QPTD -Thứ Hai, 05/09/2011, 23:25 (GMT+7)
Kiên định luận điểm của Các Mác về sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân

Trước C.Mác, bên cạnh các tôn giáo nêu ý tưởng giải phóng con người khỏi những khổ ải trần gian bằng niềm tin vào một thế giới vĩnh hằng, có những nhà hoạt động xã hội, với lòng nhân ái vị tha, thực hiện sự giải phóng người lao động nghèo khổ bằng kêu gọi lòng tốt của giai cấp tư sản và tự mình xây dựng mô hình xã hội lý tưởng để giai cấp tư sản noi theo(!) Đó là những nhà “Xã hội chủ nghĩa không tưởng”. Tính không tưởng trong học thuyết của họ chủ yếu là xây dựng xã hội không dựa trên sự phát triển kinh tế-xã hội, mà bằng sự ban phát của những người hảo tâm, làm việc từ thiện. C. Mác đã kế thừa có tính phê phán chủ nghĩa xã hội (CNXH) không tưởng và coi đó là một trong ba nguồn gốc xây dựng nên học thuyết của mình. Với thế giới quan duy vật biện chứng về lịch sử, nhận thức bản chất của xã hội tư sản từ cơ sở kinh tế, C. Mác phát hiện ra lực lượng xã hội có khả năng cải tạo xã hội cũ, xây dựng xã hội mới là giai cấp công nhân, và khẳng định, trong sự nghiệp tự giải phóng của nhân loại cần lao, giai cấp công nhân là nòng cốt, đóng vai trò lãnh đạo. Đấy là điểm mấu chốt trong học thuyết XHCN của C. Mác, khác về chất với CNXH không tưởng; hay nói cách khác, là điểm mấu chốt phát triển CNXH từ không tưởng đến khoa học. Sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội, giải phóng con người, đạt đến mục tiêu "Thay cho xã hội tư sản cũ, với những giai cấp và đối kháng giai cấp của nó, sẽ xuất hiện một liên hợp, trong đó sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người”1.

Đặt vấn đề tại sao giai cấp công nhân có sứ mệnh lịch sử đó mà không phải một giai cấp nào khác, C. Mác, Ph.Ăng-ghen viết: “Trong tất cả các giai cấp hiện đang đối lập với giai cấp tư sản thì chỉ có giai cấp vô sản là giai cấp thực sự cách mạng. Tất cả các giai cấp khác đều suy tàn và tiêu vong cùng với sự phát triển của đại công nghiệp, còn giai cấp vô sản lại là sản phẩm của bản thân nền đại công nghiệp”2. Cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản  không phải mưu cầu lợi ích cho thiểu số như các phong trào trong lịch sử trước đây, mà là cho tuyệt đại đa số. Cuộc đấu tranh đó không phải chỉ dừng lại ở việc cải thiện cuộc sống cho người lao động trong phạm vi tồn tại của chủ nghĩa tư bản (CNTB), mà đạt đến mục tiêu giành chính quyền về tay giai cấp công nhân và nhân dân lao động; từ đó, phát huy quyền làm chủ xã hội của toàn dân xây dựng chế độ xã hội mới không có áp bức, bóc lột. Hình thức giành chính quyền để thiết lập quyền làm chủ của nhân dân lao động phụ thuộc vào quan hệ và so sánh lực lượng giai cấp cũng như tiến trình cách mạng diễn ra ở mỗi quốc gia, dân tộc; do đó, ở mỗi thời kỳ lịch sử khác nhau, có hình thức khác nhau.

Từ phát hiện thiên tài về sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân, C. Mác xây dựng hệ tư tưởng cho giai cấp đó bằng tổng kết các phong trào cách mạng thế giới, trực tiếp là phong trào công nhân ở Anh, Pháp và Đức - những nước tư bản phát triển lúc bấy giờ. Hệ tư tưởng đó được truyền bá và thấm sâu vào giai cấp công nhân, đã dần dần chuyển hoá giai cấp công nhân từ “giai cấp tự nó” thành “giai cấp vì mình”; từ giác ngộ “công đoàn chủ nghĩa” đến giác ngộ sứ mệnh lịch sử của giai cấp; từ đấu tranh kinh tế lên đấu tranh chính trị. Quá trình kết hợp chủ nghĩa Mác với phong trào công nhân đã tập hợp được một đội ngũ những người tiên tiến nhất thành Đảng Cộng sản - đội tiên phong của giai cấp công nhân. Đến lúc này, giai cấp công nhân từ “một khối quần chúng sống tản mạn trong cả nước và bị cạnh tranh chia rẽ” đã cố kết thành giai cấp có hệ tư tưởng độc lập và có chính đảng, bộ tham mưu lãnh đạo. Công xã Pa-ri là thành quả đầu tiên (dù chỉ tồn tại mấy tháng), phản ánh sức mạnh cố kết giai cấp và sự giác ngộ sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân. Liên Xô, với sự tồn tại của chính quyền xô-viết hơn 70 năm (mà sự sụp đổ có nguyên nhân cụ thể, không phải CNXH là một hiện tượng “trái thời”) và sự ra đời của nhiều nước XHCN khác, trong đó có nước ta, là những minh chứng cho tính khoa học và cách mạng của học thuyết Mác về sứ mệnh lịch sử toàn thế giới của giai cấp công nhân. Không vì sự sụp đổ của hệ thống XHCN mà phủ nhận nguyên lý cơ bản này của CNXH mác-xít - CNXH khoa học.

Ngày nay, trên mặt trận tư tưởng, lý luận, ở phạm vi thế giới và ở nước ta, trực tiếp hay gián tiếp, bằng các luận giải khác nhau, người ta đang mưu toan bác bỏ vấn đề cơ bản, hàng đầu này của chủ nghĩa Mác. Đáng chú ý là lập luận của CNXH dân chủ. Họ vẫn chia người lao động thành hai bộ phận “lao động cổ xanh” và “lao động cổ trắng”; coi “lao động cổ trắng” không phải là một bộ phận của giai cấp công nhân hiện đại. Từ quan niệm, cùng với sự phát triển của kinh tế tri thức và khoa học kỹ thuật, cơ cấu ngành nghề không ngừng nâng cấp, cơ cấu đội ngũ sản nghiệp cũng đang thay đổi, thể hiện chủ yếu ở chỗ, tầng lớp “cổ xanh” lấy lao động chân tay là chính, đang giảm mạnh, tầng lớp “cổ trắng” lấy lao động trí óc làm chính, đang nhanh chóng mở rộng, họ kết luận rằng: giai cấp công nhân – bộ phận được “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” coi là quân chủ lực, đối địch với giai cấp tư sản, đã “biến thành thiểu số”, mà mức sống của thiểu số này, ngày nay, đã được nâng cao, nên “họ chẳng cần vùng lên làm cách mạng nữa!”... "Giai cấp công nhân không gửi gắm niềm tin vào sự diệt vong của CNTB mà trái lại, vào sự phát triển cao của CNTB!". Theo những người xã hội dân chủ, họ mới chính là đại biểu cho lợi ích của giai cấp công nhân và lợi ích chung của toàn xã hội, có cơ sở giai cấp và cơ sở quần chúng rộng rãi,v.v. và v.v.

Những lập luận trên nhằm biện luận cho sự tồn tại vĩnh viễn của CNTB; khẳng định không còn đối lập giai cấp trong CNTB ở các nước Tây Âu và Mỹ, bởi theo họ, giai cấp công nhân sẽ bị triệt tiêu cùng với sự phát triển của kinh tế tri thức, và như vậy thì luận điểm về sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân do C. Mác phát hiện đã lỗi thời. Có những người lại lấy sự tăng trưởng kinh tế và mức thu nhập bình quân cao ở các nước Bắc Âu, đề xuất lý thuyết về một “CNXH phân phối”, không TBCN mà cũng không XHCN, để bác bỏ vai trò của Đảng Cộng sản, gián tiếp phủ nhận sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân.

Những luận điệu trên gây nên những mơ hồ, hoài nghi nhất định đối với sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân Việt Nam. Không phải không có những ý kiến xem xét, đánh giá giai cấp công nhân Việt Nam sai lệch, khi họ chỉ nêu lên những hạn chế, yếu kém và nặng nhìn các chủ doanh nghiệp ở số lượng vốn và khả năng kinh doanh. Do đó, khi nêu “chủ lực quân” của đất nước trong sự nghiệp CNH, HĐH, họ đã loại bỏ “kho người làm” (giai cấp công nhân) và chỉ tôn vinh “người lo” (giới chủ doanh nghiệp).

Rõ ràng, ở đây có sự thiếu quan điểm lịch sử trong nhận thức và đánh giá giai cấp công nhân nước ta. Do đặc điểm của thời đại, sự phát triển không đều của chủ nghĩa đế quốc, cách mạng XHCN đã thành công đầu tiên trong một nước (nước Nga) bằng cuộc cách mạng vô sản và sau đó đã thành công trong nhiều nước, cả ở nước ta, bằng cuộc cách mạng dân chủ nhân dân, trong đó, chủ lực quân là công nông, dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân với đội tiên phong là Đảng Cộng sản. Do đặc thù lịch sử của mỗi quốc gia, dân tộc khác nhau, con đường tiến lên CNXH cũng không giống nhau. Đương nhiên, đối với nước ta, tiến lên CNXH từ cách mạng dân tộc, dân chủ với nền kinh tế chậm phát triển, phải diễn ra lâu dài hơn các nước đã trải qua phát triển TBCN. Chúng ta phải xây dựng cơ sở vật chất- kỹ thuật đảm bảo tạo dựng cơ sở kinh tế cho CNXH bằng công cuộc CNH, HĐH. Đó là sự nghiệp của toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam – Đảng của giai cấp công nhân Việt Nam.

Mặc dầu giai cấp công nhân nước ta còn những hạn chế, nhất là “Địa vị chính trị của giai cấp công nhân chưa thể hiện đầy đủ”3, do “Giác ngộ giai cấp và bản lĩnh chính trị của công nhân không đồng đều;...”4, nhưng không có giai cấp, tầng lớp xã hội nào ở nước ta thay thế được vai trò của giai cấp công nhân - một giai cấp mà tiền đồ phát triển của nó gắn liền với tiến trình phát triển của cách mạng nước ta. Đúng như Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X đã khẳng định: Giai cấp công nhân Việt Nam là “giai cấp lãnh đạo cách mạng thông qua đội tiền phong là Đảng Cộng sản Việt Nam; giai cấp đại diện cho phương thức sản xuất tiên tiến; giai cấp tiên phong trong sự nghiệp xây dựng CNXH, lực lượng đi đầu trong sự nghiệp CNH, HĐH đất nước vì mục tiêu dân giầu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; lực lượng nòng cốt trong liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng”5. Trong hai cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, giai cấp công nhân chính là lực lượng tiên phong, nòng cốt của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tham gia lực lượng vũ trang ở các đô thị từ những ngày đầu kháng chiến và là một bộ phận kiên cường đấu tranh chính trị trong lòng địch; đồng thời, có công sức to lớn cung cấp sản phẩm công nghiệp, đặc biệt là trang bị, vũ khí cho toàn dân đánh giặc. Trong sự nghiệp xây dựng đất nước, giai cấp công nhân là lực lượng lao động đi đầu trong quá trình CNH, HĐH; có mặt trong tất cả các thành phần kinh tế, các ngành nghề; là một lực lượng sản xuất kinh doanh, vận hành và sử dụng các công cụ sản xuất tiên tiến, hiện đại; có vai trò quan trọng trong quá trình phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập kinh tế quốc tế, hằng năm đã tham gia tạo ra hơn 70% sản phẩm trong nước. Họ luôn là lực lượng quan trọng, trực tiếp tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, đi đầu trong thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng và bảo vệ Tổ quốc theo đường lối đổi mới của Đảng. Không gì có thể phủ nhận giai cấp công nhân nước ta là nòng cốt trong các giai cấp, tầng lớp và thành phần xã hội đang làm chủ nước nhà; là cơ sở chính trị-xã hội vững chắc của Đảng, Nhà nước và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc XHCN. Ngày nay, giai cấp công nhân Việt Nam đã có những chuyển biến quan trọng, tăng nhanh về số lượng, đa dạng về cơ cấu, chất lượng đã có bước nâng cao; bộ phận công nhân trí thức đã hình thành với số lượng ngày càng đông.

Để giai cấp công nhân nước ta ngày càng lớn mạnh, thực hiện tốt sứ mệnh lịch sử của mình trong sự nghiệp đổi mới, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 6 (khóa X) đã đề ra một số giải pháp quan trọng: Thứ nhất, tiếp tục nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận về giai cấp công nhân trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN, đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế. Thứ hai, đẩy mạnh và nâng cao chất lượng đào tạo nghề, từng bước trí thức hoá giai cấp công nhân. Thứ ba, quan tâm bồi dưỡng, nâng cao trình độ chính trị, ý thức giai cấp, tinh thần dân tộc cho giai cấp công nhân. Thứ tư, bổ sung, sửa đổi, xây dựng và thực hiện nghiêm hệ thống chính sách, pháp luật để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của giai cấp công nhân; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân. Thứ năm, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò của tổ chức Công đoàn và các tổ chức chính trị-xã hội khác trong xây dựng giai cấp công nhân. Đây là những vấn đề vừa mang ý nghĩa lâu dài, vừa đáp ứng đòi hỏi cấp thiết của sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh CNH, HĐH ở nước ta hiện nay.

Phù hợp với quy luật lịch sử của quá trình phát triển, và có Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, giai cấp công nhân Việt Nam nhất định sẽ vươn tới trình độ cao của quá trình phát triển tự giác, hoàn thành xuất sắc sứ mệnh lịch sử được giao.

Đại tá, PGS. Hồ Kiếm Việt

 ___________

1- C. Mác – Ph. Ăng-ghen - Toàn tập, Tập 4, Nxb. CTQG-ST, H. 1995, tr 628.

2- Sđd, tr. 610.

3, 4, 5 - Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X, Báo Nhân dân, ngày 19-02-2008.

Ý kiến bạn đọc (0)