QPTD -Thứ Bảy, 06/08/2011, 22:03 (GMT+7)
Lại một luận điệu kẻ cả và phi lý của Mỹ về vấn đề nhân quyền ở Việt Nam

Bản phúc trình thường niên của Bộ Ngoại giao Mỹ về tình hình nhân quyền năm 2008 đã làm dấy lên một làn sóng phê phán ở nhiều nước trên thế giới. Bằng những luận điệu kẻ cả và phi lý, một lần nữa, Mỹ tự cho mình cái quyền áp đặt quan điểm nhân quyền để chỉ trích các nước khác không đồng quan điểm với họ.

Đối với Việt Nam, Bộ Ngoại giao Mỹ vẫn chưa vượt qua được những thiên kiến và cách nhìn thiển cận, phiến diện trước những hiện tượng đơn lẻ và qua những thông tin sai lệch. Sẵn có những ý đồ thiếu thiện chí, thiếu khách quan, nên trong Bản phúc trình, họ mô tả: “Tình hình nhân quyền ở Việt Nam năm 2008 vẫn còn ở mức chưa thoả đáng”, “ở Việt Nam vẫn còn tình trạng cấm đoán bất đồng chính kiến và người dân bị bắt bớ vì có quan điểm chính trị đối lập nhưng không được đưa ra xét xử nhanh chóng và công bằng”; rằng, Việt Nam tiếp tục “giới hạn tự do ngôn luận, đặc biệt là chỉ trích cá nhân lãnh đạo, Chính phủ, hay việc thúc đẩy đa nguyên, đa đảng”,v.v.

Cần khẳng định rằng, Nhà nước Việt Nam hết sức tôn trọng các quyền tự do, dân chủ của người dân và luôn bảo đảm điều kiện thuận lợi để nhân dân thực hiện các quyền của mình. Điều đó đã được thể hiện trong Hiến pháp, pháp luật và trong thực tiễn đời sống sinh hoạt xã hội hằng ngày. Do đó, ở Việt Nam cũng không có cái gọi là tình trạng cấm đoán bất đồng chính kiến, bắt bớ tù nhân chính trị vì có quan điểm chính trị đối lập hay vì chỉ trích cá nhân lãnh đạo, Chính phủ, thúc đẩy đa nguyên, đa đảng,v.v.

Việc lạm dụng tự do, dân chủ, hoạt động xâm phạm đến an ninh chính trị, xã hội; nhen nhóm, tổ chức ra những đảng phái, thảo ra những tuyên ngôn, cương lĩnh và những hình thức, phương pháp, hòng phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thủ tiêu vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, chống phá Nhà nước, chống phá chế độ, gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội,... là những việc làm sai trái, vi phạm pháp luật, nhất định phải được xét xử nghiêm minh theo đúng pháp luật Nhà nước Việt Nam và phù hợp với luật pháp quốc tế. Đáng tiếc rằng, một số thế lực thù địch ở nước ngoài luôn tìm cách tiếp tay, kích động những phần tử chống phá Nhà nước, chống phá chế độ, vi phạm pháp luật,… Khi chúng bị xử lý theo pháp luật, thì họ kêu la, hò hét rằng Nhà nước Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền, bắt bớ tù nhân chính trị…

Là một đất nước đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh xâm lược do các thế lực thù địch hiếu chiến gây ra, vì vậy cũng là một quốc gia, dân tộc bị các thế lực đó vi phạm lớn nhất về quyền con người. Hơn ai hết, chúng ta hiểu rằng, quyền con người vừa mang tính phổ biến, thể hiện khát vọng chung của cả nhân loại, được ghi trong Hiến chương Liên hợp quốc, vừa có tính đặc thù đối với từng xã hội và cộng đồng. Cho nên, trong một thế giới toàn cầu hoá kinh tế, khi tiếp cận và xử lý vấn đề quyền con người, cần kết hợp hài hoà các chuẩn mực, nguyên tắc chung của luật pháp quốc tế; các giá trị văn hoá, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán của mỗi quốc gia và khu vực trên tất cả các mặt dân sự, chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội trong một tổng thể hài hoà. Bởi lẽ, các quyền tự do cá nhân chỉ có thể được bảo đảm và phát huy trên cơ sở tôn trọng quyền và lợi ích chung của dân tộc và cộng đồng; quyền lợi phải đi đôi với nghĩa vụ đối với xã hội. Chúng ta coi trọng việc bảo vệ quyền và lợi ích của mỗi con người, đồng thời bảo đảm lợi ích của tập thể và của cả cộng đồng xã hội. Quyền dân chủ tự do của mỗi cá nhân không tách rời nghĩa vụ công dân; dân chủ phải đi đôi với kỷ cương, pháp luật. Cá nhân thực hiện quyền tự do, dân chủ của mình, nhưng không được làm ảnh hưởng quyền tự do, dân chủ của người khác và của cộng đồng.

Việc bảo đảm và thúc đẩy quyền con người trước hết là trách nhiệm và quyền hạn của mỗi quốc gia. Các quốc gia có trách nhiệm xây dựng hệ thống pháp luật trong nước phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, đặc biệt là Hiến chương Liên hợp quốc; đồng thời, luôn tính đến điều kiện, đặc điểm của mỗi nước để bảo đảm cho người dân được thụ hưởng quyền con người một cách tốt nhất. Nhưng do sự khác nhau về hoàn cảnh lịch sử, chế độ chính trị, trình độ phát triển, giá trị truyền thống văn hoá dân tộc…, nên cách tiếp cận về quyền con người của mỗi quốc gia có thể khác nhau; bởi vậy, việc hợp tác và đối thoại giữa các quốc gia để thúc đẩy và bảo vệ quyền con người là một yêu cầu khách quan. Việt Nam ủng hộ việc tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực quyền con người, trên cơ sở đối thoại bình đẳng, xây dựng, tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, vì mục tiêu chung là thúc đẩy và bảo vệ ngày càng tốt hơn các quyền con người. Song, không một nước nào có quyền áp đặt quan điểm nhân quyền của mình như là một “quan toà” để phán xét vấn đề nhân quyền của các nước khác nhằm gây sức ép chính trị và làm điều kiện trong quan hệ hợp tác kinh tế thương mại. Nhân đây, xin nêu một số nội dung trong công bố báo cáo của Trung Quốc về tình hình nhân quyền ở Mỹ. Báo cáo viết: “việc 1,35 triệu sinh viên bị đe doạ hay thương tích do các vụ xả súng ở trường học ở Mỹ là một bằng chứng đáng báo động về tình trạng vi phạm nhân quyền của Mỹ”. Báo cáo dẫn các bằng chứng về việc vi phạm nhân quyền ở nước này, như việc Chính phủ Mỹ giám sát hoạt động internet, ban hành luật về nghe trộm điện thoại; các vụ, việc cảnh sát lạm quyền và không tôn trọng quyền cơ bản của 2,3 triệu tù nhân tại Mỹ. Báo cáo nhấn mạnh thực trạng ở Mỹ vẫn còn tồn tại hàng loạt vấn đề xã hội, trong đó khoảng cách giàu nghèo chênh lệch ngày càng cao và ngày càng có nhiều người vô gia cư bị bỏ đói. Tình trạng phân biệt chủng tộc vẫn còn tràn lan trên mọi lĩnh vực đời sống. Mỹ cũng vi phạm nhân quyền và chủ quyền ở hàng loạt quốc gia trên thế giới, như cuộc chiến tại I-rắc, tù nhân bị ngược đãi tại Goan-ta-na-mô, lệnh cấm vận kéo dài tới 5 thập kỷ chống Cu-ba...

Cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ đối với Việt Nam đã bị nhân loại tiến bộ trên thế giới lên án. Nhân dân Việt Nam là nạn nhân của cuộc chiến tranh tàn bạo, mà ở đó Mỹ đã sử dụng đủ các loại vũ khí tối tân nhất (chỉ trừ vũ khí nguyên tử) để tàn sát, huỷ diệt. Cuộc chiến tranh dù đã lùi xa về quá khứ; nhân dân Việt Nam với lòng nhân ái đã xoá bỏ hận thù, khép lại quá khứ, hướng tới tương lai. Song, hậu quả chiến tranh là hàng triệu nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/đi-ô-xin, đã huỷ hoại cơ thể của họ và để lại di chứng qua mấy thế hệ, cướp đi quyền cao nhất của con người là quyền được sống bình thường như một con người. Đó là một hành động tội ác và cần phải được xét xử theo luật pháp. Thế nhưng, điều trớ trêu thay, chưa đầy một tuần sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ công bố Bản phúc trình về tình hình nhân quyền năm 2008, phê phán hàng loạt nước, bao gồm cả Việt Nam “vi phạm nhân quyền”, thì Toà án tối cao Mỹ lại ra một quyết định xâm phạm đến quyền cơ bản của con người, đó là quyền được công lý bảo vệ đối với các nạn nhân Việt Nam bị nhiễm chất độc da cam/đi-ô-xin. Toà án tối cao Mỹ đã bác bỏ đơn thỉnh cầu của Hội nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin Việt Nam và các nạn nhân đề nghị xem xét lại phán quyết phi lý của các toà án cấp bang nước Mỹ. Lý do mà họ đưa ra để từ chối đơn kiện của các nguyên đơn Việt Nam là “chất độc da cam/đi-ô-xin được sử dụng nhằm bảo vệ quân đội Mỹ, chứ không phải vũ khí chống dân thường”. Đây là một lập luận nguy hiểm, đã từng bị dư luận thế giới và dư luận ngay chính nước Mỹ lên án và phản đối mạnh mẽ về tính phi lý của nó.

Không biết chất độc da cam/đi-ô-xin “bảo vệ quân đội Mỹ” như thế nào, mà hàng nghìn cựu chiến binh Mỹ tham gia chiến tranh tại Việt Nam và hơn 3 triệu người Việt Nam đang phải chịu ảnh hưởng bởi chính chất độc da cam/đi-ô-xin. Vậy xin hỏi các nhà nhân quyền ở Mỹ: đây có phải là sự vi phạm nhân quyền một cách nghiêm trọng không? các ngài cứ đi săm soi các nước khác, còn trách nhiệm của mình thì lẩn tránh!...

Trong tình hình hiện nay, các quyền con người chỉ có thể được tôn trọng và bảo vệ trong môi trường hoà bình, an ninh bảo đảm, hợp tác bình đẳng và phát triển bền vững, trong đó các giá trị nhân bản phải luôn được tôn trọng và bảo vệ. Cuộc đấu tranh vì các quyền con người cần được tiến hành đồng thời với các biện pháp ngăn chặn nguy cơ xảy ra các cuộc chiến tranh, xung đột vũ trang dân tộc, sắc tộc, tôn giáo, khủng bố; tội phạm xuyên quốc gia; chống nghèo đói, dịch bệnh, ô nhiễm môi trường…. Bởi lẽ, đó là những yếu tố trực tiếp đe doạ hoà bình, an ninh, độc lập và phồn vinh của mỗi quốc gia; và do đó, nó đe doạ và ngăn cản trực tiếp đến việc bảo vệ và thực hiện quyền con người trong mỗi quốc gia, dân tộc và trên phạm vi toàn thế  giới.

Ở Việt Nam, những năm qua, cùng với sự phát triển không ngừng về mọi mặt của đất nước, các quyền con người cũng ngày càng được hoàn thiện cả về mặt pháp lý, nội dung và điều kiện thực hiện. Nghiên cứu một cách tổng quát nội dung hệ thống Hiến pháp, pháp luật nước ta, có thể khẳng định rằng, qua từng giai đoạn phát triển của đất nước, căn cứ vào những điều kiện cụ thể về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, trình độ dân trí của nhân dân, Hiến pháp, pháp luật Nhà nước Việt Nam đã từng bước được hoàn thiện theo hướng ngày càng mở rộng và tăng cường bảo đảm các quyền con người, quyền công dân trên mọi lĩnh vực; thể hiện ngày càng đầy đủ và bảo vệ ngày càng tốt hơn các quyền cơ bản của con người. Đồng thời, Nhà nước Việt Nam luôn luôn tôn trọng những nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc và các công ước quốc tế về quyền con người. Kể từ khi ra đời (1946) đến nay, Hiến pháp nước ta đã được sửa đổi, bổ sung 4 lần vào các năm 1959, 1980, 1992 và 2001, với những điều khoản quy định rõ ràng về quyền dân sự, chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội; các quyền riêng của từng giới xã hội, đặc biệt là của trẻ em, phụ nữ, các dân tộc thiểu số và quyền bình đẳng trước pháp luật của các tôn giáo,v.v.

Tuy nhiên, chúng ta cũng hiểu rằng, khi đất nước còn đang trong quá trình đổi mới, xây dựng, phát triển, nhất là trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay, thì không dễ gì có thể đưa lại cho mọi người đều có việc làm, được no đủ, chứ chưa nói đến ăn ngon, mặc đẹp. Rồi việc bảo đảm học hành, chữa bệnh, chăm sóc người bất hạnh và bao điều khác cho con người, mặc dù Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều cố gắng, nhưng thực sự đang là vấn đề “lực bất tòng tâm”. Hơn nữa, trong xã hội vẫn còn những biểu hiện tiêu cực, như: tệ quan liêu, cửa quyền, tham nhũng; cơ chế bảo đảm cho việc thực hiện quyền dân chủ còn đang trong quá trình hoàn thiện… Vì vậy, ở nơi này, nơi khác, lúc này, lúc khác, quyền dân chủ của con người có thể còn bị vi phạm; mặc dù, nhân dân ta, Nhà nước ta quyết không dung thứ cho những việc làm sai trái đó, vì nó trái với bản chất của chế độ ta.

Dẫu rằng, trong thế giới ngày nay, tuy có những vấn đề còn tuỳ thuộc lẫn nhau, nhưng mỗi quốc gia, dân tộc đều có quyền thiêng liêng tự lựa chọn con đường phát triển, thể chế chính trị-xã hội, và vấn đề cơ bản nhất là phải dựa vào Hiến pháp, pháp luật trong nước để thực hiện dân chủ, nhân quyền của quốc gia, dân tộc mình. Cũng cần khẳng định rằng, lịch sử hình thành và phát triển hợp tác quốc tế về quyền con người luôn gắn với quan điểm, đường lối của các thể chế chính trị - xã hội và thời điểm lịch sử của các quốc gia, dân tộc khác nhau; gắn với sự cố gắng chung của nhân loại trong đấu tranh để ghi nhận, bảo vệ và phát triển các quyền cơ bản của con người. Điều đáng mừng là, ngày càng có nhiều tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ, nhiều cá nhân đã và đang tích cực làm nhiều việc thiện, góp phần làm cho con người sống trên hành tinh này giảm bớt đau thương, sống ngày càng tốt hơn và quyền con người ngày càng được bảo đảm hơn.

Thiết nghĩ, điều nên làm hiện nay là tăng cường trao đổi thông tin, giao lưu kinh tế, văn hoá, khoa học-kỹ thuật, công nghệ…; là gặp gỡ, đối thoại, hợp tác giữa các quốc gia, dân tộc để hiểu biết vấn đề nhân quyền ở mỗi nước đúng hơn và đầy đủ hơn; qua đó, trao đổi kinh nghiệm giữa các quốc gia để làm cho vấn đề nhân quyền ngày càng hoàn thiện và được thực thi đầy đủ hơn. Mỗi nước, dựa trên nền tảng phát triển kinh tế, chính trị, văn hoá–xã hội và trình độ dân trí của mình, đề ra nội dung, chủ trương, giải pháp thích hợp nhất cho sự tôn trọng và phát triển các quyền con người. Chỉ bằng sự hợp tác, chứ không phải áp đặt; chỉ bằng sự tôn trọng, chứ không phải bằng vũ lực xâm phạm chủ quyền của các dân tộc mới có thể thúc đẩy nhân quyền phát triển. Có như vậy, các giá trị phổ biến của các quyền con người - thành quả của nhân loại tiến bộ - mới ngày càng trở thành hiện thực trong cuộc sống của mọi người trên hành tinh.

TRẦN DUY

 

Ý kiến bạn đọc (0)