QPTD -Thứ Năm, 01/12/2011, 21:32 (GMT+7)
Không ngừng nâng cao sức mạnh chiến đấu của bộ đội Phòng không-Không quân đáp ứng nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc
Những năm qua, quán triệt và chấp hành nghiêm các chỉ thị, nghị quyết của Đảng ủy Quân sự Trung ương, Bộ Quốc phòng, bộ đội Phòng không-Không quân (PK-KQ) đã phát huy truyền thống anh hùng, không ngừng nâng cao ý thức tự lực, tự cường, chủ động, sáng tạo, vượt qua nhiều khó khăn, hoàn thành mọi nhiệm vụ chính trị được giao.

Nổi bật là các lực lượng đã duy trì nghiêm chế độ trực sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ) ở các cấp. Thực hiện “bốn biết” trong quản lý vùng trời, quản lý bay; đã quản lý vùng trời chặt chẽ, không để xảy ra các trường hợp thông báo sai, sót, lọt, chậm và hoang báo; làm tốt công tác quản lý, điều hành bay quốc gia, bảo đảm an toàn tuyệt đối. Hoàn thành các nhiệm vụ bay chuyên cơ, bay vận tải quân sự, bay trinh sát, tìm kiếm, cứu nạn… Tình hình chính trị, tư tưởng của bộ đội ổn định, nội bộ đoàn kết. Công tác rèn luyện kỷ luật, xây dựng chính quy có nhiều chuyển biến tích cực. Năm 2007, toàn Quân chủng đã tích cực hưởng ứng và thực hiện nghiêm chỉ thị của Bộ về “năm điều lệnh” trong toàn quân. Sáu tháng đầu năm 2007, số vụ vi phạm kỷ luật trong toàn Quân chủng giảm 44% so với cùng kỳ năm 2006.

Với chức năng được giao, Quân chủng còn tham mưu cho Bộ về công tác tác chiến, huấn luyện, không ngừng nâng cao trình độ, khả năng SSCĐ và phát triển lực lượng phòng không lục quân và phòng không dân quân, tự vệ cả về số lượng lẫn chất lượng, góp phần xây dựng thế trận phòng không nhân dân rộng khắp, liên hoàn, ngày càng vững chắc.
Hiện nay, yêu cầu, nhiệm vụ SSCĐ, quản lý vùng trời, các nhiệm vụ đột xuất khác của bộ đội PK-KQ khá nặng nề, đa dạng, phức tạp. Trước âm mưu thâm độc của các thế lực thù địch, trước đặc điểm mới của chiến tranh hiện đại, vị trí, vai trò của bộ đội PK-KQ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc càng trở nên quan trọng. Thời bình, bộ đội PK-KQ là một trong những lực lượng thường trực SSCĐ cao. Khi chiến tranh xảy ra lại là lực lượng đầu tiên trực tiếp đối chọi với cuộc tiến công hỏa lực đường không có sức tàn phá khốc liệt của kẻ thù. Vì vậy, yêu cầu xây dựng Quân chủng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; không ngừng nâng cao sức mạnh chiến đấu của bộ đội PK-KQ, luôn SSCĐ cao, kiên quyết không để Tổ quốc bị bất ngờ vì các tình huống trên không và thực sự là lực lượng nòng cốt trên mặt trận đối không, cùng toàn dân, toàn quân kịp thời đập tan mọi hoạt động xâm phạm độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ vững chắc bầu trời của Tổ quốc là rất cấp thiết.
Để đạt được những mục tiêu nêu trên, bộ đội PK-KQ phải tiếp tục phấn đấu, thực hiện đồng bộ các mặt công tác, mà trọng tâm là một số vấn đề chính sau:
Một là, đẩy mạnh công tác Đảng, công tác chính trị, không ngừng nâng cao nhận thức, xây dựng bản lĩnh chính trị, ý chí quyết tâm chiến đấu cao cho bộ đội PK-KQ. Thường xuyên tiến hành công tác giáo dục chính trị, tư tưởng làm cho bộ đội nắm vững quan điểm, đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng, nắm vững nhiệm vụ chính trị của Quân chủng, nhận thức rõ âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch trong chiến lược “diễn biến hòa bình”; những thuận lợi, khó khăn và tính chất ác liệt của chiến tranh sử dụng vũ khí công nghệ cao đối với bộ đội PK-KQ. Từ đó luôn đề cao cảnh giác, xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng, ý chí quyết tâm cao, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
 Tăng cường công tác xây dựng đảng, thường xuyên củng cố, kiện toàn các tổ chức đảng theo đúng nguyên tắc, điều lệ Đảng, phù hợp với việc chấn chỉnh tổ chức, biên chế và nhiệm vụ của Quân chủng. Bồi dưỡng và nâng cao năng lực lãnh đạo toàn diện của cấp ủy, thực sự là hạt nhân lãnh đạo, đoàn kết trong Đảng bộ và đơn vị. Phấn đấu hằng năm có trên 85% cấp ủy, chi bộ, tổ chức cơ sở đảng đạt trong sạch, vững mạnh; trên 85% đảng viên đủ tư cách, hoàn thành tốt nhiệm vụ; 100% đơn vị an toàn tuyệt đối về chính trị.
Thường xuyên quán triệt nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, của cấp trên; tiếp tục đổi mới hình thức, phương pháp, nâng cao hiệu quả công tác giáo dục chính trị cho các đối tượng. Kịp thời định hướng tư tưởng cho bộ đội trước những sự kiện và biến đổi lớn trong quan hệ quốc tế, khu vực và trong nước, tạo sự chuyển biến toàn diện, vững chắc về nhận thức tư tưởng, trách nhiệm chính trị và hành động cách mạng của bộ đội, không để bị bất ngờ về chính trị, tư tưởng trong các tình huống tác chiến.
Đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng chỉnh đốn Đảng, đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực; triển khai sâu, rộng Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trong bộ đội PK-KQ. Tích cực nêu gương người tốt, việc tốt; kiên quyết đấu tranh chống các quan điểm sai trái, các biểu hiện cơ hội, thực dụng, sa sút về ý chí, trách nhiệm, phẩm chất đạo đức và lối sống trong bộ đội. Đồng thời, các cơ quan, đơn vị cần nhạy bén nắm bắt tình hình tư tưởng, phát hiện và xử lý kịp thời tình huống xảy ra; xử lý nghiêm các vụ việc vi phạm kỷ luật; thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở; phát huy vai trò và hiệu quả hoạt động của các tổ chức quần chúng, các thiết chế văn hóa, phong trào thi đua Quyết thắng,… góp phần củng cố vững chắc trận địa tư tưởng của bộ đội PK-KQ.
Hai là, chú trọng nâng cao khả năng SSCĐ, chất lượng huấn luyện, đào tạo sát với yêu cầu, nhiệm vụ tác chiến, phù hợp với nghệ thuật tác chiến PK-KQ trong chiến tranh hiện đại. Các đơn vị cần thường xuyên rà soát, bổ sung, hoàn chỉnh hệ thống văn kiện tác chiến thống nhất trong toàn Quân chủng; kịp thời điều chỉnh các phương án tác chiến phù hợp với sự phát triển mới của thực tế. Chủ động nghiên cứu, dự báo, đánh giá đúng âm mưu, thủ đoạn  hoạt động của địch đối với nước ta trên từng hướng chiến lược, trên từng khu vực tác chiến. Thường xuyên theo dõi, nắm chắc tình hình trên không, trên biển, biên giới, nội địa; chủ động đề xuất, tham mưu cho cấp trên về tác chiến PK-KQ, có phương án xử lý chính xác các tình huống tác chiến có thể xảy ra, đặc biệt đối với các vùng trọng điểm.
Các lực lượng phải duy trì nghiêm chế độ trực SSCĐ ở các cấp. Chủ động điều chỉnh, tổ chức lực lượng trực hợp lý, đúng qui định. Tăng cường báo động kiểm tra, luyện tập theo các phương án cụ thể nhằm nâng cao khả năng xử lý các tình huống tác chiến của người chỉ huy, kíp trực SSCĐ. Xây dựng 100% phân đội trực SSCĐ đạt tiêu chuẩn “Phân đội trực ban khá”. Bảo đảm thông tin liên lạc vững chắc, bí mật, chính xác, kịp thời trong mọi tình huống. Tiếp tục củng cố, điều chỉnh và xây dựng các trạm ra đa, các đài quan sát phòng không, tạo thành hệ thống trường ra đa hoàn chỉnh, vững chắc, có chính diện, có chiều sâu, khép kín trên mọi độ cao, trên từng hướng chiến lược, trên từng khu vực tác chiến nhằm nâng cao khả năng quản lý vùng trời, quản lý bay và khả năng xử lý các tình huống tác chiến trên không. Với chức năng được giao, phối hợp cùng các cơ quan, đơn vị liên quan, nghiên cứu và tổ chức thế trận phòng không nhân dân, xây dựng lực lượng phòng không lục quân, phòng không dân quân, tự vệ theo hướng: mạnh, đều khắp, hợp lý.
Trong huấn luyện, các đơn vị cần thực hiện đúng kế hoạch đã được phê chuẩn. Trên cơ sở quán triệt, thực hiện tốt các phương châm, nguyên tắc, các mối kết hợp, các đơn vị cần chủ động lập kế hoạch, chuẩn bị tốt cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, giáo trình, giáo án, thao trường; tiếp tục đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp huấn luyện sát với tình huống, phương án tác chiến, đối tượng tác chiến, với tổ chức, biên chế, khả năng bảo đảm vũ khí, trang bị kỹ thuật (VKTBKT) và cách đánh của bộ đội PK-KQ. Xuất phát từ các đặc điểm của chiến tranh hiện đại  sử dụng vũ khí công nghệ cao, trong huấn luyện cần chú trọng huấn luyện đêm, huấn luyện cơ động phòng tránh, đánh trả, huấn luyện đối với các lực lượng mũi nhọn của Quân chủng. Đồng thời, chú trọng huấn luyện, bồi dưỡng chuyên môn kỹ thuật và chuyên môn nghiệp vụ cho bộ đội, nhất là ở các đơn vị cơ sở; nâng cao chất lượng huấn luyện đội ngũ cán bộ chủ trì các cấp, kỹ thuật viên, nhân viên chuyên môn và các kíp chiến đấu để nhanh chóng làm chủ các loại VKTBKT mới, hiện đại. Đối với bộ đội không quân lấy chất lượng, tiến độ, an toàn là chính; chú trọng huấn luyện ứng dụng chiến đấu, đánh các mục tiêu khác nhau; cơ động chuyển sân bay… Đối với bộ đội phòng không lấy huấn luyện cán bộ, kíp chiến đấu sở chỉ huy, kíp chiến đấu phân đội làm trung tâm. Chú trọng huấn luyện chiến thuật phân đội, kíp chiến đấu sở chỉ huy, huấn luyện triển khai, thu hồi nhanh vũ khí, khí tài, huấn luyện đêm. Không ngừng nâng cao khả năng xử lý tình huống tác chiến, bản lĩnh người chỉ huy, kỹ thuật, chiến thuật của bộ đội, khả năng cơ động lực lượng tác chiến…; xử lý tốt, linh hoạt, kịp thời, đúng quy định các tình huống tác chiến thông thường và tương đối phức tạp.
Về lâu dài, cần quan tâm đổi mới công tác đào tạo cán bộ, nhân viên kỹ thuật và xây dựng nhà trường chính quy đã được xác định trong các nghị quyết, chỉ thị của Đảng ủy Quân sự Trung ương và Bộ Quốc phòng phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của bộ đội PK-KQ. Trước mắt, cần tập trung hoàn thiện quy trình, chuẩn hóa chương trình, nội dung đào tạo sĩ quan bậc đại học, cao đẳng, trung cấp và chuyên môn kỹ thuật tại các trường, trung tâm huấn luyện, sát với yêu cầu đào tạo của từng cấp học, bậc học, ngành học. Hoàn thành quy trình đào tạo, thực hành bay cho học viên trên các loại máy bay mới; nâng cao chất lượng phi công ra trường cả về trình độ kỹ, chiến thuật lẫn khả năng xử lý tình huống đột xuất.
Tiếp tục kiện toàn và phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đủ số lượng, có cơ cấu hợp lý, chuẩn hóa về trình độ học vấn, năng lực sư phạm và kinh nghiệm thực tiễn. Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ dạy và học.
Ba là, phải quan tâm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kỹ thuật, bảo đảm VKTBKT. VKTBKT của bộ đội PK-KQ hiện nay phần lớn đã qua sử dụng nhiều năm, tính đồng bộ thấp; trong khi đó, khả năng bảo đảm về vật tư, xăng dầu, ngân sách còn hạn hẹp. Vì vậy, trong khả năng cho phép, bên cạnh việc mua mới một số VKTBKT hiện đại, bộ đội PK-KQ phải tăng cường quản lý, khai thác có hiệu quả VKTBKT hiện có; từng bước cải tiến, đổi mới một số loại theo hướng tự hành tương đối hiện đại và hiện đại, đáp ứng yêu cầu tác chiến trong điều kiện mới.
Các đơn vị cần duy trì nghiêm các chế độ, nền nếp công tác kỹ thuật. Chủ động hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo quản, bảo dưỡng, niêm cất các loại VKTBKT đúng quy trình, quy định, không để xảy ra cháy nổ, mất mát, hư hỏng, xuống cấp, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho vũ khí, trang bị và kho tàng.
Tập trung đầu tư có trọng điểm một số nhà máy nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động và bảo đảm chất lượng sản phẩm ổn định. Chủ động khai thác nguồn vật tư, đổi mới phương thức quản lý, tổ chức sản xuất, đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật để thực hiện kế hoạch sửa chữa, sản xuất đã đề ra. Mở rộng thông tin, đẩy mạnh liên kết giữa các nhà khoa học, viện nghiên cứu, giữa các nhà máy, đơn vị trong và ngoài quân đội, trước hết là trong Quân chủng để tạo bước đột phá trong sản xuất, cải tiến, phục hồi, sửa chữa, chế tạo một số loại VKTBKT.
Tiếp tục đưa cuộc vận động “Quản lý, khai thác vũ khí, trang bị kỹ thuật tốt, bền, an toàn, tiết kiệm và An toàn giao thông” đi vào chiều sâu và có hiệu quả. Chú trọng bảo đảm an toàn trong huấn luyện, nhất là an toàn bay và an toàn giao thông đường bộ. Tăng cường công  tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát, phấn đấu giảm thấp nhất các vụ tai nạn giao thông, các vụ việc nghiêm trọng.
Tập trung có trọng tâm, trọng điểm để không ngừng nâng cao sức mạnh chiến đấu của các lực lượng sẽ góp phần quan trọng để bộ đội PK-KQ luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ chính trị được giao, cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Thiếu tướng Lê Hữu Đức
Tư lệnh Quân chủng
 

Ý kiến bạn đọc (0)