QPTD -Thứ Hai, 05/12/2011, 23:20 (GMT+7)
Lại một giọng điệu kẻ cả và phi lý về vấn đề nhân quyền

Ngày 8-3 vừa qua Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố báo cáo nhân quyền năm 2005, đã làm dấy lên một làn sóng phản đối ở nhiều nước. Vẫn những giọng điệu kẻ cả và phi lý, Mỹ tự cho mình cái quyền áp đặt quan điểm dân chủ, nhân quyền của mình để phê phán, chỉ trích tình hình nhân quyền ở 190 nước trên thế giới, trong khi đó lại cố tình làm ngơ trước những vụ việc vi phạm nhân quyền của Mỹ ở cả trong và ngoài nước. Theo phóng viên TTXVN tại Niu Oóc, nhiều học giả Mỹ và quốc tế vẫn tiếp tục phê phán Báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ về vấn đề nhân quyền: Luật sư Nô-a Sli-vít thuộc ủy ban luật quốc tế của Liên hợp quốc ở Giơ-ne-vơ và Tòa án quốc tế La Hay và ông Nây Hich, Giám đốc các chương trình quốc tế của tổ chức tư vấn pháp lý về nhân quyền của Mỹ, nhấn mạnh, những vi phạm nhân quyền của Mỹ đã hủy hoại uy tín và tư cách của chính nước này. Bà Pa-tri-xi-a Cu-slít, một quan chức cao cấp của cơ quan thông tin Mỹ nói rằng, trong khi tìm cách đề cao mình như là người bảo vệ tự do và nhân quyền, chính quyền Mỹ luôn vi phạm luật về nhân quyền: từ nghe trộm điện thoại ở trong nước, đến các tội phạm tra tấn tù nhân ở nước ngoài. Giáo sư Xa-mơ Si-ha-ta thuộc đại học Gioóc-giơ-tao, nhấn mạnh: Mỹ đã mất uy tín để thảo luận hoặc phê phán về nhân quyền và pháp trị. Bất cứ ai trên thế giới cũng có thể biết đến vụ lính Mỹ tra tấn tù nhân tại A-bu Gra-íp ở I-rắc và cũng không ai quên được nhà tù của Mỹ ở căn cứ quân sự Goan-ta-na-mô. Giáo sư Giắc Nbéc-man thuộc đại học Bắc Ca-rô-li-a thậm chí còn cho rằng chính quyền Mỹ hiện nay đã hoàn toàn mất quyền nói về nhân quyền vì họ đã lạm dụng nhân quyền để thực hiện những hành động như của "đế quốc tội lỗi và chuyên chế". Ông Gióoc-giơ Hăn-xinh-ơ, giáo sư thần học và điều phối viên của tổ chức "nhà thờ vì một nước Mỹ tốt đẹp", khẳng định, đối với Mỹ, điều cần làm ngay lúc này là khẳng định lại các cam kết thực hiện nghiêm chỉnh luật quốc tế về nhân quyền. Đề cập đến vấn đề nhân quyền ở Mỹ, ông Đổng Vân Hồ, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội nhân quyền Trung Quốc, cáo buộc Mỹ là một trong số ít quốc gia từ chối áp dụng những chuẩn mực quốc tế về bảo vệ phụ nữ và trẻ em, hai đối tượng thường phải gánh chịu nhiều bất công nhất trong xã hội. Bằng chứng là Mỹ đã không tham gia Công ước quốc tế về quyền trẻ em và Công ước về bài trừ các hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ. Mỹ cũng là nước phương Tây duy nhất phủ quyết Tuyên bố về quyền phát triển... Cùng với sự phê phán trên, nhiều nước trên thế giới cũng chỉ trích báo cáo nhân quyền 2005 của Mỹ và khẳng định Oa-sinh-tơn không có quyền hành động kiểu như một "quan tòa của thế giới"...

Đánh giá về tình hình nhân quyền ở Việt Nam, Báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ vẫn chưa vượt qua những thiên kiến trước đây, nên vẫn cách lập luận kiểu "mặc dù đã có những cải thiện trong năm qua... thế nhưng...". Với cách nhìn thiển cận, phiến diện trước những hiện tượng đơn lẻ lại sẵn có những ý đồ thiếu thiện chí, thiếu khách quan nên "hồ sơ nhân quyền Việt Nam" bị họ mô tả nào là "không tạo sự thỏa mãn", rồi cáo buộc "tiếp tục có những vi phạm", rằng "chính phủ Việt Nam đang giảm đáng kể các quyền tự do tôn giáo". Thậm chí qua 20 năm chúng ta thực hiện đường lối đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử làm thay đổi rõ rệt bộ mặt của đất nước, cải thiện đáng kể đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, đó là cơ sở bảo đảm cho quyền con người ở nước ta được thực hiện ngày một tốt hơn. Thế nhưng cũng bị họ cố tình bóp méo bằng cách diễn giải "cải cách kinh tế và mức sống tăng tiếp tục làm giảm sự kiểm soát và xâm phạm của Đảng và Chính phủ đối với cuộc sống thường nhật".
Đảng, Nhà nước ta luôn luôn khẳng định con người là trung tâm của các chính sách kinh tế- xã hội, thúc đẩy và bảo vệ quyền con người là nhân tố quan trọng cho sự phát triển bền vững, bảo đảm thắng lợi cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Mọi chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước đều nhằm phấn đấu cho mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh", tất cả vì con người và cho con người.
Là một đất nước đã phải trải qua nhiều cuộc chiến tranh xâm lược do các thế lực thù địch gây ra và do đó cũng là một quốc gia-dân tộc bị vi phạm lớn nhất về quyền con người, hơn ai hết, chúng ta hiểu rằng quyền con người vừa mang tính phổ biến, thể hiện khát vọng chung của cả nhân loại, được ghi trong Hiến chương Liên hợp quốc, vừa có tính đặc thù đối với từng xã hội và cộng đồng. Vì vậy, trong một thế giới ngày càng đa dạng, khi tiếp cận và xử lý vấn đề quyền con người cần kết hợp hài hòa các chuẩn mực, nguyên tắc chung của luật pháp quốc tế với những điều kiện đặc thù về lịch sử, chính trị, kinh tế- xã hội, các giá trị văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán của mỗi quốc gia và khu vực. Không một quốc gia nào có quyền áp đặt mô hình chính trị, kinh tế, văn hóa của mình cho một quốc gia khác. Và khi xem xét vấn đề nhân quyền cần tiếp cận một cách toàn diện tất cả các quyền con người về dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa trong một tổng thể hài hòa, không được xem nhẹ bất cứ quyền nào. Đồng thời các quyền và tự do cá nhân chỉ có thể được bảo đảm và phát huy trên cơ sở tôn trọng quyền và lợi ích chung của dân tộc và cộng đồng; quyền lợi phải đi đôi với nghĩa vụ đối với xã hội. Việc chỉ ưu tiên tuyệt đối hóa các quyền dân sự, chính trị và một số quyền tự do cá nhân mà không quan tâm thích đáng đến quyền phát triển, các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa của cả cộng đồng là cách đề cập phiến diện, không phản ánh đầy đủ bức tranh toàn cảnh về quyền con người.
Do đó, việc bảo đảm và thúc đẩy quyền con người trước hết là trách nhiệm và quyền hạn của mỗi quốc gia. Các quốc gia có trách nhiệm xây dựng hệ thống pháp luật trong nước phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, đặc biệt là Hiến chương Liên hợp quốc, có tính đến hoàn cảnh của mỗi nước để bảo đảm cho người dân được hưởng thụ quyền con người một cách tốt nhất. Thế nhưng do khác biệt về hoàn cảnh lịch sử, chế độ chính trị, trình độ phát triển, giá trị truyền thống văn hóa... nên cách tiếp cận về quyền con người của mỗi quốc gia có thể khác nhau. Việc hợp tác và đối thoại giữa các quốc gia để thúc đẩy và bảo vệ quyền con người là một yêu cầu cần thiết và khách quan. Việt Nam ủng hộ việc tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực quyền con người trên cơ sở đối thoại bình đẳng, xây dựng, tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, vì mục tiêu chung là thúc đẩy và bảo vệ ngày càng tốt hơn các quyền con người. Song không nước nào có quyền sử dụng vấn đề quyền con người làm công cụ can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia, gây đối đầu, gây sức ép chính trị, thậm chí sử dụng vũ lực hoặc làm điều kiện trong quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại... với nước khác. Trong xu thế toàn cầu hóa kinh tế, các quyền con người chỉ có thể được tôn trọng và bảo vệ trong môi trường hòa bình, an ninh, bình đẳng và phát triển bền vững, trong đó các giá trị nhân bản được tôn trọng và bảo vệ. Cuộc đấu tranh vì các quyền con người cần được tiến hành đồng thời với các biện pháp ngăn chặn các cuộc chiến tranh, xung đột, khủng bố, chống nghèo đói, dịch bệnh, tội phạm xuyên quốc gia... đang hằng ngày, hằng giờ đe dọa hòa bình, an ninh, độc lập và phồn vinh của mỗi quốc gia, ngăn cản việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người trên toàn thế giới.
ở nước ta những năm qua, cùng với sự phát triển không ngừng về mọi mặt của đất nước, các quyền con người cũng ngày càng được hoàn thiện cả về mặt pháp lý, nội dung và điều kiện thực hiện. Kể từ khi ra đời năm 1946 đến nay, Hiến pháp của nước ta đã được sửa đổi, bổ sung 4 lần vào các năm 1959, 1980, 1992 và 2001, với những điều khoản quy định rõ ràng về các quyền con người được Hiến pháp bảo vệ về dân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa- xã hội; các quyền riêng đối với từng giới xã hội, đặc biệt là trẻ em, phụ nữ, các dân tộc thiểu số, quyền bình đẳng trước pháp luật của các tôn giáo...
Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 (đã được sửa đổi bổ sung năm 2001), Chương V nói về quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, viết: "Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin, có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật" (Điều 69). "Công dân có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật. Những nơi thờ tự của các tín ngưỡng, tôn giáo được pháp luật bảo hộ. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để làm trái pháp luật và chính sách Nhà nước" (Điều 70). "Công dân có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự và nhân phẩm. Không ai bị bắt, nếu không có quyết định của Tòa án nhân dân, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện kiểm sát nhân dân, trừ trường hợp phạm tội quả tang. Việc bắt và giam giữ người phải đúng pháp luật. Nghiêm cấm mọi hình thức truy bức, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của công dân" (Điều 71). "Không ai bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Người bị bắt, bị giam giữ, bị truy tố, xét xử trái pháp luật có quyền được bồi thường thiệt hại về vật chất và phục hồi danh dự. Người làm trái pháp luật gây thiệt hại cho người khác phải bị xử lý nghiêm minh" (Điều 72). "Công dân có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở... thư tín, điện thoại, điện tín của công dân được bảo đảm an toàn và bí mật. Việc khám xét chỗ ở, việc bóc mở, kiểm soát, thu giữ thư tín, điện tín của công dân phải do người có thẩm quyền tiến hành theo quy định của pháp luật" (Điều 73), v.v.
Trong quá trình xây dựng và trước khi thông qua Hiến pháp và các đạo luật quan trọng, dự thảo các văn bản đều được công bố rộng rãi để lấy ý kiến đóng góp của nhân dân và được điều chỉnh trên cơ sở các ý kiến đóng góp của nhân dân. Bằng việc tham gia vào quá trình xây dựng luật pháp, nhân dân đã thực hiện các quyền tự do, dân chủ của mình và các văn bản pháp luật quan trọng đều thể hiện được ý chí, lợi ích và nguyện vọng của nhân dân.
Như vậy, ở Việt Nam các quyền cơ bản của con người đã và đang được thực hiện trên thực tế và được Hiến pháp, pháp luật Nhà nước bảo vệ. Những chính sách, pháp luật về đời sống chính trị, kinh tế- xã hội và nhất là về tôn giáo đã đi vào cuộc sống và được các giáo hội, tu sĩ, chức sắc, chức việc, tín đồ tôn giáo hoan nghênh. Việc tự do tôn giáo ở nước ta được thể hiện toàn diện trên các mặt, mà trước hết là việc đào tạo chức sắc, nhà tu hành tôn giáo. Hai là, việc phổ biến kinh sách tôn giáo, đây là một nội dung có ý nghĩa rất quan trọng của tôn giáo. Ba là, việc xây dựng cơ sở thờ tự tôn giáo, như nhà thờ, chùa chiền, thánh thất, thánh đường. Cả ba việc này trên đất nước Việt Nam đều được thực hiện rất tốt, rất phong phú, rất sinh động.
 Xin dẫn lời ông Lơ-oen Crôn, trợ lý ngoại trưởng Mỹ, phát biểu tại cuộc họp báo chiều ngày 20 tháng 2 tại Hà Nội: "Điều được cải thiện trong thời gian qua ở Việt Nam là lĩnh vực tự do tôn giáo và sự sẵn sàng của Chính phủ Việt Nam trong việc đối thoại với chúng tôi. Chúng tôi cùng nhìn thấy những cơ hội để hai bên có thể thực sự hiện thực hóa những mong muốn của lãnh đạo hai nước trong việc nâng cao quan hệ hai bên lên tầm cao mới. Điều quan trọng là phải hiểu rằng chúng ta tập trung vào những lĩnh vực mà hai bên có thể hợp tác và quan tâm chứ không nhằm đưa ra những lời cáo buộc lẫn nhau". Chúng ta hoan nghênh thiện chí đó của ông Lơ-oen Crôn, thế nhưng tại sao các tác giả của Báo cáo nhân quyền năm 2005 của Bộ Ngoại giao Mỹ cố "bới lông tìm vết", phê phán tình hình nhân quyền ở Việt Nam với giọng điệu kẻ cả và phi lý như vậy?
Nhân đây cũng cần phải nhắc lại rằng, một số thế lực thù địch đang giương chiêu bài dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo, lợi dụng lòng tin, sự tín ngưỡng tôn giáo, lợi dụng những vấn đề dân tộc, sắc tộc kích động, gây chia rẽ, hận thù trong nội bộ quốc gia-dân tộc để can thiệp vào công việc nội các quốc gia có độc lập, chủ quyền, trong đó có Việt Nam.
Trong thế giới ngày nay, tuy có những vấn đề còn tùy thuộc lẫn nhau, thế nhưng mỗi quốc gia-dân tộc có quyền thiêng liêng là tự lựa chọn con đường phát triển, thể chế chính trị của mình, không một nước nào có quyền áp đặt giá trị "dân chủ", "nhân quyền" của mình như là một khuôn mẫu chung để "dạy bảo" các nước. Và do đó, để giải quyết vấn đề nhân quyền, cần gia tăng đối thoại và hợp tác quốc tế, nâng cao sự hiểu biết và lòng tin lẫn nhau, bảo đảm tăng cường các quyền dân chủ, quyền con người; tạo cơ hội cho sự đồng đều và bình đẳng cho các dân tộc và cho mọi người ngày càng phát triển toàn diện. Đó chính là điều cơ bản tôn trọng và thực hiện quyền con người của mỗi quốc gia-dân tộc. Đi ngược lại điều đó chính là đã vi phạm trắng trợn quyền con người.
 
Trần Duy
 

Ý kiến bạn đọc (0)