QPTD -Thứ Năm, 25/08/2011, 22:49 (GMT+7)
Kinh nghiệm khai thác nguồn lực địa phương để bảo đảm kỹ thuật cho lực lượng vũ trang Quân khu 9

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 9, những năm qua, cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên ngành Kỹ thuật Quân khu đã phát huy tinh thần “Chủ động, sáng tạo, tự lực, tự cường”, đoàn kết cùng nhân dân và chính quyền địa phương khắc phục khó khăn, nỗ lực thực hiện công tác bảo đảm kỹ thuật (BĐKT) quân sự theo hướng “chính quy, thống nhất, an toàn”. Đặc biệt, cơ quan kỹ thuật các cấp đã làm tốt vai trò tham mưu cho cấp ủy, chính quyền trong việctổ chức khai thác có hiệu quả nguồn lực địa phương cho quốc phòng-an ninh và cho công tác BĐKT quân sự, đáp ứng nhu cầu hoạt động của lực lượng vũ trang (LLVT) trong khu vực phòng thủ. Nhờ đó, hệ số kỹ thuật các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật (VKTBKT) được duy trì ổn định, góp phần cùng các đơn vị trong LLVT Quân khu hoàn thành tốt nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu và công tác thường xuyên, đáp ứng yêu cầu bảo vệ địa bàn, bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới.

Để tổ chức khai thác có hiệu quả nguồn lực địa phương phục vụ công tác BĐKT cho LLVT, Đảng ủy, chỉ huy ngành Kỹ thuật đã làm tốt công tác tham mưu giúp Thường vụ Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 9 lãnh đạo, chỉ đạo các địa phương, đơn vị thực hiện nghiêm túc Chỉ lệnh công tác kỹ thuật; đồng thời, chỉ đạo cơ quan kỹ thuật các cấp giúp lãnh đạo, chỉ huy làm tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương phát huy mọi thế mạnh, tiềm năng tại chỗ, phục vụ công tác BĐKT cho các đơn vị LLVT. Nhờ đó, hoạt động công tác kỹ thuật và công tác BĐKT trong những năm qua của ngành Kỹ thuật Quân khu đã bám sát nhiệm vụ chính trị của LLVT Quân khu và nhiệm vụ cụ thể của ngành Kỹ thuật, gắn công tác BĐKT và hoạt động công tác kỹ thuật của đơn vị với Cuộc vận động “Quản lý, khai thác VKTBKT tốt, bền, an toàn, tiết kiệm và An toàn giao thông”, tập trung đi sâu giải quyết các vướng mắc về BĐKT thường xảy ra trong huấn luyện, diễn tập, sẵn sàng chiến đấu và công tác thường xuyên, tạo nên sự linh hoạt, sáng tạo trong thực hiện các nội dung BĐKT từ cơ quan đến đơn vị, tạo được lòng tin của cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương đối với Ngành.

Điểm nổi bật trong công tác BĐKT cho LLVT Quân khu thời gian qua là sự đòi hỏi ngày càng cao hơn về hệ số kỹ thuật, tính đồng bộ và chuyên sâu; nhiệm vụ BĐKT của Ngành lại triển khai trong phạm vi rộng, địa hình phức tạp, thời tiết khắc nghiệt; VKTBKT phần nhiều đã qua sử dụng, được sản xuất từ nhiều nước, chủng loại đa dạng và đang bị xuống cấp. Trong khi đó, ngân sách cho mua sắm, bảo dưỡng, sửa chữa còn hạn hẹp… là những yếu tố tác động trực tiếp tới chất lượng, hiệu quả công tác BĐKT quân sự. Vì vậy, ngoài việc tổ chức phân cấp và khai thác, sử dụng có hiệu quả VKTBKT; sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở BĐKT, nâng cao năng lực sản xuất, bảo dưỡng, sửa chữa, đảm bảo kịp thời các loại VKTBKT cho các đơn vị LLVT, cơ quan Kỹ thuật Quân khu đã phối hợp cùng các cơ quan chức năng và cơ quan quân sự địa phương, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp động viên từ nguồn ngân sách của địa phương hỗ trợ cho các đơn vị LLVT đầu tư mua sắm, đổi mới phương tiện, trang, thiết bị kỹ thuật; đồng bộ nhà kho, trạm, xưởng, nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu và sẵn sàng động viên cho thời chiến. Đây là nội dung vừa mang tính cấp thiết, vừa là yêu cầu khách quan, thể hiện sự quán triệt và thực hiện nghiêm túc đường lối quốc phòng toàn dân của Đảng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Nhằm thống nhất quan điểm, tư tưởng và tạo sự đồng thuận trong tổ chức thực hiện, nâng cao hiệu quả công tác huy động các nguồn lực phục vụ công tác BĐKT quân sự ở địa phương, cơ sở, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các địa phương đã tổ chức quán triệt cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 8 (khóa IX) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; Nghị quyết 27 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, những định hướng chiến lược về công tác kỹ thuật quân sự; Nghị quyết số 29-NQ/TƯ về Chiến lược trang bị cho Quân đội nhân dân Việt Nam đến năm 2010 và những năm tiếp theo; xây dựng kế hoạch triển khai Chương trình hành động số 398-Ctr/ĐU thực hiện Nghị quyết 382-NQ/ĐUQSTW của Đảng ủy Quân sự Trung ương về lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ công tác kỹ thuật… Chỉ tính từ năm 2003 đến nay, các tỉnh (thành phố), huyện (quận, thị xã) trên địa bàn Quân khu 9 đã trích từ nguồn ngân sách địa phương để hỗ trợ gần 96 tỷ đồng cho các đơn vị LLVT để bảo dưỡng, sửa chữa VKTBKT; huấn luyện kỹ thuật; mua sắm trang, thiết bị, vật tư; củng cố, xây mới kho tàng, trạm, xưởng… Những kết quả đó đã góp phần nâng cao chất lượng công tác BĐKT quân sự; hệ thống kho kỹ thuật cấp tỉnh (thành phố) và huyện (quận, thị xã)… được quy hoạch và xây dựng thống nhất theo quy định; cơ sở kỹ thuật được đầu tư nâng cấp có trọng điểm, bảo đảm việc sửa chữa, bảo dưỡng theo phân cấp; hệ số kỹ thuật của VKTBKT cho hoạt động thường xuyên luôn được duy trì từ 0,73-0,99; trực sẵn sàng chiến đấu đạt 0,96-1; 100% nhà kho cấp quân khu và 70% nhà kho cấp sư đoàn, lữ đoàn, trung đoàn, tỉnh (thành phố) đạt tiêu chuẩn quản lý nhà kho 5 nội dung, bao gồm: quản lý chắc số lượng, chất lượng, đồng bộ VKTBKT trong kho; bảo dưỡng, sửa chữa đúng quy định; cất chứa đúng quy hoạch; sắp xếp, kê kích vững chắc; thực hiện đúng nội dung bảo quản thường xuyên.

Cùng với đó, cơ quan kỹ thuật Quân khu đã chỉ đạo, hướng dẫn cơ quan nghiệp vụ kỹ thuật các cấp thực hiện tốt chế độ dự toán ngân sách sát với nhu cầu công tác BĐKT quân sự, phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ trước mắt cũng như lâu dài, tạo cơ sở để ban ngành chức năng địa phương phối hợp khai thác có hiệu quả các nguồn lực của địa phương phục vụ quốc phòng-an ninh và công tác kỹ thuật quân sự. Bên cạnh việc hoàn thiện quy chế khai thác, động viên lực lượng, phương tiện, cơ sở vật chất kỹ thuật phù hợp với các thành phần kinh tế, sẵn sàng huy động phục vụ nhiệm vụ tác chiến của LLVT trong mọi tình huống, ngành Kỹ thuật Quân khu đã tập trung chỉ đạo cơ quan, đơn vị kỹ thuật phối hợp với các cơ quan, ban ngành chức năng địa phương (Kế hoạch và Đầu tư, Công thương, Tài chính…) tính toán, cân đối các nguồn lực, xây dựng hệ thống kế hoạch bảo đảm, gồm các chỉ tiêu, các nhu cầu, định mức của công tác kỹ thuật và cân đối nguồn ngân sách địa phương đầu tư vào công tác bảo quản, bảo dưỡng, sửa chữa các loại VKTBKT cho các đơn vị LLVT đáp ứng yêu cầu hoạt động thời bình và có đủ khả năng bảo đảm những năm đầu chiến tranh…

Quán triệt phương châm “sát, đúng, đủ, hợp lý, tiết kiệm, kịp thời”, ngành Kỹ thuật Quân khu tổ chức chỉ đạo cơ quan chức năng xây dựng quy chế quản lý tài chính và thống nhất nội dung quy chế cho các đơn vị dự toán thực hiện. Từ năm 2005 đến 2010, nhiều tỉnh, thành phố (An Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng và thành phố Cần Thơ…) đã huy động được hàng chục tỷ đồng từ nguồn ngân sách địa phương cho công tác kỹ thuật quân sự; trong đó, gần 20 tỷ đồng được sử dụng cho công tác bảo dưỡng, sửa chữa VKTBKT, mua sắm dụng cụ phòng chống cháy, nổ; gần 50 tỷ đồng cho giải phóng mặt bằng, xây dựng nhà kho vũ khí-đạn, nhà để xe máy; thay thế động cơ xăng bằng động cơ đi-ê-den cho hàng chục xe thiết giáp; sửa chữa hàng trăm lượt xe ô tô; đóng mới hàng nghìn thùng đạn phục vụ niêm cất; duy trì ổn định hệ số kỹ thuật; giữ gìn tuyệt đối an toàn kho tàng, trạm, xưởng, an toàn giao thông; bảo đảm VKTBKT đồng bộ theo quy định. Qua kiểm tra, Bộ Quốc phòng và Tổng cục Kỹ thuật đánh giá VKTBKT do LLVT Quân khu quản lý luôn đảm bảo yêu cầu, nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu.

Một trong những yếu tố quan trọng góp phần khai thác nguồn lực địa phương phục vụ công tác BĐKT là công tác xây dựng Ngành vững mạnh về mọi mặt. Vì thế, Đảng ủy, chỉ huy Ngành luôn chú trọng xây dựng cơ quan, đơn vị kỹ thuật không chỉ đủ khả năng thực hiện tốt vai trò nòng cốt về công tác BĐKT quân sự, mà còn có năng lực làm tham mưu và tổ chức thực hiện khai thác có hiệu quả các nguồn lực của địa phương phục vụ cho công tác BĐKT. Trong đó, Ngành đặc biệt chú trọng gắn kết giữa xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện với xây dựng, củng cố tổ chức đảng trong sạch vững mạnh; thực hiện tốt Cuộc vận động "Xây dựng chỉnh đốn Đảng" theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2), khóa VIII; Kết luận Hội nghị Trung ương 4 (khóa IX) và Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Đảng ủy, chỉ huy Ngành tập trung chăm lo, kiện toàn đội ngũ cấp ủy viên và bí thư các cấp vững mạnh; giữ vững nguyên tắc lãnh đạo tập trung dân chủ; giải quyết tốt các mối quan hệ giữa lãnh đạo, chỉ huy, giữa cấp trên và cấp dưới, tạo sự thống nhất cao về ý chí và hành động, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, nâng cao chất lượng công tác kỹ thuật, cũng như khai thác có hiệu quả nguồn lực tại chỗ phục vụ công tác BĐKT quân sự. Kết quả phân tích chất lượng tổ chức đảng và đảng viên hằng năm có 100% chi bộ đạt trong sạch, vững mạnh, Đảng bộ trong sạch, vững mạnh; trong đó, có trên 96% đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ... Ngành còn tham mưu cho lãnh đạo, chỉ huy các cấp trong tạo nguồn, sắp xếp, bố trí, sử dụng cán bộ kỹ thuật phù hợp với chức trách, nhiệm vụ được giao; nâng cao chất lượng huấn luyện kỹ thuật, động viên và tạo mọi điều kiện cho cán bộ chỉ huy, quản lý, nhân viên kỹ thuật, chiến sĩ được học tập chuyên môn, nghiệp vụ theo hướng: giỏi một nghề, biết nhiều nghề, đáp ứng kịp thời yêu cầu, nhiệm vụ; kết hợp huấn luyện với thực hiện Ngày kỹ thuật, nâng cao kỹ năng quản lý khai thác, sử dụng các loại VKTBKT. Nhờ đó, đội ngũ cán bộ, nhân viên của cơ quan, đơn vị, cơ sở kỹ thuật không chỉ nắm chắc thực trạng VKTBKT do đơn vị quản lý, sử dụng, mà còn làm tốt vai trò tham mưu cho địa phương huy động các nguồn lực phục vụ công tác BĐKT cho các đơn vị LLVT sẵn sàng chiến đấu và làm nhiệm vụ thường xuyên trên địa bàn.

Đại tá TRẦN HÙNG THẮNG

Chủ nhiệm Kỹ thuật Quân khu

 

Ý kiến bạn đọc (0)