QPTD -Chủ Nhật, 27/11/2011, 00:06 (GMT+7)
Khu kinh tế-quốc phòng Binh đoàn 16 kết hợp phát triển kinh tế với bố trí lại dân cư, tạo thế trận quốc phòng toàn dân trên địa bàn

Thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Binh đoàn 16 được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ triển khai Dự án khu kinh tế – quốc phòng (KT-QP), thực chất là xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) kết hợp với củng cố quốc phòng- an ninh (QP-AN) trên địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới thuộc các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước dọc tuyến biên giới nước bạn Cămpuchia với chiều dài 480 km. Nơi đây, địa hình chủ yếu là rừng núi; khí hậu khắc nghiệt, cơ sở hạ tầng KT- XH thấp kém; mật độ dân cư thưa thớt, có những vùng chưa có dân sinh sống, phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số, có đạo, di dịch cư tự do; giao thông rất khó khăn; văn hóa, giáo dục kém phát triển, trình độ dân trí thấp, phong tục, tập quán sinh hoạt còn lạc hậu, tỷ lệ hộ đói nghèo khá cao; lĩnh vực QP-AN chưa được củng cố, an ninh chính trị còn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn những nhân tố gây mất ổn định. Lợi dụng những đặc điểm đó, các thế lực thù địch đang ráo riết đẩy mạnh thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ. Bằng việc sử dụng các chiêu bài “dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo”, chúng ra sức tuyên truyền, xuyên tạc bóp méo các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, xúi dục, kích động một số đồng bào dân tộc thiểu số, hòng chia rẽ tổ chức Đảng, chính quyền với nhân dân địa phương, giữa đồng bào các dân tộc thiểu số trong vùng, giữa người Kinh và đồng bào dân tộc thiểu số, tạo cớ gây mất ổn định về chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới…

Trước tình hình đó và để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ được giao, Binh đoàn đã phối hợp chặt chẽ với cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương tiến hành điều tra, khảo sát, lập quy hoạch và kế hoạch phát triển vùng dự án. Mục tiêu cơ bản, xuyên suốt mà Binh đoàn xác định là: lấy phát triển KT-XH là nhiệm vụ trọng tâm và phải được kết hợp chặt chẽ với củng cố QP-AN, làm cho mỗi bước phát triển KT- XH là một bước tăng cường tiềm lực, thế trận QP-AN trên địa bàn.
Trong các nội dung phát triển dự án khu KT- QP, công tác di dân được coi là một trong những mục tiêu quan trọng hàng đầu, nhằm bố trí lại các điểm, cụm dân cư để phát triển sản xuất, gắn với xây dựng tiềm lực và thế trận quốc phòng toàn dân; đặc biệt là trên các tuyến phòng thủ biên giới, vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng để sẵn sàng đối phó với các tình huống tác chiến xảy ra trên địa bàn. Tuy nhiên, công tác di dân, định canh, định cư trong vùng dự án là một vấn đề phức tạp, khó khăn, liên quan đến nhiều chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước và trách nhiệm của các cấp, các ngành, đặc biệt là cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương. Làm tốt công tác này sẽ tạo ra động lực thúc đẩy phát triển sản xuất, sớm ổn định cuộc sống của các hộ gia đình, giữ vững lòng tin vào đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, làm cho nhân dân yên tâm gắn bó xây dựng quê hương mới; tạo sự ổn định, phát triển KT- XH, phát triển các cụm, điểm dân cư, góp phần xóa đói, giảm nghèo cho nhân dân trong vùng dự án, đặc biệt là đồng bào các dân tộc tại chỗ.
Để thực hiện thắng lợi công tác di dân, bố trí lại các điểm, cụm dân cư, vấn đề quan trọng là phải tổ chức khai hoang, cấp đủ đất ở, đất canh tác cho các hộ dân theo quy định của Nhà nước và điều kiện cụ thể của vùng dự án. Đồng thời, tổ chức giao, nhận khoán vườn cây công nghiệp cho các hộ; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nước, điện, đường, trường, trạm, các cơ sở phúc lợi công cộng. Tổ chức hướng dẫn, tập huấn về quy trình kỹ thuật, về cung ứng vật tư nông nghiệp như: giống vật nuôi, cây trồng, phân bón; chế biến và tiêu thụ sản phẩm, làm "dịch vụ hai đầu" cho dân phát triển sản xuất, ổn định đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
Việc giải quyết nguồn vốn để xây dựng khu KT-QP nói chung, công tác di dân nói riêng là khâu có ý nghĩa quyết định thắng lợi các mục tiêu dự án. Binh đoàn đã chủ động cân đối vốn đầu tư các dự án khu KT-QP, gồm: vốn ngân sách Nhà nước, vốn ngân sách quốc phòng, vốn di dân, vốn vay tín dụng ưu đãi; riêng vốn di dân của địa phương đã đầu tư trên 45 tỷ đồng, của Trung ương đầu tư 13 tỷ đồng. Trong tổ chức di dân, Binh đoàn đã triển khai thực hiện các quyết định, văn bản hướng dẫn của Chính phủ, Bộ Quốc phòng và các thông tư, hướng dẫn thực hiện của các cơ quan Nhà nước về công tác bố trí, sắp xếp, ổn định và tiếp nhận dân cư. Đã đầu tư ngân sách cho công tác đỡ đầu, đón nhận với tổng số tiền là 17.032,4 triệu đồng; giúp đỡ đồng bào địa phương tham gia thực hiện dự án 3.783,4 triệu đồng để khai hoang phát triển sản xuất.
 Về phát triển kinh tế, các khu KT- QP đã khai hoang và trồng được 18.543,29 ha các loại cây công nghiệp; trong đó, cao su 2.261 ha, cà phê 1.476,13 ha, điều cao sản 14.793,65 ha, hồ tiêu 12,51 ha. Ngoài cây trồng, Binh đoàn chú trọng phát triển chăn nuôi với trên 1.400 con bò.
Xây dựng cơ sở hạ tầng được ưu tiên đi trước một bước, nhất là thời kỳ đầu của dự án. Binh đoàn đã xây dựng, nâng cấp 254,95 km đường giao thông dọc tuyến biên giới và nội vùng; xây dựng và đưa vào khai thác 80,08 km đường điện trung hạ áp; xây dựng, cải tạo 43 hồ, đập nước thủy lợi; xây dựng 74.381m2 nhà ở các loại, 28.919 m2 doanh trại, 6.820m2 trường học, 6.869m2 bệnh viện, bệnh xá, 5.936m2 nhà văn hóa, 6.426m2 nhà trẻ, mẫu giáo, 14.290,92m2 nhà đội sản xuất, 182m2 chợ nông thôn và nhiều công trình khác. Ngoài ra, Binh đoàn đã cùng các địa phương Thanh Hóa, Bến Tre xây dựng và đưa vào sử dụng, khai thác có hiệu quả 1.408 căn nhà với 56.320m2 phục vụ tốt cho sản xuất và đời sống dân sinh - xã hội.
Trong quy hoạch bố trí dân cư, Binh đoàn đã bố trí 68 cụm, điểm dân cư trong 8 khu KT- QP theo kế hoạch phát triển vùng dự án, hình thành các làng, bản, thị tứ, thị trấn chạy dọc tuyến biên giới. Đến nay đã có 4.435 hộ dân tham gia vùng dự án với gần 22.000 nhân khẩu và 10.000 lao động, chủ yếu là dân các tỉnh Bến Tre, Thanh Hóa và số dân di dịch cư tự do. Nhiều vùng, mấy năm trước còn hoang vu, thưa vắng dân cư, đến nay đã trở thành những cụm, làng, bản từng bước khởi sắc trên vành đai biên giới.
Việc quy hoạch bố trí dân cư của Binh đoàn gần 8 năm qua đã tạo thêm tiềm lực về KT-XH. Năm 2006 Chính phủ đã quyết định thành lập 4 xã và 1 huyện mới thuộc vùng dự án.
Để tập trung ổn định dân cư, Binh đoàn đã phối hợp cùng chính quyền địa phương giải quyết cấp đất làm nhà, đất canh tác cho toàn bộ các hộ tham gia dự án, bình quân đất ở 1.000m2/hộ, đất canh tác 1ha/hộ. Binh đoàn cũng đã thực hiện giao, nhận khoán vườn cây cho các hộ gia đình theo đúng chính sách quy định. Đến nay đã giao khoán cho 3.235 hộ với 3.235 ha đất sản xuất. Nhờ đó, đời sống các hộ gia đình trong vùng dự án đã từng bước được cải thiện, đồng bào yên tâm gắn bó xây dựng quê hương mới.
Nhờ làm tốt công tác di dân, bố trí lại dân cư, các khu KT-QP Binh đoàn 16 đã tạo được sự kết hợp hài hòa giữa phát triển KT-XH với tăng cường QP-AN trên địa bàn. Đây là nền tảng quan trọng để phát triển sản xuất và tạo lập thế trận quốc phòng toàn dân trên địa bàn, trước hết là “thế trận lòng dân”, cùng với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, góp phần xóa đói, giảm nghèo, thực hiện công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn miền núi vùng dự án.
Tuy vậy, các khu KT-QP trong vùng dự án còn gặp nhiều khó khăn trong công tác di dân. Đó là: thu nhập của các hộ gia đình vẫn còn thấp. Để phát triển kinh tế, các hộ phải vay vốn ngân hàng, nhưng do trình độ sản xuất thấp, đất đai bạc màu, năng suất thấp nên không đủ khả năng trả nợ khi đến kỳ hạn. Tình trạng du canh, du cư, di dân tự do, xâm lấn đất đai vẫn diễn ra ở nhiều nơi trong vùng, ảnh hưởng đến việc quy hoạch bố trí dân cư, sử dụng đất đai của địa phương và đơn vị. Mặc dù đã có chính sách hỗ trợ, song kinh phí cho công tác di dân còn quá hạn hẹp, chưa đáp ứng so với số lượng đã di dân để sớm ổn định cuộc sống cho các hộ gia đình, nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến nhịp độ sản xuất của nhân dân trong vùng và trong đơn vị.
Đi đôi với phát triển KT-XH, Binh đoàn chú trọng thực hiện tốt nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, xây dựng tiềm lực và thế trận quốc phòng toàn dân trên địa bàn, trong đó đặc biệt quan tâm củng cố, xây dựng lực lượng khung thường trực và tổ chức lực lượng tự vệ phù hợp với tổ chức sản xuất theo mô hình khu KT-QP. Trên cơ sở cơ cấu tổ chức biên chế, mỗi trung đoàn (Đoàn KT-QP) xây dựng một đại đội tự vệ có đủ số lượng, bảo đảm chất lượng, sẵn sàng cơ động làm nhiệm vụ khi có tình huống xảy ra. Lực lượng tự vệ được tổ chức chặt chẽ, đặt dưới sự chỉ huy thống nhất của Binh đoàn nên hoạt động ngày càng hiệu quả. Để nâng cao chất lượng các đơn vị tự vệ, bảo đảm độ tin cậy về chính trị, Binh đoàn chú trọng tuyển chọn nguồn cơ bản đủ theo biên chế và thường xuyên tổ chức giáo dục, huấn luyện, không ngừng nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ kỹ, chiến thuật. Những người được tuyển chọn vào lực lượng tự vệ phải đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định, trước hết là tiêu chuẩn về chính trị, kiên quyết không chọn những người có nguồn gốc không rõ ràng, có các mối quan hệ phức tạp. Binh đoàn thường xuyên coi trọng công tác giáo dục chính trị, huấn luyện quân sự theo nội dung, chương trình quy định, phù hợp với đặc điểm, điều kiện trên địa bàn và nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng tự vệ, bảo đảm cho lực lượng tự vệ thực sự là nòng cốt trong công tác vận động quần chúng và là lực lượng chiến đấu trực tiếp, tại chỗ, sẵn sàng bảo vệ dân, bảo vệ thành quả sản xuất, bảo vệ an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ biên cương Tổ quốc. Tuy mới được xây dựng, đang trong quá trình hoàn thiện, nhưng lực lượng tự vệ của Binh đoàn bước đầu đã làm tốt vai trò nòng cốt trong hoạt động QP-AN, trong sản xuất, tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện kế hoạch sản xuất, phát triển kinh tế hộ gia đình, trở thành chỗ dựa tin cậy, vững chắc cho nhân dân và đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn yên tâm định canh, định cư, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế, gắn phát triển kinh tế với bảo vệ vùng dự án, từng bước tăng cường tiềm lực và thế trận quốc phòng toàn dân trên địa bàn, nhất là trên tuyến biên giới, vùng sâu, vùng xa trong vùng dự án. Ngoài việc xây dựng lực lượng tự vệ cơ động bảo vệ địa bàn, Binh đoàn đang triển khai tổ chức thực hiện quy định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về thành lập sư đoàn dự bị động viên 16, trên cơ sở động viên lực lượng tại chỗ sẵn có và thực hiện động viên lực lượng dự bị của 2 tỉnh Bình Phước, Bình Dương đủ số lượng của sư đoàn dự bị trong thời bình, tổ chức biên chế huấn luyện sẵn sàng làm nhiệm vụ và chuyển trạng thái trong thời chiến. Đây vừa là mục tiêu, vừa là nhiệm vụ xuyên suốt cơ bản và lâu dài của Binh đoàn. 
Để thúc đẩy nhanh tiến độ xây dựng khu KT-QP, Binh đoàn kiến nghị Nhà nước, Chính phủ cần có chính sách thống nhất, phù hợp cho việc bố trí, sắp xếp ổn định dân cư trên địa bàn, kể cả với các đối tượng đi xây dựng kinh tế mới, di dân nội, ngoại tỉnh, dân di cư tự do, hộ gia đình cán bộ, công nhân viên về chính sách hỗ trợ di dời nhà cửa, trợ cấp tiền ăn, dụng cụ sản xuất, về nước sạch, chính sách đất đai… và nên giao cho một đầu mối (chủ dự án) quản lý, triển khai thực hiện. Đồng thời, cần tập trung đầu tư đồng bộ, đặc biệt là các công trình xây dựng cơ bản, cơ sở hạ tầng (chương trình mục tiêu quốc gia) để sớm ổn định cuộc sống, phát triển sản xuất cho nhân dân ổn định cuộc sống gắn bó lâu dài trong vùng dự án.
Thiếu tướng Nguyễn Doãn Não
Tư lệnh Binh đoàn
 

Ý kiến bạn đọc (0)