QPTD -Thứ Năm, 01/12/2011, 21:33 (GMT+7)
Lai Châu đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội gắn với tăng cường quốc phòng-an ninh

Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN, Đảng, Nhà nước ta đã xác định, kết hợp phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) với tăng cường quốc phòng, an ninh (QP-AN) phải được thực hiện ngay trên từng địa bàn lãnh thổ, từ công tác quy hoạch, xây dựng kế hoạch và hình thành các dự án đầu tư phát triển đến việc xây dựng tỉnh, huyện thành khu vực phòng thủ (KVPT) vững chắc.

Lai Châu là một tỉnh miền núi biên giới, nằm ở “cửa ngõ” phía Tây Bắc của Tổ quốc, kề bên “hành lang kinh tế Côn Minh- Lào Cai- Hà Nội- Hải Phòng”, có 273 km đường biên giới giáp với nước bạn Trung Quốc. Vị trí địa lý đó tạo cho Lai Châu một vị thế chiến lược quan trọng về KT-XH và QP-AN. Nhận thức rõ điều đó, Tỉnh ủy, Uỷ ban nhân dân (TU, UBND) Tỉnh luôn quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối kết hợp KT-XH với QP-AN của Đảng; triển khai nhiều chủ trương, giải pháp đồng bộ để gắn kết hai mặt chiến lược này trong thực tiễn xây dựng, phát triển KT-XH, tăng cường QP-AN trên địa bàn, góp phần xây dựng tỉnh vững mạnh toàn diện, xứng đáng là “phên dậu” của Tổ quốc.
Trước hết, TU, UBND Tỉnh chú trọng giáo dục nâng cao nhận thức của cấp uỷ, chính quyền các cấp, các ngành, các đoàn thể quần chúng và nhân dân về nhiệm vụ kết hợp phát triển KT-XH với tăng cường QP-AN trên địa bàn; coi đó  là nhiệm vụ thường xuyên, trọng yếu; đồng thời phải phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của khối đại đoàn kết các dân tộc trên địa bàn trong việc thực hiện. Do đó, TU, UBND Tỉnh đặt lên hàng đầu việc làm cho mọi cán bộ, đảng viên và nhân dân trong Tỉnh quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước, của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân và UBND về nhiệm vụ này, nhất là Nghị quyết 02 của Bộ Chính trị (khóa VI) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với nhiệm vụ quốc phòng; Nghị quyết Trung ương 8 (khóa IX) về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”; Nghị quyết 37 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển KT-XH và bảo đảm QP-AN vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2010; Đề án phát triển của Tỉnh đến năm 2010...Tỉnh chú trọng đổi mới cả về nội dung, kết hợp nhiều hình thức, nâng cao chất lượng công tác giáo dục quốc phòng (GDQP) toàn dân, nhất là giáo dục chính trị, bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho đội ngũ cán bộ chủ trì các cấp, ngành, địa phương. Chấp hành Chỉ thị số 62/ CT-TƯ, ngày 12-02-2001 của Bộ Chính trị về “Tăng cơường công tác GDQP toàn dân trước tình hình mới”; Nghị định số 15/ 2001/NĐ-CP của Chính phủ về GDQP, thời gian qua, UBND Tỉnh đã gửi đi đào tạo 55 chỉ huy trưởng quân sự xã, phường; tổ chức bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho hơn 3.000 lượt cán bộ các cấp; mở lớp bồi dưỡng kiến thức QP-AN điểm của Quân khu 2 cho 51 đối tượng là già làng, trưởng dòng họ, người có uy tín trên địa bàn Tỉnh; 1 lớp cho 60 giám đốc doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Tổ chức GDQP cho 100% học sinh các trường trung học phổ thông trên địa bàn, với 14.204 lượt em. Công tác GDQP cho quần chúng nhân dân đơược tiến hành thơường xuyên, với nhiều hình thức, nội dung, như thông qua các phơương tiện truyền thông đại chúng, các lễ hội, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao..., đạt hiệu quả thiết thực. Thông qua công tác GDQP, nhận thức về sự kết hợp KT-XH với QP-AN của các cấp uỷ, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể và nhân dân ngày càng đầy đủ hơn; năng lực lãnh đạo, quản lý, tổ chức thực hiện sự kết hợp đó của các cấp ủy, chính quyền địa phương được nâng lên. Thời gian tới, Tỉnh tiếp tục kiện toàn Hội đồng GDQP các cấp, nghiên cứu đổi mới nội dung, chương trình nâng cao chất lượng công tác GDQP đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. 
Cùng với đó, TU, UBND Tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh phát triển KT-XH gắn với tăng cường tiềm lực QP-AN, xây dựng thế trận phòng thủ của tỉnh, huyện ngày càng vững chắc. Là tỉnh nghèo nhất trong cả nước (tỷ lệ đói, nghèo, nhất là ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới chiếm tới 50,95%; có 64/94 xã, thị trấn đặc biệt khó khăn); hệ thống hạ tầng cơ sở, dịch vụ xã hội, như đường giao thông, bưu chính-viễn thông, điện lưới quốc gia, trường học... cũng chưa phát triển. Hơn nữa, địa hình của Tỉnh chủ yếu là rừng, núi, biên giới dài, mật độ dân cư thấp (35 người/km2, có nơi 9-10 người/km2); các thế lực thù địch vẫn đang đẩy mạnh chiến lược “diễn biến hoà bình”(DBHB), chống phá trên tất cả các mặt; tình trạng xâm canh, xâm cư, di cư tự do, các hoạt động truyền đạo trái pháp luật, gây mất ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới vẫn diễn biến phức tạp... Tình hình đó đặt ra cho nhiệm vụ phát triển KT-XH gắn với củng cố QP-AN của Tỉnh những yêu cầu mới nặng nề hơn. Đại hội đại biểu Đảng bộ Tỉnh lần thứ 11 đã xác định, phát triển KT-XH là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, QP-AN là nhiệm vụ quan trọng thường xuyên; đồng thời chỉ rõ,  phải phát huy nội lực, huy động tối đa nguồn lực từ bên ngoài, khắc phục và vượt qua khó khăn, thách thức, giữ vững ổn định chính trị, đoàn kết dân tộc. Tập trung mọi nguồn lực để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hoá, bảo đảm QP-AN, tăng cường tiềm lực QP-AN, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới lãnh thổ. Đại hội đề ra mục tiêu phát triển KT-XH giai đoạn 2006-2010: GDP đạt tốc độ tăng trưởng 14-15%/năm; phổ cập giáo dục trung học cơ sở vào năm 2009; đến năm 2010 có 70% số xã có đường ô tô đến trung tâm xã, đi lại được các mùa; trên 50 % số xã có trạm y tế đạt chuẩn quốc gia, 50% số xã có bác sĩ, đạt tỷ lệ 5 bác sĩ /1 vạn dân; phủ sóng phát thanh đạt 90% hộ dân, phủ sóng truyền hình đạt 80%; 100% số xã có điện và điểm bưu điện-văn hóa xã; giảm tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 30% (theo chuẩn mới) và 10% vào năm 2020... Quán triệt nghị quyết của Đại hội Đảng bộ, UBND Tỉnh đã xây dựng và được Chính phủ thông qua các Đề án “Phát triển KT-XH tỉnh Lai Châu đến năm 2010 theo tinh thần Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị”; “Quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH tỉnh Lai Châu thời kỳ 2006-2020”; “Đẩy mạnh phát triển KT-XH gắn với đảm bảo QP-AN trên địa bàn 21 xã biên giới”...
Các đề án, dự án, quy hoạch, kế hoạch phát triển KT-XH tổng thể của tỉnh và của từng ngành đều quán triệt phương châm kết hợp KT-XH  với QP-AN. Vai trò của quân đội, công an, biên phòng trong thẩm định các đề án, dự án đó được phát huy; tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền các phương án nâng cao hiệu quả gắn kết hai mặt chiến lược này. Các công trình trọng điểm, như khu kinh tế cửa khẩu Ma Lù Thàng, nhà máy thủy điện (Bản Chát, Huội Quảng), các khu công nghiệp khai khoáng, chế biến; xây dựng thị xã tỉnh lỵ, các thị trấn, xây dựng cơ sở hạ tầng nội thị..., đều được tiến hành khảo sát, tính toán kỹ lưỡng để phát huy tính ''lưỡng dụng'' của công trình. Hiện nay, UBND Tỉnh đang chỉ đạo tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án trọng điểm, như xây dựng các điểm dân cư, cụm dân cư trên các địa bàn chiến lược, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới; đề án xây dựng, cải tạo nâng cấp các tuyến đường liên huyện, liên xã, đặc biệt là các tuyến đường ra biên giới và vành đai biên giới, dự án “xây dựng khu kinh tế quốc phòng Phong Thổ”. Bên cạnh đó, TU, UBND Tỉnh luôn chăm lo xây dựng các tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao sức chiến đấu, năng lực lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền các cấp; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Công đoàn, Hội Cựu chiến binh; phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tăng cường đoàn kết, thống nhất, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân trong phát triển KT-XH gắn với tăng cường QP-AN trên địa bàn.
Tỉnh ủy và UBND Tỉnh cũng chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành cùng toàn dân thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an minh nhân dân, thế trận biên phòng toàn dân, trên cơ sở xây dựng (KVPT) tỉnh, huyện, thị xã “cơ bản, liên hoàn, vững chắc”. Coi trọng nâng cao chất lượng công tác huấn luyện, diễn tập KVPT theo phân cấp, đáp ứng yêu cầu “thiết thực, hiệu quả, an toàn, tiết kiệm”. Năm 2006, Tỉnh đã chỉ đạo, kiểm tra diễn tập KVPT của một số huyện trọng điểm; chỉ đạo các huyện tổ chức diễn tập cấp xã, phường về chiến đấu trị an, cụm tác chiến biên phòng.., đạt kết quả tốt. Tỉnh cũng đang chuẩn bị mọi mặt cho diễn tập KVPT tỉnh vào tháng 10-2007. Thường xuyên kiểm tra, nắm chắc tình hình, kịp thời điều chỉnh, bổ sung các kế hoạch, phương án phòng thủ phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH, bảo đảm QP-AN và đối ngoại của tỉnh. Tăng cường công tác quản lý đất quốc phòng; công tác thẩm định theo quy định; kết hợp sử dụng tốt nguồn ngân sách được cấp với huy động nguồn ngân sách của địa phương phục vụ xây dựng hệ thống các công trình chiến đấu; tập trung hoàn thiện sở chỉ huy cơ bản của tỉnh, các huyện, thị xã, căn cứ chiến đấu, căn cứ hậu cần, kỹ thuật, các cụm điểm tựa tiểu đoàn bộ binh, các trận địa pháo binh, pháo phòng không trên các hướng phòng thủ chủ yếu. Tăng cường đầu tư, khai thác nguồn vốn để xây dựng và hoàn thiện hệ thống các công trình quốc phòng khác, như hệ thống đường giao thông, kho tàng, bến bãi, vừa phục vụ cho quy hoạch phát triển KT-XH vừa phục vụ cho nhiệm vụ QP-AN của địa phương. Tiến hành kiểm tra, duy tu, cải tạo và quản lý tốt các hang, động thiên nhiên có giá trị quân sự, để phục vụ nhiệm vụ phòng thủ, tác chiến trên địa bàn. Tăng cường các hoạt động phối hợp giữa các lực lượng, nhất là giữa quân đội, biên phòng và công an, theo tinh thần Quyết định 107 của Thủ tướng Chính phủ, trong công tác quản lý địa bàn, đảm bảo an ninh nội địa, an ninh biên giới; đẩy mạnh công tác dân vận, tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia phát triển KT-XH, củng cố QP-AN, chăm lo giúp đỡ đồng bào ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới xoá đói, giảm nghèo, từng bước cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho bà con; xây dựng cơ sở chính trị, bảo vệ các mục tiêu quan trọng của Tỉnh, nhất là ở các địa bàn trọng điểm; nắm chắc tình hình, kịp thời phát hiện và đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn DBHB và các hoạt động phá hoại của các thế lực thù địch, phản động; phối hợp xử lý hiệu quả các tình huống xảy ra, không để bị động, bất ngờ, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội của địa phương; lập các phương án phối hợp phòng chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, bảo vệ môi trường. Đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại, nhất là củng cố, tăng cường quan hệ hợp tác hữu nghị với chính quyền, nhân dân, bộ đội biên phòng các địa phương biên giới của nước bạn Trung Quốc trong phát triển KT-XH, củng cố QP-AN, góp phần xây dựng biên giới quốc gia hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển.
Chăm lo xây dựng LLVT địa phương vững mạnh, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ địa bàn trong tình hình mới luôn được TU, UBND Tỉnh quan tâm. Đã tập trung chỉ đạo xây dựng bộ đội địa phương theo hướng “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”, có chất lượng tổng hợp và sức chiến đấu cao, thực sự là lực lượng chính trị trung thành, bảo vệ vững chắc địa phương trong mọi tình huống. Xây dựng lực lượng dân quân, tự vệ vững mạnh, rộng khắp, có số lượng hợp lý, chất lượng cao, nhất là chất lượng chính trị, đảm bảo tỷ lệ 2,3% dân số, trong đó, tỷ lệ đảng viên đạt 11,6%. Tổ chức và quản lý tốt lực lượng dự bị động viên, phấn đấu bảo đảm số lượng biên chế đúng chức danh và chuyên nghiệp quân sự, sẵn sàng khi có lệnh là có thể động viên và chiến đấu được ngay.
Nguyễn Đăng Đạo
Ủy viên Ban Thường vụ  Tỉnh ủy
Phó chủ tịch Thường trực UBND Tỉnh
 

Ý kiến bạn đọc (0)