QPTD -Thứ Bảy, 17/09/2011, 23:41 (GMT+7)
Kinh nghiệm chỉ đạo, tổ chức xây dựng điểm đơn vị dân quân biển ở Khánh Hòa

Dân quân biển (DQB) là một bộ phận của lực lượng dân quân, tự vệ, hoạt động chủ yếu trên biển; có nhiệm vụ phối hợp với các lực lượng khác bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biển, đảo của Tổ quốc.

 Là tỉnh ven biển ở Nam Trung Bộ, Khánh Hoà có 6 huyện, thị, thành phố có biển, trong đó có huyện đảo Trường Sa. Vì vậy, đối với Khánh Hoà, xây dựng DQB vững mạnh là vấn đề có ý nghĩa quan trọng, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế biển kết hợp với tăng cường quốc phòng-an ninh (QP-AN) trên biển trong tình hình mới.

Nhận thức đúng điều đó, quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng; được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Đảng uỷ, Bộ Tư lệnh Quân khu 5, Đảng uỷ, Bộ Chỉ huy Quân sự ( BCHQS) Tỉnh đã chủ động, tích cực tham mưu, đề xuất với Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân Tỉnh nhiều chủ trương, giải pháp xây dựng lực lượng dân quân, tự vệ nói chung, DQB nói riêng. Hiện nay, ở Khánh Hoà, 100% các xã, phường ven biển đã tổ chức đơn vị DQB. Lực lượng này được huấn luyện theo đúng chương trình quy định; đội ngũ cán bộ các cấp thường xuyên được củng cố, bồi dưỡng, đào tạo cả về năng lực và phẩm chất; chế độ, chính sách, phương tiện, trang bị từng bước được đảm bảo một cách đồng bộ. Nhờ đó, DQB hoạt động ngày càng hiệu quả, đáp ứng yêu cầu bảo vệ an ninh chính trị, trật tự, an toàn trên biển và cơ sở..., thực sự trở thành chỗ dựa tin cậy của hệ thống chính trị ở cơ sở trong giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn trên biển. Yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, mà trực tiếp là bảo vệ chủ quyền, an ninh biển, đảo trong tình hình mới, đòi hỏi phải xây dựng lực lượng DQB vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức, hiệu quả hoạt động cao. Trong khi đó, lực lượng DQB của Tỉnh mới đạt tỷ lệ khoảng 3,1% so với số lao động hoạt động trên biển (đạt 1,2% so với dân số); tỷ lệ phương tiện tầu, thuyền có tổ chức DQB mới chỉ đạt 14,5% so với tổng phương tiện hoạt động trên biển; việc phối hợp giữa DQB với các lực lượng ở các ngư trường chưa tốt; trang bị, phương tiện hỗ trợ và thông tin còn lạc hậu, thiếu đồng bộ… Mặc dù, tỷ lệ đảng viên trong DQB đạt khoảng 9,2%, đoàn viên 44,45%, nhưng tỷ lệ đảng viên giữa các đơn vị DQB không đều.

Để tiếp tục xây dựng DQB vững mạnh, một trong những chủ trương quan trọng, mang tính đột phá của BCHQS Tỉnh là tập trung chỉ đạo, tổ chức xây dựng mô hình điểm đơn vị dân quân biển vững mạnh. Mục đích của chủ trương này là nhằm tạo mô hình, rút ra bài học kinh nghiệm để nhân rộng ra các xã, phường ven biển khác. Thực hiện Chỉ thị số 04/CT - BQP ngày 26/1/2007 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng “Về tăng cường chỉ đạo xây dựng lực lượng dân quân, tự vệ hoạt động trên biển” và Hướng dẫn số 536/HD - TM của Bộ Tổng Tham mưu và những kế hoạch, hướng dẫn của các cơ quan chức năng, BCHQS Tỉnh đã chủ động khảo sát, đánh giá chất lượng công tác xây dựng DQB trên địa bàn, nhất là ở những địa bàn trọng yếu, địa bàn còn nhiều yếu kém. Sau khi nghiên cứu tình hình mọi mặt, căn cứ vào đặc điểm, vị trí quan trọng về QP-AN của xã đảo Cam Bình, BCHQS Tỉnh đã tham mưu với Uỷ ban nhân nhân Tỉnh ra Quyết định 842/QĐ-UBND “Về việc thành lập và xây dựng điểm Trung đội dân quân hoạt động trên biển ở xã đảo Cam Bình, thị xã Cam ranh”; đồng thời, chỉ đạo cơ quan quân sự thị xã Cam Ranh tham mưu với cấp uỷ, chính quyền cùng cấp xây dựng, ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Đến nay, Trung đội DQB ở Cam Bình đã được thành lập và đi vào hoạt động có hiệu quả. Trung đội gồm 28 đồng chí, chủ yếu là những ngư dân ở địa phương, có sức khoẻ tốt, chất lượng chính trị đảm bảo theo quy định; được biên chế thành 3 tiểu đội, mỗi tiểu đội có từ 2 đến 3 tổ (1 tổ có từ 3 đến 5 dân quân bố trí trên 1 tầu, thuyền); khi hoạt động được trang bị công cụ hỗ trợ, phương tiện cứu hộ, cứu nạn, phương tiện phục vụ công tác tuyên truyền. Từ thực tiễn chỉ đạo, tổ chức xây dựng Trung đội dân quân biển Cam Bình, BCHQS Tỉnh rút ra một số kinh nghiệm.

Trước hết, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của lực lượng DQB cho mọi đối tượng, nhất là đối với cấp uỷ, chính quyền địa phương, cơ sở và lãnh đạo, chỉ huy cơ quan quân sự các địa phương, cơ sở ven biển. Công tác tuyên truyền, giáo dục phải được tiến hành thường xuyên, sát với thực tế địa phương; đồng thời, nội dung, hình thức tuyên truyền phải luôn đổi mới, phù hợp với từng đối tượng. Đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên, Tỉnh đã chú trọng kết hợp tuyên truyền, giáo dục với bồi dưỡng những kiến thức cơ bản về biển, tiềm năng, thế mạnh của biển, đảo đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; nhất là Nghị quyết Trung ương 4 (khoá X) “Về chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”, Pháp lệnh Dân quân tự vệ, Luật biển quốc tế và việc áp dụng Luật biển quốc tế vào các vùng biển, đảo của Việt Nam. Đẩy mạnh tuyên truyền về sự cần thiết phải xây dựng, tổ chức lực lượng DQB, cùng chức năng, nhiệm vụ của lực lượng này; đồng thời, chú trọng nâng cao kiến thức, khả năng tác chiến, phương pháp xử lý đối với những vấn đề nhạy cảm trong các mối quan hệ quốc tế của Việt Nam về biên giới, hải đảo; giải quyết kịp thời, có hiệu quả các vụ việc xảy ra trên biển. Tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho các đối tượng về nội dung cơ bản, kết quả thực hiện các văn bản pháp lý về biển, đảo mà Việt Nam đã ký với các nước láng giềng, các nước có liên quan; những thành tựu phát triển KT-XH, tăng cường QP-AN của các địa phương ven biển; sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, cấp uỷ, chính quyền địa phương và nhân dân cả nước với các lực lượng làm nhiệm vụ trên biển, đảo nói chung, với DQB nói riêng. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mọi người dân, trước hết là cán bộ, đảng viên về nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biển, đảo của Tổ quốc.

Hai là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền địa phương, cơ sở đối với nhiệm vụ xây dựng đơn vị điểm DQB. Lực lượng DQB đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của cấp uỷ, chính quyền cơ sở và sự chỉ đạo về quân sự của cơ quan quân sự cấp trên, đây là vấn đề vừa mang tính nguyên tắc, vừa là đòi hỏi của thực tiễn. Cấp ủy, chính quyền các cấp, từ tỉnh xuống đến xã, phải xây dựng được hệ thống các văn bản chỉ đạo, kế hoạch, tổ chức thực hiện điểm của Ban Chỉ đạo; xây dựng được quy chế làm việc, quy định rõ trách nhiệm của từng thành viên. Đối với cấp xã, các thành viên Ban Chỉ đạo phải là cán bộ chủ chốt của cấp ủy, chính quyền và ban, ngành, đoàn thể, trong đó Trưởng ban là Chủ tịch ủy ban nhân dân. BCHQS Tỉnh phải tích cực chỉ đạo cơ quan quân sự cấp dưới tập trung giúp cấp uỷ, chính quyền cơ sở thực hiện tốt cơ chế “Đảng lãnh đạo, chính quyền quản lý, điều hành theo pháp luật, các cơ quan, ban ngành làm tham mưu theo chức năng, cơ quan quân sự, công an làm trung tâm hiệp đồng…”. Trong quá trình tổ chức thực hiện điểm xây dựng DQB ở xã Cam Bình, BCHQS Tỉnh đã chỉ đạo cơ quan quân sự thị xã Cam Ranh phối hợp với cấp uỷ, chính quyền xã xây dựng các mốc thời gian, phương pháp tổ chức xây dựng DQB phù hợp; thực hiện tốt các bước: xây dựng các văn bản chỉ đạo, khảo sát tình hình, tổ chức xây dựng lực lượng, huấn luyện, củng cố nâng cao chất lượng tổng hợp, sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm...

Ba là, tập trung xây dựng đơn vị DQB vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Để thực hiện tốt, trước hết, cơ quan quân sự đã chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương lập kế hoạch, tiến trình biểu công tác giáo dục, huấn luyện chính trị, quân sự phù hợp với hoạt động của ngư dân. Để đảm bảo tổ chức chặt chẽ, cơ cấu, thành phần phù hợp, có số lượng, tỷ lệ hợp lý, chất lượng cao, nhất là chất lượng chính trị, phải hết sức chú trọng khâu tuyển chọn, đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định của Pháp lệnh Dân quân tự vệ và Thông tư 171/2004/TT-BQP ngày 15/12/2004 của Bộ Quốc phòng, trong đó phải đặt tiêu chuẩn chính trị lên hàng đầu, ưu tiên các đảng viên hoặc nguồn phát triển đảng viên, đoàn viên; đồng thời, quan tâm đúng mức đến các tiêu chuẩn trình độ văn hóa, sức khỏe, những người chủ tàu, thuyền có kinh nghiệm hoạt động trên biển, gắn bó với nghề nghiệp và làm việc ổn định trên tầu, thuyền. Trong vấn đề này, Cam Bình rất coi trọng lực lượng bộ đội xuất ngũ, lựa chọn trong số này những người có kinh nghiệm hoạt động trên biển để bổ nhiệm làm tiểu đội trưởng, trung đội trưởng quản lý, chỉ huy, huấn luyện của đơn vị DQB. Về tổ chức, Cam Bình thực hiện gắn chặt tổ chức lực lượng DQB với tổ chức sản xuất; căn cứ vào điều kiện, tính chất, quy mô sản xuất, số lượng và công suất phương tiện sản xuất, kinh doanh trên biển để tuyển chọn, tổ chức DQB theo hướng gọn theo ngành nghề sản xuất, ngư trường đánh bắt, gắn với các loại hình tổ chức sản xuất, dòng họ để tiện cho việc quản lý, chỉ huy và huy động lực lượng khi cần thiết.

Bốn là, tập trung nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu cho đơn vị DQB. Đây là mặt công tác quan trọng, bảo đảm cho DQB có đủ trình độ và khả năng hoàn thành nhiệm vụ cả trong thời bình và thời chiến. Trong huấn luyện, BCHQS Tỉnh chỉ đạo thực hiện tốt phương châm “Cơ bản, thiết thực, chất lượng”; lấy đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm khâu then chốt, nhất là cán bộ quân sự trực tiếp huấn luyện. Thực hiện tốt các khâu, các bước chuẩn bị huấn luyện, như: chuẩn bị tài liệu, tập huấn cán bộ, lựa chọn địa điểm, thời điểm huấn luyện phù hợp với đặc điểm hoạt động sản xuất trên ngư trường. Trong huấn luyện luôn đảm bảo chương trình, thời gian, quân số theo quy định; nội dung huấn luyện tập trung nâng cao trình độ kỹ thuật, chiến thuật trong chiến đấu và phương pháp bảo vệ trật tự, trị an trên biển, đảo; chú trọng phương pháp phối hợp, hiệp đồng tác chiến với các lực lượng cùng làm nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và cứu nạn, cứu hộ trên biển. Cùng với đó, coi trọng việc tổ chức hội thao, hội thi, thanh tra, kiểm tra, sơ kết, tổng kết…, qua đó tìm ra những biện pháp thích hợp khắc phục khâu yếu, mặt yếu để không ngừng nâng cao chất lượng huấn luyện.

Năm là, thực hiện tốt công tác bảo đảm chế độ, chính sách đối với DQB. Cùng với việc thực hiện tốt các quy định của Chính phủ về nguồn kinh phí bảo đảm trang phục, trang bị kỹ thuật, công cụ hỗ trợ, phương tiện thông tin liên lạc và chi trả ngày công, phụ cấp trách nhiệm cho cán bộ, chiến sĩ DQB, Tỉnh hết sức quan tâm đến bảo đảm chế độ, chính sách đối với họ khi bị tai nạn, bị thương hoặc hy sinh trong quá trình huấn luyện và thực hiện nhiệm vụ. Tuy nhiên, do điều kiện kinh phí của địa phương có hạn, nên việc thực hiện vấn đề trên còn chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của lực lượng này. Trong thời gian tới, cấp ủy, chính quyền các cấp trong Tỉnh sẽ tiếp tục nghiên cứu, vận dụng sát hợp với địa phương, cơ sở, để công tác đảm bảo chế độ, chính sách cho DQB đạt hiệu quả thiết thực hơn. Trong tình hình hiện nay, cấp ủy, chính quyền địa phương cần chú trọng hơn việc tăng cường trang bị phương tiện thông tin liên lạc một cách đồng bộ, hiện đại cho cơ quan quân sự, đồn biên phòng, xây dựng cơ chế bảo đảm thông tin giữa các lực lượng…, để nâng cao chất lượng thông tin, liên lạc, đảm bảo khi có tình huống xảy ra, các thông tin đến được nơi cần xử trí một cách chính xác, nhanh chóng.

Xây dựng lực lượng DQB vững mạnh là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, nhất là cấp uỷ, chính quyền địa phương, cơ sở ven biển. Thực hiện tốt vấn đề này là thiết thực tăng cường thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân trên biển, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biển, đảo của Tổ quốc trong tình hình hiện nay theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khoá X) của Đảng.

Đại tá Trần Văn Hạnh

Chỉ huy trưởng BCHQS Tỉnh

 

Ý kiến bạn đọc (0)