của người dân Việt Nam được thể hiện rõ qua sự phát triển nhanh chóng, đa dạng về loại hình và phong phú về nội dung của các phương tiện thông tin đại chúng. Tính đến năm 2008, cả nước có hơn 700 cơ quan báo chí in với 850 ấn phẩm, gần 15.000 nhà báo được cấp thẻ, 68 đài phát thanh, truyền hình của Trung ương, cấp tỉnh và Đài truyền hình kỹ thuật số mặt đất, Đài truyền hình Việt Nam phủ sóng đến 85% hộ gia đình Việt Nam, 80 báo điện tử và hàng nghìn trang tin điện tử trên mạng Internet, 55 nhà xuất bản. Báo chí đã trở thành diễn đàn ngôn luận của các tổ chức xã hội, nhân dân, là công cụ quan trọng trong việc bảo vệ lợi ích của xã hội, các quyền tự do của nhân dân và trong công tác kiểm tra, giám sát việc thực thi chính sách và pháp luật của Nhà nước, đặc biệt về quyền con người. Người dân Việt Nam ngày càng tiếp cận tốt hơn với công nghệ thông tin hiện đại, đặc biệt là Internet, với khoảng 20 triệu người truy cập, chiếm 23,5% dân số, cao hơn mức trung bình của châu Á (18%). Ngoài hệ thống thông tin, báo chí, truyền thông trong nước, người dân Việt Nam còn tiếp cận với hàng chục hãng thông tấn, báo chí và kênh truyền hình nước ngoài, như Reuters, BBC, VOA, AP, AFP, CNN và nhiều báo, tạp chí quốc tế lớn khác. Nhà nước Việt Nam chủ trương đảm bảo quyền con người, song nghiêm trị những hành vi vi phạm pháp luật, nhằm đảm bảo môi trường lành mạnh cho toàn xã hội, vì lợi ích của mỗi người dân.

Ở Việt Nam, mục tiêu quan trọng của án phạt tù là nhằm giáo dục pháp luật cho người phạm tội để họ trở thành người có ích và sớm tái hòa nhập với xã hội. Hệ thống trại giam, nhà tù luôn được đầu tư nhằm từng bước cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của phạm nhân. Quyền cơ bản của người chấp hành án phạt tù tại các trại giam được pháp luật bảo vệ, như quyền tự do thân thể, quyền sống, vui chơi, giải trí, không bị tra tấn… Nhà nước Việt Nam đã khẳng định, ở Việt Nam không có ai bị bỏ tù chỉ vì đức tin tôn giáo hoặc quan điểm chính trị như nhận định của Nghị viện Châu Âu đưa ra. Những ai hiểu biết về tình hình Việt Nam chẳng lạ gì một số nhân vật được nghị quyết của Nghị viện Châu Âu "bảo trợ": Nguyễn Văn Lý, Thích Quảng Độ, Trần Khải Thanh Thủy, Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân… bị Nhà nước Việt Nam xử lý vì họ đã vi phạm pháp luật, hoàn toàn không phải vì đức tin hay quan điểm chính trị. Là cơ quan lập pháp, hẳn Nghị viện Châu Âu hiểu rõ hơn ai hết rằng: đối với mọi quốc gia, quyền tự do của bất cứ cá nhân nào, với danh nghĩa gì, đều không thể đi ngược lại với lợi ích cộng đồng được đảm bảo bằng luật pháp. Những nhận định của Nghị viện Châu Âu về tình hình nhân quyền ở Việt Nam vừa qua không những đã bỏ qua nguyên tắc pháp luật sơ đẳng đó mà còn có cả sự "chụp mũ", thiếu thiện chí khi họ đã đánh tráo bản chất vụ việc gây mất ổn định an ninh xã hội do mâu thuẫn giữa một số tín đồ của 2 giáo phái tại Tu viện Bát Nhã (Lâm Đồng) vào tháng 9 năm 2009 với việc "những vụ đàn áp, trục đuổi bằng bạo lực hàng trăm tăng ni".

Chính phủ Việt Nam luôn coi trọng và phát huy cao trách nhiệm của mình đối với việc bảo đảm và thúc đẩy quyền con người, coi đó là trách nhiệm hàng đầu, trước hết của mỗi quốc gia. Chúng ta ủng hộ việc tăng cường hợp tác quốc tế về vấn đề này trên cơ sở đối thoại bình đẳng, xây dựng, tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau. Song việc sử dụng vấn đề quyền con người làm công cụ can thiệp vào công việc nội bộ các quốc gia, gây đối đầu, tạo sức ép chính trị hoặc làm điều kiện trong quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại… là điều không bao giờ nên có trong quan hệ quốc tế. Qua thực tiễn, Nhà nước và nhân dân Việt Nam hiểu rõ quyền con người phải gắn với độc lập, hòa bình, dân chủ và phát triển. Việc duy trì một môi trường hòa bình, ổn định và xu hướng tăng cường hợp tác, hội nhập quốc tế trên nhiều lĩnh vực trong những năm đổi mới vừa qua đang tạo ra những nền tảng vững chắc để chúng ta tiếp tục thực hiện có hiệu quả, đầy đủ hơn các quyền con người trong một đất nước còn nhiều khó khăn, thách thức. Những nhận định sai trái, thiếu khách quan, thiếu thiện chí về tình hình nhân quyền ở Việt Nam do Nghị viện Châu Âu đưa ra vừa qua là đi ngược lại với ý chí, nguyện vọng của Nhà nước và nhân dân ta; gây ảnh hưởng xấu tới quan hệ hợp tác ngày càng phát triển tốt đẹp giữa Việt Nam với các quốc gia, trong đó có hầu hết các nước châu Âu.

VŨ PHÙ NGHĨA

 

Ý kiến bạn đọc (0)