QPTD -Thứ Ba, 06/09/2011, 21:46 (GMT+7)
Kinh nghiệm xây dựng cơ sở cách mạng vùng Tây Bắc những năm đầu kháng chiến chống Pháp

Vùng Tây Bắc Tổ quốc là địa bàn chiến lược trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Cũng vì thế, ngay khi thực hiện tái xâm lược nước ta, thực dân Pháp đã lộ rõ ý đồ chiếm Tây Bắc. Trước ngày Toàn quốc kháng chiến, chúng đã chiếm toàn tỉnh Lai Châu và một phần tỉnh Sơn La; đến mùa thu năm 1947, chúng chiếm nốt Sơn La và một phần tỉnh Hòa Bình, kiểm soát phần lớn đất đai Tây Bắc. Tiếp đó, chúng mở cuộc tiến công lên Việt Bắc (Thu - Đông 1947), chiếm Lào Cai, Nghĩa Lộ, Văn Bàn (Yên Bái) và một phần phía nam tỉnh Phú Thọ. Đến cuối năm 1947, địch tạm thời giữ thế chủ động về chiến lược, chiếm ưu thế về một số mặt. ở hậu phương địch, chính quyền bù nhìn được chúng thành lập xong, việc tuyển mộ ngụy binh cũng dễ dàng. Chúng đã kiểm soát được trên 2 vạn km2 và gần 20 vạn nhân khẩu. Về chính trị, lợi dụng đời sống khó khăn của nhân dân ta, chúng đưa ra chiêu bài “Xứ Thái tự trị”. Nhưng bộ mặt thật của chúng sớm bị phơi bày khi chúng dùng dùng thủ đoạn ngày càng trắng trợn để bóc lột nhân dân ta . Chúng bắt dân tập trung thóc lúa rồi phát theo khẩu phần ăn hằng ngày. Từng bữa ăn, đồng bào phải lên đồn lĩnh từng bơ gạo đem về để nấu ăn. Chúng bắt đồng bào nộp đủ các thứ thuế vô lý: thuế ruộng, thuế nhà, thuế vợ chồng... Những hành động dã man đó làm cho đồng bào các dân tộc Tây Bắc vô cùng oán ghét, chỉ chờ cơ hội là đứng lên chống lại.

Trước tình hình ấy, nhằm thực hiện đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, lâu dài mà Đảng ta đã vạch ra trong Hội nghị Vạn Phúc (từ 18 đến 19-12-1946), ngoài việc thành lập các đơn vị Tây tiến, Bộ Tổng Chỉ huy còn quyết định thành lập Bộ Chỉ huy Liên khu X và chỉ thị cho Liên khu nhiệm vụ xây dựng căn cứ địa để giải phóng Tây Bắc. Cùng với đó là “Mệnh lệnh về việc thành lập Ban xung phong Tây Bắc” với mục đích mở đường tiến lên Điện Biên Phủ, lập mặt trận trong lòng địch ở Lai Châu. Bởi theo Bộ Tổng Chỉ huy: “Miền Việt –Tây đối với nước ta có một vị trí chiến lược rất quan trọng. Hùng cứ được vùng đó, không những quân địch  ở vào cái thế “cứ cao lâm hạ” có thể uy hiếp hậu phương của chúng ta, mà chúng lại mong thực hiện cái âm mưu ác độc “dĩ Việt chế Việt”, chia rẽ các dân tộc thiểu số”1. Vì thế, “Bảo vệ được lãnh thổ và nhân dân miền Tây tức là gián tiếp bảo vệ được đại hậu phương của chúng ta, góp một phần quan trọng vào thắng lợi cuối cùng”2.

Chấp hành mệnh lệnh của trên, Liên khu ủy Khu X đã ra chỉ thị thành lập các Ban xung phong, quy định rõ chức năng, nhiệm vụ của các Ban trong việc xây dựng cơ sở, xây dựng căn cứ địa cách mạng; đồng thời, phân công các đồng chí Liên khu ủy viên chịu trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo và phụ trách khâu cán bộ của Ban. Đầu năm 1948, các Ban xung phong lần lượt được thành lập. Nhiệm vụ chung của các Ban là tiến sâu vào vùng sau lưng địch, xây dựng cơ sở cách mạng, cơ sở quần chúng, phát triển chiến tranh du kích, coi trọng chính trị hơn quân sự, tuyên truyền hơn tác chiến, mở rộng khu tự do, nối liền 3 khu thành một phòng tuyến chiến tranh nhân dân trong lòng địch, hướng phát triển lên Lai Châu và Điện Biên Phủ.

          Sau khi thành lập và nhận nhiệm vụ, các tổ, đội của các Ban xung phong đã vào sâu vùng địch hậu Tây Bắc theo địa bàn được phân công, tiến hành một cuộc chiến đấu thầm lặng, đầy khó khăn, gian khổ. Do địa thế hiểm trở, đường sá xa xôi, điều kiện sinh hoạt và công tác còn nhiều thiếu thốn, nhân dân các dân tộc lại bị địch kiềm chế, kinh nghiệm hoạt động chưa có, nên thời kỳ đầu, các đội vũ trang tuyên truyền của ta bị tổn thất nặng; một số cán bộ cốt cán hy sinh, một số khác chưa kịp gây dựng cơ sở đã bị bật ra vùng tự do. Song với ý chí quyết chiến, quyết thắng, quyết tâm vượt khó, kinh nghiệm tích lũy được qua từng bước đi, các tổ, đội của Ban xung phong đều đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Sau hơn một năm thực hiện, các Ban Xung phong của Liên khu X đã gây dựng được các cơ sở cách mạng, nhất là các địa phương vùng sâu thuộc tỉnh Sơn La, Lai Châu. Đó là những cơ sở ban đầu, vững chắc để từ đó phát triển chiến tranh du kích, xây dựng cơ sở Đảng, xây dựng chính quyền, củng cố hậu phương, xây dựng căn cứ địa và lực lượng vũ trang cho cuộc kháng chiến lâu dài chống thực dân Pháp xâm lược trên địa bàn. Nếu như cuối năm 1947, đầu năm 1948, địch hoàn toàn kiểm soát tỉnh Sơn La, Lào Cai, Lai Châu và 4/5 tỉnh Yên Bái thì đến cuối năm 1948, tại Sơn La, khu tự do được mở rộng 6.000 km2 với trên 40.000 dân; tại Lào Cai đã xây dựng được khu tự do Bảo Thắng và phát triển cơ sở quần chúng lên tận thị xã Lào Cai, Sa Pa, Trịnh Tường... Chính quyền nhân dân được thiết lập tại một số vùng, phạm vi kiểm soát của địch bị thu hẹp. Với tinh thần “khi đã gây dựng được cơ sở địa phương nào, phải kịp thời tổ chức du kích nơi đó”3, các Ban xung phong Liên khu đã xây dựng được nhiều đội du kích và khu du kích ở địa phương. Đến cuối năm 1948, lực lượng dân quân, du kích của Liên khu phát triển mạnh, lên tới hơn 30.000 người; riêng tỉnh Sơn La có tới 2.000 người. Cùng với việc gây dựng cơ sở cách mạng, cơ sở du kích, các Ban xung phong Tây Bắc đã tích cực tham gia hoặc phối hợp với các đơn vị du kích, các Đại đội độc lập đánh nhiều trận, tiêu diệt nhiều địch, bảo vệ được nhiều cơ sở cách mạng. Riêng năm 1948, dân quân, du kích Liên khu X đã đánh 372 trận (không kể đánh các trận quấy rối, nghi binh), trong đó có 252 trận độc lập tác chiến và 120 trận phối hợp với bộ đội. Điển hình là Ban xung phong Trung Dũng, ngay từ tháng hoạt động đầu tiên đã tập kích đồn Bản Giàng, diệt một số địch, giác ngộ gần 100 ngụy binh mang súng về với kháng chiến; tháng 6-1948, tổ chức phục kích chống càn ở Tú Nang, tiêu diệt 40 tên địch, thu 2 trung liên, 8 tiểu liên, 2 súng các bin và 20 súng trường. Tại Lai Châu, Ban xung phong Quyết Tiến chặn đánh và gây cho địch nhiều thiệt hại tại Mường Phăng. Với nhiệm vụ chủ yếu là hoạt động chính trị, gây dựng cơ sở cách mạng trong vùng địch hậu, hoạt động quân sự chủ yếu của các đội trong Ban xung phong là chống lại các cuộc tiến công, càn quét của địch, mở đường tiến sâu vào vùng địch hậu, hoặc phối hợp với các lực lượng dân quân, du kích các địa phương bảo vệ các cơ sở kháng chiến, bảo vệ nhân dân.

Cùng với việc gây dựng cơ sở cách mạng, xây dựng lực lượng dân quân, du kích ở các địa phương, các đội của Ban xung phong Tây Bắc đã kết hợp với  Ban cán sự Đảng các tỉnh thành lập các tổ chức Đảng cơ sở, các tổ chức quần chúng cách mạng. Trong các tỉnh thuộc Tây Bắc thời kỳ này, Lai Châu là tỉnh khó khăn nhất. Thực dân Pháp kiểm soát hầu hết địa bàn, tổ chức Đảng cũng như cơ sở cách mạng hầu như không có. Ngày 28-9-1949, Thường vụ Liên khu X quyết định thành lập Chi bộ vũ trang tuyên truyền Lai Châu, gồm các đảng viên của Đội xung phong Lai Châu. Tiếp đó, ngày 7-10-1949, Ban Thường vụ Liên khu X quyết định thành lập Ban cán sự Đảng tỉnh Lai Châu, trong đó có sự tham gia của một số đảng viên của các Ban xung phong để lãnh đạo việc gây dựng cơ sở. Tại các tỉnh Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, các Ban xung phong Trung Dũng, Quyết Thắng, Quyết Tiến và các đội xung phong của các tỉnh đã phối hợp với các Ban cán sự  Đảng tuyên truyền, xây dựng cơ sở Đảng. ở những vùng đã xây dựng được cơ sở cách mạng, các Ban xung phong đã đẩy mạnh việc tuyên truyền, lựa chọn những quần chúng tích cực, tin cậy kết nạp vào Đảng. Tại những nơi cần cán bộ cốt cán, các đảng viên trong Ban xung phong được cử ở lại gây dựng cơ sở cách mạng và phát triển tổ chức Đảng. Nhờ có sự hoạt động và phối hợp tích cực của các Ban xung phong, đến năm 1950, các tổ chức Đảng đã được xây dựng ở khắp các địa phương. Tại Sơn La, giai đoạn này đã có gần 20 chi bộ với tổng số 342 đảng viên. ở Lai Châu, từ chỗ hầu như chưa có tổ chức Đảng, đến năm 1950 đã xây dựng được 4 chi bộ với 43 đảng viên. Tại Lào Cai, có 14 chi bộ với 284 đảng viên. Tại Yên Bái có số cơ sở Đảng đông nhất, với 100 chi bộ, gồm 3.286 đảng viên. Cùng với việc xây dựng cơ sở Đảng, các Ban xung phong còn góp phần tích cực vào việc tuyên truyền, xây dựng các tổ chức quần chúng cách mạng, như Hội Thanh niên cứu quốc, Hội Nông dân cứu quốc, Hội Phụ nữ cứu quốc...

Sở dĩ các Ban xung phong Tây Bắc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, đặt cơ sở vững chắc cho việc xây dựng căn cứ địa Tây Bắc trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, trước hết là từ chủ trương đúng đắn của Đảng về xây dựng cơ sở cách mạng. Trên cơ sở nhận thức đúng đắn thực tế địa bàn Tây Bắc là nơi cư trú của đồng bào các dân tộc thiểu số, ít người hiểu biết về cách mạng, lại chịu sự thống trị và ràng buộc về huyết thống lâu đời của các thổ ty, lang đạo địa phương do những năm đầu sau Cách mạng Tháng 8-1945, trên địa bàn này ta chưa giành được chính quyền, Đảng ta xác định muốn xây dựng được cơ sở cách mạng ở nơi này, không có cách nào khác là phải đi sâu tuyên truyền, giác ngộ nhân dân, “giành dân với địch”. Chính do sự hoạt động bền bỉ, kiên trì của những chiến sĩ trong các Ban xung phong nên đã gây dựng được cơ sở ở các địa bàn quan trọng, giác ngộ được những quần chúng tích cực, góp phần tạo cơ sở ban đầu cho việc xây dựng và củng cố căn cứ địa. Tiếp đó, phương châm hoạt động “Lấy tuyên truyền chính trị làm trọng tâm” và “Phát triển cơ sở theo lối nhảy quãng”, bỏ qua nơi địch mạnh, tránh đụng độ với địch, tiến vào vùng sâu gây dựng cơ sở... của Liên khu ủy đề ra cho các Ban xung phong là hợp lý và đúng đắn. Tiếp sau nữa là tinh thần cách mạng không sợ gian khó, hy sinh cùng với trí thông minh và lòng dũng cảm của các chiến sĩ làm nhiệm vụ dân vận trong các Ban xung phong. Họ vừa phải tìm đường tiến vào vùng rừng núi xa xôi, hiểm trở, khí hậu khắc nghiệt, vừa phải lo lương thực, thực phẩm trong hoàn cảnh nhân dân các dân tộc Tây Bắc hết sức nghèo đói, còn ít hiểu biết về cách mạng. Để hoàn thành nhiệm vụ thâm nhập, giác ngộ nhân dân đi theo cách mạng, các chiến sĩ đã vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, hy sinh, thực hiện “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với nhân dân; hơn nữa còn kết nghĩa anh em, đổi tên, đổi họ...

Ngày nay, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xét về mặt địa lý, Tây Bắc là một vùng rừng núi hiểm trở, có vị trí chiến lược về nhiều mặt: chính trị,  quân sự, kinh tế, văn hoá. Nhưng Tây Bắc cũng là một trong những địa bàn xung yếu mà các thế lực chống phá cách mạng dễ lợi dụng tình hình khó khăn để mua chuộc, kích động những vấn đề dân tộc, tôn giáo, tạo nên những “điểm nóng”, gây mất ổn định chính trị-xã hội nhằm thực hiện chiến lược “Diễn biến hòa bình”. Để các khu vực miền núi và vùng đồng bào các dân tộc Tây Bắc có bước phát triển trong việc thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội chung của cả nước thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH và hội nhập kinh tế quốc tế, kinh nghiệm xây dựng cơ sở cách mạng của các Ban xung phong miền Tây Bắc thời kỳ đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp cho thấy, công tác dân vận cần hướng vào việc xây dựng cơ sở chính trị-xã hội địa phương vững mạnh toàn diện, đặc biệt là vững mạnh về chính trị và quốc phòng-an ninh. Nội dung nên tập trung vào củng cố thực lực chính trị, nâng cao hiệu lực lãnh đạo và chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền, hoạt động của các tổ chức chính trị-xã hội; bồi dưỡng, đào tạo nguồn cán bộ, đảng viên, lực lượng cốt cán cho cơ sở. Các lực lượng làm công tác dân vận trên địa bàn cần nêu cao tinh thần cách mạng, vượt khó, vượt khổ, “cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc” với đồng bào; tích cực tham gia các chương trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, “xóa đói, giảm nghèo”, xây dựng cơ sở hạ tầng, thực hiện tốt chính sách xã hội, đặc biệt là chính sách dân tộc, nhằm phát huy quyền làm chủ, ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc. Thực chất, đó là sự quán triệt, thực hiện quan điểm của Đảng về xây dựng “thế trận lòng dân” trong điều kiện mới.

Trần Cao Kiều

(Nhà xuất bản Công an nhân dân)

___________

1- Thư Bộ Tổng Chỉ huy gửi Bộ đội Tây tiến, Tư liệu số 02/TL, Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam.

2- Tư liệu đã dẫn.

3- Văn kiện của Đảng bộ Liên khu Việt Bắc, năm 1948, T3, Ban nghiên cứu lịch sử Đảng Khu tự trị Việt Bắc, 1970, tr 80, 83.

 

Ý kiến bạn đọc (0)