QPTD -Thứ Năm, 08/12/2011, 00:09 (GMT+7)
Lá bài \\"dân chủ\\"

Xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa (XHCN) là mục tiêu xuyên suốt của cách mạng Việt Nam. Thực tiễn 76 năm qua chứng minh, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn luôn phấn đấu vì mục tiêu thực hiện quyền dân chủ của nhân dân và đã đạt được nhiều thành tựu trong mục tiêu cao cả đó. Thế nhưng, nhằm chống phá sự nghiệp cách mạng nước ta, các thế lực thù địch đang ra sức vu cáo, xuyên tạc đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, trong đó vấn đề dân chủ được coi như một lá bài có tính đột phá, khoét sâu để xuyên tạc chống phá Đảng ta, chế độ ta. Họ bịa ra một bức tranh, trong đó nhân dân đang phải sống ngột ngạt vì mất dân chủ: kinh tế trì trệ, đời sống thấp kém, tệ nạn xã hội hoành hành, quyền tự do, dân chủ của nhân dân, nhất là của đồng bào dân tộc thiểu số, tôn giáo bị xâm phạm nghiêm trọng; xã hội Việt Nam "đang trong tình trạng bi thảm", "như nồi súp-de không có vòi xì thoát"... Theo họ, nguyên nhân là do Đảng Cộng sản "độc tài, toàn trị", "đàn áp, đè nén dân chủ"... Đi xa hơn nữa, họ kích động "các phong trào dân chủ", các "đảng phái" trong nước đoàn kết đấu tranh "tìm đường cứu nước"; kêu gọi các thế lực bên ngoài ủng hộ, giúp đỡ "sự nghiệp đấu tranh" của họ. Dĩ nhiên các luận điệu đó chỉ đánh lừa được những ai thiếu thông tin về Việt Nam và nó đang thực sự gây ra sự phản cảm trong bạn bè quốc tế và sự phẫn nộ của nhân dân ta. Không ai tin điều đó, bởi vì thực tiễn trên đất nước ta đang diễn ra "một đằng" thì họ lại dựng chuyện bịa ra "một nẻo". Không phẫn nộ sao được, khi những câu chuyện hoang đường, thâm hiểm của họ đang thóa mạ lý tưởng cao đẹp, xuyên tạc thành quả  mà cả dân tộc Việt Nam phải phấn đấu hy sinh ròng rã ngót tám thập kỷ qua mới đạt được; nó thực sự xúc phạm lương tâm và danh dự mọi thế hệ người Việt Nam chúng ta.

Phải nói ngay rằng, những giọng điệu cay độc với dụng ý xấu ấy là của những kẻ mang nặng đầu óc thiên kiến, bất mãn, hằn học với chế độ, với cách mạng, nhưng tự xưng là "chiến sĩ đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền" Việt Nam. Trong họ, một số đã từng đứng trong hàng ngũ những người cách mạng hay nhờ cách mạng, nhờ chế độ, nhờ dân chủ mà có được như hôm nay, giờ họ "quay giáo, trở cờ" ra sức vu cáo, công kích chế độ, xuyên tạc, phủ nhận nền dân chủ đó. Họ đang dùng thuật ngụy biện để đánh tráo giá trị, biến cái thiện thành cái ác, biến cuộc đấu tranh chống xâm lược, chống áp bức, bóc lột, vì tự do, dân chủ, nhân quyền của dân tộc ta thành hành động vô nghĩa; biến những kẻ đào tẩu thành "người hùng" của dân chủ, nhân quyền. Nhưng họ làm sao có thể sắm vai "những chiến sĩ đấu tranh cho dân chủ" khi chính họ là những kẻ phản bội dân chủ; làm sao có thể bằng vài ba điều bịa đặt hay những lời tuyên bố ngông cuồng, bằng những tài liệu phát tán hay những câu chuyện nhảm nhí trên mạng, mà có thể phủ nhận được thành quả của dân tộc ta đã tạo ra, được cả thế giới thừa nhận.
Sự thật là 76 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, cách mạng Việt Nam không ngừng phấn đấu cho một nền dân chủ tiến bộ nhất - dân chủ của dân, do dân, vì dân. 20 năm đổi mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đánh dấu một bước tiến dài trên con đường dân chủ ở nước ta. Từ một nền kinh tế chậm phát triển, bất chấp hậu quả nặng nề của chiến tranh để lại và sự bao vây, cấm vận thâm độc của kẻ thù, chúng ta đã vượt qua mọi khó khăn, thách thức, giành được nhiều thành tựu quan trọng. Đất nước ra khỏi thời kỳ khủng hoảng, trì trệ, từng bước tạo được thế và lực mới, cải thiện nhanh chóng đời sống của nhân dân, không ngừng nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Từ chỗ thiếu lương thực, nay chúng ta trở thành một nước xuất khẩu gạo đứng thứ hai trên thế giới; từ một nền kinh tế bị cấm vận, chủ yếu là tự cung, tự cấp, nay Việt Nam đang tham gia bình đẳng vào thị trường chung của thế giới, với nhiều mặt hàng có thứ hạng cao và kim ngạch xuất khẩu chiếm một nửa thu nhập quốc dân. Cùng với phát triển kinh tế, Đảng và Nhà nước ta hết sức quan tâm đến phát triển xã hội, nâng cao mức sống nhân dân. Công cuộc xóa đói, giảm nghèo của Việt Nam được thế giới coi là rất ngoạn mục: đến nay tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới chỉ còn 20%, đạt sớm hơn một năm so với kế hoạch; chỉ số phát triển con người luôn cao hơn chỉ số thu nhập quốc dân, chứng tỏ sự phát triển ở Việt Nam luôn hướng tới con người, luôn lấy con người làm mục tiêu tối thượng. Sự phát triển không chỉ ở các đô thị, các trung tâm lớn, mà còn ở những địa bàn miền núi, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số cũng rất được quan tâm. Thí dụ trên địa bàn Tây Nguyên, trước đây đời sống của đồng bào các dân tộc rất thấp kém. Hằng năm thiếu gạo ăn từ 4 đến 5 tháng, phương tiện đi lại, y tế, trường học, đường giao thông hết sức khó khăn. Nhưng nay tình hình đã được cải thiện một cách cơ bản: tỷ lệ hộ nghèo đói giảm xuống chỉ còn 16%, đường ô tô, điện lưới quốc gia đã đến trung tâm các xã, có nơi xuống tận bản làng vùng sâu, vùng xa. Với một vùng cao khoảng 3 triệu dân, nhưng Tây Nguyên có gần 20 trường đại học, cao đẳng, trung cấp dạy nghề cùng hệ thống các trường phổ thông, trường dân tộc nội trú rộng khắp, đã cơ bản xóa xong buôn làng "trắng" về giáo dục... Phản ánh về những thay đổi trên vùng đất này, nhà báo Êrích Bi-ê-tri Rê-vi-ê, đặc phái viên của tờ "Lơ Phi-ga-rô" đã viết về bản Xaluc, một địa danh của Tây Nguyên: "ở đây mọi thứ đã thay đổi. Từ một khu rừng xưa kia, nay Xaluc đã có trường học, trạm xăng và những ngôi nhà bê tông. Từ cuộc sống du canh, du cư, người dân đã trở thành những người độc canh trên đồng ruộng". Tác giả còn cho biết, đường mòn Hồ Chí Minh nay đã được "xây dựng trở thành con đường với 4 làn xe chạy hiện đại và thuận tiện cho đồng bào các dân tộc". Cuộc sống của nhân dân đã đổi thay: "nhà nào cũng treo ảnh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, trang bị đầy đủ những đồ dùng cần thiết cho sinh hoạt hằng ngày"... Tác giả kết luận: "Điều đó cho thấy Nhà nước Việt Nam đang thực hiện chính sách bình đẳng, đoàn kết và tương trợ lẫn nhau giữa các bộ tộc, dân tộc khác nhau, đồng thời cấm mọi hành động phân biệt đối xử"... Đó là sự thật đang diễn ra trên địa bàn Tây Nguyên cũng như khắp mọi miền đất nước ta. Sự thật đó góp phần bóc trần bộ mặt của những thế lực chống đối núp dưới chiêu bài đấu tranh cho dân chủ ở Việt Nam.
Trong hành trình chống phá đất nước ta, cùng với việc phủ nhận công cuộc đổi mới, các "nhà dân chủ" hết lời tâng bốc những "thiên đường bên trời Tây", coi chủ nghĩa tư bản (CNTB), dân chủ tư sản kiểu phương Tây là mục tiêu mà dân tộc ta phải thực hiện. Họ lớn tiếng kêu gọi: phải "thực thi nền dân chủ đại nghị, đa nguyên, đa đảng", thực hiện "sở hữu tư nhân, kinh tế thị trường tự do" kiểu phương Tây... Vậy là, không còn nghi ngờ gì nữa, những người tự xưng là đại diện cho dân chủ, đang mưu toan đưa xã hội ta đi theo quỹ đạo của CNTB, điều mà cả về phương diện lý luận và trong thực tiễn, chúng ta không thể chấp nhận được. Bởi lẽ, bao năm sống dưới ách thực dân, đế quốc đô hộ, nhân dân ta đã nếm đủ mọi "giá trị" của chế độ đó. Tính chất phản tiến bộ và kém hoàn thiện của dân chủ tư sản nằm ngay trong lòng phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa (TBCN), đó là chế độ tư hữu tư nhân TBCN. Bởi vậy, không có cơ sở để nói rằng dân chủ tư sản là nền dân chủ tiến bộ nhất có thể đưa lại hạnh phúc cho mọi tầng lớp trong xã hội; là hình mẫu lý tưởng cho chúng ta phấn đấu. Ngay trong điều kiện có hệ thống XHCN làm đối trọng, để đối phó sự khủng hoảng toàn diện của nền kinh tế TBCN và chống lại phong trào giải phóng dân tộc, phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, CNTB đã phải có sự điều chỉnh nới rộng một số quyền dân chủ để thích nghi với sự phát triển của tình hình, nhưng điều đó không có nghĩa là bản chất của CNTB đã thay đổi. Bởi lẽ, điều căn bản, cốt yếu nhất, chừng nào những tư liệu sản xuất chủ yếu của xã hội vẫn nằm trong tay giai cấp tư sản, thì dân chủ tư sản vẫn chỉ là dân chủ của thiểu số những nhà tỉ phú nắm giữ độc quyền chi phối những mạch máu kinh tế mà thôi!
Cùng với việc nhận diện bản chất dân chủ tư sản, chúng ta cần phải làm rõ thực chất của chủ nghĩa xã hội dân chủ. Bởi vì hiện nay một số người đang ra sức tuyên truyền cho chủ nghĩa xã hội dân chủ và khuyên chúng ta nên noi theo đó mà thực hiện đa nguyên, đa đảng. Vậy phải chăng chủ nghĩa xã hội dân chủ thực sự tốt đẹp, nền dân chủ đó giải quyết được mọi vấn đề của thời đại hiện nay? Chúng ta biết rằng, trào lưu xã hội dân chủ xuất hiện từ khoảng giữa thế kỷ XIX ở châu Âu và đến những năm tám mươi của thế kỷ XX nó là một lực lượng chính trị hoạt động mạnh trong các nước TBCN Bắc Âu. Đây là một trào lưu muốn cải tạo chủ nghĩa tư bản thành chủ nghĩa xã hội bằng con đường thỏa hiệp với CNTB. Những người theo chủ nghĩa xã hội (CNXH) dân chủ tuyên bố không đi theo chủ nghĩa cộng sản, cũng không đi theo con đường CNTB, mà đó là con đường thứ ba, tức là đấu tranh nghị trường trong lòng xã hội tư bản. V.I.Lê-nin nhận định rằng: CNXH dân chủ là tư tưởng của chủ nghĩa cải lương hiện đại. Mục đích của CNXH dân chủ nhằm bảo vệ nền tảng cơ bản của xã hội tư sản; bởi vậy CNXH dân chủ không thể đồng hành cùng dân chủ xã hội chủ nghĩa.
Những người xã hội dân chủ phủ nhận con đường đấu tranh cách mạng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, phủ nhận sự cần thiết của cách mạng XHCN. Họ cho rằng, chỉ cần hoàn thành cách mạng dân chủ tư sản, xây dựng nhà nước cộng hòa rồi dựa vào nhà nước đó, thông qua các biện pháp dân chủ là nhân dân lao động có thể thoát khỏi ách nô dịch, bóc lột của CNTB. Họ biện minh cho CNTB là đã khắc phục được tình trạng sản xuất vô chính phủ và khủng hoảng kinh tế, nâng cao tiền lương, mức sống và điều kiện làm việc của người lao động. CNXH dân chủ cổ vũ cho cái gọi là “dân chủ vô hạn”. Họ ca tụng, cổ vũ cho chế độ đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập… Tóm lại, CNXH dân chủ chống lại CNTB một cách ảo tưởng, nhưng chống lại CNXH khoa học một cách quyết liệt. Những quan điểm mị dân, cực đoan của họ là nhằm làm cho nhân dân lao động xa rời đảng cộng sản, xa rời CNXH; họ phủ nhận bản chất tốt đẹp của nền dân chủ XHCN mà nhân dân ta, dân tộc ta đang xây dựng.
Một thực tế là, những năm gần đây, con đường xã hội dân chủ ở một số nước đã đạt được những thành tựu nhất định. Một số đảng xã hội dân chủ đã đạt được thành tựu trong một số cải cách xã hội, như phát triển nền kinh tế hỗn hợp, xây dựng Nhà nước phúc lợi, cải thiện dân sinh... Tuy nhiên, xét đến cùng, lợi ích của các cuộc cải cách đó vẫn chủ yếu phục vụ cho quyền lợi của nhà nước tư bản, còn quần chúng nhân dân chẳng được bao nhiêu; và rút cuộc chính sách cải cách đó vẫn lệ thuộc vào chế độ TBCN, những quyền lợi cơ bản về chính trị và kinh tế vẫn nằm trong tay nhà nước tư bản. Và điều đáng nói là ở các nước này, lý thuyết đa nguyên mà họ áp dụng đang đẩy đất nước rơi vào tình trạng rối loạn, mất ổn định. Chúng ta không thể nghe theo lời khuyên của "các nhà dân chủ" để trượt theo bánh xe  của CNXH dân chủ, vì điều đó sẽ dẫn đến sự phản bội những tư tưởng của CNXH khoa học, phản bội lý tưởng tốt đẹp của dân tộc, đẩy đất nước đến khủng hoảng, rối loạn như các nước thực hiện cách mạng "màu sắc", cách mạng "da cam" đang phải hứng chịu hiện nay.
Dân chủ ở nước ta hiện nay là dân chủ XHCN, chứ không phải là dân chủ tư sản hay xã hội dân chủ. Đó là một nền dân chủ của đa số nhân dân lao động, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Nó là thành quả của cuộc cách mạng tháng Tám năm 1945, của các cuộc kháng chiến chống đế quốc, thực dân xâm lược, là thành quả của 20 năm đổi mới đất nước theo đường lối đổi mới. Từ khi Đảng ta ra đời, nhất là từ Đại hội toàn quốc lần thứ III, Đảng ta luôn luôn xác định xây dựng một chế độ xã hội tốt đẹp do nhân dân làm chủ. Đặc biệt, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH đã khẳng định: "Toàn bộ tổ chức và họat động của hệ thống chính trị nước ta trong giai đoạn mới là xây dựng và từng bước hoàn thiện nền dân chủ XHCN, bảo đảm quyền lực thuộc về nhân dân”. Đó vừa là mục tiêu, vừa là động lực để xây dựng đất nước ta đạt tới: dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Tuy nhiên, hiện nay như Báo cáo chính trị Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X đã chỉ ra "Tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, gắn liền với tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí là rất nghiêm trọng. Những biểu hiện xa rời mục tiêu của CNXH vẫn tồn tại. Các thế lực thù địch âm mưu "diễn biến hòa bình", gây bạo loạn lật đổ, sử dụng chiêu bài dân chủ, nhân quyền, hòng làm thay đổi chế độ chính trị ở nước ta". Tất cả những khuyết điểm, yếu kém bộc lộ ra trong quá trình đổi mới xây dựng đất nước, Đảng và Nhà nước ta đã thấy rõ và luôn đề ra những chủ trương, giải pháp phù hợp để đấu tranh ngăn chặn và kiên quyết xử lý những cán bộ, đảng viên có những sai phạm đó. Bởi lẽ những biểu hiện thoái hóa biến chất đó trái hẳn với bản chất của Đảng ta, Nhà nước ta, chế độ ta.
Các nhà "dân chủ" thường lập luận rằng, kinh tế thị trường không tương dung với CNXH, không phù hợp với nền dân chủ ở nước ta. Sự thật thì quá trình phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN những năm qua, không những đã củng cố, phát triển CNXH mà còn làm cho dân chủ XHCN không ngừng được mở rộng. Nhân dân tham gia vào các đường lối, quyết sách của Đảng và Nhà nước. Tiếng nói của nhân dân ngày càng quan trọng trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhân dân biểu lộ thái độ đồng tình hoặc phản đối trước các hiện tượng xã hội; nhân dân thực hiện giám sát với cán bộ, đảng viên, công chức Nhà nước. Quyền cử tri trong bầu cử, ứng cử đi vào thực chất hơn; sinh hoạt của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp được mở rộng, thể hiện đúng quyền lực của nhân dân. Quyền làm chủ của nhân dân thể hiện ngày càng đầy đủ hơn trong các hoạt động kinh tế, tài chính, quá trình làm trong sạch bộ máy Nhà nước. Nhân dân có niềm tin sâu sắc hơn vào các giá trị dân chủ đã đạt được; ủng hộ mạnh mẽ các chính sách của Đảng, Nhà nước và chính quyền các cấp. Cuộc sống của từng người dân và của cộng đồng không ngừng được nâng cao, cả về vật chất lẫn tinh thần. Ngay trong lĩnh vực tự do tín ngưỡng, tôn giáo cũng đánh dấu những bước khởi sắc mới. Có thể nói, tuyệt đại đa số nhân dân Việt Nam đều thực hiện quyền tự do của mình, ai ai cũng thờ cúng tổ tiên, được tiến hành các hoạt động tôn giáo mà không bị cấm đoán; cả nước có khoảng 20 triệu người (25% dân số) là tín đồ của sáu tôn giáo lớn trên thế giới. Đây là bức tranh sinh động, trung thực không thể xuyên tạc được...
Phủ nhận hiện thực, xuyên tạc chân lý vốn là những thủ đoạn quen thuộc của các thế lực chống phá cách mạng Việt Nam. Thiết nghĩ, không cần phải nói nhiều, ai cũng biết được tim đen của các "nhà dân chủ"; họ đâu có vì một nền dân chủ tốt đẹp cho nhân dân ta, dân tộc ta; họ đang mạo danh dân chủ để chống phá một nền dân chủ thực sự. Song, dù dối trá, dù bỉ ổi đến mấy, họ cũng không xuyên tạc nổi bản chất và những thành tựu mà nền dân chủ Việt Nam đã đạt được.
 
TS. Nguyễn Viết Hiển
 

Ý kiến bạn đọc (0)